Việt Nam có rất nhiều lý do để lạc quan về một thế hệ mới hội nhập cùng thế giới nhờ sử dụng Internet thành thạo. Các nghiên cứu gần đây cho ra những con số rất ấn tượng. Việt Nam nằm trong top 20 nước có số người dùng Internet nhiều nhất thế giới, và là một trong hai nước có số lượng người dùng lớnnhất trong khu vực Đông Nam Á. Tỉ lệ số người dùng chiếm đến 34% dân số, với nhóm tuổi từ 15-19 và 20-24 chiếm nhiều nhất. Điều này cũng dễ hiểu vì dân số Việt Nam là dân số trẻ, và trong những năm gần đây, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đã cố gắng để giữ mức cước vừa túi tiền với đại đa số người dân.
Tuy số người dùng và cả thời lượng Internet đều nhiều vào loại nhất nhì khu vực, nhưng qua khảo sát, phần lớn người dùng ở Việt Nam dành thời gian để truy cập các tin tức giải trí, các mạng xã hội, download nhạc, phim, thay vì dùng Internet để đưa ra chính kiến của mình hay để kết nối với nhữngngười cùng chí hướng để tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội.
Tôi làm một thí nghiệm nho nhỏ phỏng theo một chiến dịch được công bố hồi tháng 10 của UN Women (Cơ quan Liên Hợp Quốc thúc đẩy bình dẳng giới và trao quyền cho phụ nữ). Chiến dịch này là những bức ảnh sử dụng thông tin từ Google. Khi người dùng gõ những dòng chữ “phụ nữ không thể” thì Google sẽ tự động gợi ý một số từ được người dùng Internet tìm nhiều nhất, như “phụ nữ không thể lái xe”, “phụ nữ không thể phát biểu trong nhà thờ”, “phụ nữ không thể được tin cậy”. Đây là một minh chứng sống động về việc những định kiến nhắm vào phụ nữ vẫn hiện diện, ngay cả trong thế giới không có những lằn ranh về lãnh thổ, tuổi tác, sắc tộc và giới tính như Internet.
Những người dùng Internet ở Việt Nam thì sao? Google là công cụ tìm kiếm được biết đến nhiều nhất và sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam. Vì người dùng Internet chủ yếu là giới trẻ ở các thành phố lớn, có học thức, có điều kiện tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng và dễ tiếp nhận suy nghĩ mới, Google chắc chắn cũng thu thập được những dữ liệu hé mở về những gì những người trẻ và có học thức ở Việt Nam quan tâm.
Những kết quả đầu tiên cho thấy, so sánh với việc tìm bằng tiếng Anh, kết quả của cụm từ tương đương bằng tiếng Việt (women should not, women need, women must) không mang lại những gợi ý cực đoan và đầy tính kì thị như trong chiến dịch của UNWomen. Đây có phải là là tín hiệu mừng vì Việt Nam mình kì thị phụ nữ ít hơn chăng?
Tôi e rằng kết luận như vậy là quá sớm. Thứ nhất, người Việt vốn không ưa tranh luận, nên sẽ tránh đưa ra những ý kiến dễ bị ném đá. Truyền thống của ông bà để lại nào là “một điều nhịn là chín điều lành”, “dĩ hòa vi quý”, “cơm sôi nhỏ lửa”, “xấu chàng hổ ai”, tất cả đều hướng đến sự nhường nhịn để giữ gìn hòa khí chung. Về mặt này, đời sống Internet của người Việt chắc chắn cũng bị ảnh hưởng từ đặc tính văn hóa. Mặc dù trong tỉ lệ người dùng và cả thời lượng dùng Internet, nam giới chiếm nhiều hơn, nhưng lại chủ yếu dành thời gian để chơi game và tải phim, tức là để thỏa mãn nhu cầu cá nhân, trong khi nữ giới lên mạng để đọc tin tức, vào các mạng xã hội, chat với bạn bè, tức là để kết nối với người khác. Đây là xu hướng chung ở nhiều nước. Vì thế, có cơ sở để tin rằng những tìm kiếm trên Google ở Việt Nam cũng chủ yếu do nữ giới thực hiện, những người đã thấm nhuần tư tưởng không nên đặt mình đối lập với đám đông.
Thứ hai, người dùng vẫn hướng đến việc tìm kiếm thông tin hơn là tìm kiếm quan điểm hay tư tưởng. Nhất là ở dòng “phụ nữ nên”, một loạt các gợi ý được đưa ra là các câu hỏi về việc ăn gì, học gì, làm gì. Người dùng Internet chưa có thói quen sử dụng nó như một công cụ để tìm kiếm các luồng suy nghĩ, mà mới chỉ dừng lại ở cấp độ thông tin để giải quyết cho những khúc mắc cụ thể. Điều này không có gì ngạc nhiên trong tình cảnh nội dung đưa trên Internet đều ít hay nhiều chịu sự kiểm duyệt của nhà nước. Bộ Văn hóa Thông tin cùng rất nhiều bộ ngành khác chịu trách nhiệm về việc quản lý các thông tin trên mạng đã tìm nhiều cách để lèo lái dư luận theo ý mình muốn, từ cấm, chặn, cho đến sử dụng một đội ngũ dư luận viên hùng hậu được đào tạo để hướng suy nghĩ của cộng đồngngười dùng mạng theo chiều hướng chấp nhận được, tức là có thể nóng bỏng nhưng vô thưởng vô phạt, tranh luận thế chứ tranh luận nữa cũng chẳng ảnh hưởng đến ai. Từ yếu tố tự nhiên là văn hóa, cho đến yếu tố xã hội là cố gắng của nhà nước trong việc điều khiển thông tin trên mạng, nên đại đa số người dùng Việt Nam vẫn không quan tâm đến nhiều đến những suy nghĩ, mà phần lớn dừng lại ở mức độ thông tin rời rạc, lẻ tẻ. Đấy cũng là chiều hướng được lèo lái. Nếu người dân không hệ thống hóa được các hiện tượng xã hội và chỉ nhìn chúng như các sự kiện tách biệt, hôm nay có người bị vứt xác trôi sông, ngày mai có người bị chặt đầu, ngày kia có người đi tù oan, thì nhà nước sẽ rất dễ điều khiển.
Tôi mở rộng thí nghiệm này và thử gõ các dòng chữ tương tự nhưng bắt đầu bằng “đàn ông”
Điều rất dễ nhận thấy khi đặt hai tìm kiếm này cạnh các tìm kiếm về phụ nữ, là mặc dù thái độ về giới của người dùng Internet ở Việt Nam không cực đoan, nhưng lại vô cùng cứng nhắc. Nói đến phụ nữ là phải đẹp, phải lấy chồng, phải ở trong vai trò làm mẹ và làm vợ, còn nói đến đàn ông là nói đến tiền, địa vị xã hội và tình dục. Các từ khóa tiếng Anh còn đưa đến bức tranh về phụ nữ trong xã hội, ví dụ như phụ nữ không thể làm đức giám mục, phụ nữ không thể bầu cử, còn các từ khóa tiếng Việt chỉ đặt phụ nữ trong một mối quan hệ duy nhất, là mối quan hệ với đàn ông. Phụ nữ cần đàn ông, phụ nữ cần chồng, phụ nữ cần thằng đểu. Dĩ nhiên nguyên tắc này cũng áp dụng với đàn ông. Đàn ông cần gì ở phụ nữ, đàn ông cần gì ở người yêu, đàn ông cần gì ở vợ. Nhưng có một thứ đàn ông cần mà không thấy xuất hiện khi tìm về phụ nữ là “cần gì ở trên giường”. Điều này cũng nói lên rất nhiều về thái độ của xã hội Việt Nam nói chung về tình dục cho nữ giới. Phụ nữ cần làm đẹp, cần làm vợ, cần làm mẹ, nhưng không cần làm người tình.
Cuối cùng là, một điều đơn giản tôi nhận thấy sau những phân tích trên, là vấn đề giới ở Việt Nam không phải không tồn tại, mà không được nói đến. Người ta có thể nói những vụ vợ bị chồng đánh, bị đối xử tàn bạo, các cô gái bị bạo hành, lạm dụng, nhưng không ai gọi thành tên những hiện tượng ấy hay coi chúng là biểu hiện của một hệ thống lớn hơn, mà chỉ xoáy sâu vào chỉ trích, phê phán trường hợp cụ thể rồi lại nhanh chóng quên đi. Không ai lớn tiếng nói rằng phụ nữ không được làm cái này cái nọ, bởi thật sự họ không cần nói. Từ xưa đến nay không có ai đặt câu hỏi tại sao không được làm, vì thế cũng không ai phản kháng. Không ai hỏi “Tại sao đàn ông lại phải mạnh mẽ?” nên người ta chỉ đi tìm cách cho mình mạnh mẽ, chứ không ai nói rằng “Tôi là đàn ông và tôi không muốn mạnh mẽ”.
Nhưng họ không nói tới chuyện đó, thậm chí không nghĩ đến. Tư duy phê phán (critical thinking) không phải là để hùa theo đám đông la ó chê bai một hiện tượng nhỏ lẻ. Tư duy ấy là khi người ta bứt ra khỏi những điều mình cho là tự nhiên và bình thường, để nghĩ từ một góc độ khác. Bước đầu tiên để thay đổi một điều gì đó, là phải nghĩ về nó đã. Tiếp đó mới đến đặt câu hỏi, và khi không có câu trả lời thỏa đáng, người ta mới thấy thôi thúc để tạo ra thay đổi nào đó. Vì thế, sự thiếu hụt những gợi ý cực đoan của Google khi tôi tìm kiếm những cụm từ liên quan đến phụ nữ và đàn ông ở Việt Nam chưa hẳn đã là dấu hiệu đáng mừng. Nó không thể hiện rằng Việt Nam không có bất bình đẳng giới, mà có thể đơn giản là vì người dùng Internet ở Việt Nam, những người trẻ nhất, có học nhất và có điều kiện tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhất, chưa hề nghĩ đến và gọi tên những điều họ cho là bình thường.
Leave a Reply