Chia sẻ với mọi người hai câu chuyện.
Mình về quê ăn giỗ. Trong lúc các cô, các chị, mẹ chồng và chồng xúm vào nấu nướng thì mình túm lấy bọn trẻ con đang lảng vảng gần đó để chơi cùng. Một bé ba tuổi và một bé bốn tuổi. Sau một hồi kể chuyện Cô bé quàng khăn đỏ, hát hò rồi đọc thơ, đã có vẻ thân thiết một chút, mình vừa quay đi thì quay lại thấy nhóc bốn tuổi đang đứng vặt lấy vặt để lá cây na rồi vứt xuống đất.
Mình: Ơ sao con lại vặt lá cây na như thế, vặt là cây sẽ bị đau đấy.
Bé: Tiếp tục vặt, cười hi hí
Bà ngoại của bé: Thôi ngay không cô Vân mắng cho bây giờ.
Mình: Nếu ai giật tóc con ném xuống đất thì con có đau không? Con có thích bị như thế không?
Bà ngoại của bé: Nào, nào, cô Vân đánh cho bây giờ.
Mình tiếp tục nhìn vào mắt bé, nói với giọng bình thường, không hề tỏ ý gay gắt, giải thích cho nhóc về việc cây sẽ bị đau. Bé tiếp tục vặt từng nắm lá cây vứt xuống đất, không có dấu hiệu ngừng lại.
Mình bèn túm lấy một nhúm tóc của bé, kéo hơi nhẹ nhẹ, vừa kéo vừa nói “Đây, khi con vặt lá cây, thì cây cũng bị đau như thế này. Con có muốn cô giật tóc con vứt xuống đất không?”. Gật đầu. Mình kéo mạnh hơn chút nữa, lập lại câu hỏi. Vẫn gật đầu. Mình vẫn hỏi với giọng như đang nói chuyện, không trách móc, không bực bội. Sau mỗi lần hỏi mình lại kéo mạnh hơn một chút. Đến lần thứ tư, đầu con bé nghiêng hẳn sang một bên, thì nó bảo “Không”. Và nó dừng việc vặt lá cây.
Còn bé ba tuổi thì dẫm giày đầy bùn đất lên ghế nhựa. Mình bảo nhóc, bây giờ con ngồi lên ghế này đi, thì lắc đầu quậy quậy và định chạy ra chỗ khác, chắc đã quen để lại hiện trường cho người khác dọn. Mình chạy theo túm lại, vừa giữ tay (để bé khỏi chạy mất) vừa hỏi, cũng nói với giọng rất bình thường.
Mình: Bây giờ ghế bị bẩn rồi thì phải làm gì?
Bé: Phải lấy khăn lau
Mình: Biết tìm khăn ở đâu nhỉ?
Bé: Nhìn quanh quất, thấy có cái khăn đầy dầu mỡ vắt trên bình ga, chỉ cho mình
Mình: Con ra lấy khăn vào đây lau đi
Bé: Nhất định không chịu đi, không chịu sờ vào cái khăn lau vì sợ bẩn.
Mình dắt tay cô nhóc ra tận nơi, cầm cái khăn lên, và đưa cho, vừa đưa vừa nói “Bây giờ hai bác cháu mình cùng lau. Nếu con không muốn ngồi lên cái ghế này thì cũng không ai muốn ngồi cả.”
Đang nói như thế thì một người lớn khác từ xa hét lên “Sao lại cầm vào cái giẻ lau bẩn hết cả tay rồi con ơi!”
Mình giả vờ không nghe thấy, vừa minh họa vừa khen con bé đã biết lau ghế cho sạch. Cô nàng được khen thì rất hào hứng, lau đi lau lại. Cuối cùng mình bảo “Rồi, cám ơn đồng chí đã lau cái ghế sạch như lúc trước nhé”, và nhờ cô nhóc cất cái giẻ lau vào chỗ cũ.
Kể thì dài, nhưng thật ra chỉ xảy ra trong nháy mắt. Mình tự thấy ngạc nhiên khi nghe bà và người thân của các bé phản ứng, và rằng dù cùng một mong muốn là trẻ dừng hành vi đang làm, trong đầu mình không hề hiện lên câu dọa “thôi ngay không tao đánh cho/mắng cho/gọi cho công an bây giờ”.
Điều quan trọng là, người lớn đừng hỏi câu hỏi tu từ “Tại sao con hư thế? Tại sao con chẳng bao giờ nghe lời mẹ nhỉ?”. Nếu hỏi, hãy hỏi thật lòng. Đừng lên giọng và hãy kiên nhẫn đợi trẻ trả lời. Mình đảm bảo rằng, nếu câu “Con nghĩ cái cây có bị đau không? mà hỏi bằng giọng dù chỉ gay gắt một chút thôi, bé sẽ hiểu ngay mình đang không vui, và bé sẽ rơi vào trạng thái phòng vệ, chứ không còn sẵn sàng để học điều mới (là cái cây có thể bị đau như con bị giật tóc) nữa. Với bé ba tuổi cũng vậy. Nếu mình hỏi “Con có muốn ngồi vào cái ghế này không?” với thái độ chì chiết, thì bé sẽ bỏ chạy, sẽ khóc thét lên, vì dù sao mình cũng chỉ là một người lạ bé vừa quen được nửa tiếng.
Dạy trẻ nhỏ đặt mình vào vị trí của người khác không dễ, với trẻ càng nhỏ thì càng khó. Cho dù là “người khác” là cái cây hay người muốn ngồi vào cái ghế trẻ đã làm bẩn. Nhưng chỉ gặp một chốc lát mà mình đã dừng một hành vi gây tổn thương (vặt lá cây) và sửa chữa hậu quả của một hành vi khác (dẫm chân lên ghế), thì mình tin là bố mẹ ở bên cạnh trẻ hàng ngày sẽ có vô vàn cơ hội để chỉ dẫn cho trẻ tập cách nhìn nhận sự việc từ góc nhìn của người khác.
Leave a Reply