Im going home
To the place where I belong
Where love has always been enough for me
(Home – Chris Daughtry)
Mỗi lần đi xa trở về, mình lại nhận ra thêm những điều mình yêu ở nơi này, mà có lẽ nếu không đi thì sẽ chẳng bao giờ biết được.
Đã ngủ chiếu trúc, đã ăn cơm ngồi đất, đã ra hàng bánh cuốn mình ăn từ năm 3 tuổi (hoặc từ khi biết nhai). Mọi thứ vẫn y như cũ. Những cuộc nói chuyện ở bữa cơm mà mình biết câu tiếp theo sẽ thế nào, bố sẽ nói gì, ông sẽ trả lời ra sao. Cô bán hàng đưa đĩa bánh cuốn đúng như mình vẫn ăn hàng chục năm nay, không cần hỏi. Những câu hỏi của mẹ mình biết trước nội dung, cũng như mẹ đã biết trước câu trả lời của mình. Cảm giác một nơi như đứng im, nơi mà mình không cần phải cố gắng gì cả, không phải thể hiện, không phải làm gì để chứng tỏ tôi là người thế này hay thế khác. Và ở nơi ấy, dù mình có là ai, làm gì trong những năm tháng đi xa, thì cũng chẳng có gì quan trọng. Bước vào đây, mình vẫn như thế, đứng im trong đúng những vai trò là con, là cháu, là em, là chị, như khi mình ra đi. Cảm giác đấy thật sự rất an ủi.
Sau gần 7 tháng phần lớn ở một mình, nhất là từ khi vào hè không đi học, có nhiều ngày không gặp gỡ hay nói chuyện với ai, trở về nhà, năm người cùng nói một lúc, mình thấy choáng váng và hỗn loạn y như xe cộ trên đường Hà Nội. Không biết phải nghe ai, nói với ai, khi tất cả mọi người đều nhao nhao nói, mà lại còn nói to. Sao nhà mình mọi người nói to thế nhỉ? Cảm giác đấy rất kì cục. Ở trong nhà của mình, giữa những người thân của mình nhưng thấy hết sức bối rối. Cháu Nhím và em Bi cứ cuốn lấy, hai đứa hai bên, đều muốn nói chuyện với mình. Nhím thì kể chuyện đi học múa, Bi thì kể chuyện một ông chú họ xa. Không hiểu làm thế nào để chú ý và trả lời cả hai. Chưa kể ông nội vừa thấy mình về đã lật đật đi lên kiểm tra cái quạt cây, xem có chạy không, và khi phát hiện ra hai nút số khi bấm bị nhảy lên, đã làm ngay hai que nhỏ, buộc dây rất cẩn thận, vòng qua thân quạt để nếu muốn ấn nút thì mình dùng que đấy để chặn vào, rồi liên tục hỏi như thế đã được chưa, có cần thêm khăn mặt không để ông đưa, đã có chăn chưa, gối chưa.
Ngồi giữa một đám hỗn độn và rổn rảng như thế, để nghe cập nhật về những người họ hàng, chuyện đám cưới người này, đám ma người kia, mình nghĩ bụng, có lẽ mình có thể ngồi nghe mãi. Cảm giác này vô cùng thú vị. Những con người không lằng nhằng kể lể dông dài, nói năng ý tứ. Những câu chuyện cũng chẳng có gì cao siêu. Cô Minh khoe hai đứa con gái đã có người yêu, miêu tả cặn kẽ những chàng rể tương lai và cười tít mắt. Bố kể chuyện bị bà trẻ mắng. Những “việc lớn” như đi ăn hỏi, phân công ai trông rạp, ai tiếp khách được duyệt đi duyệt lại từng chi tiết đến khi tất cả mọi người đều thuộc lòng. Ngồi nghe như thế và mình thấy cuộc sống vừa quen thuộc vừa ngồn ngộn lên.
Rồi mình nghĩ, mình hiểu rõ những con người này quá, có lẽ sẽ luôn biết được họ nghĩ gì, làm gì, nói gì. Vậy mà vẫn không ngừng thấy họ thú vị và đáng yêu. Có thể đi xa về và đã lớn hơn, thì thấy thế. Nhưng mà cũng đúng là chỉ sau những bữa cơm ngồi một mình ôm bát nhìn ra cửa sổ, trệu trạo như nhai rơm, thì mới thấy một bữa ăn hỗn loạn mà mình lọt thỏm trong đó, đáng quý như thế nào. Hay sau những ngày dài vừa đói vừa mệt, tối mở tủ lạnh không có gì ăn, còn giờ có sẵn cơm canh nóng sốt để đợi mình về, có ông hỏi mấy lần đã ăn gì chưa. Hay có thằng em khỏe tay vác hộ cái vali lên tận phòng thay vì phải ì ạch tự kéo, cũng là thằng em đấy nhờ đi mua thẻ điện thoại thì lanh lẹ đi ngay, chỉ sau 2 phút đã về đưa cho chị, cảm giác ấy thật là sung sướng.
Và khi nhìn vào mắt một chàng trai, thấy rõ ràng người này yêu mình quá, yêu không thể giấu diếm, thì rõ ràng cảm giác ấy rất hạnh phúc, nghĩ đến có thể ứa nước mắt được.
Có lẽ cuộc sống sẽ luôn là như thế, những tháng ngày giống nhau và những con người nói câu chuyện cũ mèm. Chỉ có cảm giác của người sống trong nó là khác. Đi xa rồi trở về, có lẽ hơi giống một tấm kính mờ được lau sáng bóng lên rồi có nắng mới chiếu xuyên qua, mọi thứ đều trong trẻo và tươi mới đến kì lạ.
Leave a Reply