Rapper nổi tiếng Eminem
1. Tối qua ngồi xem Số Đỏ[1] trên Youtube, phim làm từ ngày xưa, hồi Lê Vân còn trẻ và các diễn viên bây giờ đã qua đời gần hết vẫn còn ở tuổi trung niên. Có một chi tiết tôi nhớ, là khi ông TYPN, cái ông thợ cắt may chuyên cho ra đời những bộ đồ ngủ hở hang phong cách Victoria Secret và tán các bà các cô hoảng loạn tìm cách giữ chồng rằng phải cách tân và đổi mới, thấy vợ mình cũng đi guốc cao, mặt quần trắng mỏng dính, tô son môi trái tim và kẻ lông mày. Ông đã chửi vợ là “đồ đĩ”, và khi cô vợ nghệt mặt ra không hiểu tại sao làm đúng như những điều chồng vẫn ngợi ca lại bị mắng, thì ông bảo “tân thời chỉ dành cho vợ người ta thôi, không phải nói vợ tôi”, và một ông nhà báo luôn miệng cô súy cho Âu hóa đang đứng gần đó cũng góp lời khuyên giải chị vợ rằng “những cái chúng tôi nói chỉ dành cho vợ, cho em gái, cho con gái người khác, không phải vợ con chúng tôi”. Cảnh kết thúc bằng việc ông Típ Phờ Nờ lôi xềnh xệch vợ về, luôn miệng “đàn bà là tôi giam tiệt trong nhà”.
Tôi nhớ chi tiết đấy bởi vì mới lúc sáng đọc một bài phỏng vấn Eminem[2] và những lo lắng của một ông bố khi con gái đến tuổi cập kê. Cậu bạn trai đầu tiên của cô này, có thể là trong một cố gắng để lấy lòng bố người yêu, cũng có thể là thành thật, tâm sự rằng “cháu rất thích nhạc của bác, cháu nghe từ bé đến lớn luôn”. Đáng lẽ phải vui mừng thì Eminem lại tá hỏa, vì những bài hát nổi tiếng nhất của ca sĩ này có nội dung bạo lực và đen tối, như giết vợ rồi lấy máu viết lên tường, hoặc kể về những phi vụ hãm hiếp “những con đĩ”. Như mọi ông bố có con gái đang lớn khác, Eminem lo lắng cho sự an toàn của con gái mình, và tuyên bố muốn con yêu những chàng trai không bao giờ nghe nhạc của bố. Vẫn là một ví dụ của việc tung hô và tuyên truyền những điều bản thân không tin, và không thích, nhưng kiếm được rất nhiều tiền.
Không hiểu những người như ông Típ và Eminem, khi mang những giá trị về phụ nữ ra để bán lấy tiền, có thật sự tin rằng những người phụ nữ của họ có sức miễn nhiễm vô song đối với những điều họ rao giảng, bằng những bài rap hoặc những mấu áo váy, hay là họ chỉ cố tình lờ những cảnh báo đạo đức của chính mình, cho đến khi không thể lờ được nữa. Nhưng thường những lúc đó cũng đã quá muộn.
2. Gần đây mọi người xôn xao về chuyện hai cô trông trẻ đánh các em bé mẫu giáo. [3]Các phản ứng thường gặp nhất là giận dữ và lo sợ. Giận dữ sẽ dẫn đến sỉ vả, chửi bới, đòi xử án. Sợ hãi dẫn đến tâm lý lo âu, bất an, và suy nghĩ “trong cái xã hội hỗn loạn này, tôi phải lo cho gia đình tôi trước”. Tôi thấy suy nghĩ đấy hơi ngây thơ, cũng không khác nhiều với suy nghĩ của hai người đàn ông ở trên, cho rằng gia đình nằm ngoài tầm ảnh hưởng rất rộng lớn của họ và những giá trị họ giúp nhân rộng. Sẽ không có sự tách rời giữa cái tôi, hay gia đình tôi, và xã hội tôi đang sống. Nếu xã hội đấy xấu, gia đình và cá nhân không thể được yên ổn, và ngược lại.
Việc đổ lỗi cho cá nhân rất dễ. Đòi hai cô trông trẻ phải bị xử, bị giết cho thỏa nỗi bất bình rất dễ. Nói rằng hai cô này chắc chắn có vấn đề về thần kinh cũng rất dễ. Cái khó là thừa nhận họ hoàn toàn bình thường và là một phần của xã hội chúng ta đều đang sống trong và bị bao trùm bởi nó. Hai cô đó có thể là mẹ, là chị, là người yêu, là con cái của bất kì ai trong chúng ta, hoặc của chính chúng ta. Người ta thường lảng tránh suy nghĩ đánh đồng bản thân mình với kẻ xấu, vì họ muốn vạch rõ lằn ranh giữa những người bình thường của cộng đồng và những phần tử bất thường khác.
Ở Canada gần đây cũng có một vụ gây lùm xùm dư luận. Có một nữ tù trẻ bị cho vào phòng biệt giam, tức là không có bất kì tiếp xúc nào với người khác, cho dù là bạn tù hay giám thị[4]. Cô này treo cổ tự tử, và người giám thị phụ trách ca trực đó chứng kiến từ đầu đến cuối nhưng thay vì ngăn cản đã ra lệnh cho những người dưới quyền không được can thiệp cho đến khi nữ tù ngừng thở. Có thể người giám thị cho rằng đây chỉ là một trò dọa dẫm vớ vẩn gây sự chú ý mới. Nhưng tất nhiên là khi nữ tù kia đã ngừng thở thật, họ không can thiệp kịp nữa. Vụ này cũng lên báo lên đài và rất nhiều người bày tỏ sự phẫn nộ.
Nếu như ở Việt Nam, tôi đoán rằng những ý kiến bàn luận sẽ chủ yếu xoay quanh sự suy thoái đạo đức, sự vô cảm, thiếu tình người, tức là cá nhân hóa việc khoanh tay đứng nhìn của người giám thị kia, tâp trung vào cô ta như một chủ thể duy nhất của toàn bộ cái xấu, cũng như hai cô trông trẻ bị công luận giày xéo vì sự dã man của họ. Canada có một bước tiến hơn, tôi thấy những chuyên gia bàn về những chính sách mới để kiểm tra mức độ ổn định tâm lý của các tù nhân trước khi vào trại, những hỗ trợ mới để kiểm soát mức độ trừng phạt đối với tù nhân bị biệt giam, và cả những cách để huy động y tế khẩn cấp trong tù. Cô giám thị chắc chắn bị trừng phạt, nhưng xã hội Canada hiểu rằng họ cũng có trách nhiệm. Cô kia không phải là một phần tử ngoài xã hội để chỉ cần loại bỏ cho khuất mắt là xong, cô ta đã, đang và những người như cô ta sẽ là một phần của nó.
Tôi vẫn chờ đợi xem người ta lên tiếng về việc phải hỗ trợ học phí nhà trẻ, phải thanh lọc quá trình tuyển dụng các cô trông trẻ, phải đào tạo đạo đức cho các sinh viên sư phạm mầm non, phải có những biện pháp để những phụ huynh làm trong các khu công nghiệp lương ba cọc ba đồng, đi từ sáng sớm đến tối khuya có lựa chọn trong việc gửi con. Những nhân viên văn phòng có thời gian vào facebook hàng ngày, than thở chê bai những ông bố bà mẹ vô trách nhiệm hay vô tâm để con bị đánh mà không biết. Tôi ngờ rằng họ biết, nhưng hai vợ chồng công nhân làm trong khu công nghiệp, họ hàng ở quê, xung quanh không có ai để nhờ vả, phải vào làm từ 6 rưỡi sáng và về nhà lúc 6 rưỡi tối, khi phải lựa chọn giữa đưa con đi học ở chỗ khác, đi làm muộn, mất việc, con bị đói, với việc biết rằng con bị đánh, chưa kể rằng có thể bản thân họ cũng lớn lên với đòn roi, thì lựa chọn thế nào cũng không phải quá khó hiểu.
Không thấy có nhiều ý kiến kiểu như vậy, nên tôi e rằng chúng ta vẫn chưa hiểu rằng để giải quyết một vấn đề, không thể chỉ đổ lỗi cho một cá nhân, hay quy chụp cá nhân đó bất thường. Chỉ khi nào cả xã hội cùng nhận trách nhiệm và cùng nghĩ đến những thay đổi cơ bản về chính sách hay về cách chúng ta sống và vận hành như một tập thể, thì đến khi đấy mới hết những cô trông trẻ dã man. Còn lại thì, bỏ tù được hai cô, sợ rằng lại có những cô khác. Giống như một cơ thể đã nhiễm HIV, nếu hệ miễn dịch không còn vững chắc nữa, chữa được bệnh ngoài da thì lại bị tiêu chảy thôi.
Tiểu khách says
Bài này cung cấp một cách nhìn rất “xã hội học”, tôi ưng.
Khốn nỗi bác Kể chuyện lọ mọ đêm khuya biên bài, hại sức tổn thần, mà lại thành vô ích, vì người cần đọc có đọc đâu.
Bác có thì giờ làm một bài về văn hóa tiếp thu của người Việt mình, về một xã hội không có chính kiến riêng thì Tiểu khách tôi xin ngồi hầu chuyện thâu đêm ngay.
Chúc mứng kể chuyện già thêm một tuỏi.
Chuyện says
Hehe, cám ơn bác đã quan tâm. Tôi ở cách xa VN đúng 12h tiếng, nên bây giờ đang là buổi chiều, chứ tôi ăn ngủ điều độ lắm.
Những câu hỏi to như văn hóa tiếp thu thì khó quá, tôi chưa đủ trình để phân tích 😀 Nhưng tôi đang nghĩ một bài kiểu “cần những gì để xã hội tốt đẹp hơn”.
Kể Chuyện mới được 8 tháng thôi, đến tháng 4 mới được 1 tuổi 😀
Bánh Mì Không says
Bài viết hay quá bạn ơi. Mình rất tâm đắc.
Đúng là những khi đọc tin tức như hành hạ này nọ thì mình cũng có suy nghĩ phải xử họ vậy đó. Nhưng cũng sâu xa trong đầu mình cũng muốn tìm ra gì đó để bênh vực lại cho họ, vì đúng là như bạn nói họ vốn đang là một trong số con người chúng ta mà. Cũng chung nền văn hóa, giáo dục,… và hành vi nào cũng từ nguyên nhân sâu xa nào thôi. Có thể do “bản năng”, có thể do ức chế,hoặc không vì gì cả. Chỉ đơn giản là muốn-thay-đổi-sự-quen-thuộc mỗi ngày, như cách sống, quy luật.nền tảng đạo đức. Một người hiền 10 năm thì cũng sẽ có 1 ngày điên rồ. Vì họ thấy xung quanh vẫn có những cái xấu, không tốt diễn ra và những người làm nên chúng cũng là người như mình. Vậy thì mình cũng có thể?…
Không biết bạn có viết bài về cách đặt tiêu đề bài báo bây giờ rất “vớ vẩn”, “không ra gì” không. Những kiểu đưa tin đó cũng như kiểu xử phạt mà không giáo dục, tìm cách sữa chữa như trong bài bạn đã viết đó.