• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Chuyện / Chuyện tôi / Bạn biết mình là mẹ của một em bé khi…

Bạn biết mình là mẹ của một em bé khi…

21/01/2020 by Chuyện Leave a Comment


– Giữa ngày, bạn nhận ra mình chưa đánh răng buổi sáng và chặc lưỡi, “thôi để tối đánh luôn một thể”.

– Cái áo bạn đang mặc bị dính sữa do em bé chớ ra lần thứ mười mấy, nhưng bạn vẫn chưa thay, và tự nhủ “vẫn còn thơm chán, sữa sạch mà, không vấn đề gì”.

– Bạn và chồng có thể vừa ăn cơm, hoặc thậm chí ăn đu đủ, vừa bàn tán về bãi ị của con và chất lượng phân gần đây mà không hề chớp mắt.

– Cũng liên quan đến chủ đề đi ị, bạn thường xuyên phải dùng nhà vệ sinh trong tình trạng để cửa mở và sẵn sàng lao ra nếu nghe tiếng em bé ọ ẹ trong khi đang “hành sự”.

– Bạn không biết hôm nay là ngày mấy, tháng mấy, chỉ biết con mình đã được mấy tuần, mấy ngày.

– Mỗi lần đặt lưng xuống giường đi ngủ, bạn đều ước ao lần này con sẽ ngủ được bốn tiếng, năm tiếng, nhưng rất có thể chỉ nửa tiếng sau bạn đã phải lồm cồm bò dậy trong khi mắt cay xè để bế con.

– Bạn hát đi hát lại kìa chú là chú ếch con đến vài chục lần, khản cả cổ, cứ chốc chốc lại ngó xem đôi mắt to tròn đen láy kia đã có dấu hiệu gì của việc buồn ngủ chưa, mỗi lần như thế lại nhủ thầm “chắc là sắp ngủ rồi, sắp ngủ rồi, cố lên”.

– Bạn thường xuyên phải bỏ dở bát cơm đang ăn để đi bế con, và tiếp tục khi đồ ăn đã nguội ngắt.

– Đôi khi bạn phải cân nhắc để chọn giữa ở bẩn hay thiếu ngủ, vì thời gian tắm và gội đầu sẽ lạm vào quỹ thời gian ít ỏi được chợp mắt của bạn.

– Từ một người có thể ngủ trong khi còi báo cháy hú inh ỏi và cả tòa nhà rầm rập chạy ra ngoài, không hề hay biết cho đến khi được kể lại vào sáng hôm sau, bạn trở thành người siêu nhạy cảm, chỉ cần con động đậy khe khẽ là đã mở choàng mắt.

– Bạn luôn nghi ngờ bản thân. Dù thấy sữa chảy ra từ khóe miệng con, dù thấy con ăn no ngủ kĩ, dù mỗi ngày vẫn hút ra một túi sữa để cất đi để dành, bạn vẫn luôn nghi ngờ không biết mình có sữa không. Nỗi lo lớn nhất của bạn là một ngày kia mình bị mất sữa. Nỗi sợ lớn nhất của bạn là mình bị thiếu sữa. Và nỗi băn khoăn thường trực là con như thế này thế kia có phải là do sữa của mình không, dù bạn biết một cách lý trí là không, dù bạn đã có đầy đủ kiến thức và thông tin khoa học để tự trả lời cho những bất an của mình.

– Các quảng cáo hiện lên trên điện thoại và máy tính đều liên quan đến em bé. Các gợi ý khi tra cứu google cũng luôn liên quan đến em bé. Lịch sử lướt web của bạn cũng toàn các trang xoay quanh việc nuôi con.

– Bạn cuống quýt gọi điện cho đường dây y tá tư vấn miễn phí về những vấn đề nhỏ tí như rốn em bé chảy nước, sau đó tự nhủ, mình thật may mắn vì mình chỉ cần lo về những điều nho nhỏ như thế, biết bao nhiêu bà mẹ không thể bảo vệ cho con khỏi súng đạn, hay không thể cho con một bữa no, bạn không thể tưởng tượng nổi những bà mẹ như thế sẽ đau lòng đến mức nào.

– Buổi đêm, bạn đi tè cũng rón rén, và không dám giật nước, vì sợ con giật mình, tự nhủ “sáng hôm sau giật luôn thể cũng chẳng chết ai, càng thân thiện với môi trường”.

– Bạn đau đến muốn ngưng thở và phải nhắc bản thân hít thở sâu, tay bấu vào cái gối lúc cho con bú mà bị tắc tuyến sữa, hoặc bị một vết chầy xước ở ngay chỗ làn da mỏng manh nhạy cảm.

– Bạn muốn viết một bài để post Facebook mà vài tuần chưa xong, vì cứ viết vài dòng lại phải chạy đi bế con.

– Bạn tìm hiểu việc làm di chúc, vì mặc dù cái chết là điều đáng sợ, nhưng khi đã có con, hậu quả của việc không nghĩ đến cái chết và chuẩn bị cho nó còn đáng sợ hơn.

– Bạn thường xuyên mong ước có người trông con giúp mình để được ngủ cho đã mắt (bố có trông nhưng không cho bú thay được), nhưng khi có việc đi ra ngoài vài tiếng, lúc ngồi chờ tàu, bạn không thể nghĩ đến điều gì khác ngoài nụ cười của cô nàng, và bạn nhận ra mình đã yêu thật rồi.

Có một lý thuyết khá hay trong tâm lý học về việc người ta càng bỏ công sức vào việc gì hay vật gì, thì họ càng tự thuyết phục bản thân rằng việc đó hay vật đó là tốt đẹp, vì họ không thể chấp nhận suy nghĩ rằng công sức của mình bị lãng phí. Điển hình cho kiểu tâm lý này là sản phẩm của IKEA, sau khi hì hục tháo tháo lắp lắp thì hầu hết mọi người đều tự hào với thành quả của mình và thấy cái giường hay cái bàn họ vừa đánh vật để hoàn thành thật là đẹp. Nếu vậy, tất nhiên các bà mẹ đều yêu con, vì họ bỏ rất nhiều công sức, thời gian, lo lắng vào việc nuôi dưỡng một đứa trẻ. Điều đó có lẽ cũng lý giải vì sao trong mắt các bà mẹ con mình lúc nào cũng xinh xắn, đáng yêu, và tốt đẹp.

Có người hỏi mình cảm giác làm mẹ thế nào. Trong những ngày đầu, cuộc sống của mình giống như xoay quanh một công việc cứ ba tiếng lại đến deadline, mà mình không thể trì hoãn, trốn tránh, hay viện cớ để không làm.

Mình không nghĩ rằng khoảnh khắc em bé được bác sĩ túm ra rồi đặt lên ngực mình biến mình thành một người mẹ. Cuộc đời mình không phải được khoảnh khắc ấy chia làm hai nửa, trước khi có con và sau khi có con. Đúng hơn, mình trở thành Mẹ qua hàng ngàn, hàng vạn khoảnh khắc nho nhỏ như mình kể ở trên, mỗi lần như thế là một lần đặt bản thân xuống sau và đặt con lên trước. Đấy chính là ý nghĩa cơ bản nhất của từ ‘vị tha’ – vì người khác.

Tất cả những Bà Mẹ trên thế gian này đều được làm nên bởi những khoảnh khắc như thế.




Related Posts:

  • Sự kết nối
  • Cuộc chiến của đồng tiền xung quanh sữa bột và sữa mẹ
  • Chuyện của phố - Cafe dạo
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và…
  • Làm sao để nuôi dạy một đứa trẻ vững vàng?
  • Thung lũng khói xanh

Filed Under: Chuyện tôi, Nuôi dạy con Tagged With: chuyện toi, Cơm, con gái tôi, nhật ký nuôi con, nuôi con, nuôi dạy con

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter