Thỉnh thoảng lại gặp những người phụ nữ mà cuộc đời của họ thật buồn. Chị bị chồng đánh tơi bời. Đứa con gái gọi cảnh sát. Cảnh sát đến, lúc đấy lịch sử đánh đập bạo hành bao nhiêu năm mới được lôi ra ánh sáng. Tòa án ra một lệnh bảo vệ khẩn cấp, có hạn trong một năm, tức là người chồng không được lại gần vợ con, nếu đến gần thì vợ có thể gọi cảnh sát đến bắt đi luôn. Nhưng chưa được bao lâu thì chị vợ muốn xin tòa hủy lệnh đó đi.
Trước khi phiên tòa bắt đầu, luật sư và nhân viên của tổ chức hỗ trợ pháp lý gọi chị vào phòng riêng nói chuyện. Họ hỏi lý do tại sao chị lại muốn hủy lệnh bảo vệ này. Chị nói, vì trong nhà không có người đàn ông, đêm ngủ chị nghĩ vẩn vơ, cảm thấy rất sợ. Cô luật sư hỏi: “Chị sợ những cái vẩn vơ hơn cả lo cho sự an toàn của mình?” Chị lại nói, các con nhớ bố. Cô luật sư bảo: “Bên tổ chức bảo vệ trẻ em chắc chắn sẽ đến điều tra. Lớn lên trong cảnh bạo lực như thế rất có hại cho trẻ. Nếu cảm thấy không an toàn, có thể họ sẽ đưa bọn trẻ con đi, nếu chị cứ khăng khăng muốn chồng quay lại khi anh ấy chưa chứng minh được mình sẽ thay đổi.” Chị lại nói, tôi không biết lái xe, cần làm gì cũng bất tiện. Và tôi không đi làm, chỉ ở nhà trông con, hóa đơn các thứ giờ rất nhiều, không có tiền trả. Cô luật sư vẫn cố gắng thuyết phục “Có rất nhiều sự giúp đỡ cho chị, cho các con. Nếu chị không nghĩ cho bản thân mình thì hãy nghĩ cho các con. Với những gì chúng tôi biết, chồng chị sẽ không dễ dàng thay đổi, trừ khi anh ấy được giúp đỡ của những người có chuyên môn.” Chị vẫn không đổi ý.
Mọi nét của một người phụ nữ bị bạo hành nhiều năm chị đều có. Chị mảnh mai như tơ liễu, gió thổi là bay. Chị nói lí nhí, giọng nhẹ như hơi thở, lúc đầu mới nghe mình phải hỏi lại mấy lần mới hiểu chị đang nói gì. Đến cái lắc đầu cũng không rõ rệt dứt khoát. Mặt xương xương, hai mắt trũng sâu, thâm quầng tím tái. Chị ngồi ở hành lang, mặt mày sợ sệt, cũng không dám ngồi hẳn hoi vững chãi, mà đặt mông hờ hờ lên rìa ghế. Khi được hỏi về những lần bị bóp cổ suýt chết, chị cười gượng, môi run run, mặt hơi nhăn lại như bị kí ức làm đau.
Luật sư hỏi chị một loạt các câu để xác định xem khả năng chị bị giết nếu chồng quay lại có cao không. “Chồng đã bao giờ dùng vũ khí để bạo hạnh chị chưa?” – “Có một lần hồi mang bầu, anh ấy ném chai bia vào chị, nhưng chị né được. Nhưng cũng là tại chị nói xúc phạm đến anh ấy.” Giống như những người phụ nữ bị đánh lâu năm, chị luôn tự đổ lỗi cho mình. Anh ấy giận là tại mình hôm đó nấu món canh hơn mặn. Anh ấy đánh là vì chiều đó mình đón con về hơi muộn. Lúc cuối, cô luật sư níu chị lại, rất xót xa dặn dò “Bất cứ khi nào chị đổi ý, thì hãy quay lại đây, đừng ngại”. Cũng y hệt như những người chịu bị đánh nhiều năm, chị luôn nuôi hi vọng đau đớn lần này của mình sẽ là lần cuối cùng. Chị lại cười nhẹ, bảo “Coi như cho cơ hội cuối cùng” Mình và cô luật sư nhìn nhau, chắc chắn chị đã nghĩ như vậy rất nhiều lần trong suốt cuộc hôn nhân này.
Nhiều người hay tự hỏi, những người bị đánh, tại sao họ không bỏ đi? Tại sao họ có thể chịu ở với kẻ hành hạ mình cả về thể xác lẫn tinh thần? Câu trả lời không hề đơn giản. Không phải gói gọn trong những yếu tố về học vấn, hi sinh vì con, giữ thể diện cho gia đình. Leslie Morgan Steiner là nhà văn, tốt nghiệp Harvard, có bằng MBA danh giá, rất thành công trong sự nghiệp, cũng nhiều năm bị chồng đánh đập. Trong bài nói chuyện TedTalk của mình, cô giải thích những lý do khiến nạn nhân của bạo hành gia đình chịu đựng (link ở dưới). Họ bị phụ thuộc về mặt tâm lý. Họ nuôi hi vọng là người kia sẽ thay đổi. Họ tự đổ lỗi cho bản thân, và tin rằng nếu mình cư xử tốt hơn, mình sẽ không bị đánh. Thậm chí họ còn thấy day dứt, rằng nếu mình rời bỏ người kia, thì kẻ đánh mình sẽ không có ai yêu, sẽ mất hết hi vọng trong cuộc đời, sẽ mãi mãi không thể tốt lên được.
Trong một khóa tập huấn tình nguyện viên cho tổ chức hỗ trợ phụ nữ bị bạo hành tình dục, mình có được nghe thông tin rằng, một người phụ nữ bị bạo hành phải mất rất nhiều thời gian để quyết định rời bỏ. Kể cả khi họ nhận thức được hoàn cảnh của mình, thì cũng phải mất nhiều lần vạch kế hoạch, tập dượt trong đầu, nhiều lần gặp gỡ những người ủng hộ họ, nhiều lần đắn đo, và rất nhiều dũng cảm, họ mới dám thực hiện việc đó. Giống như con vật bị nhốt trong chuồng lâu, tự do bên ngoài cùng với những điều chưa biết trước với họ còn đáng sợ hơn là sự cầm tù quen thuộc. Bị đánh, cũng là một điều quen thuộc.
Chị bị phụ thuộc vào người chồng về tài chính, về việc đi lại, về ngôn ngữ, về tâm lý. Sự hiện diện của anh chồng trong nhà, dù đáng sợ, vẫn dễ chịu với chị hơn là việc chị phải ở một mình. Chị không có người bạn nào. Chị không đi đâu mà không có chồng đi cùng. Mình cho chị số điện thoại, bảo khi nào cần gọi cho ai mà không nói được tiếng Anh thì cứ gọi cho em. Chị không có điện thoại di động, nguệch ngoạc chép số vào một tờ giấy chi chit chữ, cố tình không ghi tên mình, chỉ khoanh tròn ba số đầu, có lẽ là cách riêng của chị để đánh dấu nhưng không có bằng chứng để chồng vặn vẹo. Ngay cả khi mình đọc số để chi ghi, chị cũng viết giấu diếm, lấy cái túi để che, thì thào với mình “Sợ ổng nhìn thấy”.
Thẩm phán nghe luật sư trình bày vụ việc của chị, chỉ hỏi đúng một câu “Chị có biết mình đang làm gì không?” (Do you know what you’re doing?) Mình dịch lại, chị gật đầu khe khẽ. Rồi thẩm phán duyệt cho chị bãi bỏ lệnh bảo vệ. Ra ngoài, chị hỏi mình, ông đó hỏi chị vậy nghĩa là sao. Mình bảo, nghĩa là với lịch sử chồng chị đánh như vậy, mà chị vẫn muốn anh ấy quay lại, thì chị biết hậu quả, chị chấp nhận nếu có việc gì xảy ra. Chị nghe xong chẳng phản ứng gì, quay qua hỏi luật sư “Khi nào chồng tôi được về nhà?”
Hệ thống luật pháp ở Canada, dù có rất nhiều cơ chế để bảo vệ trẻ em, phụ nữ, và những người yếu thế, nhưng lại hoàn toàn tôn trọng quyền tự quyết của cá nhân. Chị cứ thắc mắc với mình, sao tòa xử nhanh quá ha, chị tưởng còn phải trình bày này nọ. Mình bảo, chị là nạn nhân, cái lệnh đó chỉ là để bảo vệ cho chị, chị không muốn được bảo vệ nữa thì họ làm theo ý muốn của chị thôi. Không những luật pháp tôn trọng quyền tự quyết cá nhân, mà cả các tổ chức hỗ trợ phụ nữ cũng tôn trọng. Nếu một người phụ nữ quyết ở lại trong cuộc hôn nhân bị bạo hành của mình, họ không thể làm gì cho người đó. Ngoại lệ duy nhất là trẻ em. Tổ chức bảo vệ trẻ em thì có quyền đưa đứa trẻ ra một khỏi gia đình không an toàn, bất chấp ý muốn của bố mẹ hay bản thân đứa trẻ đó.
Là một người dịch, mình phải giữ vị trí trung gian, công tâm, không được đưa ra ý kiến cá nhân. Nhưng là một người phụ nữ và yêu phụ nữ, mình muốn sôi hết cả ruột gan trong một giờ ngắn ngủi cùng chị ở tòa. Mình vội về Cơm sốt ở nhà, không làm được gì nhiều cho chị ngoài lời dặn, có gì cần gọi cho ai mà không nói được tiếng Anh thì cứ gọi em.
Một lần nữa, cảm thấy thấm thía sự phức tạp của những bất hạnh. Và tự dặn lòng hãy bớt phán xét, vì mình không phải là người ta.
https://www.ted.com/…/leslie_morgan_steiner_why_domestic_vi…
Leave a Reply