Lần đầu tiên tôi nhìn thấy thung lũng này, là vào một buổi chiều tà. Từ trên núi nhìn xuống, nó đẹp một cách mê hoặc. Nhưng khi chúng tôi xuống tới chân núi, thì trời đã tối đen. Vợ tôi, khi ấy chúng tôi còn chưa cưới, ngồi khóc bên bờ ruộng bậc thang, cô ấy không còn sức để đi được lên đến đường. Anh Chư đã nửa dìu nửa cõng cô ấy vượt qua ruộng để lên tới đường, tôi thì lếch thếch lê những bước chân nặng nhọc của mình bước theo sau.
Bây giờ thì anh Chư đang cho chúng tôi một cơ hội để làm hàng xóm của anh, ở thung lũng khói xanh.
Chúng tôi sẽ dựng một ngôi nhà, lưng tựa vào sườn núi, cúi nhìn xuống là thung lũng, ngước mắt lên là dãy Hoàng Liên nơi có đỉnh Fansipan.
Câu chuyện đã dài, và hy vọng sẽ còn dài và thật dài.
***
Đã ba năm chúng tôi mới quay lại Sapa.
Chúng tôi đến Thung lũng khói xanh từ sáng, trong lúc chờ anh Chư trở về thì tôi đã kịp say Sán Lùng, tới lúc gặp anh thì anh cũng đã say ở đâu đó rồi. Nói nhiều câu với nhau mà chỉ hiểu nghĩa chứ không hiểu lời. Khi say anh không nói được tiếng Kinh nữa. Chia tay, anh vào nhà, lúc sau lại đi ra, rồi lại vào nhà.
Hôm sau chúng tôi quay lại. Vào nhà anh Chư. Thật xúc động khi nhìn lên khung kính chứa những tấm ảnh của gia đình anh, có hình của chúng tôi.
***
Sáu năm trước, anh Chư là trưởng đội porter dẫn chúng tôi đi leo Fans. Chặng đi thời thiết quá xấu, mưa bão tầm tã. Tới chiều thì sức chúng tôi không chịu được cái lạnh nữa. Tôi đã thật kinh ngạc khi xem anh Chư chỉ dùng một que diêm, ít bùi nhùi, đám cây sặc ướt nước, mà đốt lên được đống lửa giữa trời mưa tầm tã. Rồi các anh dựng một cái lều bằng cách uốn những cây sặc thành vòng cung, cho chúng tôi nghỉ đêm.
Kết thúc chuyến đi hoành tráng ấy, tôi được chứng kiến tay hướng dẫn viên du lịch người Kinh cãi cọ và quỵt phân nửa tiền công của các anh H’mong. Anh Chư sau khi đã dìu vợ tôi lên tới đường cái, rồi bị quỵt tiền, đã nửa căm phẫn nửa nhẫn nhục nhận số tiền, lặng lẽ quay lưng bỏ đi. Về tới khách sạn, vợ tôi (lúc đó là người yêu) bảo tôi, mai anh đi với em tìm đến nhà anh ấy.
Chúng tôi tìm đến căn nhà cuối cùng trong bản Sín Chải, ngôi nhà lưng tựa vào núi, mắt nhìn xuống thung lũng khói xanh, mắt nhìn lên Fansipan. Tôi hai tay đưa anh phong bì một trăm nghìn, để bù cho số tiền đáng lẽ anh được hưởng. Anh lạnh nhạt hỏi:
– Đây là tiền gì?
– Đây là tiền bọn em biếu anh vì đã giúp đỡ bọn em trong suốt chuyến đi. Không phải tiền công, là tiền biếu vì em kính trọng anh.
– Thế thì mình xin. Vào nhà uống rượu với mình.
Năm đó anh Chư tầm bằng tuổi tôi bây giờ.
Đó là lần đầu của nhiều lần uống rượu ở nhà anh, lần nào cũng vậy, khi trở ra thì tôi phải dùng hết sức bình sinh mới lái được con Win ghẻ hay con Minsk ghẻ, vào lúc trời nhập nhoạng tối, đôi khi xe còn không có đèn, vòng vèo qua con đường uốn như rắn, đưa vợ trở về khách sạn, tới nơi là không còn biết gì nữa lăn ra ngủ như chết.
Bao giờ cũng vậy, hễ thấy bóng chúng tôi chạy con Win ghẻ hay con Minsk ghẻ tới cửa nhà, trẻ con nhà anh tự giác đi bắt gà. Khi trở ra thì tôi lại hết sức bình sinh vượt qua con đường ngoằn nghèo trở về khách sạn. Vợ tôi không biết chạy những cái xe đó, còn tôi thì chỉ thích chạy những cái xe đó, say thì vợ tôi cũng buộc phải ngồi để tôi chở nàng về. Hình như chúng tôi chưa bao giờ yêu nhau ở Sapa, vì Sán lùng uống với các anh quá nhiều, bao giờ rời khỏi nhà anh tôi cũng say khướt.
Tôi không yêu Sapa, tôi càng ngày càng ghét cái thị trấn tạp nham ấy, dù sự xấu xí của nó là do những người cùng dân tộc với tôi, người Kinh, tàn phá.
Nhưng tôi yêu Thung lũng khói xanh, tận cùng thôn Sín Chải, nơi có anh Vàng A Chư mạnh mẽ mà dịu dàng, và những người anh em hay xấu hổ của anh. Không có thằng người Kinh nào ở đó để chém gió linh tinh. Không tiền, không hoành tráng, không sách vở, không cái tôi. Chỉ có sự yêu quý. Tôi thích cái sừng trâu của anh, thích những con dao rừng giắt ở lưng các anh, thích những cái nỏ mà trẻ con của các anh tập bắn, thích Sán Lùng của các anh.
***
Chuyện này dài quá kể mãi chưa hết.
***
Từ sau khi quen anh, chúng tôi trở lại Sapa nhiều lần, có khi hai ba tháng lại lên tàu đi Sapa.
Chúng tôi mang quần áo cũ cho mọi người, nhưng không hiểu sao không thấy họ mặc (có lẽ kiêng gì đó). Chúng tôi mang kẹo bánh cho trẻ con. Chúng tôi mang thuốc cho chúng. Chúng tôi bắt hai vợ chồng trẻ phải cùng chúng tôi đưa đứa bé con xuống bệnh viện Sapa để chữa chứng thối tai. Vợ tôi thì yêu mến những người đàn bà và họ cũng rất yêu mến vợ tôi. Còn tôi thì ngồi uống rượu với anh Chư và các anh em, ăn tiết canh do họ đánh, nhai gà họ nuôi trong vườn, uống Sán Lùng cho đến khi say.
Một lần, khi từ Thung lũng khói xanh trở về, vợ tôi bảo, em muốn làm cái gì đó. Chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Cả hai vợ chồng tôi đều yêu mến họ, chúng tôi thích những tấm thổ cẩm mà họ không bao giờ làm đủ cho họ mặc, chứ không phải những tấm thổ cẩm đểu hàng Tàu bán ở chợ Sapa. Chúng tôi thấy tội nghiệp những đứa trẻ mũi dãi lòng thòng chẳng được mặc ấm mùa đông.
Tôi kỳ cạch ngồi viết một bản đề xuất theo lối viết trên mạng, theo lối như viết entry này. Rồi tôi lại viết một bản khác đúng quy cách như một bản đề xuất xin tài trợ. Chúng tôi gửi đi một số nơi. Vợ tôi thậm chí đã tìm gặp được một hai quan chức nào đó ở Lào Cai, về lĩnh vực văn hóa và phát triển cộng đồng, họ cổ vũ và hứa hẹn, thế thôi. Chúng tôi tiếc cái văn hóa H’mong đang bị người Kinh phá nát ở Sapa. Chúng tôi tiếc những mái nhà bằng gỗ pơ mu giờ hầu hết đã thay bằng pro-ximang. Chúng tôi tiếc cái chất phác hồn nhiên và mạnh mẽ hoang sơ của họ, tiếc cho cái thất học mê tín, tiếc những đứa trẻ con chết vì cha mẹ chúng không đưa đi bệnh viện chữa những bệnh đơn giản…
Chúng tôi muốn xin tài trợ để xây một ngôi nhà H’mong đúng nguyên bản cổ truyền, dạy cho gia đình anh Chư biết quản lý ngôi nhà đó, giữ cho nó vệ sinh và đẹp, để những thằng tây con tây đến thuê ở homestay, cho mấy thằng tây ghẻ biết thế nào là dân H’mong… Để anh Chư, và người vợ hiền lành của anh, cùng các anh em của anh, có thêm cửa kiếm tiền rồi mới gìn giữ được văn hóa của mình.
Nhưng chúng tôi chưa kịp xin được đồng tiền tài trợ nào, tự chúng tôi cũng không đủ tiền, dự án phải gác lại, chúng tôi sinh con. Ba năm nay chúng tôi đẻ hai đứa con, hai vợ chồng phải lo cho chúng, cuộc sống cơm áo gạo tiền.
***
Một chuyện buồn xen vào giữa.
Vợ tôi có một cô bạn trên Sapa. Tên là Chi. Cô ấy không phải dân Thung lũng khói xanh, cô ấy ở mạn khác. Cô ấy là một trong số rất ít gái H’mong học đến hết cấp 2.
Một lần, ngồi với chúng tôi ở quán café, cô ấy khoe với chúng tôi ảnh người yêu của mình, một chú H’mong trẻ mặc quân phục, đang đi bộ đội nghĩa vụ đâu đó dưới xuôi. “anh ấy đẹp trai anh nhỉ”.
Lần sau, gặp lại, cô ấy bảo người yêu đã trở về, đã bỏ cô ấy. Cô ấy đã quá tuổi lấy chồng nếu so với các chị em người H’mong khác. Không chàng trai H’mong nào muốn nhìn cô.
Lần sau,
Lần sau,
Lần sau, một hôm có bạn của vợ chồng tôi đi Sapa về, cũng có quen em Chi, bảo với chúng tôi, rằng khi đến thăm nhà Chi thì mẹ cô ấy khóc suốt. Cô ấy đã đi theo ai đó xuống Lào Cai chơi, và đã bị bán đi Trung Quốc.
Vợ tôi thẫn thờ mãi. Bây giờ vẫn thẫn thờ.
***
Vợ tôi nợ những người đàn bà H’mong đó, vì sự ngưỡng mộ và yêu mến chân thành mà họ dành cho cô ấy. Tôi nợ những người đàn ông H’mong vì những lời chém gió của tôi. Khi anh đã đi rừng cùng người H’mong, đã ăn tiết canh do họ đánh, đã uống say Sán Lùng cùng họ, đã chào hỏi mẹ họ và chào vợ họ, thì anh cũng là người H’mong danh dự rồi. Nhưng tôi nợ họ những lời chém gió khi say Sán Lùng.
Lần này quay lại Thung lũng khói xanh, anh Chư đã chỉ một khoảnh đất để bán cho chúng tôi, để chúng tôi dựng nhà. Khoảnh đất cạnh nhà anh, cũng lưng tựa núi mắt nhìn ra dãy Hoàng Liên.
Khi con trai 2,5 tuổi của tôi đang chạy chơi với các bạn H’mong của nó ở bên ngoài, tôi chém với các anh H’mong quanh chai Sán Lùng:
– Em sẽ dựng một ngôi nhà ở đây, làm hàng xóm của các anh. Có anh Chư và các anh ở đây, sẽ không ai dám đánh em.
– Hà hà…
Con trai gần út của anh Chư, năm nay 17 tuổi, có một cô vợ cũng 17 tuổi, hai đứa ấy đã đều học hết cấp 2. Giống như bạn Chi năm nào, cô bé con dâu mới này của anh Chư, cũng ngưỡng mộ vợ tôi. Cái nhìn của con bé dành cho vợ tôi, như thể rằng làm sao cũng là đàn bà mà chị được như thế, còn em chẳng biết gì. Vợ tôi bảo, chị sẽ dạy em, để em kiếm được tiền sau này còn lo cho con của em. Tôi biết là vợ tôi muốn giúp cô bé ấy, muốn bảo vệ cô bé ấy khỏi những gì mà một người đàn bà H’mong sẽ phải chịu, trở thành bà già trước khi thành thiếu nữ. Cô ấy muốn làm rất nhiều điều cho cô bé ấy, thay cho người bạn nữ H’mong đã bị bán sang Trung Quốc.
***
Chúng mình cứ làm mãi như thế này, để làm gì anh?
Anh không biết, theo anh thì chả để làm gì cả. Chúng ta sẽ kiếm tiền cho tới khi già. Thỉnh thoảng đi du lịch.
Mình cứ làm mãi như thế này, bất quá nếu tốt lành ra thì mình mua được nhà, mua được xe, rồi sau đó thì sao?
Sau đó thì mình sẽ già đi, lo cho con cái đi học, bon chen với cuộc sống này, thế thôi.
Mình gắng mua mảnh đất của anh Chư đi. Rồi mình dựng một ngôi nhà. Em sẽ lên ở đó dạy những người đàn bà làm việc, dạy họ tránh thai, dạy họ rửa ráy cho con, cho con uống thuốc, dạy họ kiếm tiền.
Rồi con mình thì sao?
Mình cho con mình học mẫu giáo, học cấp một ở trường xã, ở trường dân tộc. Anh cứ đi làm, cứ làm việc thay cho cả em, rồi cuối tuần anh đi tàu lên đó. Còn em sẽ cho con đi học ở trường bản, tối về em sẽ dạy con học…
Ha ha, người ta đang lo cho con học trường này trường nọ, còn mình sẽ cho con mình học trường trên bản, với những trẻ con H’mong. Ý tưởng này lãng mạn quá, nhưng anh thích.
Anh có thích không.
Anh thích. Anh thích con mình lớn lên giữa núi rừng như thế, sẽ biết bắt cá, biết nuôi lợn, biết chăn vịt ngan, biết bắn nỏ, biết dùng dao rừng, chữ nghĩa cấp 1 thì mình đủ sức dạy nó. Sau nó lớn lên lại cho nó về xuôi, thậm chí cho học trường tây. Mà nếu lúc đó nó không muốn đi, thì nó sẽ sống cả đời nó trên rừng.
***
Việc dựng một ngôi nhà ở Thung lũng khói xanh, chúng tôi đã quyết và gắng làm cho bằng được bằng tất cả khả năng.
Nhưng vợ tôi nói đúng. Tôi cần gì ở cuộc sống thị thành này? Cơm áo, xe cộ, name card, sống vì bia mộ, nhoằng phát là 50 tuổi và tôi chưa thấy người 50 tuổi nào hài lòng vì mình nếu năm 30 tuổi không dám làm những gì mình muốn. Thế hệ của cha tôi, dù chết rất nhiều, nhưng thật may mắn vì đã có những ước mơ mặc định, là hết chiến tranh.
Mà tôi thì muốn gì? Nhà, xe, những bữa ăn những bữa nhậu, gái, những thằng đàn em cúi đầu, … hay là gì? Tôi muốn chạy xe từ Vladivotstok đến Moscow, muốn chạy từ Mỹ tới Brasil, muốn ngôi nhà lưng tựa vào sườn núi để chiều chiều ngồi viết tiểu thuyết, cơ mà.
Tôi muốn một cuộc sống rộng mở. Tôi muốn tình cảm sến. Tôi muốn những điều chất phác, những thứ chân thật, những thứ thật sự làm người ta phê. Tôi chỉ có chưa đầy 20 năm nữa, trước khi trở thành một ông già tiếc rẻ.
***
Tôi đảm bảo rằng tôi không có đủ dũng khí, để sống đúng như những gì tôi muốn.
Tôi, nếu chỉ là tôi, hoặc sẽ qua ngày tháng bằng những câu chuyện bên bàn rượu, chém gió. Hoặc sẽ đều đặn đi làm với mong ước lên lương lên chức, không bao giờ dừng. Cứ lên một bậc, vui được ba ngày, lại mong sao lên tiếp. Tới khi về hưu.
Nhưng vợ tôi, cô ấy dũng cảm hơn và lãng mạn hơn.
Thậm chí cô ấy biết rằng tôi đang lạc lõng trong thành phố này. Cô ấy thích tôi ngồi uống Sán Lùng với mấy ông H’mong ngọng nghịu tiếng Kinh, hơn là thấy tôi say rượu về buồn bã rầu rĩ vì vừa ngồi với mấy ông bạn thằng nào cũng giàu, thằng nào cũng nhà cũng xe mà anh chả có đéo gì.
Biết bao lần tôi rầu rĩ trở về nhà sau khi uống bia với các ông bạn giàu có đi BMW Porsche, cô ấy bảo rằng anh có bị dở hơi không mà buồn.
Tôi biết cô ấy rất yêu tôi khi thấy tôi ngồi uống rượu với các anh H’mong, ai trong các anh cũng yêu quý tôi, tôi không nhớ hết họ mà họ đều nhớ tên tôi, nài tôi cạn chén, và nói những chuyện cuộc sống của họ, giới thiệu tôi với những người mà họ kính trọng nhất.
Cô ấy cũng yêu tôi khi tôi cho phép thằng con chạy chơi ngoài ruộng với bọn trẻ H’mong, cứ chơi đi. Cô ấy yêu tôi vì tôi không sợ con tôi bẩn, không lo con tôi đau, vì tôi thấy vui khi con tôi có thể chơi với bọn trẻ ấy dù không hiểu tiếng nhau.
***
Tôi biết rằng ý định của chúng tôi là lãng mạn. Nhưng tại sao không lãng mạn. Từ bao giờ mà chúng ta cứ nghĩ rằng lãng mạn là điều dở hơi.
Chúng tôi, vợ chồng tôi, sẽ cùng nhau làm điều đó.
Đừng ngạc nhiên nếu một hai ba bốn năm nữa, cơ sở của chúng tôi sẽ dựng lên được trong Thung lũng khói xanh, những người đàn ông đàn bà H’mong sẽ làm việc cùng chúng tôi, con cái chúng tôi sẽ lớn lên cùng những đứa trẻ H’mong. Con trai tôi sẽ lớn lên thành một người đàn ông giản dị, mạnh mẽ, có thể dễ xấu hổ và ngốc nghếch nhưng đầy danh dự. Con gái tôi sẽ biết làm thổ cẩm của người H’mong, biết thêu thùa, biết nấu ăn, biết nói tiếng Tây, nhưng cũng biết phân biệt những thằng đàn ông biết nói đúng những gì nó nghĩ, và những thằng đàn ông đậu phụ.
Cũng đừng ngạc nhiên, nếu tôi không đủ dũng khí, tôi cũng vẫn như thế này, rồi có một cái nhà để ở và cái xe để đi, và chấm hết và buồn bã vì mình đã không làm những gì mình muốn. Luôn luôn buồn bã vì mình đã sống một cuộc đời chỉ phục vụ cái nhìn của người khác.
***
Có dám lãng mạn hay không, có đủ dũng cảm hay không, tôi thấy tôi chẳng bằng người đàn bà của tôi, tức vợ tôi.
Mà tôi cũng chẳng bằng mẹ tôi, người đã đi rất nhiều nơi rất nhiều nước, thường là rất hay nghĩ ngợi lo toan, mà vẫn thoải mái kê gối ngủ ở sân ga hàng không lạ hoắc bên Tàu Khựa, trong khi tôi thì ngồi đó không ngủ được vì lo lắng đủ điều.
Lúc này tôi chợt nghĩ, thực ra bọn đàn ông là bọn hay sợ hãi, sợ quá nhiều thứ. Bởi vì chúng sợ những thằng đàn ông khác.
Người đàn bà khi yêu là họ không sợ gì nữa cả.
Tequila
Minh Minh says
Cám ơn tác giả vì đã kể một câu chuyện “dài quá kể mãi chưa hết” hay đến vậy. Đọc xong mà còn bồi hồi mãi không thôi…
Xe Lu says
lần đầu tiên đọc “Thung lũng khói xanh” trong tập sách “Hạnh phúc lang thang”, em đã khóc, khóc nhiều lắm, khóc cho tất cả những niềm vui, những vùng đất, những con người cùng nếp sống khổ cực mà trong trẻo, mà em không đủ dũng cảm để bước theo 🙂
Em bước vào cuộc sống thực dụng ngay sau khi tốt nghiệp đại học như những người bình thường khác, và em đã gần như cô độc trong chính tư tưởng của mình. Em biết em phải chấp nhận, phải thực tế, để có cái nhìn nhận nghiêm túc nhất về tương lai của em, nhưng em cũng biết, khi trái tim em cứ hướng về giấc mơ một cuộc sống bớt bon chen, bớt đi những xu nịnh, sống giả tạo để làm vừa lòng người này người kia, thì em sẽ còn mệt mỏi và mâu thuẫn nhiều lắm.
Em không biết kết thúc thì quyết định của anh chị là gì. Có khả năng lớn là anh sẽ vẫn tiếp tục lựa chọn của anh, chứ không trở lại mảnh đất thung lũng khói xanh ấy đâu. Nhưng em vẫn rất cảm ơn, vì anh đã cho em thấy một cái nhìn rất đẹp, trực diện, không che giấu, về những băn khoăn, trăn trở của một người, đối diện với nhiều điều phải đánh đổi.
Em cũng cảm ơn, vì bài viết đã giúp em có suy nghĩ thoáng hơn về đàn ông, rằng họ cũng có nhiều áp lực và nỗi sợ lắm, để thông cảm, và yêu hơn người con trai luôn ở bên cạnh em bây giờ.
🙂
MissChuot says
Cảm ơn anh vì bài viết cùng những chia sẻ và thấu hiểu của anh chị. Em cũng đã và đang ước mơ như thế và em đang cố gắng để một ngày nào đó những ước mơ ấy sẽ trở thành hiện thức, bay qua những đoạn đèo, đỉnh núi, mang lại bình an và hạnh phúc trong đôi mắt vẫn còn bao nhọc nhằn của những người dân bản nghèo. Sự sẻ chia này – bản thân nó đã là một thông điệp ý nghĩa rồi. Chúc anh chị một ngày gần nhất sẽ viết tiếp câu chuyện trên trong niềm hạnh phúc vì quyết định dũng cảm của mình.