Mẹ tôi thông minh. Thỉnh thoảng Mẹ tự hào kể chuyện luôn đứng đầu lớp trong suốt 10 năm đi học, và bây giờ dù đã 50 tuổi mẹ vẫn thích mày mò những cái mới (ví dụ như học tết tóc qua Youtube) và học khá nhanh. Mẹ cũng chăm chỉ. Gần 30 năm, kể từ ngày tốt nghiệp cấp 3, mẹ tôi làm việc 7 ngày một tuần, thường từ 7h sáng đến 5h chiều, và không có kì nghỉ lễ nào trong cả năm (tất nhiên là trừ một tuần Tết, nhưng lúc đó Mẹ thậm chí còn phải dậy sớm hơn và ngủ muộn hơn ngày thường để nấu nướng và dọn dẹp), không nghỉ ốm, và không than vãn gì cả. Mẹ tôi có những niềm tin rất mãnh liệt. Ví dụ như Mẹ tin rằng cái gì người khác làm được thì mình cũng làm được, bởi vì đều là người như nhau. Niềm tin này ứng dụng cả vào việc đẻ con trai. Mãi đến gần đây tôi mới biết Mẹ đã bỏ bao nhiêu thời gian, tiền bạc và công sức vào công cuộc sinh ra em trai. Mẹ chăm chút đến từng bữa ăn, những động tác thể dục, thói quen hằng ngày, chú ý đến chu kì rụng trứng, cả việc phải giữ tâm trí thật tập trung vào mục tiêu đó, vân vân và vân vân. Rất may là Mẹ đã thành công.
Nhưng Mẹ tôi lại chẳng có bạn bè gì ngoại trừ mấy ông bạn ruột của bố tôi và vợ con của họ, cùng với một vài người bạn hàng. Sau khi lấy chồng, Mẹ mất liên lạc với những người bạn gái thân thiết của mình, họ cũng lập gia đình và theo chồng đi nơi khác. Mẹ không có lương hưu bởi vì Mẹ chưa bao giờ làm thuê cho ai cả. Mẹ cũng không có tài sản gì đứng tên mình. Tôi còn nhớ rất rõ hồi còn nhỏ có lần cãi nhau, Mẹ tôi bực tức nói với Bố là tất cả mọi thứ, ngôi nhà này, cái xe máy này, tài khoản ngân hàng này, và cả những đứa con đều mang tên Bố Mẹ chẳng có cái gì cả. Bây giờ hay sau này cũng thế.
Mẹ tôi rất quan tâm và chăm sóc người khác. Mẹ thức cả đêm trong bệnh viện trong một tuần liền để trông Bà, không hề than vãn. Lần đầu tiên tôi hiểu thế nào là tình yêu (hoặc là bổn phận) là khi chứng kiến Bố tôi bảo muốn ăn mì, và Mẹ tôi ngay lập tức vùng dậy từ dưới lớp chăn bông dày cộp trong một buổi tối mùa đông buốt giá để đi nấu mì cho Bố. Mẹ tận tụy chăm sóc những đứa con của mình. Chị tôi đã đi lấy chồng được hơn bốn năm, một buổi đêm gọi điện cho Mẹ, và chỉ vài phút sau Mẹ tôi đã nhào ra đường để đến bệnh viện vì bà cô chồng (đã li dị ) của chị tôi bị tai nạn mà mẹ chồng và chồng chị lại không có nhà.
Nhưng Mẹ không có niềm vui, ưu tiên, hay sở thích nào ngoài những thứ liên quan đến gia đình. Mẹ không bao giờ hiểu được tại sao tôi luôn càu nhàu là Mẹ cần phải bảo con trước nếu muốn con đi đâu cùng bởi vì có thể con sẽ bận việc khác. Mẹ tôi không có thời gian dành cho mình, và không nghỉ chợ kể cả khi bị ho dữ dội, bởi vì một ngày không mở hàng là một ngày mất đứt vài trăm nghìn tiền thuế. Mẹ cũng không có quyền quyết định gì trong gia đình. Khi nhà tôi xây lại vào năm 2001, kể cả cái rèm cửa sổ Mẹ chọn cũng bị Ông nội gạt đi. Mẹ thấy bất lực, mà có khi là bất lực thật, khi chồng mình dần dần trở thành người đàn ông không giống người mà Mẹ đã yêu và cưới.
Từ hồi bé tí, Mẹ tôi đã luôn dặn dò các con phải học, bởi vì chỉ có học hành tử tế mới đi làm có lương, được nghỉ cuối tuần, và quan trọng nhất là được độc lập. Mẹ không dám ở nhà vì không ai trả tiền Mẹ cho một ngày nghỉ ốm. Mẹ thường áy náy vô cùng vì không đi thăm Bà ngoại được thường xuyên, buổi tối chủ nhật Mẹ cũng mệt mỏi không khác gì buổi tối thứ hai. Khi về nhà chồng, Mẹ tiếp quản cơ nghiệp buôn bán của Bà nội để lại, nên luôn bị đè nặng bởi việc tiền Mẹ kiếm ra không thể tách rời thu nhập của cả gia đình. Mẹ thường nói đến các Cô của tôi như những ví dụ tuyệt vời của lợi ích giáo dục đối với phụ nữ. Các Cô có thể thăm Bà nội chủ nhật hàng tuần. Các Cô được đi nghỉ đi chơi xa và không phải lo lắng quá nhiều về thời tiết (Mẹ tôi bán quần áo, nên chỉ cần thay đổi nhiệt độ một chút là sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng bán ra trong hàng tuần). Các Cô có tiền riêng, nên có thể mua cái gì mình thích. Ông ngoại tôi đã từng đi lính cho Pháp (ông bảo lý do đơn giản vì hồi đấy nghèo quá, ra đăng lính để có tiền nuôi miệng và nuôi em), nên lý lịch chính trị của Ông khiến Mẹ tôi không được vào đại học. Các Cô tôi có những thứ mà Mẹ luôn khao khát, nhưng không thể tự mình đạt được.
Thế nên Mẹ truyền những khao khát ấy lại cho chúng tôi. Tôi vô thức học cách ngưỡng mộ các Cô Chú của mình, và coi thường những người buôn bán nhỏ như Bố Mẹ tôi. Hồi còn nhỏ, tôi âm thầm ước ao rằng bạn bè tôi sẽ bắt gặp tôi đang đi với Cô Chú, những người trông rất trí thức, chứ không phải Bố Mẹ tôi. Tôi tự gắn cho mình hình ảnh về một học sinh giỏi, thậm chí là một con mọt sách, bởi vì như thế mới oách. Có lần tôi tập tọe kinh doanh (tôi đi học sớm rồi mua bánh ngọt ở một cửa hàng gần trường để bán cho các bạn cùng lớp dậy muộn không kịp ăn sáng), nhưng ngay lập tức những hào hứng khi kiếm được đồng tiền đầu tiên bị Mẹ tôi dập tắt. Mẹ ấn định một niềm tin vào đầu tôi “Đừng như Mẹ. Học đi. Kiếm một việc tử tế. Con sẽ có tiền. Sống độc lập. Rồi con sẽ được tôn trọng.”
Tôi đã không nghĩ nhiều về những mặc định này (buôn bán nhỏ để kiếm tiền là không tốt) cho đến khi tôi học cấp ba. Lúc ấy đã quá muộn để đảo ngược những định kiến đã bám rễ ấy. Tôi chẳng biết gì về việc kinh doanh của gia đình và đã mất hết mong muốn được biết bởi vì Mẹ tôi không bao giờ cho mấy đứa con phụ giúp. Tôi học dốt toán và đâm ra sợ những con số. Tôi không còn chút hứng thú nào với việc buôn bán và không bao giờ lảng vảng lại gần lớp Kinh tế nào. Mẹ tôi kể chuyện và đọc truyện cho tôi từ hồi tôi học lớp 1. Tôi có vẻ khá về ngôn ngữ, và đến lúc đó đã tự gây dựng cho mình một tinh thần trách nhiệm về việc học và đạt điêm cao. Giá trị của tôi gắn liền với việc đạt học sinh giỏi. Mẹ tôi rất hài lòng với những kết quả đó.
Tôi tiến xa hơn trên con đường học tập, và càng tách mình khỏi tầng lớp lao đông của Bố Mẹ, lần này là tôi tự làm. Tôi gắn bó với những thứ Mẹ không hiểu nổi nữa, ví dụ như máy tính và Internet. Tôi tự vẽ ra những cách để nuôi dạy con cái sau này, chẳng giống chút nào với cách tôi đã lớn lên. Và tôi tự hỏi tại sao một đứa trẻ sinh ra từ một gia đình lao động như mình lại nung nấu một mong ước cháy bỏng về việc vượt ra khỏi tầng lớp của bố mẹ nó. Những động lực ấy từ đâu tới, và nó sẽ dẫn tôi đến đâu? Cho đến một ngày Em trai tôi bảo muốn sau này tiếp quản công việc kinh doanh của Bố Mẹ và tôi nhận ra mình hình như chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ấy. Tại sao? Bởi vì là con gái của Mẹ tôi, tôi đã luôn tâm niệm rằng một người phụ nữ buôn bán nhỏ sẽ không bao giờ có được một cuộc sống an toàn, độc lập và viên mãn.
Hoặc chính xác hơn, là một người phụ nữ không có nghề nghiệp được trả lương, nên không có chút quyền nào trong gia đình nhà chồng, nên không có cuộc sống riêng của mình bên ngoài gia đình đó. Dự án dài hơi nhất, lớn nhất của đời Mẹ là tôi. Tôi nghĩ vậy bởi vì cả Chị gái và Em trai của tôi có vẻ như không khát khao trở thành trí thức trung lưu như tôi. Tôi đã thấm nhuần những lời dặn của Mẹ, tôi sống những mong ước của Mẹ. Nếu một ngày nào đó có ai hỏi tại sao tôi nuôi nấng một niềm đam mê và thôi thúc hành động với những vấn đề của phụ nữ và công tác nâng cao quyền cho phụ nữ, có thể tôi sẽ không kể cho họ câu chuyện dài dòng này, nhưng tận trong tim tôi biết rõ câu trả lời. Đơn giản thôi, bởi vì là một người phụ nữ, Mẹ tôi đại diện cho tất cả những gì tôi muốn trở thành, và tất cả những gì tôi không muốn nhận lại từ cuộc sống.
Thanhthanh says
Súc động quá nàng ạ. Giờ tớ mới thấy nàng thực sự rất tình cảm với mẹ chứ không như những gì trước kia nàng nói với tớ ở thực địa.
Chuyện says
Thật ra thì cũng không tình cảm lắm đâu nàng ơi, khổ cái chắc cũng là thói quen học được từ Mẹ, tớ bị ngại thể hiện tình cảm ra ngoài 😀
Mà mình cũng không nhớ mình đã nói gì nữa
Thanhthanh says
Á nhìn lại tớ viết sai chính tả :-< sao có thể viết thành súc động được chứ. :D, à nàng kể về chuyện nàng đi học xa và mẹ ở nhà đã lo cho nàng ntn thôi hehe
Le Giang says
Mẹ em có nhiều điểm giống mẹ chị lắm. Nghề nghiệp đã giống rồi. Nhưng nếu không đọc, chị thật không nghĩ hoàn cảnh gia đình em là như thế. Nhất là mẹ em.
Chuyện says
thì bình thường ai lôi mấy chuyện này ra tán phét đâu chị
Trịnh Thị Kim Lê says
Chị chưa từng gặp hay biết e ngoài đời thực, nhưng với những gì chị đoc về e qua blog or fb chị nghĩ e là người rất “hay” :D. Chuỵện của em chân thành lắm.
Chuyện says
Em cám ơn chị, lâu lắm không thấy chị, bây giờ đã có bé gái bụ bẫm thế rồi 😀
Le Nhung says
giong me minh qua’ 🙂
Còi Pro says
Chắc vì có những điểm chung này nên chúng ta mới chơi hợp với nhau đấy 🙂