Căn phòng không giấu nổi sự tạm bợ của nó. Vừa đặt chân qua cửa, tôi lướt mắt một vòng. Tường có vẻ ọp ẹp, hình như được dựng tạm từ tranh tre hay nứa lá gì đó, giấy báo dán chằng đụp, có những mảnh đã mủn ra, mỗi lần có gió thổi qua lại run run sắp rụng xuống. Nhưng sạch sẽ và sáng sủa. Phòng chỉ kê đủ một cái giường đơn, một bộ bàn ghế nhỏ, tất nhiên là đều sát tường. Ở mé ngoài là một chiếc bếp ga du lịch, một cái xô nước, vài cái bát xếp chồng lên nhau vội vã. Tất cả nhiêu đó là nơi ăn chốn ở của hai cô công nhân nhà máy mới ngoài 20 tuổi.
“Nhà chật, anh chị ngồi tạm lên giường nhé.”
“Không sao không sao, ngồi lên giường càng thoải mái.”
Tôi tụt dép, nhanh nhẹn tìm một góc giường ngồi xếp chân vòng tròn, vì biết càng đứng lâu thì càng gây khó xử cho hai bạn, nhưng cũng rất rón rén vì chiếc giường kêu cót két dưới sức nặng của bốn người. Sập xuống đây thì khổ.
Bọn em đều là người ở nơi khác, đến đây thuê nhà trọ để đi làm công nhân. Hai chị em ở đây, một tháng đi làm được ba triệu, thì tiền nhà và tiền điện nước đã hết bảy trăm rồi. Câu chuyện bắt đầu như thế.
Làng này gần hai khu công nghiệp lớn, nên rất nhiều công nhân di cư đến đây trọ. Có người sống một mình, có người cả vợ cả chồng, rồi sinh con đẻ cái ở đây nữa, nhưng dù ở bao nhiêu năm thì bọn em vẫn chỉ là người đi ở trọ, dân làng ở đây họ khinh lắm. Em cũng chẳng biết tại sao họ khinh mình, bọn em cũng sống tử tế, đi làm đi ăn, không ăn cắp ăn trộm của ai cái gì, nhưng người ta cũng chẳng muốn quan hệ gì với chúng em cả.
Cô gái ấy năm nay mới có hai mốt tuổi, mà đã sống cảnh xa nhà thế này ba năm. Mắt em sáng, tóc em đen, nhưng gương mặt xanh xao vì thiếu nắng và ăn uống quá kham khổ. Em nói chuyện rất tự nhiên, như chẳng có gì để giấu diếm, dù rằng mỗi lần nói về “những người dân gốc ở đây”, em lại hạ giọng xuống đến mức thầm thì. Căn phòng trọ em đang ở, dù sao cũng được dựng nên ngay trong sân của một gia đình trong làng. Nhìn qua vai em về phía đối diện, tôi thấy một gia đình đang quây quần bên nhau xem TV, cũng êm đềm như bất cứ gia đình yên ấm nào khác, chỉ trừ việc cách họ mấy bước chân, ở khoảng sân trước đây bỏ không, giờ là một “căn phòng” dựng tạm cho hai cô gái lấy làm chỗ ăn chỗ ngủ. Nói nhỏ chứ, tai vách mạch rừng…
Công nhân thường đi làm ca, mỗi ngày làm mười hai tiếng, nên đi làm về em chỉ muốn ngủ thôi. Nhưng em còn may thuê được chỗ trọ gần, có nhiều người thuê xa, họ phải chờ xe của công ty đưa đón, thì còn phải làm thêm vài tiếng nữa, vừa để chờ xe, vừa để bù vào khoản tiền đi lại. Như chúng em mỗi tuần được nghỉ một ngày chủ nhật, nhưng có những người chẳng được nghỉ ngày nào cả, một tháng có ba mươi ngày thì làm đủ cả ba mươi. Hôm nào ốm đau, hay nhà có việc mà nghỉ, là lại bị trừ lương ngày đó. Có những anh làm hàn làm xì, vừa bụi vừa nguy hiểm, làm việc năm sáu năm mà cũng chẳng được đóng bảo hiểm. Rồi một hôm bị máy cắt đứt tay, anh ấy không làm được nữa, thì cũng đành về quê thôi. Những người có tuổi rồi, có dám lên tiếng đòi hỏi chế độ thì công ty họ cho nghỉ việc luôn, nên ở đây cũng ít người dám đấu tranh lắm.
Có những hôm em đi làm ca đêm về nhà lúc bốn năm giờ sáng, trời vừa mưa vừa rét. Có lần bạn em nghỉ, nên em phải đi xe một mình. Đang đi tự dưng thấy mấy người đàn ông đứng trong bụi tre ở phía trước mặt, cứ vẫy tay về phía em. Em cứng đờ người vì sợ, cũng chẳng biết là ma hay là người nữa. Ánh sáng từ đèn pha xe máy của em thì yếu, không đủ soi rõ, đường buổi đêm không một bóng người, em căng mắt ra nhìn cũng chỉ thấy lập lờ vài cái bóng. May quá đang chưa biết làm thế nào thì có một cái ô tô đi qua. Em bám sát cái ô tô đi thật nhanh qua chỗ bụi tre ấy. Sau này cứ đi làm đêm về là em phải thủ sẵn trong người con dao.
Con gái tay nhỏ và khéo léo thì thường đứng dây chuyền lắp ráp linh kiện điện thoại, hoặc là ngồi may. Toàn những việc tỉ mỉ, nên làm lâu, mà ánh đèn neon chói lắm, nên hình như mắt em ngày càng kém, cũng hay bị đau đầu mà không hiểu tại sao. Nhưng em vẫn chưa phải nuôi ai, nên cũng không đến nỗi nào. Ở gần đây có nhiều anh chị cả hai vợ chồng cùng đi làm, còn phải để dành tiền gửi về quê nuôi con ăn học, nên chẳng dám ăn tiêu. Chị bảo hai người lớn mà một ngày chỉ dám chi mười, hai mươi nghìn đi chợ, thì lấy đâu ra chất dinh dưỡng mà bổ béo được.
Bao nhiêu con người, sức lực, trí tuệ và cảm xúc bị vắt kiệt trong những nhà máy như thế này? Bao nhiêu cô gái trẻ, nhanh nhẹn và đôi mắt long lanh ánh lên vẻ thông minh như em, không còn thời gian để nhìn mình trong gương, để đi chơi với bạn bè, để nấu một bữa cơm ngon lành và tử tế, hay đơn giản là có một giấc ngủ nhẹ nhàng hơn những cơn vật mình uể oải, vì từ lúc mở mắt thức dậy đến lúc nhắm mắt đi ngủ chỉ là một chuỗi những hành động lặp đi lặp lại. Ăn, đi làm, tắm rửa, ăn, ngủ, thức dậy, ăn, đi làm. Trong mười hai giờ đằng đẵng của một ngày, em cũng chỉ làm đi làm lại một vài động tác đơn điệu, hai bắp chân đứng mỏi như muốn gẫy ra, mắt cay xè vì tập trung vào những linh kiện nhỏ xíu, nếu chỉ làm sai một chiếc em sẽ bị trừ có khi đến nửa tháng lương.
Cuộc sống của em, có khác gì những người công nhân mà Karl Marx đã miêu tả bị tư sản bóc lột từ thế kỉ 19. Trớ trêu thay, em lại đang sống ở thế kỉ 21, trong một đất nước xã hội chủ nghĩa “dân giàu nước mạnh”. Nhưng em cứ ríu rít kể chuyện, giọng lúc to, lúc nhỏ, và liên tục nhắc đến những ví dụ của người này người khác, những anh chị công nhân em biết còn khổ hơn em, còn sống một cuộc đời luẩn quẩn, đơn điệu và bị bóc lột tàn tệ hơn em.
Tôi phi xe xé gió về nhà, nghĩ về những nỗi buồn “không biết mình thích cái gì, không biết mình nên làm nghề gì” hết sức tiểu tư sản của mình và bạn bè mình. Chỉ cách tôi có mười mấy cây số, hoặc thậm chí gần hơn, có những người như cô gái trẻ ấy, chẳng thua kém tôi điều gì, nhưng những điều cuộc sống mang lại cho họ mới khắc nghiệt làm sao. Lúc ấy trời bắt đầu mưa, tôi nghe trong đầu văng vẳng hai câu thơ của Chế Lan Viên
“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp.
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con”
Bởi vì cuộc đời của tôi và những người dân thành thị có cuộc sống sung túc nhỏ bé và hạn hẹp quá, cũng chẳng đi đâu xa hơn được cái tôi ích kỉ của mình, nên những giấc mơ vụn vặt, những nỗi đau khổ tủn mủn, cũng nghiến bẹp được nó. Thế nên tôi cần những câu chuyện như của em, để nhắc cho mình nhớ về sự xa xỉ của những điều mình cho là đương nhiên, và rằng còn có rất nhiều người như em, “giấc mơ con” của họ nhiều khi chỉ là một ngày không phải làm việc, một bữa ăn nóng sốt, và một giấc ngủ thoải mái, không chật chội, nóng bức, hay phủ đầy uẩn ức vì bị đè nén.
Chỉ đơn giản thế thôi.
Xe Lu says
thật ra đôi khi tớ vẫn nghĩ, không thể so sánh giữa cuộc sống của người này và người kia, giống như ai đó từng viết đại loại như “không thể lấy suy nghĩ của người giàu để nói về nỗi khổ của người nghèo và ngược lại”.
Tớ nhận thức rõ những gì mình đang có trong tay. Có thể khi đặt số phận của bọn tớ cạnh những mảnh đời bất hạnh trong xã hội, tớ còn sung sướng chán, nhưng có thật là chỉ vì thế mà tớ ko đc quyền đau khổ vì ko-biết-mình-muốn-gì không?
Comment trên không nhằm tranh cãi gì về bài viết này. Đây là một câu chuyện rất hay và ý nghĩa. Chỉ là, thật sự, với tớ giờ đây, ao ước lớn nhất, là được ngủ một giấc thật ngon mà không bị ám ảnh với những lời la mắng và tranh đấu ở nơi làm việc. Như vậy là tủn mủn và hạn hẹp quá ư? : )
Chuyện says
Tớ không nói là “không có quyền”, bạn ạ. Làm gì có ai không có quyền đau khổ, hay phán xét nỗi đau khổ của người khác là to hơn hay bé hơn mình. Tớ chỉ muốn nói là đừng quá tập trung vào vấn đề của mình mà quên đi những người khác. Tớ không nhằm phê phán đả kích ai cả, vì đây cũng là bài học cho chính tớ nữa. Thời gian gần đây tớ than vãn nhiều về chuyện công việc và cuộc sống của mình. Sau khi nói chuyện với em gái kia xong, được nhắc nhở là, nhiều khi cần phải trông xa hơn mình để thấy nỗi đau khổ của mình nằm ở đâu trong muôn ngàn chúng sinh, vì thế mà bớt đau khổ đi nhiều lắm. Còn cứ chăm chăm xoáy vào nó, hình như nó càng rộng ra.
Xe Lu says
ừa, cái đó thì tớ công nhận ^^ sẽ phải cố gắng hơn nữa rồi : )
Huyền says
Ngửng lên thì chẳng bằng ai, cúi xuống thì thấy mình còn sướng hơn ối người. Mỗi khi cảm thấy bất mãn về điều gì đó, cảm thấy sao mình không được như thế này, thế kia thì lại phải cúi xuống để tự ” cân bằng” lại mình, để tự răn mình đừng có tham lam quá,hãy biết quan tâm tới mọi người hơn, sống tốt hơn. Vật chất không phải là tất cả.