Hôm trước nói chuyện với một bạn (trong khuôn khổ chương trình “gặp gỡ bạn bè để tìm cảm hứng”). Bạn kể là bên cạnh nhà, có một bé sắp lên bốn tuổi. Ở nhà bé này bố thì ôm máy tính, mẹ thì ôm điện thoại, quẳng cho bé cái Ipad, nên mặc dù bé nói bình thường nhưng không có thói quen diễn đạt bằng lời khi ở nhà, nếu muốn cái gì chỉ “ư, ư” và chỉ trỏ là bố mẹ đáp ứng, nếu không được đáp ứng thì lăn ra khóc.
Bé lân la sang nhà bạn chơi, bạn không chấp nhận kiểu ư ư chỉ trỏ như thế, nên bé ăn vạ khóc lóc vài lần bạn vẫn kiên quyết yêu cầu bé phải nói. Vài lần đầu bé bỏ về khi không được đáp ứng, nhưng sau đó vẫn thích có người nói chuyện nên lại lò dò sang. Dần dà, cứ sang nhà bạn thì bé nói năng đàng hoàng, kể chuyện đi học, thậm chí hát hò suốt cả buổi, nhưng về nhà với bố mẹ thì chỉ ư ư. Bố mẹ bé hoàn toàn không thấy có vấn đề gì trong việc thiếu hụt giao tiếp tại nhà, cho rằng việc bé “ít nói” là do trường mẫu giáo bé đi học là trường vớ vẩn, không biết dạy gì, bé không thuộc bài hát nào, và cũng chẳng biết kể chuyện ở lớp.
Mình biết một cô bạn khác, thay vì làm gia sư, thì được phụ huynh thuê để đến nói chuyện với con họ. Con gái không thích ra ngoài, không thích chơi với ai, không có mối quan tâm hay sở thích gì cả. Phụ huynh rất lo lắng, nhưng vì từ bé họ không bao giờ nói với con câu gì ngoài việc ra lệnh, nên bây giờ cũng không biết làm thế nào. Họ quay trở về cách duy nhất họ quen để giải quyết vấn đề: bỏ tiền ra thuê người khác làm thay họ, kể cả việc nói chuyện với con.
Xin nói thêm là cô bạn thứ hai này cực kì nhiều yêu cầu tương tự từ các phụ huynh, làm không xuể.
Một cô bạn khác nữa, có lần hỏi mình tìm bác sĩ tâm lý cho vị thành niên. Một cô em học lớp 10, sau khi đi Sing du học được vài tháng, suốt ngày chỉ ở trong phòng xem Youtube, bị người yêu bỏ, đã tự tử hụt nên bạn cùng phòng sợ quá báo cho bố mẹ. Bố mẹ cô em này không biết làm thế nào, định đưa con về Việt Nam để nghỉ ngơi an dưỡng, không cần học hành gì nữa cũng được, thì cô em không đồng ý. Không những thế, cô em còn từ chối nói chuyện với bố mẹ bằng cách chỉ toàn đáp trả miễn cưỡng bằng tiếng Anh.
Nhiều lần mình thắc mắc, làm thế nào để nuôi dạy một đứa trẻ kiên cường, để lớn lên khi gặp khó khăn có thể tự đứng dậy, như cái cây non rất dẻo biết xoay theo gió, chứ không phải gặp mưa bão là gãy gục?
Bài báo này trả lời đúng câu hỏi đấy, và đúng như những gì mình vẫn nghĩ. Cách thức cụ thể thì có nhiều, nhưng ngắn gọn và đơn giản nhất, là mỗi ngày hãy dành sự chú ý không xao nhãng (undivided attention) cho con. Hãy cho con cảm giác an toàn khi được lắng nghe, được thấu hiểu và được chấp nhận. Một người luôn biết rằng mình được yêu và có kết nối bền chặt với một gốc rễ vững chắc, thì sẽ có tự tin để rời gốc rễ ấy mà khám phá thế giới, dù là em bé mới biết bò dám rời vòng tay mẹ hay một thiếu niên mới lớn dám đi xa gia đình lần đầu tiên.
Tất cả những đứa trẻ dưới 7 tuổi mình từng gặp, nếu được chọn giữa xem TV, chơi Ipad và tương tác với một người lớn tỏ ra thích thú với những gì bé nói, thì bé luôn chọn người. Mình đã từng gặp nhiều trường hợp bố mẹ và con cái không bao giờ nói chuyện với nhau quá ba câu, con xem TV triền miên từ sáng đến tối (trong kì nghỉ hè), nhưng khi mình đến chơi, dù là gặp lần đầu, nhưng chỉ ngồi một lúc tỏ ra ố á mắt chữ o mồm chữ a là có thể kéo đứa trẻ vào một cuộc nói chuyện. Một cô bé lớp bốn kể rằng các bạn cùng lớp nói đến chuyện có em bé là như thế nào, rồi phá thai là như thế nào. Khi mình kể lại cho bố mẹ cô bé này, họ mắt tròn mắt dẹt, “Ôi trông ngố thế mà cũng biết mấy cái chuyện đó cơ à?”
Vấn đề là, có quá nhiều gia đình ở thành phố hiện nay không cho con mình điều quan trọng nhất, là thời gian và sự chú ý của bố mẹ. Họ cho con thức ăn ngon, quần áo đẹp, những thầy cô giỏi nhất, những lớp học ngoại khóa đắt tiền. Bố mẹ đưa con từ lớp học này sang lớp học khác để yên tâm là mình đã làm tròn trách nhiệm. Nếu vẫn có thời gian ở nhà thì thuê gia sư, cũng là một cách để giải quyết sự áy náy, mà bố mẹ vẫn rảnh tay làm việc khác.
Tại sao càng ngày càng có nhiều đứa trẻ ở thành phố có vấn đề về tâm lý? Đứa thì ù lì, ít nói, đứa thì bướng bỉnh, khó bảo? Đứa thì lớn lên gặp chuyện không vừa ý là suy sụp, trầm cảm?
Bởi vì ngày càng có nhiều ông bố bà mẹ bật TV lên khi muốn con ngồi yên, ăn ngoan, hay rơi vào trạng thái đờ đẫn không giống trẻ con, và khi con ra ôm tay mình đòi chơi cùng thì phản ứng bằng cách đưa con cái điện thoại để nó ra chỗ khác cho khuất mắt.
Có câu nói đại ý là “Cần có cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ”. Trong xã hội truyền thống, như ở nông thôn, để một đứa trẻ lớn lên khỏe mạnh và cân bằng, thường nó sẽ được bao quanh bởi ông bà nội ngoại, cô chú, anh chị em họ, hàng xóm láng giềng. Đứa trẻ sẽ học từ anh chị lớn hơn, từ bạn bè cùng làng, nhu cầu giao tiếp của nó sẽ được đáp ứng từ những buổi chạy chơi long rong. Nhờ thế mà gánh nặng của bố mẹ được giảm đi nhiều.
Ở xã hội hiện đại, gia đình nhỏ bị tách khỏi gia đình lớn (extended family), nên việc nuôi dạy con hầu như đổ lên vai bố mẹ. Bố mẹ thì còn phải đi kiếm tiền, phải học thêm để lên chức, phải ngoại giao, phải thỏa mãn nhu cầu vui chơi của chính bố mẹ. Ở các nước phương Tây phát triển, nhà trường và cộng đồng (tổ dân phố) đã vươn ra để gánh đỡ phần nào trách nhiệm bằng cách tổ chức rất nhiều hoạt động ngoại khóa, trại hè, nhóm tình nguyện, để trẻ em tham gia và qua đó học cách làm một cá nhân trong xã hội của mình.
Các thành phố Việt Nam nằm giữa, môi trường thân quen vui vầy như làng xã thì không còn, môi trường có nhiều lựa chọn ngoại khóa ở trường hay ở xóm phố như ở Tây thì chưa có, nên trẻ con ở thành phố Việt Nam thiệt thòi nhất. Đã thế lại cộng thêm những ông bố bà mẹ coi rằng cho con ăn no ngủ kĩ đi học đúng giờ là tròn trách nhiệm, còn lại mình có thể dính mắt vào cái màn hình và quẳng cho con một cái màn hình khác để nó không quấy nhiễu.
Cứ thế, chục năm sau, lại than trời là làm sao thằng con nó đóng cửa ru rú trong phòng suốt ngày, ra vào không nói với bố mẹ nửa câu, tại sao đứa con gái đi bạt mạng, không bao giờ thích ăn cơm chung với gia đình?
https://www.nytimes.com/…/sheryl-sandberg-how-to-build-resi…?
Leave a Reply