Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Sau hai bài trước, có nhiều người nhắn tin hoặc comment hỏi mình một số vấn đề liên quan. Mình tổng hợp lại ở đây cả câu hỏi và câu trả lời của mình để mọi người tham khảo.
1. Đi một người có lợi hơn đi hai người không?
Có lẽ cách mình lấy ví dụ ở bài trước khiến nhiều người bị hiểu nhầm. Theo link này http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/grid-crs.asp bạn sẽ thấy có hai cột điểm, một là With a spouse or common-law partner, hai là Without a spouse or common-law partner. Vì khi đi theo đôi bạn sẽ cộng cả vợ/chồng nên số điểm tối đa khi apply một người luôn cao hơn số điểm tối đa khi apply theo đôi. Mình đã bổ sung thêm ví dụ về cách tính điểm cho một người độc thân ở bài phần 2.
2. Bằng đại học/thạc sĩ ở Anh/Úc/Mỹ (những nước nói tiếng Anh) thì có lợi hơn bằng ở Việt Nam không?
Không. Cuối năm 2016 Express Entry mới điều chỉnh một chút, nếu có bằng ở Canada thì được cộng thêm 30 điểm, còn tất cả bằng cấp ở các nơi khác đều tính điểm như nhau.
3. Có cần kinh nghiệm làm việc ở Canada không?
Nếu có kinh nghiệm làm việc ở Canada thì bạn sẽ được cộng điểm, cụ thể là trong mục Canadian work experience. Tuy nhiên đây không phải là yêu cầu bắt buộc, và những đợt tính điểm gần đây thì đủ thấp để những người có bằng cấp, tiếng Anh, trẻ và có kinh nghiệm đi làm ở Việt Nam cũng thừa điểm rồi.
4. Cách tính điểm IELTS thế nào?
Trên thang điểm của CIC thì họ ghi là chiếu theo điểm CLB (Canadian Language Benchmarks) http://www.cic.gc.ca/english/resources/…/language/charts.asp
Theo cách đổi điểm này, thì một người độc thân (without a spouse or common-law partner) có điểm IELTS sẽ tính như sau http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/grid-crs.asp
Speaking: 6.5 — CLB: 8 — 23 điểm
Listening: 7.0 — CLB: 8 — 23 điểm
Reading: 7.5 — CLB: 10 — 34 điểm
Writing: 6.5 — CLB: 8 — 23 điểm
Tổng là: 103 điểm
5. Có nợ mua nhà ở Việt Nam có sao không?
Trong phần chứng minh tài chính, bạn bắt buộc phải liệt kê tất cả các khoản nợ ngân hàng hiện có. Mình không phải là luật sư hay nhân viên được đào tạo về nhập cư nên mình không thể nói chắc được là việc có nợ mua nhà sẽ ảnh hưởng thế nào đến hồ sơ của bạn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của mình thì việc nợ mua nhà là hết sức bình thường ở Canada, nên họ sẽ không thấy điều đó quá nghiêm trọng. Bạn có thể chứng minh là mình có thu nhập định kì, trả nợ đúng hạn, không có lịch sử tín dụng xấu. Thật ra mình nghĩ nợ mua nhà không quá ghê gớm vì bạn có thể bán nhà khi đi sang Canada. Trong hồ sơ có phần để bạn viết thư giải thích những điều khúc mắc, bạn có thể nói ý định đó trong thư để thêm phần thuyết phục.
6. Học sinh 18 tuổi hay tốt nghiệp cao đẳng tại Canada có được nộp đơn xin PR không?
Không. Theo những chương trình mình biết thì bạn phải đi làm ít nhất một năm ở Canada để nộp hồ sơ theo dạng Canadian Experience Class, hoặc học xong thạc sĩ hoặc đang học tiến sĩ để nộp theo dạng provincial nominee. Trong trường hợp bạn lấy chồng lấy vợ và nộp theo dạng gia đình thì không tính nhé.
7. Sau khi sang thì biết tìm việc ra sao?
Đây là lo lắng phổ biến của nhiều người. Mình sẽ viết một bài dài hơn để nói về những hỗ trợ mà chính phủ Canada dành cho người mới nhập cư.
Ngoài ra, vì có nhiều người hỏi về việc đi học, nên mình sẽ điểm qua một số ý chính về những chính sách liên quan đến định cư dành cho du học sinh
1. Một người đi học theo chương trình toàn thời gian thì chồng/vợ được xin giấy phép đi làm (open work permit) có hạn visa cùng với visa của người đi học. Con cái được đi theo và đi học phổ thông miễn phí ở các trường công.
http://www.cic.gc.ca/english/study/study-minors.asp
http://www.ontarioimmigration.ca/…/OI_HOW_STUDY_INTL_GO.html
2. Sau khi tốt nghiệp, người đi học được xin giấy phép đi làm (post-graduation work permit) tương đương với số năm đi học, tối đa là 3 năm. Tức là nếu bạn học đại học 4 năm thì giấy phép đi làm sẽ là 3 năm, còn học thạc sĩ 2 năm thì giấy phép đi làm là 2 năm. Giấy này chỉ được xin và cấp một lần.
3. Sau khi đi làm một năm ở Canada với giấy phép trên bạn có thể apply xin PR theo diện Canadian Experience Class. Lưu ý là bạn cần làm toàn thời gian và công việc phải tính là có kĩ năng (skilled). Ví dụ như làm bồi bàn hay việc chân tay thì không được tính. Xem cách phân loại công việc ở đây http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/noc.asp.
4. Vì ngày trước mình ở Ontario nên không biết về các tỉnh khác, nhưng các tỉnh ở Canada đều có chính sách thu hút nhân tài cho tỉnh, thông qua các chương trình provincial nominee. Họ có thể ưu tiên các ngành nghề tỉnh đang thiếu lao động, hoặc những người họ cho là có khả năng đóng góp cho nền kinh tế của tỉnh. Hiểu nôm na giống như học sinh giỏi được ưu tiên tuyển thẳng vào đại học ngày xưa. Nếu được tỉnh ưng cái bụng thì chắc chắn khi đưa lên cấp trung ương bạn cũng được gật đầu, cụ thể là nếu nộp qua Express Entry thì riêng một cái provincial nomination sẽ được 600 điểm, chắc chắn là sẽ được mời nộp hồ sơ xin PR ngay lập tức.
Với tỉnh Ontario theo chương trình này thì du học sinh học thạc sĩ tại tỉnh sau khi học xong có thể nộp hồ sơ xin provincial nominee, còn người học tiến sĩ thì có thể nộp sau khi học hết năm thứ 2. http://www.ontarioimmigration.ca/…/OI_PNPSTUDENTS_APPLY.html
Tuy nhiên, chương trình này thay đổi điều kiện liên tục, rất khó đoán trước, và có thể đóng cửa bất cứ lúc nào. Chỉ tiêu về số hồ sơ nhận cũng rất hạn chế, mà số du học sinh lại đông. Mới cách đây mấy hôm chương trình của Ontario mở ra, trang web bị sập vì quá đông người vào, chịu không nổi, và chỉ sau 2-3 ngày đã đóng lại vì nhận đủ hồ sơ. Vì thế bạn nào định đầu tư đi học thạc sĩ hay tiến sĩ ở Ontario với hi vọng xin định cư mà không cần có kinh nghiệm đi làm tại Canada thì nên cân nhắc kĩ.
Leave a Reply