Có người sau khi đọc phần 1 đã nhận xét đại ý rằng: bố mẹ bận rộn thì lấy đâu ra thời gian để cho con tiếp xúc nọ kia? Mình nghĩ cần giải thích thêm một chút.
Việc tiếp xúc với sự đa dạng không nhất thiết phải tốn tiền và tốn thời gian. Đó chỉ đơn giản là để ý và thực sự chân thành muốn hiểu về những người khác mình. Nói chuyện với gia đình anh bán phở ở đầu phố, hay ông hàng xóm thích nuôi chim bên cạnh nhà chẳng hạn.
Mình có thời gian hay dẫn các em học sinh cấp 3 ở một trường quốc tế thuộc loại đắt đỏ nhất Hà Nội về một xã nông thôn ở Hòa Bình, cách Hà Nội có 70km thôi. Các em ý nói tiếng Anh thành thạo hơn tiếng Việt, được hưởng một nền giáo dục toàn diện hiếm thấy ở Việt Nam (trong trường có cả mấy nhân viên chuyên làm vườn, hoạt động ngoại khóa còn nhiều hơn cả giờ học kiến thức, và các em được tham gia workshop thảo luận về đói nghèo với tín dụng vi mô), nhưng trên đường đi, thỉnh thoảng có em hỏi mình những câu kiểu như “ở đây không có trung tâm thương mại thì người ta đi mua quần áo ở đâu?”, hoặc đến một nhà có mèo thì hỏi chủ nhà “chị có hay cắt móng chân cho mèo không hả chị?”. Với những gia đình khá giả mà bố mẹ đặt mục tiêu cho con đi du học, nhiều khi chẳng tiếc tiền cho con đi trại hè ở nước ngoài, nhưng con sẽ chỉ gặp những người còn giống con hơn những người hàng ngày sống ngay bên cạnh.
Mình vẫn nhớ lần đầu tiên mình nhìn thấy một chị lao công xõa tóc ra và tóc chị nhuộm vàng hoe rất thời trang, mình đã hơi ngạc nhiên. Bị găm sâu vào đầu “Chị lao công như sắt như đồng/Chị lao công đêm đông quét rác”, và những lời được nghe quá quen tai của người lớn “Không học hành tử tế thì sau này chỉ có đi quét rác”, mình đã giật mình nhận ra một người lao công cũng là một người phụ nữ, họ cũng làm đẹp, và mình đã bị ảnh hưởng bởi định kiến như thế nào. Việc tiếp xúc với sự đa dạng sẽ làm giảm những cái nhìn một chiều như thế, và vượt ra khỏi cách đánh giá người khác chỉ bằng những khác biệt giữa họ với mình.
Khi mình mới bắt đầu đi du học, mình không có được sự chuẩn bị đó, nên mình đã bị đông cứng trong sự khác biệt, không thể nào, dù rất muốn, nhìn nhận những người xung quanh chỉ như những con người. Mình vùng vẫy nhưng mắc kẹt. Mình không thể gạt ra khỏi đầu việc mình rất khác họ và họ rất khác mình để cảm thấy thoải mái, với chính bản thân và với họ. Mình đổ lỗi cho bản thân là vô duyên, giao tiếp kém, nhạt nhẽo. Thật ra, bây giờ nghĩ lại, thì thấy để có thể xuyên qua những khác biệt và tập trung vào những điểm giống nhau, nhìn nhau chỉ đơn giản là những con người, cần rất nhiều thời gian và những trải nghiệm đa dạng.
Có lần, mình nói chuyện với hai bé là con của một chị bạn, anh học cấp 2, em học cấp 1. Cả hai đều bắt đầu quan tâm đến sự khác biệt giới. Cậu anh hay xem các video chế nhạo người đồng tính và chuyển giới trên Youtube, cậu bảo “đấy là pê đê, pê đê sợ lắm cô ạ, bị lây đấy”. Cô em gái lúc đó học lớp 3 thì hay bị bà nội và họ hàng dọa là “lười thì sau này không lấy được chồng”, “xấu thì sau này ma nó lấy”, đại loại là nhồi nhét vào đầu đứa bé rằng lấy chồng là việc quan trọng nhất và gần như là thước đo duy nhất cho thành công trong tương lai của nó.
Tính đến nay, có lẽ mình đã quen biết khoảng gần mười người đồng tính nam, một người đồng tính nữ, một người nữ chuyển giới thành nam, một người yêu nhiều người cùng lúc, và một người không thấy hấp dẫn với giới nào cả. Họ là bạn, là thầy, là sếp, là đồng nghiệp của mình. Mình thường quen biết và yêu quý họ trước khi mình biết về định hướng giới tính của họ, nhưng sau khi biết, mình cũng không thay đổi suy nghĩ hay tình cảm đối với họ. Mình khác với hai cô cậu bé kia ở chỗ, mình có trải nghiệm thực tế và mối quan hệ cá nhân với những người không thuộc nhóm đa số, nên mình thoát ra khỏi những định kiến về giới tính mà truyền thông, mạng Internet, xã hội và gia đình áp đặt lên chúng ta. Nói cách khác, mình có thể nhìn nhận họ như một con người, với những vai trò là con, là anh, là nhân viên, là giáo sư, là bạn, thay vì chỉ đóng đinh vào một đặc điểm duy nhất. Ví dụ, mình là phụ nữ và thấy bị thu hút bởi một số nam giới, việc đấy chẳng khiến ai cảm thấy đủ kì lạ để đi kể với người khác là “Cái Vân nó yêu đàn ông đấy. Kinh chưa?”
Tại sao điều này quan trọng khi đi du học? Vì khi đến một môi trường mới, bạn sẽ tiếp xúc với nhiều người khác mình, có thể về ngôn ngữ, văn hóa, tôn giáo, quan điểm sống, hoặc vô vàn những đặc tính khác. Nếu bạn có thể vượt qua những khác biệt ấy, thì bạn sẽ thấy vui hơn và dễ sống hơn. Để làm được điều ấy, thì càng có cái nhìn rộng mở bao nhiêu, càng được nhìn đời từ những góc nhìn phong phú bao nhiêu, thì sẽ càng tốt bấy nhiêu.
2. Biết quan sát và để ý đến cảm xúc và hành vi của người khác
Cũng đến từ việc bạn sẽ sống trong một môi trường rất khác với môi trường mà bạn quen thuộc, sẽ có nhiều lần, bạn không biết phải cư xử ra sao, hoặc làm điều gì đó mà bạn sẽ hối hận, nếu không biết cách để ý người xung quanh.
Khoảng năm thứ 2 hay năm thứ 3 gì đó, mình phát hiện ra một anh block mình trên Facebook. Mình khá ngạc nhiên, vì anh này vẫn vui vẻ nói cười mỗi khi gặp mình. Mãi về sau này, khi biết anh ý là gay, mình mới hiểu ra lý do bị ghét. Mình đã rất tọc mạch hỏi anh ý chuyện vợ con mà không nhận ra anh ý vừa trả lời vừa cười một cách gượng gạo. Mình cũng phạm phải sai lầm là tag anh ý vào những bức ảnh nghịch ngợm mà anh ý không thích nhiều người nhìn thấy. Ngày xưa mình hay bị ghét vì cư xử “hồn nhiên đến vô duyên” như vậy.
Hoặc một lần khác, mình đi ăn với một người theo đạo Tin Lành. Lúc đó đã khá đói, nên khi đồ ăn của mình được phục vụ, mình bắt đầu đánh chén luôn. Khi đồ ăn của người kia ra, anh ý bắt đầu cầu nguyện. Mình ngượng chín cả người, vội vã buông ngay dao dĩa. Từ đấy về sau, mỗi khi ngồi ăn với ai, mình đều đợi khi nào họ bắt đầu ăn thì mình mới dám làm theo.
Sẽ có nhiều tình huống mà bạn không biết phải cư xử ra sao. Đi học, mình thường xuyên ở trong tình trạng nghe thầy cô giáo pha trò mà chẳng hiểu tại sao câu chuyện đấy buồn cười, trong khi bọn xung quanh cười nghiêng ngả. Hoặc đi mua đồ ăn mà không biết quy trình hay rau này hay nước sốt kia gọi là gì. Lúc mới đầu, cái gì cũng bỡ ngỡ, mình còn không biết cách cầm thẻ như thế nào để quẹt, hay vặn vòi nước trong nhà vệ sinh công cộng ra sao (cái vặn ngang, cái vặn dọc, cái ấn, cái kéo, cái thì chỉ cần giơ tay ra để nước tự chảy).
Chưa kể đến sự khác biệt về văn hóa trong ứng xử. Vào nhà có cởi dép hay không. Ăn xong có tự dọn đĩa của mình hay không. Ngồi đợi chủ nhà múc thức ăn cho hay tự lấy. Ôm hay không ôm khi tạm biệt (có lần gặp cô giáo cũ là gốc người Séc, cô thơm mình chụt chụt ba phát liền vào hai bên má làm mình hết sức bối rối không biết nên thơm lại hay sao). Vân vân và mây mây.
Nói chung, chẳng ai có thể chuẩn bị trước cho tất cả mọi sự. Chẳng ai có thể luôn biết nên nói câu gì trong một khoảnh khắc cụ thể. Vì thế, mình nghĩ, khả năng quan sát xem người xung quanh thế nào mà điều chỉnh hành vi của mình đóng vai trò rất quan trọng. Chúng ta đều có những mặc định về thế nào là phù hợp, chỉ có điều, không phải lúc nào mặc định của chúng ta cũng khớp với những người có phông nền văn hóa, giáo dục, tôn giáo khác. Những lúc ấy, nếu biết để ý, thì sẽ đỡ bị ghét và đỡ bị rơi vào những tình cảnh xấu hổ như mình.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp con tăng khả năng quan sát? Hãy nói chuyện với con về cảm xúc của con, của mình, và của người khác. “Lúc nãy khi con chơi bóng, mẹ nghĩ là bạn Bông cũng muốn chơi với con, nhưng con mải chơi quá nên không để ý đến bạn”. Mà đừng nói ngay tại chỗ, hãy trao đổi với trẻ sau đó, hoặc nói một cách kín đáo, nhẹ nhàng, đừng chỉ trích. Hoặc nói cho con về quá trình quan sát và suy nghĩ của bạn, để con bắt chước. Người lớn thường nghĩ thầm rất nhanh trong đầu, nhưng chúng ta quên mất là trẻ con không có khả năng tương tự, và nếu được giải thích thì các bé sẽ làm tốt hơn. “Bố thấy nhà bác An rất sạch, chắc bác là người thích sạch sẽ, nên lần sau con chạy chơi với anh Tí ngoài sân thì nhớ bỏ dép ở cửa nhé”. Bố mẹ có thể cùng con phân tích những tình huống xảy ra trong ngày, bố đã làm gì, mẹ đã làm gì, con đã làm gì, và lần sau thì có thể làm gì tốt hơn. Và làm gương cho con. Nếu bố hoặc mẹ thường xuyên cáu bẳn, bất lịch sự, hay quát nạt bác giúp việc, hay chị phục vụ nhà hàng, thì có nói bao nhiêu điều hay ho con cũng không thể trở thành người tinh tế hay khéo léo được.
Leave a Reply