Chị phải được phong là “đại sứ văn hóa” mới phải. Xung quanh gánh miến cua của chị, thực khách ngồi húp xì xụp giữa trưa hè nắng gắt bao gồm ông tây bụng béo, mấy chị viên chức văn phòng mặc váy vừa ngắn vừa bó ngồi lên ghế nhựa hở cả khoảng đùi trắng phớ, và cũng ngay cạnh đấy là đôi ba bác bán dép, bán rau. Xe máy đỗ lại, xe chở dép xếp vào một bên, ai đến trước phục vụ trước, ai đến sau thì chờ, ta cứ ăn cái đã!
Chị bán bún, miến, bánh đa đỏ, tất cả đều với cua, hoặc chan canh hoặc trộn khô, ở quanh quanh khu vực Ngõ Huyện, Thọ Xương. Khách ăn đều ngồi ngay trên đường, hoặc trên bậc cửa chon von. Chị vừa luôn tay bốc rau, cắt giò, xúc cua, vừa luôn miệng nói chuyện với khách, hầu như không giây nào ngừng hoạt đông. Một bát miến cua đầy đến tận miệng, với bao nhiêu là cua, rau, giò, chả cá, chị chỉ tính có mười tám nghìn. Cộng thêm tính sạch sẽ, những chồng bát ăn xong chồng chị xách đi xin nước của một nhà gần đấy rửa đâu ra đấy, chứ không phải lấy một cái giẻ cáu bẩn nhơn nhớt quẹt qua như những hàng ăn khác, nên chị thu hút được đủ loại khách hàng. Người ta ngồi bên gánh miến cua của chị vì họ chia sẻ tình yêu với món ăn ấy, và nhu cầu chăm sóc cái bụng đói của họ. Không kể màu da, tiếng nói, địa vị xã hội, miễn có mười tám nghìn trong túi là khách sẽ được chị phục vụ tận tình bất kể nắng mưa.
Chị hay xưng “cậu – tớ” với tôi, và những lúc vãn khách còn bẻ cho tôi cả thanh kẹo lạc, để ăn cho vui miệng. Chị kể, không giấu diếm niềm tự hào dâng đầy trong đôi mắt sáng lấp lánh, dân ở đây có kẻ thấy chị bán hàng đắt khách nên giả vờ ra xin túi nilon, rồi ngó nghiêng xem chị có những nguyên liệu gì. Nhân dịp Tết chị về Nam Định, họ cũng mở hàng miến cua, trong nhà hẳn hoi, nhưng mà chẳng có khách. Đến khi chị lên Hà Nội lại, khách quen mách nhà kia nó mở hàng bắt chước mày, nhưng chúng nó làm chán, lại tính đắt lắm, nên tao chẳng ăn, mà sao mày về lâu thế, thèm ghê. Chị đã bán hàng trong khu vực này được năm năm, mùa hè một nồi nước mùa đông đến hai nồi, nhiều hôm mưa muốn ở nhà ngủ mà khách gọi điện léo nhéo, không chịu nổi đành phải dậy làm cua đi bán hàng.
Chị không chỉ bán tại chỗ, mà khi khách có nhu cầu, chồng chị để bát vào khay, đạp xe đi đưa ở các khu phố xung quanh, bệnh nhân nằm lâu trong bệnh viện Xanh Pôn khối người nghiện món bánh đa cua của chị, vài ngày không ăn là không chịu nổi. Anh làm chân chạy vặt cho chị, rửa bát, xếp ghế, gánh hàng. Ngày xưa chị đi bán đồng nát 10 năm, người có 47kg mà gánh đến 90kg nên bị sụt đĩa đệm, nếu cứ tiếp tục làm việc nặng sẽ bị liệt toàn thân. Chị đã phẫu thuật một lần rồi, và bây giờ ngày nào cũng phải uống thuốc, mà có lẽ cũng chỉ là thuốc giảm đau để cầm chừng, chứ quả thực không có nhiều tiền hơn để chạy chữa đến nơi đến chốn như người ta.
Mỗi ngày anh chị dậy từ 2-3h sáng, chị ở nhà làm cua còn anh đi mua rau. Giò và bún miến người ta chở đến tận nơi, hết lại gọi. 6h sáng chị đã có mặt ở chỗ quen thuộc, nồi nước sôi bỏng sẵn sàng phục vụ những vị khách ăn sáng sớm nhất. Chị bán đến 5-6h chiều, về đến nhà ăn cơm xong chỉ có đi ngủ, mà cứ vơi khách một chút là đã gà gật vì chẳng hôm nào được nghỉ quá 6 tiếng. Hai đứa con trai ở quê với ông, chỉ có hai vợ chồng chị bám trụ đất này, có gánh miến cua mà cũng nuôi được một nhà năm miệng ăn. Năm nay thằng lớn vừa thi đại học, tôi bảo “cậu cả mà đỗ rồi lên đây học thì chị còn lao đao lâu dài”, chị nhấc mông dậy kéo ghế hẳn ra ngồi cạnh tôi (trước đấy hai chị em ngồi đối diện vì chị ở sau gánh hàng), chị hùng hồn kể rằng làng nhà chị là quê ông Trường Chinh, ở đấy có truyền thống hiếu học, trẻ con bây giờ đứa nào cũng đại học hết, thế hệ của chị còn nghèo còn dốt thì phải chịu chứ, bây giờ chúng nó không chịu đi làm thế này đâu. Vất vả thì mình cũng phải chịu, chẳng nhẽ lại để đời con cũng giống đời mình.
Dân phố miệt thị những người như chị là “bọn nhà quê”, đặt bản thân họ vào vị trí trung tâm, và tự coi họ là tinh hoa của nền văn hóa. Chính phủ coi những người nhập cư như chị là vấn đề của xã hội, làm hỏng sự “văn minh” của đường phố, gây cản trở giao thông của những người thành phố bận rộn thời gian quý như vàng. Trông vào ruộng không đủ sống, lại càng không đủ cho con tiền học thêm, hai đứa một tháng gần một triệu. Chị thật thà đến nỗi có ông tây không biết tiếng Việt, chị đã hết giò không cắt được nhiều như mọi khi, cũng khăng khăng giảm giá bút miến đầy ứ còn mười lăm nghìn. Ông tây thấy rẻ quá thì vô cùng ngạc nhiên, có cô nhân viên khách sạn đang ngồi ăn bên cạnh dịch câu được câu chăng là chị lấy rẻ vì hết giò, thì ông tây lại càng cảm kích vì cuối cùng cũng gặp được người không nghĩ da trắng là giàu có, ra sức dúi vào tay chị tờ hai chục. Đang giằng co thì thấp thoáng có xe công an từ phía xa, hai vợ chồng chị hốt hoảng chạy hàng vào ngõ bên cạnh. Trong lúc bối rối, chị cầm chồng bát mà tưởng chồng ghế nhựa, vứt xoảng một cái đến nỗi mảnh bát vỡ cứa cả vào chân chảy máu tóe loe. Hai chú công an lừ lừ đi lại, thấy có người nước ngoài ngồi đấy bèn bỏ đi. Cũng may, không thì hôm đấy chị lại chẳng có lãi.
Chị kể sự tích cái sẹo trên bắp chân cho tôi, tay vẫn thoăn thoắt bốc bún bốc giò, miệng vẫn cười, chốc chốc dừng lại hỏi khách thích nhiều hành hay ít, trần bún kĩ cho mềm hay tai tái cho dẻo, vừa đưa bát cho khách xong đã cúi xuống nhặt mấy mẩu giấy ăn các cô nhân viên văn phòng vừa phủi đít đứng lên vứt lại, tỉ mẩn bỏ vào một cái xô nhựa chị kẹp giữa đôi thúng. Lúc ấy nắng chiếu xiên xiên, bát gạch cua của chị ánh lên màu đỏ chói gần như lấp lánh, rất lạ.
Leave a Reply