Phải đến khi sống ở Canada mình mới thấm thía câu hát của Green Day
Summer has come and gone
The innocence can never last
Wake me up when September ends
Vừa hết tháng 8, trong những cuộc nói chuyện phiếm ở thang máy, người ta thảng thốt: “Trời ơi, mùa hè rực rỡ (gorgeous summer) đã qua mất rồi! Thật không thể tin được”. Đến giữa tháng 9, những câu chuyện tầm phào để lấp khoảng im lặng chuyển sang chủ đề năm nay khi nào tuyết sẽ rơi, năm ngoái năm kia có tuyết nhiều hay ít. Mới vài tuần trước, người ta còn mặc áo ngắn, váy vóc, xăng đan, tung tăng dưới nắng. Bây giờ ngoài đường ai cũng áo khoác dày, mũ len, đi bốt, không còn tung tăng nữa mà cắm cúi bước đi thật nhanh trong gió. Tháng 9 đánh dấu một bước chuyển thời gian từ mùa hè tươi đẹp ngắn ngủi sang mùa đông lê thê u ám, vì thế, quãng thời gian này thường đi kèm cảm giác nuối tiếc, buồn buồn.
Ngoài nỗi lo về thời tiết, thì có lẽ thứ choán hết tâm trí của những người chuẩn bị sang Canada là nỗi lo về công việc. Những chuyện bác sĩ đi lái taxi, hiệu trưởng trường đại học đi làm cô giáo mầm non, kĩ sư máy bay đi quét dọn nhà hàng, giám đốc ngân hàng đi cắt thịt, nhan nhản khắp nơi. Đọc ở đây sẽ thấy, kể cả những người có bằng cấp cao từ các nước như Anh, với hơn chục năm kinh nghiệm làm việc ở châu Âu, khi sang Canada cũng không thuận lợi hơn. Gửi đi hàng trăm đơn xin việc, cuối cùng công việc duy nhất nhận được là ở trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại.
Có hai trường hợp xấu có thể xảy ra. Một là người chỉ muốn làm công việc ở mức độ tương đương với việc cũ trước khi sang Canada, nhưng sau vài năm vẫn không thể tìm được, cuối cùng tiêu hết số tiền mang theo. Đặc biệt những gia đình có con nhỏ, thì dù có bán nhà ở Việt Nam để mang tiền theo, nếu không có nguồn thu nhập để duy trì cuộc sống mà chỉ trông vào một cục tiền ban đầu, thì sớm muộn gì cũng hết. Hai là người lao vào làm những công việc chân tay để nuôi gia đình, ngày qua ngày sức cùng lực kiệt, sau vài ba năm vẫn không thoát ra được cảnh sống bằng đồng lương chết đói.
Hôm trước đi nghe một anh là người Canada da trắng chia sẻ, sau 10 năm sống ở Macau làm marketing, anh về Canada và người ta coi 10 năm kinh nghiệm quốc tế tương đương như 10 năm thất nghiệp. Anh chật vật mất 5 năm sau khi quay trở lại, đi làm các việc từ xếp hàng trong kho ở siêu thị cho đến phụ bếp, dần dần mới trở lại được đúng ngành marketing. Ngày trước ở trong khoa mình học thỉnh thoảng cũng mời cựu sinh viên về nói chuyện. Thạc sĩ sau khi ra trường quay trở lại việc bán kem làm từ lúc học cấp 3, tiến sĩ mỗi tuần dành ra 20 giờ để nộp đơn xin việc, sau vài ba năm mới kiếm được một vị trí tạm thời lắt lay. Đây là người sinh ra, lớn lên, học hành ở Canada. Còn những người từ nơi khác đến mất từ 2 đến 5 năm để kiếm được công việc tốt là chuyện bình thường.
Nói chuyện nhiều và đọc nhiều về câu chuyện tìm việc của những người nhập cư, mình rút ra rằng ở đây mà chỉ dựa vào việc nộp resume cho các vị trí tuyển dụng đăng trên mạng thì rất vô vọng. Phần lớn những người mình biết kiếm được việc từ người quen, từ đi làm tình nguyện, hoặc làm thực tập trong các công ty. Canada thật ra đất rộng nhưng người thưa (dân số bằng 1/3 Việt Nam), nên mối quan hệ ở đây rất quan trọng.
Với những người mới sang, có một vài điều nên để tâm. Thứ nhất, đừng kì vọng sẽ tìm được việc tương đương như công việc cũ của mình ngay lập tức. Hãy cho bản thân ít nhất là một năm để xây dựng mối quan hệ. Lý tưởng nhất là bạn có đủ tiền tiết kiệm để sống trong một năm mà không phải quá lo lắng về việc kiếm tiền nuôi thân. Mình được khuyên là 5 năm là khoảng thời gian trung bình để đạt được mục tiêu đó. Bản thân mình trong 10 năm qua cứ sống ở Canada 4 năm thì về Việt Nam 2.5 năm, rồi lại sống ở Canada 2 năm rồi về Việt Nam 1.5 năm, thì thấy mỗi lần di chuyển, phải mất khoảng 2 năm mới lại cảm thấy thoải mái, có bạn bè để rủ đi ăn, có nguồn việc đến từ người quen giới thiệu. Thứ hai, kể cả nếu bạn xác định không ngại làm việc chân tay với đồng lương tối thiểu, thì vẫn phải dành sức lực và tâm trí để tham gia các hoạt động bên ngoài, gặp gỡ người khác, mở rộng mối quan hệ, để không bị rơi vào cái bẫy ngập mặt trong một công việc bòn rút sức lao động mà chỉ đủ sống vất vưởng qua ngày.
Có một vài “chiến lược” mình đọc được hoặc quan sát được từ người khác hoặc bản thân mình làm. Phần lớn áp dụng cho các gia đình, hoặc những người đi cùng vợ/chồng. Một, nếu một người có nguồn thu nhập tốt ở nhà, thì người kia có thể đi trước, trong thời gian đầu lo tìm hiểu xã hội, kiếm việc, đến khi nào ổn ổn thì người còn lại mới sang, như vậy ít nhất cả hai không bị cắt hoàn toàn nguồn thu nhập. Hai, nếu cả hai cùng sang, một người có thể chấp nhận đi làm việc chân tay để người kia dành thời gian đi học thêm, đi làm thực tập không lương, đi tham gia các khóa đào tạo xin việc, rồi khi nào kiếm được việc tốt thì đổi lại. Ba, nếu cả hai cùng phải đi làm để kiếm tiền ngay, thì vẫn có quỹ thời gian nhất định cho các hoạt động xây dựng mạng lưới về lâu dài, như đi làm tình nguyện vào cuối tuần. Bốn, như trong trường hợp của mình, cả hai đều làm việc online, có nguồn thu nhập không bị phụ thuộc vào nơi ở, nên không bị quá căng thẳng về chuyện tìm việc ngay lập tức.
Tuy vậy, Canada là một nước có rất nhiều hỗ trợ cho những người mới đến. Mình từng đọc rằng nghiên cứu đã chỉ ra, số tiền chính phủ đầu tư cho những người mới trong 1 năm đầu sẽ được hoàn trả nhanh chóng khi họ hòa nhập tốt với xã hội và đi làm đóng thuế. Mình sẽ kể ra một số hỗ trợ mình biết hoặc đã được nhận. Một điều quan trọng nữa rút ra là khi đến một xã hội mới, thông tin là vàng. Bạn không biết một điều là bạn bị thiệt vì không được hưởng lợi ích từ thông tin đó, nên việc đọc và tự tìm hiểu thông tin có vai trò rất lớn, nhất là trong những ngày đầu tiên.
Các chương trình hỗ trợ sau thường chỉ áp dụng cho những người có permanent residence status. Mình đang ở Calgary, Alberta, nên sẽ nói về những chương trình cụ thể ở đây, nhưng các tỉnh khác đều có những hỗ trợ tương tự. À, có rất nhiều người nói với mình là các “bang” (state) ở Canada. Xin lưu ý là Canada chỉ có “tỉnh” (province). Người Canada rất nhạy cảm nếu bị nhầm với Mỹ (giống người Việt ghét bị so sánh với Trung Quốc), nên cái này có thể gây mất thiện cảm.
Hỗ trợ về tiếng Anh:
Chương trình LINC của chính phủ trên toàn quốc (trừ Quebec): học tiếng Anh miễn phí. Bạn chỉ cần đi thi để được xếp trình độ, rồi liên hệ với các tổ chức có lớp tiếng Anh để đăng kí học.
Chồng mình muốn đi học cao đẳng, thì đăng kí học tiếng Anh học thuật tại một trường cao đẳng, cũng miễn phí, từ nguồn tài trợ của chính phủ. Thậm chí, nếu có thể chứng minh thu nhập thấp, bạn sẽ được cấp tiền sinh hoạt trong khi đi học (vừa đi học miễn phí vừa được cho thêm tiền). Phần lớn các chương trình tiếng Anh còn cung cấp dịch vụ trông trẻ miễn phí, và vé xe buýt để đi lại cũng miễn phí nốt.
Ngoài các khóa tiếng Anh phổ thông hay học thuật, còn có các khóa tiếng Anh cho người đi làm, hoặc rất cụ thể cho một ngành nghề. Tiếng Anh cho ngành dịch vụ, ngành khách sạn nhà hàng, ngành IT, ngành kĩ thuật, vân vân.
Hỗ trợ về công việc:
Ngay từ khi nhận được email gọi nộp hộ chiếu, mình cũng nhận được đường link để đăng ký vào chương trình Planning for Canada, bao gồm một ngày thông tin cơ bản về Canada (online), và một buổi nói chuyện trực tiếp với một người hỗ trợ. Người này sẽ trao đổi về công việc, kinh nghiệm, khả năng, nhu cầu, sau đó sẽ chuyển thông tin của mình cho các tổ chức liên quan để họ hỗ trợ tiếp. Các khóa học về văn hóa công sở ở Canada, cách tìm việc, cách phỏng vấn, hỗ trợ chỉnh sửa resume đều miễn phí.
Ngoài ra, rất nhiều nơi cũng sẽ giúp bạn kết nối với một mentor trong ngành nghề của bạn, người này thường là tình nguyện viên. Các sự kiện networking, rồi các hiệp hội ngành nghề. Thường thì khi bạn trở thành client của một tổ chức hỗ trợ, họ sẽ rất nỗ lực để giúp bạn xin việc, vì điều đó cũng phản ánh việc họ sử dụng ngân sách của chính phủ có hiệu quả không. Ví dụ như, bạn sẽ biết được những tin tuyển dụng nội bộ của các tổ chức họ liên kết (mà người ngoài không biết). Hoặc như trường hợp của chồng mình, khi có một công ty mời phỏng vấn, thì tổ chức hỗ trợ xin việc nói với công ty kia, nếu tuyển người này thì trong 6 tháng đầu tiên sẽ có ngân sách của chính phủ hỗ trợ trả lương, để khuyến khích công ty kia nhận bạn ý (nhưng cuối cùng vẫn không được).
Hỗ trợ về đời sống:
Nếu chứng minh được là thu nhập thấp (có mức chuẩn chung, như mình có 2 người thì là dưới 31k một năm) thì sẽ được hỗ trợ giảm giá vé bus tháng, giảm giá mua vé đi tập thể thao, đi bơi. Các tổ chức hỗ trợ có cung cấp đồ đạc (tuy hơi khó xin), quần áo. Về đồ đạc, trang web kijiji là chợ mua bán trao đổi đồ đạc và dịch vụ tự do, có nhiều người cho đồ miễn phí. Mình xin được khá nhiều đồ miễn phí từ đây. Ngoài ra, có thể đi garage sale, là các gia đình hoặc cần chuyển nhà, hoặc dọn nhà, mang đồ trong nhà ra bán. Tiếp nữa là các cửa hàng bán đồ cũ, do người dân đem đến tặng, thường một phần tiền thu được sẽ phục vụ mục đích xã hội hoặc từ thiện. Cuối cùng là cửa hàng bán đồ xịn nhưng giảm giá, mình mua được một bộ dao và dụng cụ làm bếp với giá $25 mà bình thường có giá $90.
Hỗ trợ cho bà bầu và trẻ nhỏ:
Bà bầu thì ngoài việc hưởng dịch vụ y tế miễn phí (khám, xét nghiệm, sinh con tại bệnh viện) như mọi người, còn được thêm một thẻ bảo hiểm riêng trong quá trình mang thai dành cho việc mua thuốc có kê đơn, khám mắt, khám răng và gọi xe cấp cứu. Mình cũng đăng ký một chương trình của tỉnh dành riêng cho phụ nữ có thai, ngoài một buổi học tiền sản hàng tuần còn được tặng thêm gift card, và có riêng một nhân viên công tác xã hội đến thăm nhà để hỗ trợ.
Trẻ nhỏ thì cứ sinh ra là bố mẹ hàng tháng được chính phủ bỏ tiền vào tài khoản, tối thiểu là tầm $100, còn tùy theo thu nhập của gia đình mà có thể được hơn, tối đa là khoảng $500-$600 một trẻ (cái này mình chưa được nên không rõ con số chính xác). Khi có con, bố mẹ có thể bỏ tiền vào tài khoản tiết kiệm để sau này cho con đi học đại học, một năm bố mẹ bỏ $2000 thì chính phủ cho thêm $500. Nếu gia đình có thu nhập thấp, tiền gửi trẻ cũng được hỗ trợ, và bản thân trẻ cũng được thêm thẻ bảo hiểm để khám mắt, khám răng và mua thuốc miễn phí. Dĩ nhiên tiền đi học từ lớp 1 đến lớp 12 thì miễn phí trên toàn quốc rồi.
Leave a Reply