Trường mình đang học vào một ngày bão tuyết
1. Có hai từ mà người Việt học tiếng Anh hay lẫn lộn khi sử dụng, “come” và “go”. Come home và go home đều có ý nghĩa và đều đúng, chỉ khác ở vị trí của người nói so với địa điểm cần đến. Ví dụ bạn chuẩn bị về nhà nghỉ tết, bạn sẽ nói với một sinh viên khác là “I can’t wait to go home”, nhưng mẹ bạn, người đã ở nhà, sẽ nói với bạn, lúc đó vẫn đang ở trường là “Come home, we miss you.”. Hay nói đơn giản hơn “come” là “về’, còn “go” là đi.
Tiếng Việt không lý tính như thế, không quan tâm đến phương hướng, chỉ quan tâm đến tình cảm của người nói với nơi họ muốn đến. Chúng ta nói “về nhà”, chứ không bao giờ nói “đi nhà”. Tuy nhiên, một khi nơi chốn nào đó đã trở nên gắn bó và thân thiết, người ta có thể chuyển từ “đi” sang “về”. Ví dụ như “đi làm”, nhưng khi đã làm lâu và yêu quý chốn công sở, sau khi tụ tập bún đậu mắm tôm cho bữa trưa, mọi người lên taxi “về cơ quan”. “Đi học”, nhưng sau khi làm sinh viên một thời gian ở một ngôi trường đại học nào đó, và đi đâu xa, người ta có thể nói “mình về trường”.
Tức là trong tiếng Việt, chúng ta chẳng biết người nói sẽ lại gần hay ra xa một nơi chốn về mặt địa lý, nhưng lại biết ngay tâm tưởng họ đang chuyển dịch về hướng nào.
2. Tết, đương nhiên là dịp để người ta về nhà.
Mọi người hay hỏi mình xa nhà vào dịp tết có buồn không? Thật sự mình cũng không biết mình buồn vào tết ta, khi mọi sinh hoạt xung quanh mình vẫn diễn ra bình thường, và mình thậm chí không nhớ rõ tết là ngày nào, chỉ biết thứ mấy phải nộp bài, hôm nào phải trình bày trước lớp, nhưng lên facebook sẽ thấy bạn bè và người thân nhộn nhịp chuẩn bị. Hay là mình buồn vào tết tây, khi cả thành phố nơi mình ở trở nên vắng vẻ, căn nhà nơi mình thuê cũng trống rỗng. Những ai có gia đình đã về sum họp, những ai không có cũng cố gắng đến nhà người quen, nhà bạn, hay tạm vùi mình vào một địa điểm vui chơi nào đó để tránh sự cô đơn.
Không ở đây cũng chẳng ở đó, cảm giác bị kẹt giữa hai không gian và thời gian vẫn không thay đổi. Khi ở đây là đêm thì ở nhà là ngày, khi mình đang vùi đầu vào bài vở và vật vã với những trách nhiệm mới thì bạn bè lại hớn hở nghỉ tết và tụ tập. Có thể cách đây vài chục năm, khi Internet chưa phát triển và người ta chỉ có thể liên lạc bằng thư tay, một khi đã đi khỏi nơi nào đó là bị cắt đứt liên hệ, người ta sẽ dễ dàng ép mình sống theo nhịp của xã hội mới hơn. Còn bây giờ, chỉ cần mở máy tính lên là tất cả những hình ảnh, âm thanh của một cuộc sống đang ở cách mình nửa vòng trái đất sẽ ùa vào tâm trí, ngồn ngộn và khó dứt bỏ.
Nhiều khi đọc những dòng hẹn hò tụ tập của bạn bè trên facebook, chẳng khó gì để tưởng tượng những bức ảnh sẽ được post lên vài ngày sau đó. Sẽ giống như những năm trước thôi, đại loại là từng ấy con người, rảnh ranh để tụ tập, nói chuyện và ngồi với nhau, nếu đặt ảnh của hai năm song song, ảnh năm nay sẽ giống như đã có người dùng chức năng xóa để cắt mặt mình ra khỏi tấm ảnh năm trước. Cũng có nhiều lúc mình cảm thấy như thế ở đây, khi đứng giữa một căn phòng đông người, và họ đều đang nói chuyện say sưa với nhau, mình cảm giác nếu như có một bàn tay từ trên trời thò xuống, nhấc mình đi, sẽ không ai hay biết, và mọi sự vẫn sẽ diễn ra đúng như thế. Hay nói cách khác, sự có mặt hay không có mặt của bản thân không mang lại thay đổi gì ở nơi mình đã rời đi và nơi mình đang ở.
3. Đến một nơi ở mới – go to a new place – có một cái lợi mà mình đã nghĩ đến, là cơ hội để sắp xếp lại hình ảnh của bản thân, cách mình hiểu về chính mình và cách mình thể hiện con người đó ra ngoài. Nhưng còn một điều hại, mà bây giờ mình đang rất thấm thía, là sự chông chênh của những giá trị. Cái này khó nhận ra hơn và nguy hiểm hơn cô đơn thuần túy. Có lẽ cô đơn chỉ làm người ta buồn thôi, còn khi thấy nghi ngờ giá trị của bản thân, thì rất dễ dẫn đến hoang mang và chán nản. Đang từ một chỗ mọi mối quan hệ đều yên ấm, được người khác công nhận, đến một chỗ luôn trong trạng thái không biết tham gia vào cuộc hội thoại thế nào, cũng không có ai thấy có điều gì thú vị ở mình để chia sẻ, trong khi những điểm tựa tinh thần vốn có dần tan rã. Những cuộc nói chuyện với bạn thưa dần, mặc dù trước khi đi đã hứa hẹn sẽ giữ liên hệ với nhau. Thời gian khác nhau, mối quan tâm khác nhau, những sự kiện của cuộc đời cũng diễn ra vào những thời điểm khác nhau, dần dần cuộc sống cuốn những người mình đã từng thân thiết đi theo những hướng khác, đủ xa để đến khi gặp lại, cả mình và họ đều nhận ra mối quan hệ ấy đã không như trước nữa, vì cả hai đều đã thay đổi.
Còn ở chỗ mới, nhiều khi cố đè nén cái mặc cảm rằng mình không giống họ, và mình quá nhàm chán đối với họ, nhưng chỉ cần một chuyện chẳng có gì to tát, ví dụ như đi từ đầu lớp, chỗ nào cũng đã có người ngồi và giữ chỗ cho bạn, lần nào định kéo một cái ghế cũng có người ý tứ nói “chỗ đấy đã có người rồi.”, lủi thủi đi đến tận cuối lớp mới có một cái ghế trống, nơi xung quanh không có ai lai vãng, cũng đủ làm tâm trạng u ám cả ngày. Hoặc cố gắng để bắt chuyện với một người, họ ậm ừ cho qua, bắt chuyện với người thứ hai, họ quay đi và nói chuyện rổn rảng với người khác, trong những ngày thiếu ngủ, thế cũng đủ để một giọt nước mắt lăn ra, và bị gạt đi rất vội.
4. Về nhà – go home – thật ra cũng không phải là giải pháp tối ưu cho tất cả mọi vấn đề. Mình vẫn nhớ tất cả những cảm giác khó chịu khi mới về nhà. Tại sao người đi đường suốt ngày bấm còi và chen vượt một cách hung hăng thế? Tại sao những người đàn ông lớn tuổi khi làm việc với mình lại hay cố tỏ ra ghê gớm để khẳng định vị thế và quyền lực của họ, có phải có điều gì đó trong cách mình đi đứng, nói năng, nhìn thẳng vào mắt họ, hay chỉ cái bằng đại học ở nước ngoài của mình khiến họ thấy bị thách thức? Tại sao những chị làm cùng phòng cứ phải túm năm tụm bảy nói xấu người khác thay vì tập trung làm việc? Tại sao người quen gặp cứ phải hỏi những câu tọc mạch như đi làm lương tháng cao lắm nhỉ? Tại sao mẹ cứ buồn phiền vì chuyện mình chỉ đưa một phần lương, chứ không cung cúc nộp tất cả “nhờ mẹ giữ hộ” như một đứa con ngoan chân chính?
Những câu hỏi đó, sự bực bội, và cố gắng cưỡng lại những thói quen hành xử và phán xét của người Việt Nam làm mình nhận ra mình cũng đã không còn Việt Nam trăm phần trăm nữa. Còn nhớ, khi mới về, mình hay lờ mờ cảm thấy hình như mỗi người xung quanh đều đang sống trong một cái bong bóng cao su, và thật ra cách đối xử của họ còn ít chân thành và khó hiểu hơn những người Canada mình không thân quen. Mình muốn phát khùng khi ở trong một xã hội mà phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trẻ, sống cuộc đời họ theo ý muốn và sự sắp xếp của gia đình, người thân và những sức ép vô hình khác. Không thích làm ngân hàng, nhưng vì bố mẹ bảo ở đây ổn định, nên phải nộp đơn vào. Chưa muốn lấy chồng, nhưng không lấy thì sẽ bị cho là ế, nên tặc lưỡi làm đám cưới. Không thích uống rượu, nhưng sếp bảo muốn được yêu quý thì phải uống, nên nhắm mắt nuốt. Lúc đầu mình không hiểu tại sao những người xung quanh có thể chấp nhận sống như thế, sau đó thì hiểu ra, một phần vì mình khác họ, đã “tây hóa” nhiều quá, chứ họ chẳng có vấn đề gì cả.
5. Cái sự mắc kẹt của mình đã không chỉ dừng lại ở không gian và thời gian, mà chuyển thành giữa hai nền văn hóa và những giá trị sống rất khác nhau. Đến một lúc, cho dù ở đâu, mình cũng không cảm thấy hoàn toàn vui vẻ. Rễ ở một nơi đã tróc, còn rễ ở nơi khác cũng chưa hẳn đã bám chặt. Ở một mặt nào đó, sự thật đấy khá bi kịch. Ngày xưa, khi xa nhà lần đầu tiên, mình cứ tưởng chỉ cần về cái nơi chốn mà mình nhớ nhung đấy, mình sẽ lại được bao bọc và mọi thứ sẽ ổn. Bây giờ thì đã nhận ra, bởi vì con người mình khi về không giống con người mình khi ra đi nữa, nên kể cả “nhà” cũng sẽ không phải là chốn nương tựa bình yên nhất.
Đến một lúc, dù là “đi” hay là “về”, dù là “come” hay là “go” cũng không còn gì quan trọng. Như thế thì nên tự hào nhận mình là “công dân thế giới”, hay buồn bã mà gắn cho bản thân cái mác “lữ khách tha phương”?
Tết 2014
xe lu says
Viết rất hay, đặc biệt là 2 phần cuối, và câu cuối 🙂 thật ra thì cuộc sống còn thay đổi nhiều, nên khó có thể nói bạn cảm thấy lơ lửng thế này trong bao lâu. Biết đâu đến 1 ngày, có gia đình nhỏ của mình, bạn sẽ yên tâm tìm thấy “home” duy nhất của bạn? ^^
Chuyện says
Mình cũng không biết :)) Chưa có làm sao biết được, nhưng mình nghĩ là không nên kì vọng nhiều quá.
Mèo says
Có một cách phân biệt come và go rất dễ nhớ là come here và go there. ^_^
Tiểu Khách says
Cảm ơn Kể chuyện vì một bài viết rất tinh tế. Tôi cũng từng vướng bận lòng mình vào những giằng xé văn hóa và tư tưởng như bác nên chỉ có lời khuyên thế này: “đi” hay “về” cũng chỉ là cách nói khác đi của việc tìm kiếm hạnh phúc. Nó chỉ đến bên ta một khi ta đã hiểu được chính mình. Với những bài viết sâu sắc của KC, tôi tin là KC phần nào làm được điều đó.
Chúc KC một năm mới với nhiều niềm vui hơn nữa. Kể “chuyện tôi” thì ưu tư vậy thôi, chứ niềm vui mới là động lực để KC tiếp tục duy trì trang blog này phải không nhỉ?
Chuyện says
Cám ơn bác, chúc bác cũng năm mới vui vẻ trẻ khỏe. Động lực để viết thì chủ yếu là vì có nhiều điều nghĩ trong đầu cần xả ra, và thích được khen :))
Giang says
Giống như chị ấy, đến một độ tuổi nào đó, biết nhà bố mẹ vẫn là nhà mình, nhưng thấy thật sự k còn là nhà mình khi biết một ngày nào đó phải rời đi, còn ngôi nhà thật sự của m thì còn chưa tìm thấy. Cho nên trong lòng bất an, lơ lửng, không biết nơi đâu là bến đỗ cuối cùng.
Thachtexas says
Cảm ơn rất nhiều về một bài viết chân tình của một ” Lữ khách tha phương”. Ai cũng có thể vẽ ra được hình ảnh bên ngoài, và phát họa lên đươc tâm linh của ” Lữ khách tha phương”. Tôi biết bạn đang khóc với nhưng giot nước mắt khô. Đang buồn với những hình ảnh tết quê nhà. Và đang vui với những lời nhạc buồn mang mùi vị xuân (tết). “Come” or “Go”, đối với bạn thì đều một nghĩa. Một nghĩa không phải là về nhà hay đi về nhà. Một nghĩa ở đây là đi về nhà hay không đi về nhà. Ở lại đây hay không ở lại đây???
Khi ta dương cung lên để bắn. Ta phải biết điều đầu tiên là sẽ bắn mũi tên về hướng nào, và mũi tên sẽ bay vào tâm điểm nào. Và khi đã xác đinh được mục đính, thi ta mới bắn. Hy vọng chúng ta ai cũng đều có mốt điểm tới đã được chọn và xác định trước thật chính đáng và nhiều hy vọng. Để rồi đừng bị rơi vào tâm trạng như ” Lữ khách tha phương” đang lơ lửng giữa dòng sông trên chiếc thuyền không mái chèo, để rồi không biết rồi sẽ trôi về đâu???