1. Hôm nay tớ sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện “Sự tích cái máy rung” (tức là cái vibrator, dụng cụ để các chị em tự đáp ứng nhu cầu sinh lý của bản thân).
Chuyện là thế này, ở nước Anh thời kì Victorian, phụ nữ, nhất là phụ nữ giới thượng lưu và trung lưu, phải tuân theo rất nhiều phép tắc và lễ nghi. Họ phải luôn giữ hình ảnh là một cô gái đoan trang, hiền thục, đứng đắn, khi có chồng rồi thì phải nghiêm nghị, chỉnh tề. Họ không được nói những từ như “đi vệ sinh, đi cầu, đi tiểu” hay các từ chỉ bộ phận sinh dục trước mặt người khác. Họ không được tự do yêu đương, phải lấy chồng theo sự sắp xếp của bố mẹ. Nhưng những ông chồng sau khi đã lấy vợ cũng chỉ coi vợ là máy đẻ và cai quản người hầu hay mặc váy đẹp đeo trang sức lộng lẫy để tiếp khách quý. Những người vợ đúng nghĩa không được tỏ ra ham thích tình dục, đòi hỏi lại càng không. Các ông mặc định niềm vui chỉ có thể tìm ở các khu nhà chứa, hoặc các bà tình nhân. Nhưng không phải bà thượng lưu ăn uống đầy đủ và nhàn rỗi nào cũng có tình nhân. Kết quả tất yếu là rất nhiều người phụ nữ ở thời kì này bị thiếu thốn cả tình cảm và tình dục.
Phụ nữ thời kì này còn nổi tiếng vì bị một loại bệnh gọi là hysteria, tức là dễ bị xúc động, hay bị ngất, mỗi lần như thế lại phải cho hít nước muối. Các bà các cô cũng hay lo âu bồn chồn một cách vô cớ, mất ngủ, khó tập trung, chán ăn. Các bác sĩ hay điều trị bệnh này bằng cách mát xa vùng xương chậu. Cứ hai tuần một lần các cô kéo nhau đến bác sĩ để được mát xa, sau đó về lại ổn ổn, hai tuần sau bắt đầu thấy bồn chồn thiếu thốn lại đến mát xa tiếp. Hồi đó khoa học giải phẫu chưa đủ phát triển để các bác sĩ nhận ra mình đang làm thay phận sự của các ông chồng, vì ai cũng nghĩ chỉ dùng tay bên ngoài thì không liên quan gì. Nhưng dần dần các bác sĩ tê tay vì có quá nhiều bà xếp hàng chờ đến lượt, một bác sĩ phát minh ra cái máy rung để các bà tự chữa bệnh ở nhà. Thế là dụng cụ thuần túy y học mà ngày nay chúng ta biết đến với tên “vibrator” ra đời.
2. Hết chuyện Tây nói sang chuyện Ta.
Đầu thế kỉ 20, thanh niên lúc bấy giờ không có internet để kết nối với thế giới, nhưng trải qua một biến chuyển xã hội to lớn không kém gì các bạn trẻ chu du khắp thiên hạ đầu thế kỉ 21 này. Đang từ phương Đông búi tó củ hành, bỗng nhiên một thế hệ được dạy tiếng Pháp, được tiếp cận với các ý thức hệ của phương Tây, được đọc những trang tiểu thuyết diễm tinh và được khuyến khích nghĩ về “cái tôi”, về “cá nhân”, về “quyền con người”, về “dân chủ”. Từ một xã hội cộng đồng, làng quê quanh đời chỉ có từng ấy việc phải lo phải nghĩ, Việt Nam được thổi một luồng gió của xã hội đề cao cá nhân, đô thị, nơi mà chẳng ai phải nghe ai, và ai cũng có quyền cho mình là đúng. Những người trí thức có cội rễ phương Đông nhưng háo hức tiếp nhận phương Tây ấy, tự nguyện hoặc bị cuốn theo, tách mình khỏi cộng đồng, khỏi những giá trị hàng ngàn năm không ai thắc mắc, để đi tìm “cái tôi”, tìm những điều mới mẻ mơ hồ nhưng chắc chắn rất kì thú ông cha họ chưa từng biết đến.
Nhưng khi tách ra như thế họ lại thấy bối rối và lạc lõng. Một bên là những điều đã cũ không còn hợp với thời thế, một bên là những điều quá mới vẫn chưa ngấm được vào thân. Họ học tiếng Pháp nhưng viết báo viết thơ bằng tiếng Việt. Họ bài Nho, nhưng vẫn không gột rửa cảm giác tự ti về thân phận thuộc địa trước Pháp. Họ ngưỡng mộ sự hiện đại của châu Âu, nhưng đồng thời vẫn không quên được mình da vàng mũi tẹt. Và họ cô đơn đến cùng cực.
3. Giữa các phụ nữ Anh thời Trung Đại dùng máy rung để tự chữa các triệu chứng sinh lý do bị thiếu hụt tình dục và các trí thức thành thị (đàn ông) của Việt Nam thời Cận Đại dùng thơ Mới để giải tỏa các bí bách tinh thần có gì giống nhau?
Người Pháp có một cụm từ “La petite mort”. Người Anh dịch là “the little death”, còn Xuân Diệu dùng trong câu thơ nổi tiếng “Yêu là chết ở trong lòng một ít” của mình.
Có điều, “cái chết nhỏ” của người Anh là từ để chỉ cảm giác cực khoái. “Sướng muốn chết đi được”, có thể hiểu nôm na như thế. Họ nói về cảm giác như ngất đi, như lịm đi, như một đi một chút gì rất vật chất, một phần sự sống trong cái khoảnh khắc thăng hoa mà Dan Brown đã miêu tả trong Mật mã Davinci là vượt qua cả ranh giới của thần linh và con người, lúc mà người ta thấy bản thể tan ra và hòa vào cõi vô định.
Còn “chết một ít” của Xuân Diệu là để tả một cảm xúc của tâm hồn. Khi cá nhân bị tách ra khỏi cộng đồng, có lẽ chỉ có tình yêu đôi lứa mới có thể khiến anh ta cảm thấy mình được hòa hợp với một con người khác, và dịu bớt sự cô đơn. Cái chết trong lòng của Xuân Diệu là cái chết hoàn toàn phi vật chất, có thể là khi người ta thật lòng yêu, họ cảm thấy cái tôi của mình nhỏ đi một chút, mất đi một góc của cá nhân, để hài hòa được với một cái cá nhân khác. Đó là mất mát, tôi gọt bớt tự tôn của mình đi một chút để lòng em hòa cùng.
4. Cùng một cụm từ mà hai giới của hai văn hóa ở hai thời điểm khác nhau đã dùng và hiểu theo hai cách hoàn toàn trái ngược nhau. Một là cảm giác sinh lý, một là cảm giác tâm hồn. Nhưng họ vẫn giống nhau ở một điểm. Họ đều dùng cái chết để miêu tả niềm vui sướng của cuộc sống mà họ thèm khát vô cùng nhưng lại thiếu thốn vô cùng.
Tham khảo:
http://podcasts.howstuffworks.com/hsw/podcasts/smnty/2011-02-21-smnty-buzz-vibrators.mp3
http://vienvanhoc.org.vn/news/lichsuvanhoc/1042/tam-thai-tri-thuc-thoi-tho-moi-truong-hop-xuan-dieu-va-huy-can.aspx
http://en.wikipedia.org/wiki/La_petite_mort
Leave a Reply