Cụ Vũ Văn Hồng và cụ Hà Thị Cầu – Ảnh “Báu vật nhân văn sống” của Trần Việt Văn.
Trong vũ trụ đã đành phận sự
Phải có danh gì mà đối với núi sông
(Chí nam nhi – Nguyễn Công Trứ)
Lần đầu tiên nghe ca trù tại đình Kim Ngân, tôi đã rất xúc động. Tôi không xúc động vì những bài hát, vì thật sự với đôi tai trâu của mình, tôi nghe lõm bõm tiếng được tiếng mất, hơn nữa lời trong ca trù thường là thơ cổ, ngay cả khi có văn bản đặt trước mặt mà tôi cũng phải mất rất nhiều thời gian tra cứu và suy ngẫm mới vỡ vạc ra đôi chút. Tôi xúc động vì tấm trướng đỏ thỉnh thoảng gió thổi căng phất phơ như mái tóc, vì ánh nến hiu hiu sau màu đỏ sậm của trướng càng huyền ảo, vì mùi hương trầm phảng phất quyện lẫn với mùi lá ẩm trên sân đình. Tôi chưa bao giờ ở trong một ngôi đình vào buổi tối, nên không gian bàng bạc quá khứ và linh thiêng ấy khiến tôi gờn gợn. Ở giữa sự cái ảo và thật, quá khứ và hiện tại ấy, tôi gần như run lên và nước dâng trong mắt khi nhìn cụ Hồng chơi đàn. Cụ đã 94 tuổi, mỗi khi đứng lên ngồi xuống phải có người đỡ tay, xếp chân ngồi trên phản gỗ chơi đàn đáy trong bộ áo the khăn xếp gấm đỏ. Tôi trẻ thế này và cụ già nhường kia, vậy mà cụ đang chơi đàn cho tôi nghe. Những nếp nhăn trên mặt cụ, bộ râu tóc trắng phất phơ của cụ, tôi như thấy một khối thời gian hiển hiện trước mắt mình.
Đã quá tuổi thất thập cổ lai hi từ rất lâu, cụ Hồng cười khoe với tôi một niềm tự hào rất đặc trưng của những người già “Ở làng này bây giờ ông là người cao tuổi nhất cháu ạ. Ông bây giờ phải chống gậy, chứ mấy năm trước chiều nào cũng chạy bộ cơ đấy.” Cụ bà đã mất từ lâu, một tay cụ nuôi nấng bốn người con của mình. Làng đã biến thành phố, ruộng đã biến thành đường, bạn bè đồng lứa đã thành người thiên cổ, con cháu ban ngày bận đi làm đi học, một mình cụ chống gậy loanh quanh chơi nhà này nhà kia, không muốn ở một mình trong căn phòng thiếu gió thiếu nắng nên lạnh lẽo, và bên ngoài là tiếng đục khoan chan chát của nhà cậu con trai đang xây dở.
“Ngày xưa cả làng này có nghề ca trù, con gái thì hát, con trai thì gảy đàn. Bố mẹ của ông đều biết đàn hát, các chị của ông cũng hát. Ngày xưa có nhiều hội hè lắm, đám cưới, rồi khao làng, mỗi khi có hội thì họ lại gọi mình đi. Nhiều khi các chị của ông đang làm đồng mà có người gọi là tất tả bỏ đấy chạy về rửa ráy chân tay thay quần áo rồi lại đi ngay.” Nhưng hội thì đông người, làm sao hát cho tất cả nghe được ạ, tôi thắc mắc. “Tầm này là nhiều hội lắm này, ra xuân, chưa vào vụ, mỗi lần làm hội ở đình thì chiếu hát làm ở bên ngoài, hát vọng vào trong, mọi người đứng xung quanh nghe.” Hồi đó cụ vẫn còn là một thanh niên “đi đâu con gái cũng theo nhé, hồi đó nhiều người mê mình lắm, cứ thế thành ra đến tận năm 40 tuổi tôi mới làm bạn với mẹ các cháu.”
Cách mạng, cụ buông đàn, cũng làm nhóm trưởng một nhóm dân quân ở làng. Địch bắt, tra tấn hơn một tuần, cụ nhất định không khai, cuối cùng phải thả về. Người ta hay bảo ca trù là nghệ thuật quý phái, chỉ dành cho những người nhà giàu, có học. Có thể điều đó đúng với dòng ca trù ca quán sau này, được biểu diễn trong những nhà hát tự mở trên phố Khâm Thiên, đường Láng, khi ranh giới giữa “nghệ sĩ” và “khán giả” đã rõ rệt, và người ta phải trả tiền mới được nghe. Còn với một người học và chơi đàn đáy như một nghề gia truyền, và nơi biểu diễn là những hội hè đình đám cho những người hàng xóm láng giềng của mình như cụ Hồng, buông đàn là cầm cày, cụ trở về là một người nông dân đúng nghĩa, và lại được đất ôm trọn trong tay.
Cụ Hồng không kể nhiều về ca trù, bởi thật ra quãng thời gian chơi đàn đáy chỉ là những tháng ngày tuổi trẻ ngắn ngủi. “Tôi học đàn từ năm 13 tuổi, cho đến năm 18 mới bắt đầu đi chơi đàn kiếm tiền được. Kiếm đến năm 1945, khi ta cướp chính quyền, cộng sản nổi lên thì nghề ca trù là một, nghề hầu bóng đền đài là xóa hết, anh nào có là bắt chết cả.” Trong khi cả nước hào hứng tiến lên xã hội chủ nghĩa, những gì bị cho là tàn dư của chế độ cũ bị quét sạch, dập tắt, chiếc đàn đáy có dây làm từ tơ cụ tự tay đốt đi, đến giờ không thể làm lại chiếc thứ hai giống như vậy nữa. Cụ đã sống cả cuộc đời mình ở một làng quê ven đô, và cứ thế mà sống, cho đến mãi gần đây, nghe con cái nghe đâu về kể lại có người biểu diễn ca trù, cụ lặn lội đi mười mấy cây số ra tận nơi để hỏi, mà phải đi đến lần thứ ba mới gặp được. Hôm đó cụ đi đóng lại một cây đàn đáy mới, dây đàn chỉ bằng sợi ni lông thôi, những ngón tay quá lâu không gẩy đã lóng ngóng, nhưng chỉ khoảng một tuần sau, những giai điệu ào ạt trở về trong tâm thức, cụ dần dần nhớ lại những ngón đàn quen. Không ai học đàn đáy bằng kí âm, nốt nhạc như các nhạc cụ khác, nên cũng như ca dao hay những câu hát ru, mỗi người mẹ hát ra sự luyến láy lại khác đi đôi chút, dù là một làn điệu ca trù, nhưng mỗi người đánh đàn sẽ tạo ra một âm giai của riêng mình.
Vậy là từ đó, cứ có người đến đón là cụ Hồng lại đi. Cụ già 94 tuổi ngồi sau xe máy, vài sợi râu trắng lơ phơ bay trong dòng người nườm nượp trên phố từ Mỹ Đình đến Hồ Gươm để chơi đàn. Cụ chơi vì thích, vì muốn được gặp người này người kia cho khuây khỏa, được nhớ lại những tháng ngày đã không thể trở lại nữa. Đã đành cái phận sự mà cuộc đời dành cho cụ là một nghệ nhân đàn đáy vì cụ sinh ra trong một làng có nghề ca trù vào những năm đầu thế kỉ 20, và việc cụ phải đốt đàn cũng là một phần của số phận người nông dân sống trong những tháng ngày xã hội biến đổi, nhưng việc cụ vẫn đi, đi hăm hở, đi chỉ để được chơi đàn cho những kẻ tai trâu như tôi nghe, thì rõ ràng là một lựa chọn. Cụ lựa chọn việc ngồi lúc lắc như quả bầu khô trên con xe máy cọc cạch hơn hai mươi cây số cả đi cả về vài buổi tối trong tuần chỉ để chơi đàn trong hơn tiếng đồng hồ, và không nhận lại gì cả. Đối với tôi, lựa chọn đó không dễ dàng.
Và bởi vì tôi được là khán giả của cụ trong một buổi tối như thế, nên cho dù tôi chẳng hiểu hết ý nghĩa của những lời thơ, hay cảm nhận được trọn vẹn cái hay của những làn điệu, tôi vẫn thấy xúc động vì sự bé nhỏ của mình trước thời gian và lịch sử. Nhưng không giống như một cuốn sách, cho dù có kể bao nhiêu, những nếp nhăn của cụ cũng không thể được chuyển hóa hoàn toàn thành lời, nên khi ngay trong khoảnh khắc đó, đáng lẽ phải vui phơi phới vì được nghe nhạc, thốt nhiên tôi bỗng thấy lòng đau như cắt, khi nghĩ đến lúc cụ biến mất, và tất cả những khoảnh khắc đẹp đẽ này cũng sẽ biến mất theo.
“Ông ơi, cháu viết lại những điều ông kể cho mọi người đọc có được không?” – “Được chứ, cháu làm gì, miễn sao tốt cho đời là được.”
Mỗi cuộc đời rồi sẽ qua, chỉ còn những câu chuyện ở lại.
Những bài viết khác về nghệ nhân dân gian Vũ Văn Hồng
http://www.nguoiduatin.vn/noi-niem-cua-mot-nghe-nhan-dan-day-a44087.html
http://hanoi.vietnamplus.vn/Home/Mot-nghe-nhan-mang-tieng-dan-day-qua-hai-the-ky/20117/5402.vnplus
Leave a Reply