Chỉ dẫn cho trẻ cách đặt mình vào vị trí của người khác, nhưng người lớn cũng phải học cách đặt mình vào vị trí của trẻ nữa. Lại chia sẻ với mọi người một câu chuyện.
Từ hồi về đến giờ, mình dù rất bận cũng cố gắng dành thời gian tuần ít nhất một lần đưa Nhím lên phòng đọc thiếu nhi của thư viện Hà Nội. Nghỉ hè, hai dì cháu thường lên tuần hai lần. Mỗi lần như thế là đi tong cả buổi chiều của mình, vì phải đi từ nhà chồng sang nhà Nhím, rồi đưa Nhím lên thư viện, đưa về, cuối cùng lại về nhà chồng.
Lúc mới đầu còn trong năm học, phòng thiếu nhi vắng, mình cũng lang thang trong đó, vừa đọc sách cùng Nhím vừa luyện cho Nhím việc nói chuyện với cô thủ thư, hay để ý quan sát khu nào phải bỏ dép, khu nào có thể nằm lăn ra sàn. Vào hè, phòng đọc rất đông, người lớn không được vào nữa vì phải dành chỗ cho các bạn nhỏ. Mình cũng tự tin là Nhím đã quen với việc ngồi đọc sách ở đây mà không cần có người lớn bên cạnh.
Hôm đó mình có việc cần làm gấp, nên mang máy tính theo, sang phòng đọc người lớn bên cạnh làm việc, để cô cháu ngồi trong phòng thiếu nhi một mình, dặn là tìm hai quyển truyện tiếng Anh mỏng để mượn về nhà dì đọc cho, rồi 4 rưỡi dì sẽ sang gọi. Đúng 4 rưỡi, mình đi ra, thì thấy nàng đã đứng ở cửa từ bao giờ.
Mình: (rất sửng sốt): Ơ, con ra đây từ bao giờ thế này?
Nhím: Ra lâu rồi ạ.
Mình: Sao lại ra đây, sao không ngồi trong kia đọc sách?
Nhím: không nói gì
Mình: Nhím không thích đọc sách à? Sao lại thế?
Nhím: không nói gì
Mình vừa thất vọng, vừa bực bội, trong đầu quay mòng mòng những ý nghĩ rằng mình đã mất công thế này, mà cuối cùng nó cũng chẳng thích đọc sách, lại ra ngoài hành lang đứng. Vừa đi từ tầng 4 xuống hầm để xe, mình vừa càm ràm về việc dì mất thời gian như thế nào, rồi nếu con không thích đọc sách thì dì sẽ không đưa đi nữa. Vừa nói, trong đầu mình vừa quay cuồng các từ khóa lát về nhà phải tìm trên google “làm sao để dạy trẻ yêu sách, đọc sách”. Mình cứ nghĩ rằng việc mình chịu khó đưa Nhím đi thư viện, đọc sách cùng, mua sách cho, đã phần nào nhen nhóm trong cô nàng niềm yêu thích với sách.
Trong suốt quá trình hỏi đấy, thì mình vẫn không có câu trả lời thỏa đáng nào từ cô cháu 8 tuổi.
Lúc đến hầm, chuẩn bị leo lên xe, mình lại hỏi, không biết là lần thứ mấy:
Mình: Thế tóm lại vấn đề ở đây là gì?
Nhím: Chẳng có vấn đề gì cả
Mình: Thế tại sao con lại ra ngoài đứng?
Nhím: Bình thường. Nhím không biết.
Mình: Sao Nhím không ngồi trong phòng đọc sách? Dì dặn là 4 rưỡi mới ra cơ mà?
Rồi mình im lặng đứng cạnh cái xe máy, đợi câu trả lời, không tiếp tục vừa đi vừa lèo nhèo nữa. Mình chắc mẩm rằng chắc Nhím đã chán đọc sách, và chán quá nên không muốn ở trong đó nữa, ra ngoài hành lang đứng. Nhím nhìn mình. Sự im lặng dần trở nên ngột ngạt. Trong tầng hầm của thư viện, hai dì cháu đã đội mũ bảo hiểm, mặc áo chống nắng. Nhưng mình không đi nữa. Vấn đề ở đây là gì?
Nhím: Tại vì Nhím sợ dì chờ lâu. Nàng ấp úng bật ra.
Mình: Hả?
Nhím: Tại vì ý, tại vì Nhím tìm 2 quyển sách xong thấy rất lâu, mãi mới tìm được, nên Nhím sợ dì chờ.
Mình: Trong đấy không có đồng hồ hả? Sao con không hỏi cô thủ thư?
Nhím: Im lặng
Thế là mình vừa trào lên cảm giác hối hận, vừa mừng vì mình đã im lặng đủ lâu đợi câu trả lời. Lý do đơn giản là một cô bé rất biết nghĩ đến người khác, cộng với chưa biết xem đồng hồ, cộng với nhút nhát chưa dám ra hỏi giờ cô thủ thư. Không biết Nhím đã đợi mình bao lâu, nhưng không hề trách sao dì mãi không ra. Còn mình thì trong khi quay cuồng vì thất vọng là công sức của mình không được đền đáp, đứa trẻ không mê đọc sách đến quên cả giờ giấc như mình kỳ vọng, thì đã gán điều mình nghĩ cho hành động của nó.
Trên đường về, mình nhớ lại lần lên thư viện trước, khi mình bảo đi về thôi, Nhím mới chạy tìm 2 quyển sách để mượn mang về nhà. Cô thủ thư thấy thế thì bảo, lần sau con tìm 2 quyển để mượn về rồi hãy ra đọc sách, thì khi nào cần về là đi luôn, dì khỏi phải chờ. Mình không để tâm, nhưng có lẽ Nhím nhớ câu dặn đó.
Biết bao nhiêu lần, cứ tưởng mình là người lớn thì mình biết rõ đứa trẻ nghĩ gì. Bao nhiêu lần vì chính những suy diễn của bản thân mà gán cho đứa trẻ những suy nghĩ không phải của nó. Càng lớn lên, thì trẻ sẽ càng có nhiều suy nghĩ độc lập. Chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng cũng là một lần để tự nhắc bản thân, đặt mình vào vị trí của trẻ nhỏ thật không phải dễ.
Có bao nhiêu ông bố bà mẹ áp đặt suy nghĩ và mong muốn của mình lên cho con? Bố thích làm bác sĩ, vậy nên con cũng phải thích làm bác sĩ. Mẹ thích làm ngân hàng, vậy nên con cũng phải ngân hàng mà thẳng tiến. Mình chỉ làm cho Nhím một chút, mà trong chốc lát đã đắm chìm trong sự thất vọng đến nỗi không còn nghĩ được đến khả năng nào khác. Kì vọng và vì thế, thất vọng, của những ông bố bà mẹ dành bao tâm sức để nuôi con thì phải lớn như thế nào?
Không có ai kiên nhẫn, lắng nghe, dịu dàng vô đối mọi lúc mọi nơi. Nhưng ai cũng có thể tự nhắc mình nhìn sự việc từ góc độ của trẻ, tự cho mình một phút im lặng để đợi câu trả lời từ con. Câu trả lời đó có thể rất khác với những suy tưởng của bạn. Trong trường hợp của mình là như thế.
Leave a Reply