Một bài nói chuyện ngắn về cách trẻ con học ngôn ngữ mình chiếu ở lớp IELTS hôm qua. Một số thông tin vô cùng bổ ích mình rút ra:
1. Trẻ con trước 6-8 tháng tuổi có khả năng tiếp nhận bất cứ ngôn ngữ nào trên thế giới. Từ sau mốc 8 tháng, khả năng học ngôn ngữ giảm dần, cho đến năm 17 tuổi thì gần như không còn mấy nữa.
— suy ra: Những bố mẹ muốn con giỏi ngoại ngữ thì đừng nghĩ rằng, để con nói tiếng mẹ đẻ cho tốt rồi sau này học ngoại ngữ cũng chưa muộn.
2. Việc nghe hiểu một ngôn ngữ đòi hỏi cách sắp xếp đặc thù các nơ ron thần kinh trong não. Tức là, người nói tiếng Anh và người nói tiếng Việt thì vùng ngôn ngữ trong não họ có cách sắp xếp khác nhau.
— suy ra: Mình cũng nói điều này nhiều lần với học sinh lớp tiếng Anh, việc nghe hiểu ngoại ngữ đòi hỏi bản thân não bộ phải được cấu trúc lại. Mình không tin vào những “kĩ năng”, “mẹo”, “tips and tricks” cho việc luyện nghe ngoại ngữ. Chỉ có nghe ngôn ngữ đó thật nhiều và thật nhiều thôi.
3. Những em bé tầm 10 tháng tuổi người Mỹ, khi có một người Trung Quốc đến nói chuyện, đọc sách thiếu nhi trong vòng 12 buổi (không rõ mỗi buổi bao lâu), thì sau đó khả năng hiểu tiếng Trung tương đương với các em bé người Trung Quốc.
— suy ra: Đừng nghĩ là bố mẹ phải thật giỏi ngoại ngữ hay phải là “con nhà có điều kiện” cho đi học trường quốc tế thì mới có thể giúp con học ngôn ngữ thứ hai.
4. Tuy nhiên, thí nghiệm nêu ở phần 3 chỉ có tác dụng khi là người nói chuyện với các em bé, còn khi bật đài hay TV phát ra tiếng Trung Quốc thì sau đó các em bé Mỹ vẫn mù tịt.
— suy ra: Bố mẹ đừng lười nói chuyện với con mà cho rằng, cho con xem TV hay DVD kiểu thiên tài nhỏ hay quảng cáo là thiết kê riêng cho trẻ là ổn. Mình vẫn nghĩ rằng đó chỉ là các phương thức quảng cáo của những công ty sản xuất ra các chương trình đó. Còn lại, phần lớn các nghiên cứu khoa học mình đã từng đọc qua đều nói rằng, trẻ dưới 2 tuổi không có khả năng nắm bắt được hình ảnh chuyển động trên TV cũng như các âm thanh không phải phát ra từ một người thật.
Leave a Reply