
Hình ảnh này mình chụp trong một căn phòng được xây để mô phỏng một nhà thờ Cơ Đốc Giáo, trên đỉnh núi của khu vui chơi Bà Nà. Ở vị trí đáng lẽ là cây thánh giá, thì chễm chệ miếng khắc thương hiệu Bà Nà Hills. Lúc đó là giữa trưa nắng mà mình ớn lạnh sống lưng. Sự kinh tởm dâng lên nghẹn cổ. Người ta đã biến những biểu tượng thiêng liêng tôn giáo thành mặt hàng để kinh doanh, hay đã tôn sùng chủ nghĩa tiêu dùng đến mức nâng nó lên thành ngang hàng với tôn giáo?
Cả tổ hợp giải trí này là một theme park, tức là nó cho người ta đắm chìm trong những mộng mơ (fantasy). Ảo vọng không chỉ ở trong tòa lâu đài bê tông xanh đỏ có cao bồi, khủng long, và đèn điện lập lóe, mà còn ở bờ tường, bồn hoa của cả khu vực được xây phỏng theo một góc phố Pháp. Biển đường tên St. Denis, chợ trung cổ, nhà thờ, những người hát dạo bên vỉa hè, những quán cà phê có giỏ hoa treo lủng lẳng. Mình nhìn những người xung quanh, ai cũng bận rộn bấm máy, tạo dáng. Một ông bố hớt hải chạy lại để chỉnh chân con gái đứng túm váy cạnh tượng cậu bé cầm chim. Những cô gái trẻ vừa chụp cho nhau vừa cười rinh rích. Không ai nhìn thấy ai. Họ uốn éo, mỉm cười, ngoắc tay, gậy tự sướng được giơ lên khắp nơi, như trong cơn mộng du, hòng tạo ra những kí ức. Giấc mơ châu Âu của những người không thể đặt chân đến châu lục này, hay là mong ước sâu thẳm được giống người Pháp tại mẫu quốc của những con dân xứ thuộc địa?
Rừng trên núi bị đốn. Doanh nghiệp tiếp tục xây lên những bức tượng Phật thật to. Đám đông dân chúng nhẫn nại xếp hàng, cắn răng trả tiền vé đắt cắt cổ để được đi cáp treo, để được “lên tiên cảnh”. Một tổ hợp du lịch với những địa điểm theo khuôn mẫu tiếp tục bành trướng. Người già có chùa, trẻ con có điện tử xèng, các ông bố chơi golf, các bà mẹ massage chân, vậy là nhu cầu của ai cũng được đáp ứng.
McDonalization là một khái niệm do nhà xã hội học George Ritzer đưa ra năm 1993, để miêu tả quy trình chuẩn hóa trong xã hội hiện đại. Một bữa ăn của McDonald ở bất cứ nơi đâu cũng giống nhau (predictability), được làm theo cùng một quy trình (standardization), và nhằm đạt được tối đa lợi nhuận với tối thiểu chi phí về nhân lực và thời gian (profitability). Bà Nà hills thực sự là một ví dụ minh họa rõ nét về văn hóa “đồ ăn nhanh”, mà lại được người Việt Nam đón chào nồng nhiệt.
Phần lớn khách du lịch có tâm lý “phải đến cho biết, chỉ có một lần”. Họ ngoan ngoãn làm đám cừu chịu móc túi để được tạo dáng trước những lâu đài giả tạo, để có cái về kể với bạn bè, để có những tấm ảnh cưới với phông nền “đẹp như châu Âu” lưu làm kỉ niệm.
Rừng tiếp tục bị phá để doanh nghiệp xây thêm sân golf (thật là thượng lưu!), xây thêm lâu đài (thật là vương giả!). Những cái tặc lưỡi “đi một lần cho biết” của hàng triệu con người sẽ tiếp tục đẩy bánh xe của guồng quay tiêu dùng, nơi mặt hàng là những trải nghiệm, và bánh xe đó sẽ nghiến nát thiên nhiên.
Leave a Reply