Tận hưởng nốt những ngày cuối cùng của mùa thu, những ngày cuối cùng của năm còn có nắng ấm và những con đường – không – phủ – đầy – tuyết
Nếu bạn đến từ một nơi xa xôi nào đó, bạn sẽ rất hay được dân địa phương hỏi thích gì nhất ở vùng đất của họ. Anh Joe, một người Canada ở Việt Nam được hỏi: “anh thích ăn gì, anh thích đi đâu”, thì tôi, một người Việt Nam ở Canada, mỗi khi gặp người lạ, cũng được hỏi: “how do you like Canada so far?”, “do you like living here?”. Tôi biết, khi hỏi thế, họ muốn được nghe khen. Tôi hay quấy quá đáp cho xong, nói bất cứ cái gì hiện lên trong đầu, ví dụ như: “Mùa thu ở Canada đẹp tuyệt vời, mỗi tội mùa đông lạnh quá.”
Thế nhưng trong một thứ bảy đẹp trời thế này, câu hỏi đó trồi lên trong đầu tôi. Sống ở đây ba năm rồi, đã đến xấp xỉ 10 thành phố, tôi yêu điều gì nhất ở mảnh đất này? Một cách nghiêm túc, chân thành và sâu sắc?
Canada là đất nước của dân nhập cư. Những người chủ thực sự, những người da đỏ đầu tiên sinh sống ở đây đã bị đánh bại, đô hộ và đồng hóa bởi dân da trắng quá lâu rồi. Vì thế, Canada không có nền văn hóa dị biệt. Những món ăn của họ cũng là món ăn của người Ý, người Mỹ, người Anh, người Pháp. Những ngày lễ của họ, như lễ Tạ Ơn, Halloween, Giáng Sinh.. cũng là ngày lễ của những niềm tin phủ trùm một vùng rộng lớn thế giới phương Tây. Người Canada tự hào đất nước mình là một thể khảm, trong đó mọi sự đa dạng đều được tôn trọng, và hòa hợp với nhau, chứ không như Mỹ, là một cái bình đun chảy mọi nguyên liệu trong nó để tạo ra một chất hỗn hợp gọi là “Mỹ”.
Vì thế, chẳng dễ gì để tìm được một điều đặc trưng cho Canada để gọi tên tình yêu của mình.
Có thể là cảnh thiên nhiên chăng? Đất nước rộng thứ hai thế giới, có nguồn nước ngọt cũng thứ hai thế giới, và nếu bạn không dừng lại nhường đường mà cố tình đâm chết một chú nai vàng ngơ ngác nào đó trót nhởn nhơ chơi gần đường quốc lộ, bạn có thể bị đi tù mọt gông. Không có gì dễ hơn việc ngưỡng mộ, sửng sốt, trầm trồ và yêu tha thiết cảnh vật ở nơi này. Những ngày mùa đông đi học về muộn, tôi và tuyết dưới chân tôi được tưới đẫm trong ánh trăng. Trăng mênh mông và tuyết cũng mênh mông. Nhìn lâu, thứ ánh sáng đó sẽ lay động như một chất lỏng màu hổ phách huyền hoặc. Và tuyết thì lấp lánh trắng. Tôi có thể nói mãi về những trảng hoa dại vàng rực, bồ công anh trắng muốt khi xuân tới, những cây táo dại trĩu trịt quả để bọn sóc lóc chóc chạy đuổi nhau dưới gốc vào mùa hè, và những đồi cây đỏ cháy lên như một dải lửa vào mùa thu. Về dòng sông chảy dài như mái tóc và bầu trời xanh đến khó hiểu. Về một ngày đông lặng gió, những bông tuyết to và xốp rơi chầm chậm, xoay xoay trong không gian, đặt lên má lên môi lên đuôi mắt tôi những nụ hôn lạnh buốt và ngọt lịm.
Có thể là những công trình kiến trúc công cộng chăng? Khi một người già chống gậy lên xe bus, bác lái xe sẽ xì hơi gì đó và sàn xe hạ thấp xuống. Nếu đó là một người ngồi xe lăn, bác sẽ rời khỏi ghế lái, đẩy người đó đến hàng ghế đầu có thể gập lên, cài khóa an toàn cẩn thận, rồi mới quay về chỗ. Nhà vệ sinh công cộng lúc nào cũng có một buồng to gấp đôi những buồng còn lại để dành chỗ cho người đi xe lăn, và bên cạnh các bậc thang bình thường bao giờ cũng có những đường dốc. Đèn giao thông, không phải tất cả, nhưng ở những khu phố đông người đi bộ, có tiếng chim hót khi đèn xanh bật lên để những người khiếm thị nhận ra được tín hiệu qua đường. Một xã hội nhân văn là xã hội nghĩ đến những đối tượng thiệt thòi khi xây dựng các công trình công cộng. Không biết đến bao giờ, các kiến trúc sư ở Việt Nam mới nghĩ đến việc xây một đường dốc cạnh những bậc thang?
Có thể là con người Canada chăng? Mới hôm qua ngồi trên bus, tôi nghe cuộc trò chuyện giữa một chú bị Down và một vài bạn sinh viên. Chú rất nhiệt tình bắt chuyện, vì thế các bạn kia, dù có vẻ hơi chậm hiểu những gì chú nói, vẫn vui vẻ đáp lại. Thử tưởng tượng một người đàn ông rõ ràng có vấn đề về đầu óc, cố bắt chuyện với người lạ trên xe bus ở Hà Nội, bao nhiêu người sẽ nói chuyện, thậm chí chỉ là đáp lại ông như một người bình thường? Những người lạ tôi gặp, như đi cùng bus, bác thu ngân trong nhà ăn của trường, thường là những người lớn tuổi hơn, nhưng bạn cùng nhà cũ cũng hay gọi tôi bằng những danh từ ngọt ngào. Bạn có thể không vui không, khi được gọi là honey, sweetheart, pretty, babe và darling? Thỉnh thoảng, phải xách nặng khi đi một mình, vẫn có những bàn tay chìa ra san sẻ gánh nặng với tôi. Và những bà cụ đáng yêu mà tôi có may mắn quen biết, chẳng bao giờ tiếc một cái ôm rất chặt và câu “I love you” khi chào tạm biệt. Tôi biết mình đã quay trở lại Việt Nam khi đưa tay ra ôm những người bạn của mình và chỉ nhận lại được một cái vòng qua vai, hờ hững.
Mà không, có lẽ điều tôi thích nhất ở đây, là như buổi sáng này, tôi đọc được hai bài viết hay và vội vã gửi email cho cô giáo để nói về những suy nghĩ của mình. Trong lớp, tôi cũng có thể tự do nói về những câu chuyện xảy ra với mình, hoặc người mình quen. Thậm chí cả tính lười biếng và cái thói nước đến chân mới nhảy chưa bao giờ sửa được tôi cũng nói với thầy (sau rất nhiều lần khất không nộp bài và phớt lờ email của thầy), để được nhận lại một cái cười xòa và câu an ủi: “không sao, ai cũng có lúc thế cả mà”. Tôi thích việc được thả mình ngồi đọc đến vài giờ một chủ đề nào đó tự dưng nảy ra trong đầu (như tại sao đàn ông da trắng yêu phụ nữ châu Á chứ ít đàn ông châu Á yêu phụ nữ da trắng), được viết bài luận so sánh Chiếc khăn gió ấm và Hey there Delilah (để thấy được lý tưởng tình yêu trong hai nền văn hóa), được băn khoăn về những quá trình dẫn đến con người mình như này, rồi nó sẽ dẫn tiếp đến đâu. Và tôi được nói ra, bởi vì lúc nào cũng có người lắng nghe những thắc mắc kiểu như vậy.
Có lẽ là thế chăng, việc được đọc những gì tôi thích, xem những gì tôi muốn và làm những điều tôi tin, là thứ sẽ không đất nước nào, dù có nền văn hóa tương đồng đến mấy, có thể mang lại. Không phải những điều có sẵn, mà là những gì đất nước này đem đến cho tôi. Thế đấy, người ta chẳng bảo là “I don’t love you for who you are, but for who I am when Im with you” còn gì.
Tự dưng dạo này thấy đâu đâu người ta cũng nói về grad school. Cũng đã có lúc nghĩ: “I love school too much to be parted with it.”. Cái không biết bao giờ cũng đáng sợ, nhất là khi “cái đó” lại là tương lai của mình. Nhớ đến một câu của Giao, không phải dành cho tôi, nhưng tôi rất thích: “I won’t buy you gift. I share with you my Việt Nam. Go. Return.”
Go. Return.
Leave a Reply