Ảnh tác giả chụp tại hồ Đồng Quan. Hai anh em ngồi đợi mẹ bán nước mía cho khách du lịch
1. Sáng hôm ấy tôi và Trang dậy rõ sớm để đi cồn cát. Đến Mũi Né mà, làm sao bỏ qua địa danh nổi tiếng ấy được. Đường từ thành phố Phan Thiết ra bầu cát đỏ và bầu cát vàng lượn vòng ôm sát biển xanh thăm thẳm, gió mát lịm. Những công trình ngổn ngang san sát nhau, tương lai của vô số resort và các khu nghỉ dưỡng cao cấp sẽ sớm mọc lên dọc theo bờ biển. Con xe Wave đi thuê dưới sức nặng ngót nghét một tạ của hai đứa vừa kêu lọc xọc vừa thở phì phò qua ống bô. Khi cồn cát vừa xuất hiện trong tầm mắt, chúng tôi cho xe đi chậm lại, thì ngay lập tức có một đám trẻ trai khoảng năm bảy đứa gầy nhẳng, đen đúa, hoặc cởi trần hoặc mặc áo phông màu bạc phếch ùa ra xúm xít quanh xe. Chị ơi, chị trượt cát không? Em cho thuê ván trượt nè chị? Chị ơi chị để em xách túi cho. Chị ơi đi đường này dễ lên này. Mấy thằng nhóc nói ríu rít, vừa cười vừa chạy thoăn thoắt lên đồi, tôi và Trang không đi quen, cát ngập lún gót, vừa leo vừa thở hồng hộc mãi mới đến nơi cần trượt.
Bọn trẻ xúm lại đứa kéo đứa đẩy, đứa nói “để em chụp hình hộ chị” rồi cầm máy ảnh của hai bọn tôi bấm toanh toách. Cũng không phải là chuyện gì mới, sau lần trượt đầu tiên, vừa biết thế nào là trượt cát Mũi Né, thì khi leo lên lại đỉnh đồi, Trang nghi ngờ thấy miệng túi xách bị mở ra thì phát hiện đã mất tờ hai trăm ngàn. Mấy đứa nhóc chắc cũng hiểu chuyện gì đang xảy ra, kì kèo đòi tiền công cho phải phép, rồi thoắt cái đã biến mất sau những đồi cát vàng thoai thoải.
Tôi và Trang ngồi lại trên đồi, hai đứa buồn rười rượi. Không hẳn vì mất tiền, hay vì hỏng một cuộc vui chỉ mới bắt đầu. Chúng tôi buồn vì những cậu trai này nghĩ rằng những người khách du lịch là những kẻ thừa thãi vật chất, và mình có quyền lấy tiền của họ. Vì những em bé ấy nghèo, và đã quá sớm trở thành một phần của guồng máy du lịch. Cả Mũi Né là một khu du lịch. Người lớn mở cửa hàng, con gái làm lễ tân, con trai làm hướng dẫn. Người có học thì được làm việc trực tiếp với khách nước ngoài, nói tiếng Anh, tiếng Nga, người ít học thì làm dọn phòng, bảo vệ. Còn những đứa trẻ, các em cũng tham gia vào guồng quay ấy và sự ngây thơ bị nghiến bẹp.
Hoặc sự ngây thơ được đem ra để kiếm tiền, như cô bé người Dao tôi gặp ở Sapa. Hôm đấy mưa lất phất, tôi đi cùng một đoàn đến bản Cát Cát. Mọi người chạy mưa, đã vào trú trong một mái lều dựng tạm và ăn trứng nướng. Tôi đi tụt lại phía sau, đang ngồi thơ thẩn nghĩ ngợi thì có một em gái rất xinh chạy đến bắt chuyện. Cũng chẳng nhớ là đã nói gì với nhau, đại loại là tôi hỏi mấy một số từ trong tiếng Dao, về việc đi học của các bạn nhỏ khác trong bản. Vừa nói chuyện với tôi, em vừa chơi với mấy cô bạn gái. Khoảng hai mươi phút sau, em bảo “mẹ em cho em bông hoa, em tặng chị này” rồi đưa tôi một bông hoa đào (lúc đó mới qua Tết). Tôi rưng rưng xúc động và nghĩ đây quả là cuộc hội ngộ đặc biệt. Tôi cẩn thận bỏ bông hoa đào ấy vào túi để không bị bẹp cánh, rồi hân hoan chào em, trong lòng vui sướng, cho đến khi tôi trở ra cùng đoàn và thấy em đang tặng một bông hoa đào khác cho một người khác, và người đấy đang rút ví lấy tiền lẻ cho em.
Thế nên những lần ngồi một mình khác, khi có một em bé lại gần, tôi không kì vọng rằng em ấy chỉ muốn nói chuyện với tôi nữa. Sau những câu “chị quê ở đâu?” “chị đang ở khách sạn nào?” “chị có thích chỗ này không?” “em biết mấy chỗ hay lắm, để em chỉ cho chị”, em sẽ kì vọng rằng tôi sẽ rút ví ra. Tất cả những thân thiện, nhẹ nhàng và ngây thơ ấy đều có mục đích. Và điều ấy làm tôi rất buồn. Không phải vì các em tính toán, mà vì các em bị cuốn vào guồng máy khổng lồ tìm mọi cách để nặn tiền của ngành công nghiệp du lịch. Khi một vùng đất trở thành khu du lịch, thay đổi về cơ sở hạ tầng có thể diễn ra trong 5-10 năm, thay đổi trong lối sống của người dân địa phương có thể diễn ra trong 10-15 năm, nhưng sự biến dạng trong trẻ nhỏ sẽ diễn ra ngay lập tức, và để lại hậu quả cực kì sâu sắc đến mãi sau này. Những cậu bé đã lấy trộm tiền của bạn tôi ở Mũi Né biết đâu sẽ lớn lên với mặc cảm thân phận rằng mình mãi mãi là người nghèo, và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đục khoét của những kẻ các em cho là giàu có.
2. Tôi có một chị bạn, chị ấy có hai con nhỏ và mới chia tay chồng, mỗi người nuôi một đứa. Rất nhiều lần, sau khi đón con trai lớn bảy tuổi về chơi, đêm nằm ngủ chị khóc ròng vì cảm giác bất lực khi thấy con thay đổi mà mình không làm gì được. Càng ngày thằng bé càng khép kín, rụt rè và ngơ ngác. Ngày trước nó rất hiếu động và tò mò, thích khám phá, nhưng bây giờ rủ làm điều gì mới đều lắc đầu nguầy nguậy, một mực không chịu tham gia. Với những trò nghịch ngợm sáng tạo chị bày ra cho đứa em gái chơi, như nặn đất, vẽ hoa lên tường, thằng anh bây giờ có điệu bộ dè bỉu “những trò vớ vẩn” y như bố nó. Gia đình nhà nội rất thương và chăm con, chỉ có điều họ không biết cách cho một thằng bé ở tuổi tò mò và cần được kích thích tính sáng tạo nhất cơ hội để làm một đứa trẻ. Nghịch đất à, bẩn. Chui vào rừng thông à, vớ vẩn. Trẻ con ngoan là đi học được điểm cao, về nhà ăn cơm đúng giờ, xem TV và đi ngủ. Cứ như vậy, kể từ khi chị bạn tôi không được ở cùng con trai nữa, thằng bé dần dần biến thành một con bò sữa nuôi đúng tiêu chuẩn. Ăn ngủ đúng giờ, đi học đầy đủ, không bị cô giáo mắng, không gây gổ với bạn bè trong lớp, không có vấn đề gì, nhưng cũng không có niềm vui, không có đam mê. Nó trở thành phiên bản nhỏ của người lớn, hơn là một đứa trẻ.
Rất nhiều gia đình nuôi con như vậy, và không ý thức được ảnh hưởng của việc mình áp đặt giới hạn lên những đứa trẻ. Mẹ dặn không được đùa nghịch quá nhiều, sẽ nhàu và bẩn váy, kết quả là một cô búp bê xúng xính váy áo không dám chơi cùng các bạn, ngồi buồn thiu một xó. Bố dặn không được ngồi gần quạt, sẽ viêm họng, kết quả là một cậu công tử nhất định không dám rời cái ghế tít ở cuối lớp vì tất cả các chỗ khác đều bị quạt chĩa vào. Không được sờ vào chó, có rận, không được sờ vào hoa, có ong, không được chạy nhanh, sẽ bị ngã, không được nghịch nước, sẽ bị cảm. Hàng trăm ngàn thứ không được đan xen vào nhau như cái lồng ghìm chặt một đứa trẻ. Nhiều khi các bậc phụ huynh than phiền rằng con mình quá nhút nhát, mà thật ra không hiểu bản thân đứa trẻ không nhút nhát, mà nó chỉ bị kìm kẹp bởi nỗi sợ của chính họ.
Tôi có một người bạn khác, người Úc, cô có hai con trai, và hay tự hào kể rằng vì cô rất có ý thức về giới và bình đẳng giới, nên con trai cô lớn lên có thể thừa nhận một cách thoải mái rằng anh không thông minh bằng bạn gái mình. Cô không ép con trai phải dùng đồ màu xanh, cô cũng không cho con chơi súng. Khi còn nhỏ, cô dạy con cách diễn đạt cảm xúc của mình bằng những từ ngữ cụ thể, “con buồn”, “con vui”, “con giận dữ”, chứ không chấp nhận những thái độ cục cằn hay kiểu la hét của những bé trai mà các ông bố bà mẹ khác cho là “chuyện bình thường, con trai nó thế”. Cô cho con chơi búp bê, nói với con về kinh nguyệt của phụ nữ, và dạy con làm việc nhà từ nhỏ. Con trai cô biết cách tự chăm sóc mình, không trông đợi vào người phụ nữ khác phục dịch họ, và luôn được những người bạn gái của họ ca ngợi rằng họ rất tâm lý. Cô nói rằng mỗi người mẹ là một hạt nhân thay đổi vô cùng quan trọng đối với xã hội, vì khi người mẹ nuôi dạy con để cho con mình phát triển như một “con người”, chứ không phải chỉ gói gọn trong “con trai” hay “con gái”, người mẹ ấy đã tạo ra được một công dân tự do, ít nhất là tự do đối với những định kiến giới. Một người đàn ông không dám khóc trước mặt vợ kể cả khi mẹ mình mất vì những định kiến rằng nam nhi phải cứng rắn thì có đáng thương không?
3. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Tôi hết mực tin rằng, một đứa trẻ là kết quả của sự dạy dỗ trực tiếp từ bố mẹ, cũng như hoàn cảnh xã hội xung quanh. Ngày xưa khi còn đi làm ở Sóc Sơn, mỗi lần đến thôn lại thấy một mảnh đất ruộng đã bị bán để chuẩn bị xây nhà, hoặc một ao cá vừa bị san lấp, và nhan nhản sân golf mọc lên, sự thay đổi chóng mặt ấy, mà người ta hay gọi là “phát triển”, không thể lường trước được hậu quả để lại cho những thế hệ sau này.
Tôi bị ám ảnh bởi ánh mắt của thằng bé không còn được đi câu cá ở cái ao nhỏ ưa thích của nó mỗi chiều thứ 7 vì cái ao đó, kèm với khu đất giờ vẫn còn nhiều cỏ dại nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ mọc lên một ngôi nhà to, đã được mua bởi một gia đình người Hà Nội. Thằng bé đứng từ xa nhìn ngó lom lom, một phần tuổi thơ của nó đã bị bán mất rồi.
Y như ánh mắt của cô bé con nhà giàu đi học ở trung tâm tiếng Anh đắt tiền mà tôi làm trợ giảng, không dám chơi với các bạn vì sợ nhàu váy, một phần tuổi thơ của em cũng bị giam hãm trong mảnh váy mất rồi.
Nhưng người lớn thì thường không biết, không để ý, hoặc không coi trọng những nỗi buồn và sự mất mát đó. Mỗi lần như thế, tôi thấy ôi chao là buồn.
Cỏ says
Em cũng từng ngồi nói chuyện với mấy đứa bé ở Mũi Né đó. Tụi nó rất thông minh, đố nhiều câu mà cả đoàn em nghĩ mãi vẫn không ra. Thích chạy loăng quăng theo các chị. Thật sự vẫn thấy chúng rất hồn nhiên và tội nghiệp, dù đã bước chân vào cái guồng quay du lịch sớm như thế.