Chuyến đi này là lần thứ hai tôi đến Đà Nẵng. Lần thứ nhất đi cùng gia đình còn quá nhỏ nên chẳng ấn tượng gì, mọi việc đều theo bố mẹ. Lần này tôi đi Đà Nẵng để tạm thoát khỏi vòng quay bức bách của cuộc sống sáng ngủ dậy lúc 7 rưỡi, tối lên giường lúc 11 giờ, trước khi nhắm mắt gạch đi những việc mình đã làm hôm nay và nhẩm tính những việc của ngày mai. Giữa hai hành động nhắm mắt mở mắt ấy là việc dán mắt vào màn hình máy tính, ăn, lái xe trên những con đường ám khói và mù bụi, rồi lại tiếp tục dán mắt vào màn hình máy tính.
Đà Nẵng không phải mùa du lịch nên vắng vẻ. Sáng thứ bẩy bên bờ sông Hàn, nắng vàng rộm chiếu xiên qua những kẽ lá, gió hây hẩy từ sông thổi lên, phố xá đủ xe cộ qua lại để không quá ngái ngủ, và đủ thưa người để khiến thời gian như chậm lại. Đà Nẵng không phải mùa hè nên mát mẻ. Đà Nẵng không phải mùa đông nên khô ráo. Đà Nẵng không phải là một thủ đô xô bồ như Hà Nội, nên từ bác gái phụ xe buýt, chị nhân viên ở hàng ăn, cho đến em bé bán kẹo cao su, ai cũng nhẹ nhàng và dễ chịu. Những ngày cuối tháng 3 ở Đà Nẵng, tôi bắt gặp một thành phố êm đềm. Tôi tạm trốn mình vào đó trong bốn ngày, quyết chí không nghĩ đến đống công việc dồn đống ở nhà, không nóng lòng chờ đợi những điều chính tôi cũng không chắc mình có tha thiết hay không, để lại cái tôi cam chịu sống bằng những kì vọng và mặc định của xã hội ở lại Hà Nội, tôi cho phép mình sống không vì ai cả trong bốn ngày.
Bánh tráng Trần ở Đà Nẵng quán rộng thênh thang. Nhân viên quán liên tục bưng rau, bưng bánh tráng ra trút lên đĩa ngay khi một thức gì đó vơi đi mà không cần đợi khách gọi. Đã lâu lắm rồi, tôi chưa được phục vụ ân cần và chu đáo như thế. Miếng thịt thái mỏng tang, chuối xanh hơi chát, dứa góp vào chút chua, cộng với vị mát lịm đầu lưỡi của bạc hà, cái mùi hăng hăng của rau húng, dẻo ngọt từ gạo của sợi bún, và đặc trưng nhất là món mắm nêm, mỗi lần cắn là một lần thấy cả thiên nhiên trôi vào cuống họng.
Ăn no nên một bụng bánh tráng, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển Mỹ Khê. Biển đêm được thắp sáng bởi những ngọn đèn đường, tạo ra những vùng sáng đan xen vào nhau quấn quýt. Bãi cát mịn và ấm, tôi đi chân trần và thầm biết ơn người dân Đà Nẵng về việc mình không phải sợ dẫm phải mảnh thủy tinh hay kim tiêm. Bàn chân tối ngày bị bó trong giày dép của tôi được tiếp xúc với cát ẩm, với những con sóng mơn man êm ái. Trong trạng thái lâng lâng là kết quả của cái dạ dày được thỏa mãn, của sóng biển rì rào bài ca bất tận, của gió biển mang đầy không khí trong lành, chúng tôi đã trút hết cả ruột gan ra thành ngôn ngữ. Chúng tôi đã nói chuyện với nhau hàng trăm lần trước đó, và có lẽ hàng vạn lần sau này, nhưng biển mênh mông dường như đã cởi bỏ những rào cản của vũ trụ đơn lẻ mà mỗi cá nhân vẫn bao bọc quanh mình. Lời như tan thành sóng, sóng như tan thành gió, tôi nói cho mình, cho người bạn của mình, và cho biển nghe những điều mà ở không gian nhỏ hẹp của thành phố và những bức tường, tôi đã luôn cố đè chúng xuống. Nhưng như những con ngựa bất kham, những mong mỏi và khao khát về một cuộc sống không bị bó buộc đã dứt tung dây cương tự kiểm soát của tôi, và đêm đó đã ào ạt ùa ra rồi tan vào gió biển.
Rừng dừa nước Cẩm Thanh ở Hội An không khác nhiều với những con kênh rạch tôi đã từng đến ở Nam Bộ. Nhưng tôi thích người phụ nữ đã đồng ý chèo thuyền đưa chúng tôi đi một vòng hôm đó. Không phải khách tour nên lộ trình của cô không cần theo đường vạch sẵn, những câu chuyện cũng không cần theo kịch bản sẵn. Cô có hai thằng con trai nè, giờ tụi nó chạy ghe đi bán dừa, không đứa nào đi biển nữa, vì cực quá mà con. Chú đi biển, đi tàu của họ đó, chớ mình sao có tiền mà đóng tàu, trăm triệu chứ chơi. Ừ, cứ đi cả tuần, rồi mới về. Dừa này là trước họ trồng, giờ của nhà ai người đấy đốn, làm nghề dừa này cũng cực, cứ phơi, ngâm, rồi lại phơi, năm sáu tháng mới bán được. Bán đâu hả, bán cho mấy quán ngoài biển đó, họ lợp mái. Từ khi có du lịch vào là dân bán được dừa. Nhiều khi còn không đủ mà bán nữa, nhưng mới 4-5 năm trở lại đây thôi. Nhiều câu tôi không nghe ra, cô vui vẻ giải thích lại. Ghe đi vào những khóm dừa nước um tùm, mát rượi. Chúng tôi gặp những người đàn ông đang ngâm thân dừa, phơi lá dừa, họ còn bắt những con ngao nhỏ dán vào thân dừa để sau này ăn dần. Giọng nói rổn rảng của cô trải dài trên sông, những tán lá dừa giữa trưa lười nhác rủ bóng ôm trọn lấy cuộc trò chuyện ấy.
Biển Cửa Đại được xếp vào một trong 50 bãi biển đẹp nhất thế giới. Điều tôi thấy đẹp nhất ở bãi biển ấy là sự bình dân của nó. Phần lớn các bãi biển đẹp đều bị cắt nhỏ cho các khu resort, nên chỉ có người giàu mới được tận hưởng vẻ đẹp thiên nhiên. Biển trưa đó vắng vẻ, chúng tôi ngồi ăn hải sản tươi trên bộ bàn ghế xinh xắn, dưới một tán ô cũng xinh xắn, ngay cạnh bờ biển. Không nhếch nhác hàng rong chèo kéo, khách kì kèo mặc cả như những bờ biển ở phía Bắc, cũng không quá xa xỉ và cô lập như những bờ biển đẹp khác dọc Duyên Hải, dãy hàng ăn dọc biển Cửa Đại mở rộng cửa với tất cả khách, cung cấp cho họ một trải nghiệm ở đẳng cấp nhà giàu, nhưng với giá cả rất phải chăng. Khoảnh khắc tận hưởng càng ghẹ tươi ngọt lịm, nhìn ra biển lấp lánh dưới nắng trưa, và nhắm mắt thấy gió dào dạt đẹp đến nỗi tôi thấy rưng rưng xúc động, chỉ muốn cô đặc nó lại để không bao giờ mất.
Du lịch ở Hội An làm được một điều mà rất ít nơi khác làm được, là không làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường của cộng đồng. Hiếm thấy nơi nào có lượng khách du lịch đông đảo và thường xuyên như vậy mà người dân vẫn hiền lành, thật thà, không cố ý lợi dụng khách, và quan trọng nhất là vẫn duy trì nếp sinh hoạt hằng ngày của họ. Không ai chỉ trỏ tò mò đoàn khách nước ngoài đi xe đạp qua làng, cũng không ai bám đuổi để mời mua quạt, mua kẹo cao su, vì họ còn bận trồng rau, cấy lúa. Những làng nghề của Hội An được biến thành những điểm du lịch in trên bản đồ phát miễn phí trong các khách sạn, nhưng người dân vẫn mải miết trồng rau, và trừ khi khách có yêu cầu tham quan, họ thường chỉ nở một nụ cười rồi mặc cho khách ngắm nghía ruộng rau của mình, vẫn cặm cụi làm việc.
Bà Nà không còn hoang sơ như lần đầu tiên tôi đến và nhìn thấy một con bướm to bằng quyển vở. Bây giờ ngọn núi đã được xẻ ra làm đường trơn láng, và trên đỉnh núi mọc lên những lâu đài đền chùa nguy nga. Có lẽ với tham vọng phục vụ tất cả các loại nhu cầu ở một chỗ để níu chân du khách, nhà đầu tư vào Bà Nà xây nhà hàng, khách sạn, một ngôi chùa, vườn hoa, sân tenis, và cả khu vui chơi cho người lớn và trẻ nhỏ. Tôi hơi tiếc vì Bà Nà bị sự can thiệp thô bạo của con người làm cho trở nên giả tạo quá. Mô hình và khuôn mẫu không khác gì vô vàn các khu vui chơi giải trí trên núi hoặc đảo đã rất thành công ở các nước khác như Sentosa ở Singapore hay Genting ở Malaysia. Đáng lẽ Bà Nà đã có thể cao quý và thanh nhã hơn, giờ đây ngọn núi ấy chỉ là một điểm dừng chân trong vài giờ đồng hồ, du khách sẽ rời đi không chút luyến tiếc.
Nhưng có môt khám phá mới ở Đà Nẵng đã bù đắp lại cho sự sụt giảm giá trị của Bà Nà đối với tôi, đấy là khu suối khoáng Phước Nhơn. Nằm ngâm trong bùn ấm thoảng mùi gừng, ngay bên cạnh là ruộng lúa đang bắt đầu chín vàng tỏa hương thơm mát, phía xa là mặt trời đỏ au đang bắt đầu lùi dần về chân trời, núi vẽ những đường mờ tím, tiếng chim hót líu lo đan xen với tiếng nhạc dương cầm dìu dịu, xung quanh lại chẳng có ai, với tôi đấy cũng là một khoảnh khắc rất tuyệt vời. Trên đầu là mái lá lợp bằng dừa, xung quanh hầu như hoàn toàn yên tĩnh, tôi đã nghĩ trải nghiệm ấy không thể hoàn hảo hơn. Mặc dù đường đi từ Bà Nà đến khu suối khoáng hơi trắc trở do vừa đi vừa phải hỏi đường, con xe hôm đó thuê lại ì ạch như con bò già, nên mất rất nhiều thời gian chúng tôi mới đến nơi. Rất may cuối cùng không hề bị thất vọng, giá lại còn rẻ nữa.
Hết bốn ngày, tôi quay lại Hà Nội và tiếp tục dán mắt vào màn hình máy tính. Đà Nẵng lùi vào kỉ niệm, và kỉ niệm thì thường long lanh. Nhưng tôi muốn giữ kỉ niệm này không bám bụi, cho đến khi tôi tìm ra hoặc tạo cho mình một cuộc sống không bức bách nữa.
Leave a Reply