Tết là dịp để những người có gia đình thấy ấm áp nhất, và những người không có nơi nào để về thấy cô đơn nhất
* **
Cái Tết thứ 4 tôi không ở nhà. Đấy chỉ là một sự thật tôi đang tự nhủ với mình thôi. Không đi kèm tiếc nuối, nhớ nhung, mong mỏi và tủi thân như những năm trước. Đã xa nhà đủ lâu để không thấy chạnh lòng khi nghĩ về điều đó. Người ta bảo, ai lang bạt mười năm sẽ trở thành một kẻ không có quê hương. Biết đâu đấy, năm thứ 4 tôi hết buồn hết nhớ. Năm thứ 5, thứ 6 tôi sẽ tỉnh dậy vào một buổi sáng, trải qua một ngày bình thường và chỉ nhớ ra đó là mùng 1 tết khi có ai đó update status trên facebook. Rồi đến năm thứ 7, thứ 8 tôi sẽ dừng đếm đây là cái tết xa nhà thứ bao nhiêu. Rồi năm thứ 9, thứ 10, tôi sẽ quên mất mình đã có thời mong mỏi Tết đến.
Tết tây, tôi được nghỉ học. Những người xung quanh tôi trở về nhà, chúc tụng lẫn nhau, ăn ngon mặc đẹp. Nhưng tôi không phải là một phần của họ. Tết ta, những người ở xa tôi, cũng trở về nhà, chúc tụng lẫn nhau, ăn ngon mặc đẹp. Nhưng tôi không thể chạm đến họ. Còn nơi tôi ở báo đài Canada gọi Tết âm lịch là Chinese New Year, hội sinh viên Trung Quốc trong trường chăng lên trần nhà những chiếc đèn lồng đỏ đu đưa. Con sông chia campus trường làm đôi đông cứng thành một tảng băng trắng đến nhức nhối. Cafeteria của trường hôm đó sẽ làm nem, bằng giấy gói vàng của người Trung quốc, nhân có rất nhiều giá và hạt tiêu. Một ngày bình thường của tháng 2, các bạn cùng lớp sẽ hỏi nhau về bài tập sắp phải nộp cho giáo sư, còn tôi im lặng nghĩ về nồi canh măng sườn và bánh chưng rán. Tôi bị kẹt giữa hai vùng thời gian, bởi vì tôi là một phần của không gian này đặt trong không gian khác, một phần của Việt Nam đặt giữa Canada. Tôi chẳng ở đây cũng không ở đó. Và tôi chẳng có Tết nào cả.
Năm nào mẹ cũng ngồi chat voice với tôi, sau khi lo tươm tất mâm cúng giao thừa. “Thôi mẹ đi ngủ đi, mai còn phải dậy sớm làm cơm cúng” – “Ừ, mẹ sợ con buồn nên muốn ngồi chứ. Chúc con năm mới mạnh khỏe, học giỏi nhớ. Có ai cho tiền mừng tuổi mẹ sẽ giữ cho.” Rồi sáng mùng 1, khi các cô chú và mấy nhóc em ăn diện chỉnh tề đến nhà tôi chúc Tết ông bà, tôi sẽ được hưởng không khí mùng 1 qua màn hình máy tính. Mỗi người sẽ nói chuyện với tôi vài câu. Tôi chẳng biết chúc tụng, thường chỉ thích ngồi lặng lẽ xem, từ nơi cách nhà nửa vòng trái đất, cảnh cả đại gia đình của tôi sột soạt quần áo mới, mấy đứa em xòe tiền mừng tuổi đếm với nhau, và nhớ lại những cái tết ngày xưa khi bố mẹ ngồi trang nghiêm báo cáo với ông bà tình hình làm ăn năm trước.
Ông nội đã bật khóc vào một ngày như thế, nghẹn ngào không nói nên lời: “Những người khác đều được về nhà. Còn con ở xa quá…” Tôi cười méo xệch. Các cô các bác của tôi mắt đỏ hoe sụt sịt mũi. Hai mươi mốt năm sống trên đời, tôi chỉ thấy ông nội khóc ba lần. Lần đầu khi cậu của ông mất. Lần hai khi bà nội bị trụy tim tưởng không qua khỏi. Và lần ba là vì tôi. Cái ngày tết đó. Người đàn ông hiền lành, ít nói, vững vàng như cây trụ cột chắc nịch của cả gia đình. Ông đã rớt nước mắt vì tôi, con bé cháu đã vùng vẫy rồi bay quá xa. Vòng tay ông đã dùng bế ẵm ru ngủ không thể với tới và mang nó trở về vào cái ngày ai cũng được đoàn tụ bên gia đình nữa.
Đó là ba cái Tết trước trong quãng đời sinh viên của tôi. Ba cái Tết mà tôi đã cáu phát điên khi bạn bè ở Việt Nam lúc nào cũng hỏi: “Có về ăn Tết không?” Đến lần thứ hai mươi phải trả lời: “Không” và cay đắng tự nhủ: “Có phải đi học ở Sài Gòn, hay Singapore đâu mà về”, tôi đã im lặng tắt cửa sổ yahoo đi khi nhận được câu hỏi đó lần thứ hai mốt. Ba cái Tết mà tôi đã thấy trống rỗng đến phát đau khi không có bất cứ ai có thể trò chuyện trên mạng, tôi tặc lưỡi gọi một người đã một năm không hỏi han, người duy nhất có mặt để tôi bấu víu trong nỗi tủi thân cùng cực, và nhận được câu trả lời: “Thôi chị phải đi chúc Tết đã nhé.” Lúc đó ruột gan tôi đổ sụp, nhưng đã không khóc.
Nhưng lần này là Tết thứ 4 rồi. Tôi không còn là tôi của những ngày xưa nữa. Hai mốt tuổi khác mười tám tuổi. Những nỗi nhớ, mong muốn, khát khao, có thể chưa biến mất, nhưng đã tê dại mất rồi.
Tôi nhớ Tết, một buổi tối tháng 11, khi mở album Giọt sương bay lên của Ngọc Khuê lên nghe. Không phải vì âm nhạc của Nguyễn Vĩnh Tiến rất đậm tính dân tộc, mà là vì Tết cuối cùng trước khi tôi đi học xa, tôi đã ngồi nghe đi nghe lại album này khi chơi điện tử với em trai. Không phải cây nêu tràng pháo, mà là một bài hát và một trò chơi, đã làm tôi nhớ em và nhớ chính mình đến cồn cào.
“Lần tìm về từng lối xưa đưa em lên chùa theo em lên chùa/Lần tìm về từng tiếng chuông rơi trên sân chùa coong coong coong coong”. Giọng Ngọc Khuê vút cao đầy ám ảnh.
Và sáng hôm sau, tôi ngồi giữa những người Canada trẻ trên chuyến xe bus đến trường, im lặng hướng mắt ra ngoài cửa sổ nhìn những cây thông phủ dầy tuyết trắng như váy của cô búp bê trên chiếc bánh gato trong cửa hàng bánh ba năm học cấp 3 ngày nào tôi cũng đi qua, sẽ không có ai biết tôi từ đâu đến. Chỉ có tôi biết mình là người Việt Nam, khi nghĩ lại giấc mơ về một ngày được nhìn thấy hoa đại rụng trên sân chùa lần nữa.
Tết 2011
Leave a Reply