Hôm qua vừa học xong một khóa “Communication in Canadian classroom”, đại loại là các thể loại kĩ năng giao tiếp. Cách từ chối, cách yêu cầu, cách nhận xét, cách khen ngợi, cách trình bày với người có nền tảng và văn hóa khác mình. Nhận chứng chỉ xong, đi xe buýt về nghĩ mông lung, học toàn cái cao siêu thế, chẳng hiểu có giao tiếp khá hơn không, chứ xưa đến nay mình hay bị ghét vì tội ăn nói lung tung, và vô số lần bị mắng cho te tua vì ăn nói thiếu suy nghĩ (mặc dù bản thân nghĩ mình chỉ nói sự thật), mà đấy là giao tiếp với những người cùng ngôn ngữ, cùng văn hóa, thậm chí cùng gia đình.
Lần đầu tiên lờ mờ hiểu về tầm nghiêm trọng của cái tội “vạ miệng” là hồi cấp 1, lớp 3 hay lớp 4 thì phải. Hồi đấy mình được chọn vào đội tuyển võ Wushu của trường, thật ra là tập thuộc 20 động tác bài quyền rồi diễn đi diễn lại, không có gì nghiêm trọng cả. Mỗi lần đi Hội khỏe Phù Đổng, hay khai mạc một sự kiện, hội nghị nào đó, cô trò thường được “bồi dưỡng”. Các cô hay lấy tiền mua vở, mua sữa rồi phát cho bọn trò nhỏ, nhưng cũng có lúc đưa tiền tươi. Trong một lần như thế, trong khi đứng xếp hàng chìa tay để cô hiệu phó phát phong bì sau khi biểu diễn Wushu, mình, vốn là một đứa có vốn từ phong phú hơn các bạn cùng tuổi, đã xuýt xoa “đúng là đồng tiền mồ hôi nước mắt”. Nói thế tưởng hay lắm, không ngờ cô hiệu phó giận tím mặt, rồi nói với cô chủ nhiệm của mình. Hồi đấy mình làm lớp trưởng rất oách, chỉ biết các cô không thích câu phát biểu đó, nhưng không ai giải thích tại sao. Mãi đến lúc lớn hơn rồi mới hiểu, tại các cô không muốn nghĩ rằng đang đem học sinh đi kiếm tiền. Nhưng lúc đấy chưa được 10 tuổi, mình phải dậy sớm, nhiều lúc phải tập võ dưới trời mưa, hoặc có lúc quay phim thì đói mềm ra còn chưa được về, dĩ nhiên nghĩ rằng câu cảm thán của mình miêu tả rất chính xác tình huống ấy.
Tiếp theo lên cấp 2, vẫn tiếp tục làm lớp trưởng. Có lần cô hiệu trưởng mời các lớp trưởng họp bí mật để nghe báo cáo mật về tình hình học sinh lớp 8, lớp 9. Lúc đấy các bạn bắt đầu yêu đương nở rộ, giờ ra chơi đứng cầm tay nhau ngoài hành lang, hết giờ ôm eo nhau đèo xe đạp về. Dĩ nhiên các cô vô cùng lo lắng. Đến lượt mình, vì không được báo trước (họp bí mật mà lại, còn buông rèm kín mít), cái tội nghĩ gì nói đấy lại hại mình một phen nữa. Cô hiệu trưởng đã ghi vào sổ là “có một số bạn nam và bạn nữ đến nhà nhau chơi, làm gì không biết”, theo đúng nguyên văn lời phát biểu của mình. Sau buổi họp với các lớp trưởng theo phong cách mà bây giờ mình mới biết là rất giống với đấu tố thời cải cách ruộng đất, cô hiệu trưởng mời các giáo viên chủ nhiệm đến hội ý. Khổ thân cho cô chủ nhiệm có đứa lớp trưởng như mình. Cô lại giận tím mặt, gọi mình ra, nhưng không quát tháo gì, chắc cô cũng không biết giải thích cái sơ suất trong ăn nói của mình ra sao, nên bảo “con nói là các bạn đến nhà nhau không biết làm gì thì có thể hiểu ra nhiều nghĩa không hay”, và dặn dò “lần sau có chuyện gì nói với cô trước rồi hãy nói với cô hiệu trưởng”. Mình vâng vâng dạ dạ, lờ mờ cảm thấy cái miệng của mình đã gây ra một vấn đề rất nghiêm trọng cho danh tiếng của một người khác.
Chuyện ăn nói lăng nhăng, hỏi những câu tọc mạch thiếu suy nghĩ để người khác ghét thì vô số, kể ra không xuể. Nhưng cái tội nghĩ gì nói đấy nhiều phen làm hại mình, mà đến lúc người nghe bừng bừng tức giận mình vẫn ngơ ngác không hiểu tại sao.
Tua nhanh đến thời gian gần đây. Có một lần, ông trẻ ít khi gặp đến nhà chơi. Ông trẻ tầm tuổi bố mình thôi, hỏi “dạo này cháu làm ở đâu?”, mình không biết nên bắt đầu kể từ chỗ nào trong lịch sử đi làm nhảy việc như cào cào và một lúc làm cho vài ba nơi (nếu ông biết tiếng Anh thì mình sẽ bảo “cháu làm freelance”, nhưng tất nhiên không có lựa chọn đó), nên trả lời hồn nhiên “cháu làm linh tinh, không cố định ạ”. Vừa dứt câu thấy bác gái mặt biến sắc, đỡ lời nói tránh đi. Ông trẻ vừa về mình bị mắng té tát mà mặt vẫn đần ra một đống. Bác bảo, nói như thế là rất hỗn. Đáng lẽ không đi làm ở đâu cũng phải nói cháu mới ra trường, chưa có hợp đồng lâu dài, đang đi thử việc, hay thế này thế khác. Nói “làm linh tinh” là không chấp nhận được. Tức là dù có thất nghiệp cũng phải biết xấu hổ về chuyện đó mà nói giảm nói tránh đi. Chứ ai lại trơ trẽn đến mức không có chỗ làm tử tế mà cũng sổ toẹt ra không dấu giếm. Rồi bác cho một bài giảng dài lê thê về việc người lớn có quan tâm thì mới hỏi, và phải biết lựa lời mà nói, nếu cứ tiếp tục thế này sẽ đến một lúc không ai hỏi han gì đến mình (với mình thì viễn cảnh ấy thật ra cũng không đến nỗi nào).
Tất nhiên lúc bị mắng như tát nước vào mặt thì mình vừa sững sờ, không hiểu sao bị mắng, vừa bực mình. Nhưng sau này nghĩ lại thì lờ mờ hiểu ra (có vẻ mình là đứa chậm hiểu), rằng với cái mác đi du học nước ngoài về, những người hỏi câu “đang đi làm ở đâu” và những người thân trong gia đình kì vọng rằng mình sẽ nêu ra tên công ty nào đó, một chức danh dễ hiểu nào đó, như “trợ lý giám đốc”, “thư kí”, “kế toán”, “giảng viên”. Mọi người cho rằng chữ “linh tinh” là một thái độ hỗn láo vì nó thể hiện rằng mình không muốn trả lời câu hỏi, không muốn tiếp chuyện, chứ không nghĩ như mình, rằng đó là một từ láy rất đáng yêu và ngắn gọn để miêu tả một trạng thái vô cùng phức tạp trong hành trình đi làm của mình, nếu giải thích kĩ càng ra cũng chẳng ai muốn nghe hay có đủ thời gian để nghe.
Sau này, trong một chuyến đi về quê, ông trẻ khác, là anh của ông trẻ kia, cũng hỏi câu “làm ở đâu”. Rút kinh nghiệm, mình trả lời tử tế, cả câu, “cháu đi làm chỗ này chỗ khác ông ạ” (“linh tinh” được thay thế bằng “chỗ này chỗ khác” – dài gấp đôi số từ) – ôi thế không được ổn định à, cũng vất vả nhỉ? – vâng, cũng hơi vất vả ạ – sao không kiếm chỗ nào ổn định mà làm? không kiếm được à? – vâng, cháu không kiếm được ông ạ.
Đoạn hội thoại đến đây thì bị chen ngang bởi ông chú ngồi nghe ở ngoài sốt ruột quá, lên tiếng giải thích rằng cháu nó thật ra kiếm được rất nhiều tiền. Mình không nói tiếp gì nữa. Mình không lấy gì làm phiền lòng nếu những người cả năm mới gặp một lần nghĩ rằng mình là một đứa tốn tiền cha mẹ đi du học về nhưng không kiếm được chỗ làm ổn định, thua đứa học cao đẳng ra trường được nhận ngay làm kế toán công ty xuất nhập khẩu. Nhưng có vẻ những người thân lấy thế làm xấu hổ, và phải lên tiếng thanh minh, cùng với vài lời trách mắng vì cái tội ăn nói không gãy gọn của mình. Như thế thì ra ngoài nói thiên hạ ai người ta nghe!
Có hai vụ khác nữa, mình bị mắng cho tơi tả cũng vì một câu nói, mà không hiểu tại sao. Một vụ là thằng em họ thích làm DJ hơn thích học. Hôm đó ăn uống đông đủ gia đình, ông chú đang chê trách thằng em, mình đang ngồi gặm đùi gà tự nhiên bị lôi vào cuộc. “Chị Bống thấy em Cún thích chơi nhạc như vậy có được không?” Dĩ nhiên là ông chú trông chờ là mình, vốn nổi tiếng trong họ là ham học, học giỏi này nọ, sẽ vào hùa để nhằm kéo thằng em về con đường chính đạo. Mình trả lời đơn giản là “Con không có ý kiến”. Lúc đấy mình nghĩ, việc mình thấy thế nào thì quan trọng gì, có phải vì mình nghĩ việc học là quan trọng mà thằng em sẽ nghe đâu. Bố mẹ nó nói rát họng nó còn để ngoài tai nữa là chị họ. Vừa nói xong thì ông chú đang bình thường bỗng đùng đùng nổi giận, mắng mình là đứa vô trách nhiệm, thiếu quan tâm đến gia đình, được họ hàng nâng đỡ đầu tư mà bây giờ không làm tròn bổn phận với các em, mắng cho không ăn xong nổi cái đùi gà.
Còn một vụ thì bây giờ cũng không nhớ mình đã nói gì (thường những người không nghĩ kĩ trước khi nói thì cũng hay quên sau khi nói), đại loại “mỗi người có một sở thích khác nhau, chúng ta nên tôn trọng sự khác biệt đó”, thế là bố cũng nổi giận lôi đình, rồi lôi chuyện mình ủng hộ Học Bổng Gạo (mà HBG là do cô mình – em bố – khởi xướng, có phải cha vơ chú vẩn ở đâu không ai biết), tức là lo chuyện thiên hạ, còn gia đình thì bỏ bê, không biết nghĩ cho bố mẹ. Nói chung mình thấy cơn giận rất vô lý, và những lời mắng mỏ cũng rất vô lý. Bố thì to tiếng ầm nhà, mình sau lúc ngơ ngác ban đầu thì cũng bị bực bội lây.
Thế đấy, nhiều khi thấy cứ học những lý thuyết và kĩ năng sách vở, để giao tiếp với những người ở đâu đâu, nhưng với những người gần gũi nhất thì ngày càng xa lạ. Khoảng cách trong tư tưởng, suy nghĩ, cách biểu đạt ngày càng lớn. Trong gần ba năm sau khi tốt nghiệp ở nhà, mình phải hứng chịu không biết bao nhiêu vụ căng thẳng, có vài lần đã lên mạng tìm nhà để định ra ở riêng. Đến mức nhiều khi mình sợ nói, gặp họ hàng được hỏi câu gì cũng phải nhòm trước ngó sau mới dám ấp úng trả lời, vì không biết lúc nào mình sẽ làm mọi người bực bội. Cũng có vài lần bị đuổi ra khỏi nhà, bây giờ không nhớ rõ nguyên nhân tại sao. Vài lần sau giờ làm cố tình đi lang thang ngoài đường để qua giờ cơm, khỏi phải giáp mặt với ai lúc về đến nhà. Rất nhiều lần đóng cửa khóa trong để khóc vì những cơn giận dữ mình không hiểu tại sao ầm ập kéo đến, đổ lên đầu làm mình tối tăm mặt mũi. Người ta hai mươi mấy tuổi đầu khóc vì bị bồ đá, hay công việc không suôn sẻ, hay các bi kịch lớn của những người thanh niên loay hoay vào đời, mình vẫn khóc vì bị trừng phạt do cái tội ăn nói hàm hồ, nào có khác gì đứa mười tuổi?
Cũng có thể mình đã thay đổi đến mức không hiểu nổi tư duy và cảm xúc của những người trong gia đình. Có thể sự giận dữ của người thân là phản ứng từ nỗi bất lực, khi chứng kiến đứa con, đứa cháu vì “ở Tây” lâu, nên chuyển biến theo cách không còn giống với những gì mọi người cho là “bình thường”, là biết điều, là biết ăn nói có suy nghĩ. Cũng có thể mình đã quên mất cách giao tiếp như một đứa con, đứa cháu, trong một gia đình Việt Nam với người lớn tuổi, với cha mẹ, vì mình đã sống một mình ở một đất nước phương Tây lâu quá. Có thể là sự khác biệt về giá trị. Tất cả những điều đó, dù có học bao nhiêu khóa kĩ năng giao tiếp, chắc là cũng khó trở về như cũ được.
Nghĩ xong thì xe buýt về đến nơi. Chim chóc hót ca líu ho. Sóc ríu rít đuổi nhau trên bãi cỏ xanh rờn. Có hai thằng bé thấy trời nắng ấm lôi cầu lông ra chơi trước cửa nhà. Thế là mình nghĩ, thời gian nước chảy mây trôi, phải ghi lại những chuyện này để về sau cho con cái đọc, hoặc khi mình tức giận vì nó ăn nói hàm hồ thế nào đó, tự đọc lại mà nhớ ngày xưa mình thế nào.
Lữ Chính says
Mình nghĩ cơ bản truyền thống gia đình người Việt và Văn minh nông nghiệp nó là thế! Họ đều muốn con(cháu) mình luôn đẹp trong mắt người khác(cả hình ảnh lẫn tiếng nói) nên mới xảy ra những xung đột như bạn! Có chăng cũng tại mình thật thà quá nên nhiều lúc mất lòng người khác! Lúc nào nói thật cũng(hay) xảy ra tác dụng ngược dần dà trước hoàn cảnh bắt buộc mình phải thay đổi để thích nghi để tránh nhận được những lời mắng vô cớ, cái nguýt dài….Ở Việt nam mình muốn nói điều gì đó các cụ luôn dạy “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, thế nên nhiều người Việt nói một vấn đề B nào đó, Thay vì nói từ A–>B liền thì người ta sẽ nói từ A đến X Y Z vòng vèo một thôi một hồi rồi mới đến B.
Chắc là như bạn nói số ở Tây nhiều quá cũng có ảnh hưởng phong cách sống của họ!
Specky says
Mình ko nổi tiếng là vạ miệng thì thật ra cũng là nhờ giỏi rút kinh nghiệm.
Chả là tự nhiên cơ quan đẻ ra chuyện chào cờ sáng thứ Hai hàng tuần, lại còn quy vào đánh giá kỷ luật. Mà đặc thù của công việc là việc cần gì thì làm nấy, cần đi đâu thì đến đó chứ không cần 8 tiếng chỉn chu ở cơ quan. Thế là các con giời đôi khi chẳng có việc gì phải đến văn phòng vào cái buổi sáng tắc đường nhất tuần đó cũng thi nhau hùng hục phi xe đến, đôi khi chỉ vì không vượt nổi kẹt xe mà đến muộn 3p là coi như xong (chào cờ có tí tẹo mà). Cứ tưởng tượng là nhà mình ở phía đông, mình có cái hẹn lúc 9g sáng ở phía nam thành phố, nhưng lại phải lượn đến văn phòng ở phía tây đúng 8g không kém một phút nào để nghe cái băng rè hát quốc ca, rồi mới hồng hộc đi làm việc chính ở phía nam lúc 9g….
Sau một thời gian thì mình thấy chuyện đấy lộ rõ là bất cập, mà cũng không thấy ai yêu nước hơn tí nào, mình bèn thẽ thọt trong cuộc họp theo một cách rất “tây” là “với tất cả lòng kính trọng các anh chị, em thấy quy định này không thiết thực và có tác dụng gì cả.” (Cũng chả biết nói thế nào cho dễ nghe hơn!) Thế là từ đó trở đi mình bị một số lãnh đạo ghét và quy kết cho tội không có lý tưởng, còn anh chị em thì cười trong bụng vì có đứa vạ miệng đi nói hộ tấm lòng của cả bọn.
Lại Văn Trí says
Mình thì được nghe thế này: “một lời nói ra là tốt đẹp khi nó hội đủ 5 yếu tố: chân, thiện, mỹ, đúng lúc, đúng chỗ.”
Thu says
Mới phát hiện ra blog của bạn, viết rất dễ thương, đọc thấy rất đồng cảm vì mình cũng ăn nói hàm hồ. À mà dấu giếm đúng chính tả là giấu diếm bạn nhé.