Sau bài viết vừa rồi, mình nhận được cả trăm tin nhắn. Có lẽ chỉ có 20 phần trăm trong số đó thuộc dạng những câu hỏi mà mình cảm thấy đáng và nên trả lời, còn khoảng 80 phần trăm thì mang đến những cảm xúc thật ‘độc đáo và khó tả’.
1. Tin nhắn đề nghị kết bạn
Thật ra thì mình rất cảm kích mỗi khi có người thấy mình đủ thú vị để họ muốn làm bạn, lại còn muốn tiếp tục theo dõi những điều mình viết. Hơn nữa, mình là đứa anhát chết, có hâm mộ ai cũng chỉ dám đứng từ xa xa dõi theo, nên luôn khâm phục những người có đủ can đảm để tiếp cận với những người họ thấy hay ho và tự giới thiệu bản thân. Tuy nhiên, mình rất hạn chế kết bạn với những người chưa gặp ngoài đời. Lý do thứ nhất là mình hay di chuyển, khi đăng nhập vào Facebook từ một địa điểm mới, thỉnh thoảng Facebook bắt kiểm tra bảo mật bằng cách nhận mặt những người có trong friend list. Mình tất nhiên rất sợ đến lúc đấy không biết ai với ai. Thứ hai là chủ yếu mọi người đề nghị kết bạn vì muốn đọc những bài tiếp theo mình viết, việc đó có thể giải quyết được bằng cách ấn nút ‘theo dõi’ (follow).
Thế nên, nếu bạn thấy những bài mình viết đủ hấp dẫn để bạn muốn quay lại, thì chỉ cần ‘follow’ mình là được. Còn nếu có điều gì muốn trao đổi hay chia sẻ, cứ nhắn tin, mình sẽ trả lời.
2. Đề nghị gặp gỡ
Đợt cuối tháng 5 và trong tháng 6 mình có ý tưởng gặp gỡ những người không quen, một phần cũng để rèn giũa khả năng lắng nghe và giao tiếp của bản thân. Hết tháng 6 thì mình cũng đã gặp hết những người có hẹn. Thỉnh thoảng mình vẫn nhận được tin nhắn đề nghị hẹn gặp, nhưng rất tiếc là mình đã kết thúc việc này rồi. Mọi người đừng nhắn tin hẹn gặp hay đề nghị gặp mình nữa nhé.
3. Tin nhắn không có nội dung
Cái này mình đã viết vài lần rồi, nhưng chắc phải có từ 5 đến 10 phần trăm tin nhắn mình nhận được là rơi vào dạng này:
– Chào bạn
– Vân ơi
– Bạn có rảnh không?
– Chị cho em xin lời khuyên được không ạ?
– Em tư vấn giúp chị một chút nhé.
Sau đó không nói gì nữa. Nếu bạn hỏi mình rảnh không thì tất nhiên là mình không rảnh. Mình không phải là nhân viên trực tổng đài chăm sóc khách hàng để có thể kiên nhẫn hỏi lại từng người “bạn muốn hỏi gì?”, “bạn cần gì?”, hay “chào bạn, mình đang lắng nghe đây”. Có câu hỏi gì bạn nên viết luôn ra, chúng ta không cần phải làm mất thời gian của nhau đến thế, phải không?
4. Câu hỏi mang tính chất lạm dụng
Mình cũng đã viết nhiều lần, mình KHÔNG phải là nhân viên tư vấn, dù là tư vấn du học, định cư, du lịch, học tiếng Anh, hướng nghiệp, hay bất cứ thể loại tư vấn nào. Thậm chí mình còn hơi hơi dị ứng với từ ‘tư vấn’. Thế nhưng mình vẫn thường xuyên nhận được câu hỏi kiểu thế này:
– Em ơi, chị muốn đưa cả nhà đi Canada thì phải làm gì?
– Mình định nộp hồ sơ Express Entry thì cần điều kiện gì?
– Anh tuổi như này, kinh nghiệm như này, em vạch ra cho anh những việc cần làm trong ba năm tới.
– Em muốn xin visa du lịch Mỹ (bó chiếu!) thì cần có giấy tờ gì ạ?
– Chào bạn, mình nên đi định cư theo chương trình nào?
Ô hay, em có phải là vợ hay mẹ của anh đâu mà có thể định hướng cuộc đời anh trong hẳn ba năm? Nếu chị không đọc gì mà muốn tự nhiên có người không quen biết vẽ ra một kế hoạch hành động chị chỉ việc cứ thế làm theo, thì người đấy chắc chắn phải tính chị rất nhiều tiền cho thời gian và công sức của họ.
Mình chia sẻ thông tin công khai hoàn toàn ở góc độ cá nhân, động lực đơn giản là thấy cơ hội tốt mà mọi người ít biết hoặc còn hiểu mù mờ, thì mình nghĩ sẽ có lợi cho nhiều người. Nếu mình là một nguồn hỗ trợ (resource) miễn phí, thì những câu hỏi kia làm mình cảm thấy mình bị tận dụng, lợi dụng, lạm dụng quá mức. Mỗi lần đọc một tin nhắn như thế mình lại thấy ngạc nhiên tại sao lại có người có thể kì vọng một người không dính líu liên quan gì đến họ sẽ bỏ thời gian và công sức cho họ như thế? Mình không rõ là họ ngây thơ hay tham lam?
5. Câu hỏi quá rộng
– Chị có con hai tuổi, muốn con sau này đi du học ít nhất với học bổng 50 phần trăm thì bây giờ phải chuẩn bị những gì?
– Chị có con đang học lớp 5, muốn con học giỏi tiếng Anh thì phải làm thế nào?
– Bạn cho mình xin ít kinh nghiệm luyện thi IELTS được không?
– Em muốn đi du học thì phải bắt đầu từ đâu?
Những câu kiểu này, nếu người hỏi kì vọng mình có thể dành thời gian trả lời riêng cho họ, thì mình chắc phải sống thọ trên 100 tuổi. Mỗi câu này có thể viết thành nguyên một quyển sách dày cộp. Các chị đợi em xuất bản sách rồi mua nhé!
(p/s: Trong khi chờ đợi thì trên mạng có sẵn rất nhiều thông tin mà)
6. Câu hỏi quá cụ thể
– Giữa ngành kĩ sư nông nghiệp với kĩ sư cầu đường thì em nên chọn học cái nào thì có cơ hội hơn ở Canada?
– Bạn thấy xin việc ngành ngân hàng ở Canada có dễ không?
– Mình có background làm IT thì nên đến tỉnh nào?
– Chị muốn đi học tiến sĩ ở Canada thì cần đáp ứng điều kiện gì?
Mình đâu phải là giáo sư biết tuốt, siêu nhân ba đầu sáu tay để biết tất cả mọi thứ, từ kĩ sư, IT, ngân hàng, cho đến học tiến sĩ? Nếu mình biết câu trả lời cho tất cả những câu hỏi này thì mình đã kiếm bộn tiền rồi, đâu phải sớm hôm làm lụng vất vả nữa.
Những câu hỏi cụ thể của từng trường hợp thì bạn phải tự nghiên cứu. Nếu muốn biết ngành của mình có nhiều công việc không, hay phải có những kĩ năng gì, chỉ cần vào mấy trang tìm việc gõ keyword, rồi đọc mấy cái quảng cáo việc làm là sẽ hình dung được. Lương lậu bao nhiêu thì trên mạng có đầy các thống kê về mức lương trung bình cho từng ngành nghề.
7. Câu hỏi chỉ có người hỏi mới trả lời được
– Chị nghĩ là khi đi du học EM sẽ gặp những khó khăn gì?
– Đi học thì vừa học vừa làm có vất vả lắm không? Có sợ làm nhiều quá mình bị học dốt không?
– Học ở Canada khác gì với học ở Việt Nam?
Ôi, nếu em hỏi chị có khó khăn gì thì chị trả lời được, làm sao chị biết em sẽ có khó khăn gì? Vất vả hay không là cảm nhận cá nhân mỗi người, cũng như ngưỡng chịu đau. Thật là khó trả lời quá mà!
8. Câu hỏi đao to búa lớn
– Chị nghĩ 5 năm tới chương trình EE có thay đổi gì không?
– Chị nghĩ nền giáo dục Việt Nam cần phải làm gì để bắt kịp nền giáo dục thế giới?
Mình mà biết trả lời mấy cái này thì mình đã là nhà tiên tri nổi tiếng thế giới. Còn nếu ngồi phán về nền giáo dục mà có ích gì thì mình cũng đã phán từ lâu rồi, không cần đợi bạn hỏi.
Có nhiều người hỏi mình đi du học thấy thu hái được gì (đấy cũng là một câu hỏi khó trả lời). Khi nhận được những câu hỏi mình liệt kê ở trên, mình nghĩ hai điều mình được lợi sau khi du học là kĩ năng tìm kiếm thông tin và kĩ năng đặt câu hỏi. Ngoài những câu hỏi khó đỡ này, thì phần lớn các câu hỏi của mọi người đều đã có trong những bài mình viết, hoặc các link mình copy ra từ website của chính phủ Canada. Nếu người hỏi đọc hết, đọc kĩ, hoặc một thao tác google đơn giản “từ khóa + express entry Canada” là sẽ thấy ngay trang web có thông tin họ cần.
Để đặt được câu hỏi tốt thì cần có kĩ năng đọc và lọc thông tin tốt, hoặc ít nhất là chịu đọc. Mình thấy muốn sang một đất nước mới thì việc đọc thông tin rất quan trọng, vì cái gì cũng mới, biết được thêm thông tin gì là có lợi thêm cái đấy. Những người không chịu đọc thì lơ mơ, mù mờ, dễ thấy choáng ngợp, lo lắng, và sẽ không tận dụng được nhiều sự hỗ trợ sẵn có.
Không biết có phải do thói quen văn hóa không, mình thấy người Việt có vẻ ưa thông tin truyền miệng (đến từ ‘người thật việc thật’ là mình) hơn là thông tin chính thống, rõ rành rành từ nguồn chính thức là website của chính phủ Canada. Nhiều khi nói chuyện, mình thấy mọi người cũng bảo nghe người này nói, người kia nói, chứ ít khi bảo đọc từ trang này, nguồn kia. Tìm đến gốc gác của thông tin thì không làm, nhưng rất thích hỏi từ một người có thể chẳng có mấy hiểu biết hơn mình. Dĩ nhiên điều này sẽ dẫn đến dễ bị lừa hoặc dọa dẫm để phải móc hầu bao ra chi trả phí dịch vụ. Có câu trong tiếng Anh là “there is no free lunch”. Nếu bạn không muốn phải mất tiền để người khác vẽ đường cho mình, thì phải tự tìm hiểu mà vạch đường cho bản thân. Cũng không hiểu sao mọi người thường không dám làm việc đấy mà cứ sợ sệt phải đi hỏi người khác.
Tóm lại, một câu hỏi tốt là thế nào? Đợt này đọc nhiều câu hỏi mới thấy, thật sự không quá khó để đánh giá một người qua câu hỏi họ đặt ra. Phần lớn những tin nhắn gửi cho mình thể hiện rằng chủ nhân mới chỉ đọc loáng thoáng, chưa tìm hiểu kĩ, hỏi ngay một câu mà mình đưa thông tin và link trong bài. Câu hỏi tốt là câu hỏi cụ thể, áp dụng vào trường hợp cụ thể, mà người hỏi đã đọc hết những thông tin có sẵn, đã tự tìm hiểu thêm mà vẫn vướng mắc. Nếu mình là người tuyển dụng, mình cũng sẽ thích làm việc với những người như thế.
Luke says
Anh lên kế hoạch đọc hết bài viết của em xong, tự làm theo hướng dẫn các web của chính phủ.
Hứa sẽ không hỏi những câu em không thích trả lời.
Cảm ơn em nhiều