Trong thời đại của Grab, Uber và Airbnb, việc những người cung cấp dịch vụ và những người cần dịch vụ tự kết nối với nhau thông qua một trung gian trên mạng ngày càng phổ biến. Nhưng làm thế nào để nổi bật giữa một rừng những người làm nghề tương tự và sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, mà vẫn giữ được mức giá tương xứng với trình độ và khả năng của mình?
1. Hãy tạo ra một profile chuyên nghiệp
Profile chuyên nghiệp không chỉ thể hiện ở bức ảnh chân dung mặc vest và áo sơ mi trắng. Nó chuyên nghiệp ở chỗ, khi một người chưa biết về bạn đọc qua những thông tin ở đây, thì họ sẽ biết chính xác bạn có chuyên môn gì, kinh nghiệm ra sao, và có thể cung cấp dịch vụ gì.
Làm thế nào để tạo ra được profile hấp dẫn? Kinh nghiệm của bản thân là hãy đọc thật nhiều resume của những người làm nghề tương tự mình, và tự hỏi, nếu mình là một khách hàng tiềm năng, mình có muốn liên hệ với người này không? Họ có điểm gì mình thấy học hỏi được, và điểm gì mình có thể làm tốt hơn?
Có nhiều biên/phiên dịch mình đọc profile hay để câu giới thiệu ngắn kiểu “Reliable, fast, high quality” hay những tính từ mỹ miều nhưng sáo rỗng tương tự. Thử so sánh với những câu cụ thể hơn “7 years of experience in medical interpreting” hay “Top interpreter in the oil industry”, bạn thấy sao? Vừa có con số để chứng minh kinh nghiệm, vừa có luôn thông tin về chuyên ngành.
2. Ấn tượng ban đầu luôn quan trọng
Thỉnh thoảng mình hay hỏi các khách hàng là tại sao họ quyết định thuê mình. Câu trả lời thường là trong email trao đổi đầu tiên, họ thấy mình trả lời chau chuốt tỉ mỉ và lịch sự hơn những người khác, nên muốn tiếp tục làm việc.
Có một điều mình không thể không nhấn mạnh, là việc làm theo hướng dẫn. Nghe tưởng rất đơn giản, nhưng thật ra có rất nhiều người bị loại ngay từ vòng gửi xe vì không làm đúng theo yêu cầu của khách.
Những yêu cầu này có thể là đặt tiêu đề email đúng như mẫu của họ, hoặc thậm chí là copy một dòng họ đã ghi sẵn. Hay đính kèm một file ghi rõ các kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực cụ thể họ đang tìm. Hay ghi rõ các thông tin về giá cả tính theo giờ, theo số chữ, bằng loại tiền gì.
Mình có nói chuyện với một số người chuyên thuê freelancer, và họ thường loại bỏ trên dưới 50% số người liên hệ ban đầu chỉ vì việc không làm đúng hướng dẫn. “Tôi không có thời gian đi theo để nhắc nhở từng người làm theo quy định, nên nếu bạn không chứng tỏ được là mình có khả năng đọc và làm theo hướng dẫn, thì bạn bị loại.”
Chuyện này không chỉ người Việt đâu nhé. Lần gần đây nhất mình đăng tin tìm một số người nước ngoài tại Hà Nội làm khách mời đến nói chuyện tại lớp tiếng Anh, có khoảng 30 người liên lạc. Với hai yêu cầu rất đơn giản là giới thiệu một chút về bản thân và nêu một ý tưởng cụ thể cho bài nói chuyện của bạn, cũng chưa đến một nửa số người liên hệ với mình làm đúng như vậy, kha khá trong số họ quăng cho mình một cái CV (dù mình không hề hỏi và cũng không muốn đọc), vài người thì nhắn tin cụt lủn “Do you have a phone number/email address?” “Call me at xxxx”. Dĩ nhiên những người như vậy thì mình không thèm trả lời, chứ đừng nói đến muốn mời làm việc.
3. Giữ đúng lời hứa
Chữ tín là quan trọng, đối với người làm tự do thì chữ tín có lẽ là tất cả. Vì khách hàng luôn có thể chọn người khác trong hàng hà sa số những người cung cấp dịch vụ giống bạn, họ chẳng có một hợp đồng lao động hay nghĩa vụ của nhà tuyển dụng nào để ràng buộc với bạn, nên yếu tố đầu tiên để họ quay lại là bạn làm đúng những gì bạn đã hứa.
Tiến độ, hạn chót, chất lượng công việc, cách thức trao đổi, quy trình phản hồi, tất cả đều phải tuân theo thỏa thuận. Nếu lỡ chậm deadline thì sao? Lời khuyên từ anh Tuân, người sáng lập Vlance, một trang web dành cho freelance Việt là “Hãy duy trì liên lạc. Càng trao đổi cụ thể, thường xuyên, thì bạn càng chứng tỏ được rằng mình luôn dành tâm trí cho công việc này. Nỗi lo của người đi thuê freelancer, vì họ không có cách nào để quản lý, là không biết nó có đang làm việc của mình hay không. Nếu bạn bẵng đi vài ngày không trả lời email, tin nhắn, sau đó nộp chậm, thì họ sẽ rất mất cảm tình. Tuy nhiên, nếu bạn vẫn cập nhật tiến độ đều đặn, mà vẫn không thể hoàn thành đúng hạn, khi đi kèm với những lời giải thích hợp lý, thì họ sẽ dễ thông cảm hơn.”
Tự do càng lớn thì trách nhiệm càng nhiều. Vì bạn không bị bó buộc một ngày phải ngồi tám tiếng ở văn phòng, thì bạn càng phải chịu trách nhiệm lớn về việc ngày mai, hay tháng sau, khách hàng này có quay trở lại thuê mình tiếp hay không.
4. Vượt hơn mong đợi
Chữ tín là điều kiện cần (tối thiểu) để khách có niềm tin là bạn sẽ làm đúng như thỏa thuận, thì những nỗ lực của bạn để làm nhiều hơn yêu cầu sẽ tạo nên sự khác biệt, tách biệt bạn khỏi đám đông, khiến người ta chỉ thiết tha muốn làm việc với bạn chứ không phải ai khác.
Giá trị thặng dư bạn có thể mang lại cho họ là gì? Ví dụ mình dịch, thì ngoài việc dịch, mình còn cung cấp những thông tin nền về văn hóa, đôi khi cho khách vài lựa chọn về từ ngữ và giải thích mỗi lựa chọn khác nhau thế nào. Dùng từ Hán Việt thì nghe trang trọng hơn, nhưng dùng từ thuần Việt thì phù hợp với đối tượng người đọc có trình độ thấp hơn. Một bạn làm nghề trang điểm thì chia sẻ rằng, ngoài việc tô vẽ, bạn ý còn tư vấn cho khách loại da của chị thì nên chăm sóc ra sao, dùng loại mỹ phẩm gì là hợp. Còn người làm thiết kế danh thiếp thì giới thiệu cho khách các loại giấy khác nhau, thậm chí lặn lội tìm nhà in có thể làm các loại giấy cầu kì, giấy tái chế, giấy bồi, để khách lựa chọn cho phù hợp với hình ảnh họ muốn truyền tải.
5. Chia sẻ, chia sẻ, chia sẻ
Nếu có điều gì là điểm chung giữa hơn 20 người làm việc tự do mình đã phỏng vấn, thì đấy chính là tầm quan trọng của mối quan hệ. Trong khi một lầm tưởng khá phổ biến là “cái bọn” làm một mình chắc hẳn là do không hòa đồng được với tập thể, hay tính tình quái dị, không ai chơi, thì một điều lặp đi lặp lại trong tất cả các cuộc nói chuyện của mình với những người làm freelance, ở độ tuổi khác nhau, các ngành nghề khác nhau, là họ dựa vào các mối quan hệ rất nhiều để duy trì nguồn công việc.
Làm sao để có mối quan hệ? Câu hỏi thật là kinh điển với một đứa sợ đám đông, co rúm ở các sự kiện networking (nếu có thể tự ép bản thân đến một nơi như thế), không bao giờ dám bắt chuyện với người lạ, chỉ dám ngưỡng mộ những người giỏi giang từ xa xa, không có name card, như mình.
Mình đem câu hỏi này đi hỏi những người mình phỏng vấn, và rất nhiều người trong số họ cũng introvert giống mình (có lẽ đấy là lý do vì sao họ chọn làm freelancer). Nhưng mở rộng mối quan hệ không nhất thiết phải là trung tâm của sự chú ý, linh hồn của bữa tiệc, đẹp trai, xinh gái, hay mồm mép tía lia. Có những cách đơn giản hơn, và bền vững hơn. Đơn giản là, hãy chia sẻ những gì bạn biết.
Chia sẻ ra sao thì mình sẽ không viết nữa, vì cũng dài rồi, và còn để mọi người mua sách nữa. Mình đã xong giai đoạn thu thập thông tin, đã nói chuyện với những người làm freelance kì cựu, những người đang loay hoay không biết có nên bỏ việc làm công ăn lương hay không, những người vừa bay từ ngân hàng nhà nước ra ngoài, những người đang muốn bay vào trong. Họ đều kể những câu chuyện rất thú vị, và mình đã nghĩ câu đề tặng ở đầu quyển sách sẽ là: “Cho những năm đầu 20 hoang mang và bế tắc”
Leave a Reply