Tờ mờ sáng nay lại tất tưởi leo lên xe buýt để đi dịch một cuộc họp phụ huynh. Lại một em bé nữa có chứng tự kỉ và nhà trường mời cha mẹ đến gặp. Em bé này có vẻ bị nặng hơn em lần trước, không những chậm phát triển mà còn la hét, tự cấu xé bản thân, và giao tiếp bằng cách dậm chân mỗi khi giận dữ.
Buổi họp có ba thầy cô giáo, ngoài thầy chủ nhiệm còn hai thầy cô nữa chuyên hỗ trợ cho những học sinh cần giúp đỡ thêm. Chủ đề của buổi họp khá đặc biệt. Các thầy cô đang làm đơn xin một chiếc Ipad cho em này. Bác sĩ tâm lý và một chuyên gia về phát triển ngôn ngữ đã quan sát và làm việc với em bé trong một thời gian dài. Hai chuyên gia viết một bản cáo trong đó liệt kê các nhu cầu đặc biệt của em. Trong Ipad sẽ có các ứng dụng giúp hỗ trợ các nhu cầu đó, như âm nhạc, cảm quan, giúp thư giãn, giúp học số, học chữ.
Mình thật sự rất cảm động trước nỗ lực của nhà trường để hỗ trợ cho từng cá nhân học sinh. Thay vì tách riêng những trẻ “có vấn đề”, hoặc cố tình lờ đi (như cách phản ứng của phụ huynh người Việt mình đã từng tiếp xúc, cho rằng con học chậm là do lười, hoặc ham chơi, chứ không chịu nhìn thẳng vào vấn đề), nhà trường để tất cả học sinh học cùng nhau, nhưng mỗi trẻ được thiết kế một chương trình riêng theo nhu cầu và khả năng, và những trẻ đặc biệt hơn thì còn được hỗ trợ nhiều nữa, như trường hợp em bé này.
Bố em bé nói rằng em rất ít chịu ngồi yên, nhưng có vẻ thích âm nhạc, ở nhà có một cây đàn nhỏ, ngày nào em cũng chơi. Đang làm hồ sơ xin Ipad, các thầy cô quay sang hỏi nhau liệu có thể xin hội đồng nhà trường thêm để mua một nhạc cụ nhỏ cho em không. Việc đó hẳn là rất khó, trường công ở Canada vốn đã do nhà nước trợ cấp, ngân sách không dư dả. Còn chưa kể nhà trường sẵn sàng bỏ tiền thuê phiên dịch để đảm bảo phụ huynh không nói tiếng Anh vẫn trao đổi được với nhà trường và thầy cô giáo. Mỗi người giáo viên mình đã gặp đều làm hết sức để hỗ trợ cho từng học sinh, như cách thầy giáo chủ nhiệm của em bé nói về việc cuối ngày em thường bực bội, và hay la hét, nhưng thầy vẫn rất kiên nhẫn quan sát em. “Đây là một vấn đề chúng tôi đang tìm cách giải quyết” – thầy bảo như vậy. Đơn giản là việc của thầy phải làm như thế, cũng như việc các cô tìm cách xin tiền để mua đàn, nếu em có vẻ phản ứng tốt với âm nhạc. Thái độ “vốn dĩ phải thế” làm mình hiểu, việc hỗ trợ từng trẻ, không phân biệt tuổi tác, hoàn cảnh hay khả năng đã ngấm rất sâu vào những thầy cô này, và có lẽ là nguyên tắc cho nền giáo dục Canada nói chung.
Buổi họp diễn ra chỉ tầm 20 phút, trên đường về mình nghĩ đến bao nhiêu trẻ em miền núi, trẻ em nghèo ở Việt Nam. Biết bao nhiêu tiềm năng bị bỏ phí. Như nhiều địa phương Học Bổng Gạo – Rice scholarship in Viet Namđã qua, các em nghèo và ăn thiếu dinh dưỡng quá, đến nỗi thiểu năng trí tuệ thành bệnh phổ biến, như bệnh béo phì là đại dịch ở nước Mỹ thừa ăn. Các thầy cô cũng nghèo, nhiều khi trích lương để nuôi học sinh qua vụ giáp hạt, ngậm ngùi bảo, mấy em khuyết tật thì đến trường cho vui thôi, chứ không mong dạy dỗ được gì. Nếu các em cũng được hưởng nền giáo dục thế này, thì có khi thế giới đã có thêm bao nhiêu nhân tài, bao nhiêu người tốt. Nghĩ đến đấy, trời thu nắng vàng như mật ong, mà lòng thấy đau đau.
Leave a Reply