(Phần lớn các đầu việc này là mình đọc được trong sách và học hỏi từ người đi trước, chia sẻ lại đây kèm với trải nghiệm của bản thân cho những ai đang có ý định mang bầu)
Về thể chất:
1. Tiêm phòng. Cái này nhiều người đã biết và tuân thủ khá nghiêm túc. Năm trước mình còn ở Canada nên thay vì đi tiêm mấy mũi cúm, sởi, rubella, thủy đậu như thường được khuyên ở Việt Nam, mình làm một xét nghiệm máu để biết trong cơ thể đã có những kháng thể với các bệnh truyền nhiễm thông thường nào. Kết quả là mình đã có kháng thể đầy đủ với tất cả những bệnh kia, nên không cần tiêm nữa. Mình chỉ tiêm thêm một mũi viêm gan B.
Chồng mình cũng đi làm xét nghiệm tương tự, và cũng có kháng thể với hầu hết các bệnh truyền nhiễm thông thường rồi, chỉ tiêm thêm một mũi quai bị.
Ngoài ra, nếu có thể thì những nhà có ông bà trông giúp cũng nên vận động những người sẽ tiếp xúc nhiều với em bé đi làm xét nghiệm để tiêm cho đủ, hoặc tiêm những bệnh quan trọng nhất như trên.
Ở Canada còn có lịch tiêm một mũi gọi là Tetanus, cho cả ba bệnh ho gà, uốn ván, bạch hầu, cứ 10 năm nhắc lại một lần. Cả mình và chồng mình đều tiêm mũi này. Cánh tay bị tiêm tê rần, nhấc lên cũng nhăn mặt cả tuần trời.
Tất nhiên là đến tháng 10, mình và bạn chồng cũng đi tiêm cúm. Thời gian kiêng không có bầu sau khi tiêm ít nhất nên là 3 tháng, tốt hơn là 6 tháng, nhưng mũi cúm chỉ có tác dụng trong 1 năm, các mũi kia thì tác dụng vĩnh viễn, hoặc 10 năm.
2. Kiểm tra sức khỏe tổng quát. Mình và chồng làm xét nghiệm thử máu, thử nước tiểu cho một loạt các bệnh thông dụng như tim mạch, tiểu đường, kiểm tra thận, gan, máu nhiễm mỡ, đếm tế bào máu, nhóm máu, đại loại là bị hút mất 3 – 4 ống máu và một bảng kết quả dài 4 trang. Mình khỏe mạnh bình thường, máu nhiều, đủ chất, chẳng bị làm sao cả.
Nhưng bạn chồng, sau khi xét nghiệm tế bào máu thì phát hiện ra có gen Thalassemia, hiểu nôm na là thiếu máu dạng nhẹ do di truyền. Sau một hồi đọc thì mình hiểu gen này sẽ khiến cho cơ thể không tổng hợp được sắt để tạo ra máu (gần giống bệnh tiểu đường, tức là có đường nhưng cơ thể không tổng hợp được thành năng lượng). Việc này đặc biệt quan trọng nếu người mẹ có gen này, vì khi mang bầu các bà mẹ hay uống bổ sung viên sắt. Vì cơ thể không tổng hợp được số sắt này thành máu, nên sẽ dẫn đến dư thừa sắt trong máu, ảnh hưởng trầm trọng đến gan và thận (là các cơ quan lọc máu). Ngoài ra nếu bà mẹ nào phát hiện ra có tiểu đường thì cũng nên chữa trị hoặc thay đổi chế độ ăn để kiểm soát trước khi mang bầu. Vì thế việc khám sức khỏe này nên được thực hiện ít nhất là trước 6 tháng, để nếu có vấn đề còn tìm cách xử lí.
Ngoài ra mình cũng làm xét nghiệm ung thư cổ tử cung (PAP), và xét nghiệm vú. Trộm vía các kết quả đều bình thường.
3. Mua vitamin bầu. Mình mất khá nhiều thời gian để tìm loại vitamin bầu tốt, và xách theo đủ lượng vitamin để uống trong vòng 1 năm từ Canada về. Mình đọc review rồi đưa ra một danh sách nhờ chị bạn là dược sĩ xem hộ các nguyên liệu. Cuối cùng chị ấy tư vấn cho mình một loại là Nfh prenatal, không có chứa chất phụ gia, nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, không có chứa thực phẩm biến đổi gen, không có chất bảo quản thêm vào.
Gần đây thị trường thực phẩm chức năng ở Canada và Mỹ xôn xao vì một loạt các sản phẩm thông dụng mua được dễ dàng (mà nhiều người ở Việt Nam rất tin dùng) bị phát hiện là toàn nguyên liệu giả và bị tịch thu. Ví dụ như Walmart phải đền bù rất nhiều vì thuốc nhân sâm bị phát hiện chẳng có tí nhân sâm nào, toàn nhựa. Loại vitamin bầu mình mua không bán lẻ đại trà, nên phải đặt mua online. Mình thấy có nhiều bà mẹ chia sẻ là uống vitamin xong bị táo bón và chóng mặt, vì cơ thể không tiêu hóa được lượng sắt và kẽm nhập vào. Loại mình uống thì chưa thấy có dấu hiệu đó.
Nên uống vitamin trước khi có bầu 3 tháng, vì trong mấy tuần đầu khi thụ thai là lúc hình thành cột sống và tủy não, cơ thể người mẹ cần sẵn sàng để cung cấp dưỡng chất rồi. Nếu đợi có bầu mới uống thì đã bị bỏ lỡ giai đoạn quan trọng trong mấy tuần đầu này, tất nhiên vì uống vitamin vào cơ thể một thời gian sau mới chuyển hóa được.
4. Mua bảo hiểm thai sản. Sau một thời gian la liếm các diễn đàn thì mình thấy ở Việt Nam bây giờ có hai nhà cung cấp bảo hiểm thai sản lớn nhất là PVI và Bảo Việt. Mình thấy gói của PVI thì bạn được đền bù tối đa là 20 triệu khi sinh, với gói bảo hiểm vào khoảng tầm hơn 8 triệu (bao gồm cả các lợi ích ốm đau, tử vong, tai nạn thông thường khác). Mạng lưới bệnh viện đối tác của PVI cũng rất lớn, nên sau khi mua bảo hiểm, bạn sẽ được cấp cho cái thẻ, vào viện nào là đối tác của PVI thì chỉ cần giơ thẻ ra, chữa bệnh (hoặc sinh con) rồi đi về, không cần phải lo thanh toán hay lo xin hóa đơn để gửi lại cho bên bảo hiểm. Tuy nhiên thông tin này mình mới chỉ tham khảo trên mạng, chưa trải nghiệm thực tế, nên mọi người tự tìm hiểu thêm nhé.
Mình thật ra chưa mua, nhưng nghĩ nếu mua thì giống như tự nhiên được cho không 12 triệu. Việc mua bảo hiểm nên được thực hiện tối đa 3 tháng, chậm nhất là 1 tháng trước khi có bầu. Chứ có bầu rồi thì khó mua, hoặc không được mua, hoặc chỉ được hưởng lợi ích giảm đi.
5. Chọn bệnh viện mà mình muốn sinh nở. Sau một hồi tăm tia thì mình cho lọt vào tầm ngắm chương trình sinh nở trọn gói của Vinmec hoặc Việt Pháp, bao tiêu từ lúc mới có bầu (khám thai, siêu âm, tư vấn với bác sĩ, học lớp tiền sản), cho đến lúc sinh và sau sinh (chăm sóc em bé, tiêm vitamin K, kiểm tra thính lực, chăm mẹ). Nhìn đầu thì thấy giá khá chát (dao động từ 35 đến 40 triệu), nhưng sau một hồi nghĩ ngợi và tham khảo, những người đi sinh ở bệnh viện công cũng phải đi siêu âm, khám thai, mỗi lần vài trăm đến một triệu, chưa kể tiền đút lót cho hộ lý, y tá, bác sĩ, dấm dúi tiền cứ từ túi bay ra, sau khi sinh lại phải phong bì cho bác sĩ, mà cứ khúm núm, sợ sệt.
Mình đi một em Supercup 82 thừa kế của ông nội. Nhiều người bảo mình sao không mua xe tay ga, có cốp, mặc váy, đi Cup già mỗi lần trời trở lạnh hay lâu không đi lại phải đạp phành phạch, giảm sóc cũng kém, thỉnh thoảng đi đường làng ê hết cả lưng. Mình hoàn toàn hài lòng với em Cup, phục vụ mục đích đi lại, và thà bỏ tiền đó để sinh con ở Việt Pháp. Máy tính và điện thoại của mình đều là Samsung giá rẻ, đã dùng 5-6 năm và không có ý định thay. Bạn chồng thì sáng nào cũng ăn cơm nguội với muối vừng cho tiết kiệm. Nói như vậy để thanh minh trước với những người nghĩ bọn mình là dạng có điều kiện, tiêu tiền không phải nghĩ. Việc sinh nở quan trọng như vậy, các cụ đã nói “cửa sinh kề cửa tử”, và cả đời cũng chỉ có một vài lần. Xe cộ, hay vật chất nói chung, với mình, chỉ là phù phiếm.
Mẹ mình nói sinh ở phòng dịch vụ của bệnh viện Phụ Sản cũng rất tốt, bác sĩ chuyên môn cao. Nhưng tất cả những lúc đi khám, đi siêu âm, xét nghiệm trước đó, đọc chia sẻ trên webtretho của các chị vác bụng bầu đi lấy nước tiểu trong nhà vệ sinh vừa hôi vừa tối, lại mất cả buổi làm, thà thời gian đó mình đi làm kiếm ra tiền bù lại còn hơn.
6. Một số việc đương nhiên phải làm, như ai đang thừa cân thì phải giảm, ai đang hút thuốc thì phải bỏ (và tránh hít khói thuốc), ai đang uống rượu thì cai. Hút thuốc thụ động, nghiên cứu đã chỉ ra, nhiều khi còn hại hơn người trực tiếp hút. Và tác động của thuốc lá sẽ ở lại trong cơ thể ít nhất 6 tháng sau khi hít vào. Nguy cơ thai nhi bị tim mạch, thai non, sẩy, là rất cao với những người mẹ phải hít khói thuốc. Kể cả hút thuốc tầng thứ 3, tức là không phải hít khói mà hít khói ám vào quần áo, rèm cửa, đồ đạc trong nhà, cũng cực kì độc hại. Vậy nên các bà mẹ tương lai hãy chú ý và tránh khói thuốc ít nhất 6 tháng trước khi có bầu để cơ thể được thanh lọc.
Các ông bố cũng nên nghĩ về việc này và bỏ thuốc nếu có thể. Đừng nghĩ mình ra ngoài hút là con không sao. Mình từng đọc một thí nghiệm, trẻ con có bố hút thuốc ốm yếu và dễ mắc các bệnh hô hấp, cũng như kém phát triển trí não hơn các trẻ không có người hút thuốc trong gia đình nhiều lần. Việc bố hút thuốc cũng ảnh hưởng đến tinh trùng và sẽ làm con bớt thông minh đi.
7. Đọc sách về quá trình mang thai, dạy con, đọc càng nhiều càng tốt và càng sớm càng tốt. Khi làm việc gì lần đầu tiên, mình hay cố gắng chuẩn bị hết sức có thể. Hiện giờ mình và bạn chồng cùng đọc một quyển sách bằng tiếng Anh, có tên là cẩm nang cho người lần đầu làm bố. Mình vừa sửa phát âm, giải thích một số từ và thành ngữ cho bạn chồng, cả hai lại cùng chia sẻ về những điều viết trong sách.
Sách viết khá hài hước, theo kiểu “chuyện của đàn ông chúng mình”, và đưa ra những lời khuyên thực tiễn, ví dụ như “nên xoa lưng vợ liên tục khi vợ đau đẻ”. Hoặc những việc chồng có thể làm như tìm đường ngắn nhất và thoáng nhất để đến bệnh viện nhanh nhất, không được cười khi nhìn thấy vợ vắt sữa bằng máy như một con bò, hay nếu có rớt nước mắt khi nhìn thấy con lần đầu cũng không sao cả, các bác sĩ đã quen rồi.
Nhân đây, mình đang nghĩ về việc sẽ viết tóm tắt về những sách mình đọc để chia sẻ với những người không đọc được tiếng Anh và không có thời gian.
8. Tẩy giun. Cứ nghĩ đến cảnh có mấy “bạn” ngúc ngoắc đến gõ cồng cộc chào em bé trong bụng là mình đã thấy ghê. Mặc dù không có biểu hiện gì là bị nhiễm giun, nhưng mình cũng phải thực hiện một chương trình tẩy giun triệt để, kéo dài một tháng. Mình mua loại sản phẩm tên là Paragone ở Canada, chế xuất hoàn toàn từ thảo dược, uống liền trong vòng 30 ngày. Giun thường bám chặt trong ruột, và đẻ trứng rất nhiều, nên nếu chỉ “uống một viên duy nhất để loại trừ các loại giun thông thường” thì sẽ không ăn thua gì cả. Chưa kể nếu mẹ có giun thì giun sẽ tranh hết chất dinh dưỡng của em bé.
Nên vận động cả bố và những người sẽ tiếp xúc nhiều với em bé tẩy giun, ít nhất là trước khi em bé chào đời.
Mình có đọc được khá nhiều công thức tẩy giun tự nhiên, sử dụng hạt đu đủ, dứa, tỏi, gừng, dừa tươi. Các bà mẹ tương lai có thể áp dụng chế độ tự nhiên trong thời gian dài, cắt đường triệt để (đường sẽ làm giun mạnh lên), để triệt tiêu giun trong cơ thể. Việc này nên làm ít nhất 2 tháng trước khi có bầu. Một tháng để tẩy giun, một tháng để cơ thể hồi phục, vì rõ ràng là mình đã đưa chất độc vào người để giết sinh vật kí sinh.
9. Khám răng. Mẹ nên đi khám răng tổng quát, giải quyết tất cả các lỗ sâu, viêm lợi, các bệnh về răng trước khi có bầu, vì bệnh viêm lợi trong quá trình mang thai sẽ dễ dẫn đến sảy thai, hoặc thai ốm yếu.
Kinh nghiệm bản thân của mình, nếu có răng khôn thì hãy nhổ hết đi. Răng khôn rất khó lường, hôm nay bình thường, mai gây đau đớn dữ dội. Bạn chắc chắn không muốn vừa phải đau lưng, đau bụng, đau đủ thứ vì mang bầu, vừa đau răng đau hàm. Hơn nữa, nếu đau không chịu nổi, sẽ phải nhổ. Thuốc tê không tốt cho thai nhi. Răng khôn cũng có thể gây biến chứng, khiến các răng khác bị xô xệch, chọc vào dây thần kinh má. Nếu bạn chụp Xquang và chắc chắn rằng răng mọc thẳng, có đủ chỗ mọc, không ảnh hưởng gì đến các răng khác và hàm, thì hãy để, còn không hãy nhổ đi. Răng khôn quá sâu nên cũng rất khó vệ sinh và dễ bị sâu nữa.
Mình nhổ hai chiếc răng khôn một lần, mỗi lần cách nhau một năm. Sau mỗi lần nhổ mất một tuần để hồi phục. Vì thế việc khám răng miệng này cũng nên được thực hiện khoảng 2 – 3 tháng trước khi có bầu.
Mẹ nào chưa có thói quen sử dụng chỉ nha khoa thì cũng nên tập, vì sâu răng và viêm lợi chủ yếu là do thức ăn thừa mắc vào kẽ răng. Chỉ nha khoa cũng không gây rộng kẽ răng hay chọc vào lợi gây chảy máu. Kinh nghiệm bản thân của một người hay bị sâu răng.
10. Theo dõi chu kì kinh nguyệt. Mình cài ứng dụng tên là “My days”, sau khi nhập ngày bắt đầu và kết thúc đèn đỏ của vài tháng, nó tự tính ngày rụng trứng, ngày nào sẽ dễ có bầu, con trai hay con gái. Ứng dụng này cũng cho mình nhập các dữ liệu khác như chất nhầy tử cung, đau lưng, đau bụng, khó ngủ, ngày giao hợp. Mình nghĩ có một vấn đề là các bà mẹ thường không biết chính xác con được thụ thai vào ngày nào, các bác sĩ chỉ tính từ ngày hết kinh nguyệt của chu kì trước đó, nên không tính được tuần tuổi thai chính xác, dễ gây đến lo lắng tại sao con mãi chưa ra, hay con ra sớm thiếu ngày.
Ứng dụng này sẽ giúp các bà mẹ tương lai theo dõi được chu kì kinh nguyệt, quyết định được giới tính thai nhi (dựa vào ngày rụng trứng), và có thể là ngày thụ thai nữa. Thông tin này sẽ rất quan trọng cho việc theo dõi sự phát triển của thai nhi sau này.
Dài quá rồi, mình sẽ viết thêm về việc chuẩn bị tài chính, tâm lý sau nhé.
Thuy says
Em cung muốn tẩy giun mà sợ giun nó chui ra như hồi bé thì ghê lắm. Tẩy bằng thuốc của Canada có chắc là ko ra giun khi đi vệ sinh không chị?
Chuyện says
Cái này phải hỏi con giun, nếu nó khỏe quá ăn thuốc rồi mà không chết thì nó sẽ chui ra, chứ biết làm sao 😀