Đêm cuối cùng tôi ở bản Nật Tơ, mọi người tổ chức một bữa tiệc chia tay tưng bừng. Càng về khuya, cả khách lẫn chủ đều uống rượu bạt ngàn. Sau khi uống hết mấy chục chai Lavie rượu trắng, các chum rượu cần lần lượt được khui để tiếp sức cho cuộc vui. Những người đàn ông mặt đỏ ké say khướt bắt đầu trở nên cợt nhả và quá đà. Vợ chồng anh trưởng bản chủ nhà sẵn sàng làm tất cả để tỏ lòng hiếu khách, lôi loa đài ra bật nhạc xập xình, khui thêm một bình rượu cần nữa. Mọi người hò reo như thể đang cổ vũ một trận đá bóng kịch tính, vừa hát vừa lắc lư theo nhạc. Tôi tự nhủ thế là đủ rồi, và bỏ chạy cùng với mấy em gái.
Đêm hôm đó, tôi nằm ngủ nhờ ở nhà một trong những em mà tôi gần gũi nhất. Em 12 tuổi, nhỏ nhắn, tóc dài đen mượt, và có vẻ nói tiếng Việt tốt hơn tất cả các em còn lại trong nhóm mà tôi làm việc cùng trong hai tuần vừa qua. Em tốt bụng, luôn biết để ý đến người khác, và chín chắn hơn nhiều so với tuổi của mình. Cả đêm hôm đó, tôi biết thỉnh thoảng nước mắt em lại lặng lẽ chảy ra, và chốc chốc em quàng tay qua cổ tôi như thể không muốn nghĩ đến sáng mai sẽ phải xa cách.
Tôi không ngủ được, nên đầu óc bắt đầu suy nghĩ lung tung, và nghĩ đến ý tưởng tặng sách của mình cho những bạn nhỏ này. Tôi có thể dễ dàng hình dung ra viễn cảnh nếu tôi tặng sách, thì những tâm hồn đang lớn, hết sức tò mò và luôn hào hứng với những điều mới, nhưng lại không được tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhiều, nếu được đọc và mở rộng đầu óc thì sẽ vui biết bao nhiêu. Nhưng ngay khi vừa nghĩ thế, tôi đã do dự. Tôi có thể cho đi rất nhiều thứ, tiền bạc, quần áo, thời gian, trừ những quyển sách của mình. Sách là một phần quá lớn của con người tôi và đóng vai trò quá quan trọng trong những tháng ngày tôi lớn lên, đến nỗi chỉ nghĩ đến việc cho đi tôi đã rùng mình.
Sáng hôm sau, tôi hỏi em các bạn có thích đọc sách không, và có thời gian để đọc không. Trẻ con ở đây lúc nào cũng bận rộn với đủ thứ việc gia đình, nhất là các em gái. Bình thường đi học sáu ngày một tuần, từ bảy giờ sáng đến năm giờ chiều, sau đó lại còn phải trông em, trông cháu (con của anh/chị), cho lợn gà ăn, nấu nướng, dọn dẹp, các em trai còn phải đi bắt cá, tìm măng, lấy củi. Tôi vừa dứt lời hỏi thì mắt em đã sáng bừng lên với mường tượng về việc có mấy quyển sách để đọc ở nhà. Ở trường tiểu học, các em có một “thư viện nhỏ”, nhưng chỉ mở trong giờ ăn trưa, và hầu như chỉ mở khi cô “thủ thư” thích làm việc, còn lại đóng cửa im ỉm, mà trong đó cũng chỉ có lèo tèo vài quyển sách báo cũ. Không nhà nào có báo đọc ở nhà, TV cũng hiếm. Bản vẫn chưa được mắc điện lưới về. Phần lớn các gia đình dùng máy phát điện nhỏ chạy bằng sức nước đặt ở khe suối, nên dòng điện thường không đủ chạy TV vào buổi tối, khi mọi người quây quần sau một ngày làm việc trên nương rẫy. Với dòng điện yếu như thế, tất nhiên việc thắp một bóng đèn dây tóc để ăn cơm, rồi học bài, mới là ưu tiên số một.
Em bảo “có, chị ạ”. Rồi tôi hỏi, nếu tôi gửi sách vào, em có trông nom được không, rồi cho các bạn mượn, rồi quản lý để không bị mất, bị rách sách. Em bảo có. Tôi lại hỏi nếu có nhiều trẻ con đến nhà đọc sách rồi ngồi cả ngày thì bố mẹ em có bực mình không. Tôi sợ các phụ huynh và thầy cô giáo sẽ không thích nếu con cái chúi mũi đọc sách mà không chịu làm các việc khác. Rồi có khi mấy bác ở bản, ở xã lại xía vào, cô này ở đâu tới, sao lại cho trẻ con ở đây sách, sách gì đây, cô định tuyên truyền cái gì hả, vân vân và vân vân. Tôi cũng sợ là nếu đối xử đặc biệt như vậy với một bản, nhỡ gây nên sự ghen tị thì sao. Rồi những người làm việc cùng tôi sẽ nghĩ gì. Biết bao nhiêu điều phải lo lắng.
Nhưng cô bé nghe những câu hỏi đó thì hào hứng quá, tôi không thể đành lòng mà làm em thất vọng. Tôi bảo khi nào về nhà tôi sẽ gửi sách cho em, và mọi người đều được đọc, nhưng em sẽ có trách nhiệm bảo quản giữ gìn những quyển sách ấy. Ngay lúc đó, tôi biết là em đang rất vui, và ngay lập tức, những em nhỏ khác nghe tin cũng sung sướng nhảy loi choi trên đường.
Thế nhưng, khi thực sự phải đóng gói sách để gửi đi, tôi gần như hối tiếc quyết định của mình. Những quyển sách này, tôi đã mua bằng cách nhịn ăn sáng rồi dành dụm từng đồng lẻ, hoặc là tiền nhuận bút khi có bài được đăng báo, và đã nâng niu suốt hơn mười năm qua. Sách chứng kiến sự trưởng thành của tôi. Tôi bỏ biết bao nhiêu tháng ngày của mình đọc sách, nghĩ về sách, rồi định hình tính cách của mình cũng từ sách. Tôi cứ cho một quyển vào vali để gửi thì lại cất một quyển khác đi. Cảm giác giống như đang cho đi những năm tháng tuổi thơ và thiếu niên của mình. Tôi lau bụi trên từng quyển sách, lần giở từng trang sách, vẫn nhớ rõ mỗi quyển được mua vào dịp nào, mua ở đâu, hoặc do ai tặng cho mình. Những trang sách trong tay tôi đã ngả vàng vì bụi và không khí ẩm, tôi bồi hồi nhớ lại ngày xưa lúc mới mua đã trắng trẻo và thơm tho như thế nào. Mỗi quyển sách là một kỉ niệm. Không chỉ là việc mua một tập giấy đóng gáy, mà là những cuộc gặp gỡ giữa tôi và quyển sách của tôi, những cuộc hội thoại tôi vẫn thỉnh thoảng nghĩ đến và thực sự chưa bao giờ hoàn toàn chấm dứt. Tôi chỉ là một người dân trong thế giới mà những trang sách đã dựng nên suốt những năm qua.
Rồi tôi nghĩ về những đứa trẻ, về việc các em có rất nhiều tiềm năng nhưng lại quá ít cơ hội. Có thể lắm chứ, những quyển sách của tôi sẽ khuấy lên một điều gì đó trong tâm trí các em, giống như sách đã làm với tôi. Có thể các em sẽ nhận biết được về thế giới bên ngoài bản làng của mình, nới rộng giới hạn của những điều mình mơ đến, và tự tin hơn về những việc mình làm được. Những quyển sách này, nếu để trên giá, là một phần con người tôi, nhưng đến với các em, sẽ trở thành một phần của rất nhiều năm tháng tuổi thơ và thiếu niên của những bạn nhỏ khác. Sách đã phục vụ tôi, giờ đến lúc cần phải đi để phục vụ những tâm hồn và trí óc trẻ khác.
Cuối cùng, tôi hít một hơi sâu và gom đủ dũng khí để khóa lại một vali đầy chặt sách, những người bạn và người thầy yêu quý nhất của tôi. Trên đường ra bến xe để gửi vali, tôi thấy rõ sức nặng đè lên yên sau xe máy, nhưng cũng thấy rõ cả sự trống rỗng trong tim mình. Y như đang cho máu, thậm chí là rất nhiều máu. Mặc dù tôi cứ tự an ủi rằng ở trong nhà mình thì chỗ sách này chỉ là giấy thôi, bởi vì chắc là tôi cũng chẳng đọc lại nữa, nhưng đến bản của các em, thì sách sẽ lại được sống và có quyền năng để mở ra tưởng tượng. Chắc sách sẽ thích thế hơn là việc bám bụi và dần già cỗi đi trên giá của tôi. Tôi cứ tự nói đi nói lại với mình như thế. Nhưng vẫn cứ thấy vụn vỡ. Giống như đang chia tay, không phải với một người bạn, mà với một phần của chính mình.
“Mình đang tặng những điều mình yêu quý cho những người mình yêu quý”. Suy nghĩ ấy len lỏi vào đầu tôi. Trống rỗng vỡ òa và nuốt trọn tôi vào một khoảng không hụt hẫng khoảnh khắc chiếc vali biến mất sau cửa xe. Một giọt mưa đậu xuống môi.
Tôi lái xe về nhà. Một mình. Lòng thầm mong những quyển sách sẽ trở thành một phần của các bạn nhỏ ấy, giống như sách đã là một phần của tôi.
Bài viết riêng về cô bé trong bài http://kechuyen.org/2012/11/chuyen-cua-nui-con-chuon-chuon-nho/
Dương Nhạn says
Tớ cũng rất thích sách. Giữ gìn như của báu và không cho ai động vào cả. Chuyển nhà đi đâu cũng chỉ muốn tha lôi theo. Sau năm lần bẩy lượt thì nhận ra việc đấy hóa ra phần lớn là phục vụ cho nhu cầu cất giữ và lưu trữ kỷ niệm của mình. Biết thế nhưng mà mỗi lần từ bỏ thì thật đắng lòng. Rất thích câu “mình đang tặng những điều mình yêu quý cho những người mình yêu quý”.