….hay còn gọi là mùa thu áp chót….
Mùa thu này lạnh, hình như Canada ngày càng lạnh. Mới giữa tháng 9, lá phong còn chưa kịp đỏ được nửa tán cây, có những buổi sáng tỉnh dậy ngòai trời 2 độ. Vẫn những đàn ngỗng cổ dài kêu ì oạp trên nền trời xanh thẫm, vẫn những thảm lá vàng ôm ấp bờ cỏ non, vẫn những mái nhà nghiêng nghiêng trong nắng chiều. Mọi thứ vẫn thế, là một mùa thu nữa thôi, như trăm ngàn mùa thu đã qua và trăm ngàn mùa thu sẽ tới.
Tôi vẫn nhớ như in cái ngày mùa thu đầu tiên đầy nắng và gió. Tôi đứng trong một khoảng không mênh mông, nhắm tịt mắt khi một cơn gió ào đến, rồi mở mắt ra và tự cười mình: “thì ra đây là phản ứng có điều kiện của công dân một thành phố bụi bặm”. Ở đây người ta không thể dùng lí do bụi bay vào mắt mỗi khi có người bắt gặp mình mặt mũi đỏ hoe.
Mùa thu thứ hai, tôi một mình đi sắm sửa cho căn phòng trên tầng 7 của một tòa chung cư. Lang thang trong thành phố nhỏ xíu này và hình như thấy thân thuộc, vì mình biết bàn chân đang dẫn đến đâu.
Mùa thu thứ ba, tôi ngồi bó gối trên bờ cỏ ở bến xe bus khi một chiếc xe đầy cứng sinh viên nên bỏ bến không dừng lại, vẫn nhìn trời, nhìn cỏ, nhìn những cánh chim và nghĩ: “Hình như mình đang không nhớ ai cả. Không biết như thế là tốt hay là xấu?”
Thu thì vẫn vậy, chỉ có người là khác đi. Tôi không còn bắt gặp mình so sánh mùa thu Peterborough với thu Hà Nội nữa. Tôi không như tôi hồi năm 1, nghĩ rằng Hà Nội của mình chân thật, còn nơi này trơn bóng và xa cách. Tôi không gào toáng lên về cảm giác trống rỗng, nỗi nhớ nhà đến quay quắt, hay ghen tị với bạn bè được vô tư chơi bời nữa. Thay vào câu hỏi “Không biết bây giờ Hà Nội thế nào?”, tôi lại tự hỏi “Không biết mình còn nhớ Hà Nội đã từng thế nào không?”
Trường lớp cũng vẫn vậy, chỉ có tôi đã thay đổi. Tân sinh viên năm một từ Việt Nam đến Canada rất lớ ngớ, nghe bài giảng không hiểu, sợ phát biểu trong lớp, mỗi lần e hèm dặng hắng nói câu gì là tim đập thình thịch khi cả lớp ngóai lại nhìn. Ma cũ năm ba, dù tình hình không có gì thay đổi, vẫn có quá nhiều thứ về xã hội Canada tôi không biết, quá nhiều thứ các thầy cô nghĩ là học sinh của mình đương nhiên đã học qua trong trung học, vẫn là mái đầu đen duy nhất, sinh viên quốc tế duy nhất trong các lớp xã hội, văn hóa, vẫn thế thôi, chỉ là tôi không còn nghĩ người ta đang dỏng tai lên đợi nghe mình nói sai nữa.
Mùa thu đầu tiên, tôi cồn cào quay quắt trong một cơn choáng váng không gọi thành tên. Tôi không biết nó là cái gì. Mùa thu thứ hai, tôi ngẫm nghĩ lại và gọi được tên thứ đã kéo mình chắc là một cơn sóng, trùm qua đầu làm tôi bị sặc, rồi cát lún và nước triều cứ kéo tôi xa mãi. Tôi định hình được những cảm xúc đã trải qua, thấy lòng tĩnh lại, chỉ có điều vẫn rất trống trải. Bây giờ, mùa thu thứ ba, tôi không thấy gì cả, trống rỗng cũng không. Khi người ta thấy mình trống rỗng, là người ta còn nhu cầu muốn được lấp đầy. Tôi bây giờ, không tĩnh, không yên, không ngập, cũng không rỗng. Và chắc cũng chẳng kì lạ, tôi không thấy hoang mang chút nào. Chỉ hơi băn khoăn….không biết như thế là tốt hay là xấu?
Tôi có một cậu bạn thân và một cô bạn thân, tôi xếp cùng những nỗi nhớ về Hà Nội. Mùa thu đầu tiên, hai nhân vật quan trọng này ngồi nhìn tôi khóc, vào comment các entry than thở ngột ngạt của tôi, ra sức động viên và là nguồn sức mạnh to lớn. Mùa thu thứ hai, cậu bạn thân thỉnh thoảng ngồi đàn hát qua Skype, cô bạn thân thường xuyên ngồi nói chuyện, cũng qua Skype. Tôi biết Hà Nội bị ngập lụt thế nào, nhà hàng xóm xây nhà đập phá ồn ra sao, con đường này đang sửa, con đường kia vừa được mở ra. Mùa thu thứ ba, tôi chấp nhận rằng chúng tôi đã bị cuộc sống cuốn về những phía khác nhau. Như những dòng hải lưu trên biển, chảy trong cùng một khu vực, chảy gần nhau, nhưng lại chẳng chạm vào. Một vài lần hỏi han, rồi giận dỗi, rồi thỏ thẻ yêu thương, cũng không lại gần được. Tôi chấp nhận rằng mình không còn là một phần cuộc sống của các bạn, có thể là một phần trái tim, chỉ không phải là một phần của cái ngày bình thường trong vô vàn những ngày bình thường khác, của hai cô cậu 20 tuổi ở một nơi rất xa tôi.
Tôi có một cậu em trai đang lớn, một cô cháu gái vừa tròn một tuổi đang tập nói tập đi. Tôi có bà nội đang ốm, bà ngoại phải lo toan cuộc sống một mình. Tôi có ông nội tóc bạc đuôi mắt nhăn nheo. Tôi có bố mẹ thường xuyên đau mỏi vì phải làm việc quá vất vả. Tôi ngồi bó gối nhìn cái xe bus đầy chặt người đi qua, biết mình sẽ muộn học, và tự hỏi mỗi ngày mình dành bao nhiêu thời gian để nghĩ về gia đình? Tôi thấy hối hận. Không nhiều như đáng lẽ phải thế. Đó có phải đặc điểm của mùa thu thứ ba không?
Sáng dậy, ngồi máy, đi học, về nhà, ăn cơm, đi học, đi về, ăn cơm, ngồi máy, đi ngủ. Ngày nào cũng thế, đời sống của sinh viên gương mẫu sẽ thêm thắt đôi phần như đi chợ, nấu cơm, đọc sách, chơi với chó. Có những phút nằm còng queo trên giường, nhìn lên trời, nghĩ rằng mình nhớ ông anh họ quá, lồm cồm bò dậy gửi cho anh cái tin nhắn, vài ngày sau anh nhắn lại, trả lời, nhưng lúc anh lên mạng thì tôi lại đi đâu đó. Thế là lỡ mất, thế là đi qua nhau. Cuộc đời cũng chỉ cần vài cái đi qua nhau vô tình ngắn ngủi thế thôi, là sẽ chẳng quay lại thấy nhau được nữa. Tự nhiên trong đầu hiện ra hình ảnh một đám bèo, bập bềnh trên sóng, có rễ thật đấy nhưng có bám được vào đâu, nước đẩy đến đâu thì trôi theo đó.
Mùa thu thứ ba, tôi thực sự cảm nhận được đây là cuộc sống của mình. Cuộc sống của mình không phải ở những buổi tập quân sự hay những chầu café với bạn bè. Tôi đã từng tiếc nuối cuộc sống đó, vào mùa thu thứ nhất.Tôi xây nên trong đầu một tưởng tượng phong phú về cuộc sống của một con bé tôi bình thường: Sinh viên năm một trường Báo, ngày ngày có người đưa đi đón về, chiều chiều trong túi rủng rỉnh tiền đi ăn quà vặt, thích thì a lô là bạn bè tụ tập cả đám kéo nhau đi chơi. Tôi đã từng ghen tị với cuộc sống đó, vào mùa thu thứ hai. Xem ảnh bạn bè trên facebook, đi chơi chỗ này vui thật, nghe chuyện bạn bè kể, chuyện tình yêu thú vị thật. Đến tận bây giờ, tôi mới thấm nhuần một chân lí đơn giản: đó không phải là cuộc sống của mình. Cuộc sống của tôi là ở đây, là căn phòng này, chiếc máy tính này, là đoạn đường đến trường, là những tờ giấy có nhiều chữ được gọi là bài đọc, và những tờ giấy trắng tôi có nhiệm vụ phủ nhiều chữ lên trên. Mãi đến bây giờ, mùa thu áp chót, tôi mới biết mình đang ở đâu, mình đang làm gì
Tôi không còn biết đến thứ gọi là cô đơn nữa. Tôi thấy lạ lẫm khi nhớ lại rằng đã có lúc chuyện ngồi ăn một mình giữa nơi đông người là vấn đề rất to tát. Tôi không còn thấy mình nghiến răng khi khệ nệ tự xách những túi nặng leo dốc thở hồng hộc.
Tôi nghĩ mình đã quên mất cảm giác sống trong một mái nhà với những người thân nó như thế nào, hay ít nhất, cũng không còn thèm.
Và trong lúc ngồi bó gối ở bệ cỏ nhìn chiếc bus chạy qua, tôi lại tự hỏi, không biết có bao giờ mình sẽ quên mất cảm giác có một gia đình là thế nào không?
Bởi vì đó là mùa thu thứ ba, tôi tự hỏi mình như thế mà không hề hốt hoảng.
Leave a Reply