Lúc nghe thấy cô bảo: “Các em kiểm tra lại họ tên và mã số sinh viên, đặt bút xuống, không ghi gì lên bài làm nữa. Lồng bài trắc nghiệm vào, chuyền ra đầu bàn”, trong lòng tôi thở hắt ra một tiếng: “Xong, cuối cùng cũng xong”.
Tiếng đặt bút, gấp giấy xào xạc. Bước chân cô tiến tới gần, tờ giấy làm bài phút chốc đã không còn ở trước mặt. Tờ giấy quen thuộc, ở trên có dòng chữ “Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh”, với cái dòng “Lần thi thứ…” mà lần nào nhìn vào tôi cũng phì cười và nhủ thầm: “Lạy trời cho con không bao giờ phải ghi số 2 ở đây”.
Thế mà có một lần tôi đã phải ghi vào ô đó một con vịt, hậu quả của một buổi sáng ngủ quên. Trường thì cách nhà hơn một tiếng đi xe buýt, con bé năm nhất ngơ ngác, còn ôm mộng học hành điểm cao như hồi phổ thông và một niềm tự hào cao ngút ngát, khi đó chỉ biết í ới gọi mẹ gọi bạn. Để rồi mấy năm sau, lâu lâu bạn bè lôi câu chuyện “Khi tôi chết, hãy chôn tôi với cái đồng hồ báo thức” ra, cái đứa ngày xưa mếu máo, khóc ròng, buồn đâu cũng phải cả tháng vì cái chuyện ngủ quên đó, đã có thể nhăn răng ra cười phè phè: “Phải có thi lại mới là sinh viên”.
Bước ra khỏi cửa, vẫn tíu tít bàn tán câu này câu kia, vẫn có đứa hí húi lật lật sách vở coi lại. Vẫn có đầy những thằng bất cần, thi xong là xong, không đoái hoài. Vẫn có những người đã đi cùng tôi mấy năm qua, dò được mấy câu thì bắt đầu: “Kệ mẹ nó đi, xõa thôi, môn cuối rồi mà”, xong lại tụ tập, lê la Hội quán, uống Pepsi pha Sting truyền thống, bắt đầu bàn là tới đây mặc áo gì quần gì đi tiệc – hường quyến rũ hay caro đen đỏ thời thượng.
Bước ra khỏi cửa, điều mà tôi muốn làm nhất không phải là quăng sách quăng tập, không phải là nhậu nhẹt ăn mừng, xõa cho tới bờ tới bến, càng không phải là dò bài xem mình được bao nhiêu điểm, mà là hét lên một tiếng. Tôi tưởng tượng ra những người bạn xung quanh cùng tôi nắm tay nhau vòng tròn, đứng giữa cái sân trường to và ngập ngụa nắng tháng 5, có ve kêu và phượng nở đúng kiểu mùa hè, hét lên “Xong rồi”, chỉ một tiếng như thế thôi. Thật to, thật rõ. Xong rồi nếu có ai chạy ra đánh đuổi, mắng mỏ hay gièm pha gì thì sẽ đủ bất cần mà bảo là: “Thích thì cứ hạ hạnh kiểm đi”.
Bước ra khỏi cửa, tôi muốn hét một tiếng, để gột rửa tất cả những ngọt bùi đắng cay, hỉ nộ ái ố trong mười mấy năm qua. Này là những kỳ thi bất tận, những bài giảng thôi miên, những ông thầy bà cô hết thuốc chữa, những chuyện trời ơi đất hỡi, kể mãi không hết mà chỉ có cách dùng ba chấm. Tôi cứ nghĩ một tiếng hét lên thôi sẽ có thể đẩy hết những đau khổ dồn ứ như cái u bao lâu. Chúng tôi đang trẻ, chúng tôi đang vui, chúng tôi đang ở trong một thời điểm trọng đại của đời mình, chúng tôi có quyền hét lên đúng không?
Bước ra khỏi cửa, tất cả những gì tôi làm là nhảy lên loi choi vài cái như một con gà. Gà vốn có cánh nhưng đã bị nhốt trong lồng quá lâu, nó quên cách bay mất. Tôi cũng thế. Hay ít ra tôi thấy là thật kỳ quặc vì những-con-gà-khác không hề bay hay có ý định bay. Làm một con gà muốn bay, âu cũng là một thứ bất hạnh kỳ quặc.
Bước ra khỏi cửa, những xiềng xích cuối cùng trong đời – hay ít nhất tôi cho là thế – cũng tự rã ra, như câu thần chú đã hết thời gian linh nghiệm, con cóc xấu xí lại trở thành hoàng tử. Liệu tất thảy chúng tôi có đang biến thành hoàng tử, công chúa không?
Bước ra khỏi cửa, chúng tôi vẫy tay chào những chuyến xe buýt đã đi vào ám ảnh. Sẽ có đứa bước lên những chiếc xe đưa đón mỗi sáng lúc 6h, sẽ có đứa hàng ngày chen chúc trong dòng xe đông đúc lúc 8h sáng ở Sài Gòn và lại chen về nhà vào lúc 6h tối hay tệ hơn thế, có đứa cũng lại lên một chuyến xe khác, dài hơn, trở về nơi nó đã ra đi mấy năm trước, cũng có đứa sẽ có một chuyến bay đáp đến một vùng trời rất khác. Chuyến đi nào cũng có vẻ tự do hơn những chuyến buýt lúc đông lúc vắng, lúc dày lúc thưa bất thường. Chuyến đi nào cũng hứa hẹn thoải mái hơn, tiện nghi hơn, thơm tho hơn.
Người ta hay so sánh một nơi chốn gì đó với một cái toilet – ở trong muốn ra còn ở ngoài thì muốn vào. Ngân hàng là một cái toilet, chẳng hạn thế. Trường Đại học đích thị là một nơi như vậy với tôi, nhất là khi nó lại là Đại học Ngân hàng. Nhưng hôm nay, khi nhìn cơn bão reo hò vui mừng của bạn bè không chỉ ở cái thành phố này, tôi lại càng hiểu rõ đó không phải là cảm giác của riêng mình. Không có những luyến tiếc kiểu: Ước gì được học thêm một ngày nữa thôi, ước gì được trở lại một giờ một phút thôi. Không, không hề. Những gì mà tôi thấy được, đọc được chỉ chỉ ra rằng: Cục nợ cuối cùng cũng được trả, ngục tù cuối cùng cũng chấm dứt, trách nhiệm cuối cùng cũng đã rũ bỏ được.
Bước ra khỏi cửa, chúng tôi bắt đầu bước đi vô định. Không còn “Hôm nay con đi học mẹ ơi” hay “Hôm nay con ở nhà học thi ba ơi”. Có người hỏi: “Bây giờ đi đâu đây”. Đi đâu à, tôi cũng có biết đâu? Có thể là “Out of the frying pan into the fire” – Từ địa ngục này sang địa ngục khác mà thôi, nhưng nếu phải qua 9 tầng địa ngục để được luân hồi thì cứ bớt được tầng nào hay tầng đó đã.
Đi đâu, mỗi người sẽ là một câu trả lời. Nhưng tôi thì không muốn phải là Thủ Đức, là Xa lộ Hà Nội hay Kha Vạn Cân. Không phải là Giảng đường C701, 56 Hoàng Diệu 2, quận Thủ Đức nữa. Trước mắt là vậy.
Cỏ
Dương Nhạn says
Cậu giống tớ. Nghĩ đến trường đại học là thấy khó thở nhức đầu. Bước chân ra khỏi trường đại học là thấy lần đầu tiên trong đời, án tù của mình đã hết, haha
Xe Lu says
đi làm rồi còn thấy những án tù khủng khiếp hơn 😉 anw, đúng là thoát đc khỏi đại học quả là hạnh phúc 😀
Bánh Mì Không says
Lưu luyến kể cả nơi trường học ấy chỉ toàn nỗi buồn, nhưng vẫn là nơi mìn từng ngồi đó, trải qua nhiều phen “sinh tử”