1. Cách đây mấy tuần, tôi đi dự buổi ra mắt Nhóm Hành Động Không Phân Biệt Đối Xử. Một vị khán giả giơ tay hỏi “Như thế nào là phân biệt đối xử? Tại sao người ta lại kì thị lẫn nhau?”
Thật ra, “phân biệt đối xử” hay “kì thị” đều có thể dịch ngược sang tiếng Anh là “discrimination”. Trong tiếng Anh còn có một từ rất hay được dùng khi nói về chủ đề này, là “stereotype”, mà tiếng Việt không có từ nào dịch sát nghĩa. “Stereotype” là những khuôn mẫu người ta mặc định trong đầu, có thể tốt, có thể xấu. Ví dụ như, khi gặp một người Đức lần đầu tiên, bạn tự nhủ “người này chắc hẳn rất đúng giờ và cầu toàn, như mọi người Đức khác”. Có một bác Tây đã từng rất ngạc nhiên khi biết tôi sống ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ vào đền Quan Thánh. Mặc định ngầm trong đầu bác ấy là “đã ở Hà Nội chắc hẳn đã phải từng đến địa điểm nổi tiếng này”. Cao hơn “stereotype” là “prejudice”, thường được dịch là “định kiến”. Những định kiến rõ ràng là có ý tiêu cực, nhưng chỉ dừng lại ở mức suy nghĩ. Còn “discrimination” – phân biệt đối xử – là khi định kiến đó được thể hiện bằng hành động, dẫn đến những sự đối xử không công bằng. Tôi từng không được trình bày trong một cuộc họp quan trọng về phần việc mình phụ trách vì tôi là phụ nữ, và là một phụ nữ trẻ. Các đối tác địa phương là quan chức cấp huyện, cấp tỉnh, họ không quen lắng nghe một cô gái “tí tuổi đầu”, vì thế phần trình bày đó được chuyển lại cho một bác nam, dù bác ấy không nắm rõ nội dung công việc bằng tôi.
Không có hiện tượng xã hội nào chỉ có một nguyên nhân đằng sau. Nhưng một lời giải thích quan trọng cho những khuôn mẫu, định kiến, và hành động kì thị, đơn giản thế này. Mỗi ngày năm giác quan của chúng ta tiếp thu rất nhiều thông tin. Chỉ trên một quãng đường ngắn từ nhà đến sở làm, mắt bạn đã lướt qua bao nhiêu biển quảng cáo, nghe thấy bao nhiêu âm thanh, từ tiếng còi xe, tiếng loa phường, cho đến tiếng những người công an dẹp chợ. Nếu não dành thời gian phân tích tất cả những thông tin đó, chúng ta sẽ không thể làm việc gì ngày này sang ngày khác. Vì vậy, não bắt buộc phải phân loại, bỏ qua hầu hết thông tin được chuyển về, chỉ lọc những thông tin quan trọng nhất. Trong quá trình phân loại đó, người ta hình thành những khuôn mẫu, để giúp cho quá trình đưa ra quyết định được nhanh hơn. Đèn đỏ đứng lại, đèn xanh thì đi. Thử tưởng tượng xem, nếu lần nào nhìn thấy đèn đỏ bạn cũng phải suy nghĩ, đèn này hình tròn, phát ra ánh sáng màu đỏ, ánh sáng đó có nghĩa là gì, thì có lẽ hệ thống giao thông của chúng ta còn tệ hơn bây giờ rất nhiều lần.
2. Buổi ra mắt của Nhóm Hành Động Không Phân Biệt Đối Xử tập hợp rất nhiều nhóm người mà đối với họ, sự kì thị là một phần của cuộc sống thường ngày. Người khuyết tật, người có HIV, người đồng tính, người lao động tình dục, rất nhiều ví dụ về những cái lắc đầu, những câu nói gây tổn thương (trông mặt xinh thế mà cụt chân thì ai lấy nhỉ?) được chia sẻ. Nhưng sự kì thị không phải chỉ là vấn đề của những nhóm người có chút đặc biệt. Nó diễn ra mọi nơi, mọi lúc, và trong mọi gia đình.
Một người thân của tôi, khi tuổi đã ngoại ngũ tuần, tìm được sự an ủi và niềm vui trong một cộng đồng Phật giáo nhỏ. Bà ăn chay trường, chăm chỉ tụng kinh, tích cực tham gia vào những hoạt động của nhóm Phật tử đó. Những việc này bà làm hoàn toàn tự nguyện, không ảnh hưởng đến ai, cũng không yêu cầu ai phải hỗ trợ mình. Nhưng gia đình và những người thân của bà lấy việc ăn chay làm đề tài chế giễu. Mỗi lần có buổi tụ họp, nếu mọi người ăn phở, bà xin ăn phở xào xì dầu. Nếu mọi người ăn cơm thịt gà, bà xin ăn xôi đỗ với vừng. “Bà này càng ngày càng dở hơi, ăn uống thiếu chất như thế rồi sinh bệnh, khổ con khổ cháu”, “bác này tự nhiên lại đi theo cái đạo vớ vẩn, suốt ngày đi trợ niệm, tụng kinh suốt cả đêm.”
Khi người thân này của tôi đề nghị được ăn phở xào xì dầu, những ánh mắt từ em gái, từ cháu gái ném về phía bà ẩn chứa thông điệp “bà đừng có tỏ ra khác người nữa đi”. Cô cháu gái bĩu môi “hôm trước ăn phở, nước ninh từ thịt ra, hôm nay lại đòi ăn phở xào xì dầu, lắm chuyện”. Và cứ thế, đã vài năm kể từ khi bà ăn chay, chăm đi chùa, những lời trêu chọc vẫn chưa có vẻ gì sẽ thuyên giảm.
“Tại sao hỏi đã lấy chồng chưa lại là kì thị? Đó là quan tâm mà!” – Có một khán giả trong buổi ra mắt thắc mắc rất chân thành. “Khi những lời hỏi han cứ lặp đi lặp lại, nó truyền tải thông điệp rằng, khi cô chưa có chồng, tức là cô chưa đạt được cái bình thường, cái khuôn mẫu mà mọi người đạt được. Và vì thế, cô vẫn chưa trọn vẹn, và những giá trị cô theo đuổi vì thế vẫn còn thiếu sót. Chỉ khi cô hoàn thành chỉ tiêu này, cũng là thước đo chuẩn mực cho hạnh phúc, thì cô mới giống như chúng tôi, trở thành một phần của chúng tôi.”
Việc một người ăn chay trong một gia đình ăn thịt, tưởng chẳng có gì, nhưng cũng bộc lộ mức bao dung rất thấp đối với sự khác biệt.
3. Mới hôm qua, tôi được nghe một người phụ nữ đã từng là nạn nhân của các băng nhóm tội phạm kể câu chuyện của mình. Khi chị bị hãm hiếp bởi rất nhiều người đàn ông, tâm trí hoảng loạn, đầu óc nửa mê nửa tỉnh vì bị tiêm thuốc cho lú lẫn, rồi may có người cứu ra và đưa đến gặp cảnh sát, chị nói “Cảnh sát không tin tôi. Họ bắt tôi kể đi kể lại hàng chục lần những chi tiết đến bây giờ vẫn khiến tôi toát mồ hôi lạnh. Lúc đó tôi chưa được ăn gì trong vài ngày. Tôi ngồi sau xe cảnh sát, vừa khóc vừa xin họ cho tôi ăn chút gì và ngủ một giấc, tôi không còn đủ sức lực để tiếp tục. Nhưng họ sốt ruột, họ còn nhiều việc để làm, họ không còn nhìn tôi như một con người có cảm xúc nữa. Họ ép tôi phải dẫn họ đến ngôi nhà nơi tôi bị hãm hiếp để lấy bằng chứng. Đối với họ, lúc đó tôi chỉ là một phần công việc phải làm cho xong.”
Nhưng điều đáng ngạc nhiên là sự kì thị kinh khủng nhất mà chị phải gánh chịu không phải là những người công an vô cảm, mà đến từ những người phụ nữ cũng là nạn nhân của bạo lực. Vì chị không có nhà để về, công an đưa chị đến một ngôi nhà tạm lánh cho những người phụ nữ đã trải qua bạo hành gia đình. Họ xì xào với nhau rằng chị đáng bị như vậy, vì họ nhìn thấy chị ăn mặc bẩn thỉu, đầu tóc rối bù. Họ không cho chị ăn chung, ngủ chung, truyền tai nhau rằng chị là gái điếm, bị khách “chơi quá tay”, chứ không phải như họ, những người phụ nữ đoan trang, đứng đắn, đúng thật mới là nạn nhân cần sự giúp đỡ. Chị bị cô lập ở nơi đáng lẽ cho chị nhiều sự sẻ chia nhất. Chị bị chính những người cùng chung hoàn cảnh quay lưng. “Ở nhà tạm lánh cũng có thứ bậc. Những người có nghề nghiệp, chồng con, ở bậc cao nhất. Tôi thì li hôn, con cái mỗi đứa một nơi, đã thất nghiệp nhiều năm, không nhà cửa, nên bị coi như cặn bã bẩn thỉu. Họ tự cho mình xứng đáng nhận mọi sự hỗ trợ, còn tôi thì không.”
Người phụ nữ ấy, về sau đã tốt nghiệp cao đẳng xuất sắc và giờ đang chuẩn bị hoàn thành bằng cử nhân Công tác xã hội. Chi hiểu tại sao những người phụ nữ kia phòng vệ. Ở bất cứ nơi đâu, người ta luôn muốn phân chia ranh giới, mình đứng bên tốt, và có ai đó, không phải mình, đứng bên xấu. Xã hội sẽ luôn có tội phạm, Emile Durkheim đã khẳng định từ vài trăm năm trước. Chỉ bằng cách vạch ra những cái vượt ra ngoài khuôn khổ, người ta mới định hình được khuôn khổ, và vì thế, xã hội mới có trật tự.
4. Giống như chị, tôi cũng đã từng phải gánh chịu sự kì thị. Là một người châu Á sống ở Canada, đất nước luôn được xếp hàng đầu trong những quốc gia thân thiện với người nhập cư và luôn tôn vinh sự đa dạng, tôi vẫn luôn được nhắc rằng mình thuộc nhóm thiểu số. Khi tôi lại gần một người lạ để hỏi đường, rất nhiều khi, họ sẽ mở to mắt trước khi tôi kịp há miệng ra nói câu gì, vì họ tin rằng tôi sẽ không nói sõi tiếng Anh, vì thế, họ cần phải lắng nghe thật chăm chú. Hay khi tôi nói chuyện với một ông già rất vui tính, đến khi gần chào nhau, ông vỗ đồm độp vào vai tôi và nói đùa “Cháu chỉ cần biết thêm cái này là sắp thành người Canada rồi đấy!”. Và suốt bao nhiêu năm, tôi dằn vặt với câu hỏi có phải mình được các thầy cô châm chước vì mình là sinh viên quốc tế hay không. Dĩ nhiên, tôi chẳng bao giờ biết chắc câu trả lời, dù đã đôi lần nhận được email từ thầy cô gửi riêng để khen một bài luận, hay một bài thi tôi được điểm cao nhất lớp.
Nhưng vì đã từng là người thiểu số ở Canada, nên tôi thấm thía hơn địa vị là người đa số khi ở Việt Nam của mình. Những đặc quyền tôi được hưởng, càng ngày tôi càng nhận ra, đó đơn thuần là những sự sắp đặt ngẫu nhiên. Chỉ cần biết tiếng Anh, tôi đã có cuộc sống khá suôn sẻ, lại được nhiều người khen ngợi. Nhưng những em nhỏ người H’mong, cũng song ngữ như tôi, nhưng người ta coi việc các em nói tiếng Kinh là điều đương nhiên, nếu không biết tiếng Kinh là kém, còn lạc hậu. Những lo lắng và bức xúc thiết thân nhất với tôi là khi cây đa gần nhà bị chặt, nhưng nếu tôi được sinh ra chỉ cách vài chục cây số, tôi sẽ chẳng làm được gì khi người ta lấy đất nhà tôi để xây đô thị mới. Giờ thì tôi lo lắng mình phải chịu nắng, chịu bụi, nhưng những người thông minh chẳng kém gì tôi, chăm chỉ hơn tôi nhiều lần, thì lo ngày mai sẽ ăn gì, sẽ ngủ ở đâu.
Có lẽ được nếm trải đầu thấp hơn của những phân chia xã hội là trải nghiệm quý báu nhất sau sáu năm du học của tôi. Làm sao để người ta bao dung với sự khác biệt hơn? Hãy đến những nơi rất, rất khác với mình, khi chính bạn bị nhìn với ánh mắt tò mò, hay thậm chí bị phân biệt đối xử. Sau đó, bạn sẽ không còn thoải mái với việc là một phần của số đông an toàn nữa.
Nguồn ảnh: Shutterstock.com
M8 says
Chào mừng sự trở lại của kechuyen với một bài viết rất sắc sảo và cá tính. Chúc chị(em?) mạnh khỏe và có nhiều trải nghiệm thú vị hơn, để mỗi ngày độc giả được hân hạnh thưởng thức những câu chuyện đa sắc màu của cuộc sống.
Chuyện says
Cám ơn bạn nhé. Được độc giả quan tâm chào đón thật là vui quá đi mà 🙂
Hưng says
Cảm ơn !
Ngọc Lưu says
Cảm ơn bạn vì một câu chuyện, một sự chia sẻ, tâm sự rất chân thành, nhưng sâu sắc, thu hút tôi phải dừng lại đọc hết.cả bài viết chỉ vì search nghĩa.để.hiểu từ stereotype. Thank you again!
Nguyễn Thành Long says
Rất hay. Cảm ơn bạn
Hang says
Cảm ơn tác giả, nội dung bài viết rất hay và sâu sắc. Tôi là người việt định cử ở Úc. Mong chị có nhiều bài viết hữu ích và hay Như bài này.