Thành phố Montreal sẽ xây một công viên trong đô thị lớn nhất Canada, và lớn gấp 8 lần công viên Central Park của New York.
Nhưng quỹ đất này, từ rất lâu, đã được quy hoạch để xây 5500 chung cư cao cấp. Vậy là thị trưởng thành phố phải “đấu tranh” với các chủ đầu tư, với lợi ích của khối tư nhân, với việc sẽ mất đi một khoản thuế tiềm năng kha khá từ những dự án kinh tế. Không những thế, thành phố còn phải kêu gọi vốn từ trung ương và từ tỉnh, để có tiền mua lại chỗ đất này.
Bước đầu, thủ tướng Trudeau đã hứa sẽ cho Montreal 50 triệu đô.
————————————————————————
Từ hồi có con, mình nghĩ nhiều hơn về không gian công cộng. Ngày xưa, khi chỉ có hai vợ chồng, muốn ra ngoài chơi là nhảy lên xe máy đi khắp nơi. Ăn bún riêu vỉa hè, ngồi cái ghế thấp tè, kê bát bún lên đầu gối, mặt sát gần cái thùng rác nhặng bay vo ve, cũng chẳng sao. Đi xem phim trong rạp, điều hòa lạnh run, ngắm các em gái ăn mặc váy ngắn quần sooc siêu ngắn, cũng chẳng sao. Mình thường chỉ chọn những chỗ hạn chế tối đa khói thuốc, còn lại không có đòi hỏi gì nhiều.
Nhưng có con rồi, đi đâu đều phải tìm hiểu kĩ. Ở Hà Nội, một bước ra đường là gọi taxi. Thỉnh thoảng, cần đi vào giờ tan tầm, giá Grab quá đắt, nhà lại ở phố cấm taxi một chiều, thì mới đành địu con, rồi cả nhà đeo khẩu trang, nai nịt gọn gàng, phi xe máy với tốc độ chậm hơn rùa bò. Nếu ra hàng quán, thì phải không hút thuốc, không quá ồn mà cũng không quá yên tĩnh, lý tưởng hơn nữa là có chỗ để em bé bò và chạy nhảy.
Mình khá may mắn là nhà chồng ở gần công viên Thống Nhất, lại thông với hồ Văn Chương qua đường ngõ. Chiều chiều, có thể cho con đi quanh hồ. Nhưng từ công viên về nhà thường đúng vào giờ tan tầm, nhiều khi đi bộ được 45 phút thì cũng phải hít khói bụi trên xe máy mất 45 phút mới về đến nhà. Hồ Văn Chương thì không cần phải ra đường lớn, mẹ con đi bộ trong ngõ nhỏ cũng đến nơi, nhưng cũng toàn phải đi xuống lòng đường. Có một khoảnh đất be bé, có mấy con thú và cầu trượt để trẻ con chơi, thì các cụ bà ngồi buôn chuyện, các cụ ông ngồi đánh cờ, các bác trung niên thì câu cá, không những thế, còn đầy phân chó và rác vứt ra không ai dọn.
Mình cũng tìm đọc rất nhiều bài tổng hợp các địa chỉ phù hợp với trẻ con ở Hà Nội. Đưa Cơm đến chơi được vài nơi, thì chỗ nào cũng là không gian trong nhà, điều hòa và mất tiền. Nhưng điều tệ hơn là không phải chỗ nào cũng đủ sạch và rộng cho một em bé di chuyển bằng tứ chi, thường xuyên cho tay vào miệng. Đã thế, nhạc còn quá ồn, quá mạnh, màu sắc cũng quá rực rỡ. Tưởng là cho con đi chơi, nhưng cuối cùng mẹ toàn phải chạy theo con sợ bị các anh chị lớn xô vào hoặc dẫm lên người.
Còn những không gian ngoài trời thì thường phải đi xa. Ecopark, bãi giữa sông Hồng, hay bờ đê Vĩnh Tuy, đều phù hợp hơn với các bạn lớn, ít nhất phải biết chạy rồi. Thuê hẳn resort nhà vườn để đi nghỉ dưỡng vài ngày cũng là một lựa chọn, nhưng lại tốn kém, và lúc đó mình chẳng có bạn bè nào chung hoàn cảnh có con nhỏ muốn đi cùng. Bạn chồng thì hoàn toàn không hứng thú mỗi lần mình gợi ý, có lẽ nhu cầu thay đổi không khí và ngưỡng chịu đựng sự bức bí của bạn ý khác mình.
Trẻ con ở Hà Nội khổ. Lúc nào cũng thiếu không gian. Lúc nào cũng bí bách, chật chội, đông đúc.
————————————————————————
Ở Montreal, trong khoảng 10 phút đi bộ từ nhà mình đang thuê có đến 5-6 công viên nho nhỏ. Công viên nào cũng có khu vực chơi cho trẻ từ 2-5 tuổi riêng, và khu vực cho trẻ từ 5 tuổi trở lên riêng. Có đến 4 công viên trong số đó có khu chơi với nước, là các vòi nước phun lên đủ kiểu, hoặc một bể vầy trẻ con đủ nông (chỗ sâu nhất Cơm đứng đến bụng).
Có lần cho Cơm ra bể, thấy một cô nhân viên ngồi canh, thỉnh thoảng ra nhắc nhở bọn trẻ con. Khoảng 11 giờ trưa, cô đuổi hết bọn trẻ con lên bờ, một cô khác đi rải clo vào nước. Xong xuôi, cô lấy mẫu nước để thử ngay tại chỗ. An toàn rồi lại bảo mọi người xuống bể chơi tiếp. Ngồi xem mà thấy xúc động ghê.
Trong khoảng 20 phút đi bộ từ nhà mình thì có một công viên to, trong công viên có cả bể bơi cho trẻ con riêng và bể bơi cho người lớn riêng. Tất cả đều miễn phí.
Mùa hè, cứ đi qua công viên vào buổi sáng sẽ thấy bọn trẻ mặc áo đỏ áo vàng từ các trường mẫu giáo lớn nhỏ ùa ra chơi. Cũng như ở Hà Nội cứ gần bệnh viện thì có nhà trọ, ở Montreal cứ gần công viên thì có trường mẫu giáo. Bọn trẻ con nghịch cát, chơi cầu trượt, vầy nước, nói cười chí chóe như bầy chim. Xong xuôi, gần đến giờ ăn trưa, các cô lại dắt về.
————————————————————————
Anh Đạt, người bao nhiêu năm nay tâm huyết với việc xây sân chơi cho trẻ con ở Việt Nam, có viết đại ý rằng, quy hoạch thành phố phải lấy đứa trẻ làm đơn vị nhỏ nhất. Ở Montreal, mình thấy điều đó được thực thi. Cơm 22 tháng tuổi, có thể đi bộ cùng bố mẹ đến hầu hết những địa điểm quen thuộc mỗi ngày. Trường mẫu giáo của Cơm cách nhà 300m. Sáng sáng, Cơm đến trường, nhớ hết từng góc phố trên con đường đi học. Đến cái cây đang ra quả, Cơm đứng lại bảo “quả, quả”. Đến ngã tư, Cơm dừng lại để bố bế qua đường. Đến góc phố có công viên mà trong công viên có một khu vực rào riêng để chó chạy, Cơm bảo “chó, chó”. Đến cửa hàng mà hai mẹ con mua cốc uống nước cho Cơm, Cơm bảo “cốc, cốc”.
Vỉa hè ở Montreal luôn đủ rộng và luôn có đường dốc để dễ dàng đẩy xe. Hồi tháng 3 đi Quy Nhơn, thành phố trẻ, nhiều khu mới tinh, đường còn đang làm và vỉa hè đang lát, mà mình cũng không thấy có đoạn dốc, chứng tỏ không thể đổ lỗi là đường đã làm lâu nên không có trong tính toán. Hoạt động giải tỏa năng lượng của Cơm nhiều khi chỉ là chạy tung tăng trên vỉa hè, sờ vào bông hoa này một tí, đứng lại xem con sóc leo cây một tí. Được luyện tập thường xuyên, Cơm đã có thể đi bộ 2km mà không hề hấn gì.
————————————————————————
Trẻ con, cũng như không gian công cộng, đều cần được bảo vệ. Trẻ con thì yếu ớt mỏng manh, còn không gian công cộng thì thường bị tranh giành giữa các lợi ích. Mình nghe đài ở Montreal, thấy thành phố quy hoạch thêm làn cho người đi xe đạp thì người đi ô tô kêu ca là bị mất chỗ đỗ xe, không tiện đi mua sắm. Các bài báo đưa tin về dự án xây công viên mình nói ở trên, cũng có nhiều người bình luận họ thà có thêm nhà ở, để giá nhà không tăng cao. Chưa kể các công ty đã bỏ tiền để chuẩn bị xây chung cư ở khu đất đấy cũng sẽ “vùng vẫy” hết sức của họ để không mất lợi nhuận.
Một lập luận của thị trưởng Montreal là vùng đất này dễ bị ngập úng, và việc quy hoạch thành công viên thay vì chung cư sẽ bảo vệ thảm động thực vật đa dạng ở đây, là một nỗ lực để giảm thiểu biến đổi khí hậu. Giữa những tin tức về rừng Amazon bị cháy (do con người đốt và một tên tổng thống vừa ngu dốt vừa ngạo mạn), về nhà máy bị cháy làm thủy ngân độc hại thoát vào không khí (do doanh nghiệp không có các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa đúng đắn, do chính quyền không đặt sức khỏe của người dân và môi trường làm ưu tiên), thôi thì đành chia sẻ một tin tốt thế này làm một điểm sáng lấp lóe trong đêm tối bão bùng.
Mình là một cư dân mới ở Montreal, chưa sở hữu nhà, cũng lo giá nhà sẽ tăng cao, nhưng những nỗ lực cho không gian công cộng của thành phố này khiến mình thật sự xúc động. Mà có lẽ khi có con người ta dễ xúc động hơn chăng?
Link các tin được nhắc đến trong bài:
https://www.mtlblog.com/…/the-largest-park-in-canada-montre…
Leave a Reply