Cơm tròn 20 tháng tuổi và VÔ CÙNG thích đọc sách. Sáng ngủ dậy vớ ngay bất cứ quyển sách ở đầu giường yêu cầu bố mẹ đọc. Tối trước khi đi ngủ cũng lon ton chạy đi tìm sách đưa cho bố mẹ. Bố hay đọc sách cho Cơm nghe trên ghế sofa trong phòng khách, nên mỗi khi cần sự an ủi, như bị ngã chẳng hạn, Cơm sẽ chỉ Bố vào phòng khách, để được đọc sách cho nghe. Hoạt động yêu thích nhất của Cơm, yêu thích hơn cả đi công viên chơi cầu trượt và vầy nước, chính là vừa tu ti vừa được Mẹ đọc sách. Cơm sẽ chỉ mẹ nằm xuống đệm, còn mình thì trước khi nằm xuống sẽ đi chọn một vài quyển sách, rồi sau đó mới sung sướng tận hưởng, vừa tu ti vừa vểnh tai, mắt thì nhìn theo từng trang sách Mẹ đọc, lại còn chỉ trỏ, ê a, làm các hành động để minh họa những chi tiết trong sách.
Cuối cùng thì ngày ấy cũng đến. Mình đã viết nhiều về lợi ích của việc đọc sách cho con, nhưng từ trước đến nay mình chỉ dừng lại ở “tại sao nên đọc”, để thuyết phục mọi người rằng đó là việc nên làm. Nhưng bây giờ, thì mình rất hí hửng khẳng định rằng mình đã thành công trong việc tạo dựng tình yêu sách ở con, và mình có thể viết ở góc độ “làm thế nào”, và chia sẻ với mọi người những điều mình rút ra trong 20 tháng vừa qua từ kinh nghiệm trong gia đình nhỏ 3 người của mình.
1. Coi sách là công cụ để tương tác với con
Thỉnh thoảng, trên các nhóm Facebook xoay quanh chủ đề nuôi con, mình lại thấy có người thắc mắc kiểu “Con em không chịu ngồi yên nghe mẹ đọc sách, chỉ được một tí là chạy mất”, hoặc “Con em hỏi liên tục, không nghe từ đầu đến cuối. Em lo là con không được hưởng trọn vẹn lợi ích của việc đọc sách”. Vấn đề chung của tất cả những câu hỏi như vậy, là một kì vọng không hợp lý, rằng việc đọc sách hoàn toàn một chiều, thụ động, bố mẹ đọc, con nghe, lặng im nghe từ đầu đến cuối, rồi gấp quyển sách lại. Hình thức đọc này vừa chán, vừa không thực tế, vì chẳng có đứa trẻ nào sẽ hành động như vậy.
Thật ra, bố mẹ hãy suy nghĩ đơn giản thôi. Sách là đồ chơi, là gợi ý, là công cụ để chơi với con, để nói chuyện với con. Con có nghe từ đầu đến cuối hay không, không quan trọng. Đang đọc được một nửa, con quay mông bỏ đi, cũng không quan trọng. Trước hết và trên hết, bố mẹ phải gỡ bỏ những áp đặt của mình, phải thấm nhuần rằng, đọc sách là vui, thì mới truyền được tinh thần đó cho con mình.
2. Có kì vọng thực tế
Liên quan đến điều 1, nhiều bố mẹ đọc sách toàn chữ, truyện dài dòng, tình tiết phức tạp, mà con thì quá nhỏ, nên khi con mất tập trung, hoặc bò đi chỗ khác, thì lại chán nản. Có bố mẹ thì quẩn quanh trong những định kiến giới, rằng con trai thì nghịch lắm, không ngồi yên được một chỗ như con gái, nên không thích đọc sách.
Từ lúc Cơm mới sinh cho đến khoảng 6 tháng, đối với mình, việc đọc sách là cho bố mẹ, giúp mình có thêm từ khi nói chuyện với con. Lúc đó, em bé chưa tương tác nhiều, nên nhiều khi, cố nặn ra cái gì để nói cũng khó. Những câu chuyện và hình ảnh trong sách cho mình gợi ý để nói những từ mà bình thường có thể mình chẳng nghĩ đến bao giờ. Thơ thì có vần điệu. Giai đoạn này, được nghe giọng bố mẹ và nhịp điệu của ngôn ngữ mẹ đẻ là quan trọng nhất.
Khi con bắt đầu biết ngồi, thì bố mẹ có thể giới thiệu những loại sách kết hợp đồ chơi. Con xé sách cũng là một vấn đề phổ biến, nên nhiều bố mẹ ngại ngần việc để sách quanh con. Cho đến tận gần đây, mình hầu như không đưa cho Cơm sách bằng giấy mỏng bình thường. Nếu đọc sách giấy, mình sẽ là người cầm sách trên tay. Sách vải, sách bằng giấy cứng, sách lật giở, sách chuyển động, sách phao để chơi khi tắm, sách phát ra tiếng kêu (thường là tiếng của các loài vật), sách có các chất liệu khác nhau, trang thì kêu chút chit, trang lại kêu sột soạt, sách chiếu bóng lên tường.
Nói chung, thị trường sách thiếu nhi của Việt Nam gần đây thật sự khiến mình cảm động vì những nỗ lực của các nhà sách, vừa để đưa các nội dung phù hợp với trẻ nhỏ hơn (0-3 tuổi) từ nước ngoài, vừa để tạo ra nội dung mới dưới các hình thức dễ tiếp cận. Miễn là bố mẹ bỏ suy nghĩ rằng sách chỉ là những trang giấy đóng ghim, và mở rộng những loại hình sách khi lựa chọn cho con, thì việc để con tiếp xúc với sách hoàn toàn khả thi, thậm chí rất dễ dàng.
Khoảng tầm 8-10 tháng, mình cũng đọc sách, và con chẳng quan tâm gì cả, quay mông bò đi chỗ khác. Hồi đó, có lẽ sự thích thú của con chỉ là lật đi lật lại những miếng giấy. Và Cơm cũng xé rách kha khá những trang sách lật giở, hầu như cả bộ 5 quyển Peek-a-baby của Karen Katz đều rách tươm, mặc dù bố mẹ luôn ở bên cạnh mà không can thiệp kịp. Mình cũng đã có lúc băn khoăn liệu con mình có quan tâm tí nào đến những hình vẽ nhiều màu sắc trong những trang giấy kia không.
Khi Cơm từ khoảng 12 tháng, mình mua cả bộ sách lật giở của NXB Đinh Tị về những đồ vật phổ biến trong nhà. Có thể thấy sự thích thú rất rõ ràng của con khi liên hệ được hình ảnh trong sách với những sự vật ngoài đời, như cái đồng hồ treo tường, bàn ghế, gương treo, bồn cầu trong nhà vệ sinh, con chó, con mèo. Khoảng từ 1 tuổi rưỡi trở đi, Cơm bắt đầu thích thú hơn với những câu chuyện đơn giản, có tình tiết và nhân vật.
Vì thế, điều quan trọng ở đây là bố mẹ hãy có những kì vọng thực tế về mối tương quan giữa thái độ của con với sách với mức độ phát triển của con.
3. Chọn sách phù hợp
Cũng liên quan đến điểm trên, việc chọn sách phù hợp với độ tuổi của con rất quan trọng. Từ kinh nghiệm của bản thân trong việc đọc sách với Cơm, thì mình rút ra vài điều thế này.
0-6 tháng: Sự quan tâm của bé với sách sẽ không rõ ràng. Lúc này, điều quan trọng là bố mẹ nói chuyện nhiều với con, để con được nghe giọng người càng nhiều càng tốt.
6-12 tháng: Bé coi sách như đồ chơi. Bố mẹ có thể giới thiệu các loại sách không rách như sách vải, sách lật giở, sách giấy cứng để bé tương tác, nghịch ngợm (nhưng nên chuẩn bị tinh thần là các miếng lật giở vẫn có thể bị xé tanh bành)
12-18 tháng: Bé bắt đầu có sự liên hệ những hình ảnh trong sách với sự vật ngoài đời. Khi xem tranh cùng bé, bố mẹ hãy giải thích và chỉ vào các đồ vật quanh nhà, thêm thắt cho sống động, liên kết với những sự việc xảy ra với bé (Con thấy con mèo này không? Mèo kêu thế nào nhỉ? Mèo kêu meo meo. Nhà mình cũng có một con mèo đấy. Mèo nhà mình đang nằm dưới nhà. Mèo có bộ lông màu da cam và màu trắng đúng không con?)
Giai đoạn này, bé cũng bắt đầu thích những câu chuyện có tình tiết lặp đi lặp lại, dễ hiểu.
18-24 tháng: Cơm nhà mình mới bắt đầu bước vào khoảng này, và đối với bạn ý bây giờ thì đọc bao nhiêu sách cũng không đủ, thường là bố mẹ mệt quá phải xin cho tạm nghỉ và hứa đến hôm sau đọc tiếp. Những quyển Cơm yêu thích nhất là sách có tranh to, màu sắc không quá rối rắm, câu chuyện diễn ra chậm và dễ theo dõi, hành động của nhân vật chính lặp đi lặp lại. Ví dụ như quyển, Chơi trốn tìm cùng mẹ (em bé đi tìm mẹ, bé sờ vào gấu bông, sờ vào con chó, rồi bé tìm thấy mẹ), bộ 2 quyển sách thơ Bầy heo của bà và Câu chuyện bên thùng giấy, và bộ 2 quyển Một chồng bạn tốt và Một dãy bạn vui. Cơm cũng rất thích các sách có con vật như bộ Ai ở sau lưng bạn thế, và đã thuộc được mấy chục loại động vật (ở trang cuối sách có vẽ tất cả các loài vật xuất hiện trong sách, bố mẹ hỏi Bạn hươu cao cổ đâu con, và Cơm chỉ vào con vật đó).
Khoảng tầm 15-16 tháng là Cơm đã không xé sách nữa, và hiện nay 20 tháng đã biết giở sách rất nhẹ nhàng, mặc dù các quyển giấy thì vẫn hơi khó với bàn tay nhỏ của con.
Mình cũng hay đọc thơ cho Cơm, mình có 4 quyển, 2 quyển giấy cứng Thơ cho bé tập nói, và 1 quyển Con nít con nôi (thơ tuyệt hay, nhưng hình minh họa lại hơi rối mắt), và Ra vườn nhặt nắng. Khi mua sách truyện, mình cũng ưu tiên những truyện có lời bằng thơ. Những quyển sách chiếu bóng như Thánh gióng và Cô bé quàng khăn đỏ cũng đều là thơ.
Mặc dù có cả bộ Chuột Típ, nhưng bộ này quá nhiều chữ, và tình tiết lại diễn ra khá rời rạc, không đủ chậm để Cơm theo dõi ở tuổi này. Mình thấy bộ Chuột bông với nhiều hình vẽ thay từ trong phần lời lại thú vị và phù hợp hơn.
20 tháng, Cơm cũng không còn hứng thú với những sách quá đơn giản, mỗi trang sách là một hình ảnh nữa. Mình thấy rất rõ là giờ Cơm thích những mẩu truyện nhỏ có diễn biến, có cốt truyện, nhưng tranh vẽ phải rõ ràng.
Tóm lại, việc chọn sách cho phù hợp với tuổi của con vô cùng quan trọng.
4. Rải đầy sách quanh con
Gần đây, có một người hỏi mình Cơm thường chơi đồ chơi gì. Mình ớ ra một lúc xong cũng chẳng nghĩ ra, vì thật ra Cơm có vẻ không quan tâm lắm đến đồ chơi. Mình không mua đồ chơi nhựa, bấm nút kêu í e bao giờ. Ở nhà có các khối xếp hình, đất nặn, bút màu, vài con thú bông nhỏ, một cái ô tô (không phát ra tiếng) và một quả bóng. Nhưng sách thì luôn ngập tràn và trong tầm với của con.
Từ khi Cơm biết bò, rồi biết vịn tủ đứng lên, Cơm đã có thể tự lấy sách rồi giở ra bất cứ khi nào con muốn. Gần đây, Cơm đặc biệt yêu thích cái giá úp bát, kéo đi khắp nơi trong nhà, rồi kéo ra cửa sổ ngồi lên rất đàng hoàng để ngắm chim, nên mình biến cái giá úp bát thành giá sách cho con. Mình luôn nhấn mạnh: “Giá sách CỦA Cơm”, để con có cảm giác được sở hữu, và bắt đầu nhắc con lấy sách và cất sách lên thư viện mini di động của mình.
Có một số điều nữa mình nghĩ là cũng nên để tâm:
– Đối với Cơm, thì những trang sách có hình vẽ là loại hình giải trí thú vị nhất, sôi động nhất, vì hầu như từ bé đến giờ Cơm không lớn lên quanh TV. Thời gian ở Hà Nội, mình có TV trong phòng ngủ, nhưng cũng chỉ bật để xem video quay Cơm, và thỉnh thoảng bố Cơm xem đá bóng.
– Có nhiều bố mẹ chia sẻ về việc tạo một góc đọc sách riêng cho con, thậm chí trang trí thật đẹp, có gối êm ái để ngồi. Nếu làm được thế thì quá tốt, nhưng với độ tuổi của Cơm, thì mình thấy chưa quan trọng. Trong nhà, thì Cơm được bố mẹ đọc sách cho trên giường và trên ghế sofa, nên khi nào muốn đọc sách, con chỉ bố mẹ đi ra hai chỗ này.
– Đọc đi đọc lại. Trẻ con thích những điều quen thuộc và cảm thấy mình nắm được quyền kiểm soát khi biết trước tình tiết tiếp theo là gì. Mình và bố Cơm đến giờ đều thuộc hết những sách Cơm thích, từng câu từng chữ, đang đi đường có thể đọc làu làu cả câu chuyện hoặc vài bài thơ nếu có hứng. Âu cũng là một nỗi đau khổ ngọt ngào.
– Liên kết sách với ngoài đời. Cơm đã được cho lạc đà và hươu cao cổ ăn trong safari, nên bố Cơm hay nhắc đến chuyến đi đó mỗi lần các bạn này xuất hiện trong sách. Hồi cả nhà đi Quy Nhơn, mình cũng hay chỉ cây chuối, cây dừa, nên cứ xem sách có những loại cây này là mình nhắc lại.
Kết lại, quan trọng nhất, là bố mẹ phải coi sách là xúc tác để tương tác với con. Cơm không (chưa) thích sách đến mức tự lấy sách ra đọc một mình. Có thể một vài năm nữa, điều (tuyệt vời) ấy sẽ diễn ra (và mình sẽ được tự do làm gì mình thích). Nhưng bây giờ, cái mà Cơm thích, là được bố mẹ ôm vào lòng, được bố mẹ dành toàn bộ sự chú ý cho, được ê a chỉ trỏ và bố mẹ hoan hô hưởng ứng khi chỉ đúng những con vật mà con đã được nghe nhiều lần.
Đó là một cảm giác êm ái đến mức con muốn bố cho ngồi lên sofa đọc sách khi con khóc vì bị ngã đau.
Cảm giác đó thì em bé nào cũng mong mỏi và bố mẹ nào cũng có thể cho con, mình nghĩ vậy.
Leave a Reply