Chủ nhật vừa rồi là tuần thứ ba mình thực hiện ý tưởng gặp những người lạ, mỗi người trong một tiếng đồng hồ. Sau cuộc nói chuyện với người thứ 12, trên đường về nhà, tự nhiên một truyện ngắn đã đọc từ lâu trồi lên trong đầu. Truyện tên là gì thì không nhớ, chỉ biết đại loại kể về một người đàn ông trung niên mẫn cán, hàng chục năm làm một công việc bàn giấy trong bốn bức tường. Sáng sáng, ông rời khỏi nhà khi mặt trời chưa lên, và tối tối, trở về khi mặt trời đã lặn.
Một ngày, không rõ vì lý do gì, ông tan làm sớm. Lang thang trên phố, ông ngỡ ngàng nhận ra thế giới đã thay đổi rất nhiều so với trí nhớ của mình. Mở to mắt, ông cảm thấy mình như người đến từ quá khứ, và mọi thứ xung quanh dường như chuyển động quá nhanh. Mặt trời quá rực rỡ, những màu sắc quá sống động. Những cô gái điếm cười khúc khích chào mời ông. Đi bộ đến bìa rừng, ông kiệt sức.
Người đàn ông đó đã không sống đến ngày hôm sau. Ông tự tử ở bìa rừng trong ánh hoàng hôn cuối cùng của cái ngày mùa hè tươi đẹp đó. Truyện không nói ông tìm đến cái chết vì không chịu nổi sự thật là cuộc đời mình đã bị lãng phí thế nào, hay vì không thể quay lại cuộc sống như ông vẫn biết. Có thể là cả hai.
Mình nghĩ đến truyện đó, có lẽ vì cảm giác bế tắc bao trùm sau khi nói chuyện với những người hẹn gặp mình.
Mình không chắc là do qua câu chữ trên Facebook mọi người cảm giác mình có vẻ là một đứa biết bản thân đang đi đâu, hay là do bản chất của việc gặp một người lạ trong một tiếng khiến người ta dễ giãi bày những vướng bận trong lòng, hay là do sự bế tắc thực sự là một cảm giác chung của con người hiện đại, hay là do những người bế tắc thì mới cần tìm đến một người họ không quen để mong tìm ra một phương hướng. Đại để là, phần lớn những người mình gặp đều bế tắc ở một khía cạnh nào đó.
1. Quẩn quanh lựa chọn và ngại ngần đưa ra quyết định
Khía cạnh này có vẻ phổ biến nhất. Nếu em đi làm toàn thời gian thì sẽ chóng chán. Nếu em đi làm dự án ngắn hạn thì sẽ bấp bênh. Nếu em muốn làm giáo viên tiếng Anh để sau này kiếm tiền dễ thì không tìm được học bổng. Nếu em muốn học những thứ dễ tìm học bổng thì sau này lại không dễ kiếm tiền.
Mình cũng từng suy nghĩ rất nhiều năm về những câu hỏi kiểu như “Mình có khả năng làm gì?”, “Mình thích cái gì?”, “Mình cần gì ở thời điểm này và về lâu dài?”. Mình còn hay nghĩ, mình hôm nay là kết quả của những lựa chọn hôm qua, hay là cho dù hôm qua lựa chọn khác đi thì hôm nay vẫn thế? Về sau, mình nhận ra rằng, mất quá nhiều thời gian và tâm sức để suy nghĩ và cân nhắc các lựa chọn chẳng để làm gì. Thứ nhất, nếu nghĩ đủ xa, quyết định nào cũng có rủi ro. Đi trên đường bị xe đâm. Ngồi nhà có thể bị điện giật. Không phải vì sợ xe đâm hay điện giật mà bạn không sống. Bản thân việc sống từng phút đã là một sự rủi ro. Thứ hai, kể cả đưa ra một quyết định bạn cho là tối ưu, nhưng sau đó bạn ì ạch, thì sau vài năm, bạn sẽ không có gì khác. Nhưng kể cả sau này bạn cảm thấy mình đã quyết định sai, nhưng bạn liên tục vận động, học thêm điều mới, cải thiện bản thân, gặp gỡ những người thú vị, thì bạn sẽ bỏ xa những người đứng im tại chỗ.
Ngân hàng này công việc lặp đi lặp lại nhàm chán, làm việc đến 10 giờ đêm nhưng lương cao, đi làm quản lý homestay ở Đà Lạt lương thấp và sẽ bị bố mẹ mắng nhưng có trải nghiệm mới. Cho dù đi hướng nào, chỉ cần liên tục đi, thì rồi bạn sẽ đến một đâu đó mới mẻ. Nhưng nhiều người nghĩ về việc đi theo hướng nào lâu quá, và cảm thấy sợ hãi về con đường mà họ chưa biết quá, nên cuối cùng họ chẳng đi đâu cả.
2. Ý tưởng (mong muốn) quá lớn nên không biết bắt đầu từ đâu
– Em muốn đi du học. Thật ra là em muốn thay đổi môi trường, tiếp xúc với văn hóa khác, với nơi người ta văn minh hơn.
– Mình muốn cải thiện tiếng Anh. Nhưng không có động lực, lại bận bịu con nhỏ nên không có thời gian.
– Chị muốn làm “cái gì đó” có sức lan tỏa, có ảnh hưởng lớn, nhưng làm việc trong môi trường nhà nước nên không dám làm gì gây sự chú ý.
Cũng một thời xa xưa, mình hay nghĩ “Đam mê của mình là gì?” “Làm sao biết được đâu là điều mình sẽ yêu thích cả đời?”. Về sau, mình nhận ra, đam mê và động lực là những thứ phù phiếm và không đáng tin cậy, nay thế này mai thế khác. Nếu cứ chờ đợi mỏi mòn “động lực ơi, mày ở đâu, hiện ra mau”, thì sẽ mãi mãi chìm đắm trong cảm giác bế tắc và tự trách móc bản thân, tại sao mình không được chăm chỉ như người ta, nỗ lực như người ta, tại sao mình lười biếng.
Có vài người nói với mình rằng, họ nghĩ rằng vì mình làm tự do nên hẳn khả năng quản lý thời gian phải rất tốt, làm được nhiều việc cùng một lúc, đại loại là mẫu năng động hiện đại, lúc nào cũng bận rộn. Sự thật thì mình là đứa rất thiếu kỉ luật, luôn phải có deadline dí vào mông mới làm việc, và cứ khi nào làm việc gì dài hơi một chút là sẽ lèo nhèo rồi phải muối mặt đi xin khất nộp muộn.
Điều làm nên sự khác biệt không phải là động lực hay đam mê, mà là thói quen và tính kỉ luật. Và hãy bắt đầu từ những việc nhỏ phù hợp với hoàn cảnh của mình. Mỗi ngày làm một chút sẽ hiệu quả hơn một mục tiêu to đùng nhưng không thể nào thực hiện được. Thay vì ngồi nghĩ, làm sao để có động lực học tiếng Anh, rồi trách móc bản thân hoặc đổ lỗi cho hoàn cảnh (nhà xa, không có môi trường, bận con) thì hãy dành 10-20 phút để xem một video hoặc đọc một bài báo tiếng Anh. Nếu 10-20 phút vẫn không có, thì có thể nghe bản tin tiếng Anh, đọc sách tiếng Anh, nhạc tiếng Anh, thơ thiếu nhi tiếng Anh (bất kì cái gì lọt tai bạn) khi đang đánh răng hoặc rửa bát. Mình có thói quen download podcast một chương trình mình thích vào mp3 để nghe trên xe buýt. Một bạn của mình người Ấn Độ, có lần xin nghe chung vì tưởng mình nghe nhạc, đã lắc đầu vì thấy toàn chương trình phân tích xã hội, bảo “Mày đúng là đồ mọt sách”.
Thay vì mơ mộng đến một ngày dứt bỏ tất cả đống công việc hút máu này để đi thật xa, rồi không làm được (vì thiếu tiền, vì bố mẹ không đồng ý, vì xa người yêu), thì hãy làm thế giới của mình thú vị hơn bằng cách tham gia một lớp nghệ thuật (vẽ, viết, múa) cuối tuần, hay một hoạt động tình nguyện. Không nhất thiết phải đi sang một đất nước khác mới có thể gặp những người thú vị. Bạn có thể đến một lớp yoga, zumba, khiêu vũ, chụp ảnh, để tiếp xúc những người khác mình. Không cần phải nghĩ ra một điều thật to tát để tạo ảnh hưởng đến giới trẻ, rồi lại bế tắc không biết điều đó cụ thể là gì, chỉ cần đưa mấy đứa trẻ con đi chơi đâu đó một buổi và dạy bọn nhóc về cây cỏ thiên nhiên chẳng hạn.
Như việc gặp những người không quen mỗi cuối tuần này, mình đã thấy bao nhiêu điều ngạc nhiên, đã bao nhiêu lần tự nhủ khả năng lắng nghe của mình kém quá, và thu được bao nhiêu điều để suy nghĩ. Là một việc trong khả năng của mình thôi, không có gì ghê gớm to tát cả.
3. Bị ảnh hưởng quá nhiều bởi các yếu tố bên ngoài
Bố mẹ, gia đình, bạn bè, xã hội, toàn những sức ép khiến người ta bị bế tắc và mâu thuẫn.
– Em muốn đi du học. Nhưng thật ra là em chỉ muốn ra nước ngoài, đi đâu cũng được, để thay đổi. Nhưng em học hành cũng bình thường, không có gì xuất sắc, nhà cũng không giàu, và bây giờ không biết bắt đầu từ đâu.
– Em có thể đi làm giúp việc gia đình, cũng là một cách để ra nước ngoài.
– Em không làm giúp việc được đâu.
– Hay là em xem các chương trình work-study mà vừa học vừa làm trong 6 tháng đấy.
– Như thế toàn là làm bồi bàn mà chị.
– À, chị có người bạn xin làm tình nguyện viên cho một tổ chức trồng rừng Amazon ở Brazil, bạn ý làm cho họ một bộ phim tài liệu về công việc của họ, đổi lại họ cho bạn ý ăn ở miễn phí trong 6 tháng.
– Đi như thế sợ lắm.
– Bạn đấy cũng từng làm việc ở một resort tại Côn Đảo, lương cao, mà cuộc sống khác hẳn ở đây luôn, được ngắm sao, ngắm rùa biển, ngắm các anh thợ bếp làm bánh cho bữa tiệc sang chảnh, rất thú vị.
– Thôi chị ạ, em muốn được thay đổi nhưng mà vẫn phải là đi học cơ, để bố mẹ tự hào.
Việc bây giờ em chán lắm, nhưng lần trước bỏ việc bố mẹ em đã mắng cho te tua, nếu bây giờ lại bỏ nữa thì chắc không nói chuyện với em mất. Bạn bè em đứa nào cũng đi làm ổn định, chí thú kiếm tiền bỏ ngân hàng rồi, chỉ có em cứ nhảy từ chỗ này sang chỗ khác. Mẹ em muốn em đi học thạc sĩ ở nước ngoài, rồi về làm giảng viên, như thế là hợp nhất cho con gái, nhưng em không có tí mong muốn đi du học nào, cũng chẳng thấy tại sao em cần phải đi.
Ôi, cuộc đời chỉ có một, mà không ai giống ai. Sướng thì mình hưởng, khổ thì mình chịu. Bố mẹ đâu có sống hộ mình, cũng đâu có sống cùng mình mãi. Bây giờ sống theo ý bố mẹ, 10 năm nữa lại trách bố mẹ sao?
Không làm gì cũng là một lựa chọn. Sống theo ý của người khác cũng là một lựa chọn. Và mỗi người phải tự trách bản thân thôi, nếu lựa chọn của họ là để những yếu tố bên ngoài lấn áp và điều khiển cuộc đời mình.
4. Những mối quan hệ độc hại
Nói chuyện với mọi người, mình thường nghĩ, thật may mắn vì đã lâu nay mình không phải ở cùng người nào mà mình không thích, cuộc đời mình quả thật đơn giản và bớt thị phi đi rất nhiều. Người ta nói nhiều về việc thanh lọc cơ thể, và bây giờ là về sống tối giản, loại bớt của cải vật chất, nhưng ít người nghĩ đến việc loại bỏ các mối quan hệ độc hại ra khỏi cuộc đời mình sẽ có lợi cho sức khỏe và tâm lý như thế nào.
Nói chuyện với mọi người, mình cũng nhận ra rằng, các mối quan hệ quả là một nguyên nhân rất lớn của bất hạnh. Người ta đau khổ, phần lớn cũng từ các mối quan hệ xung quanh. Cái này thì không mới. Một nghiên cứu kéo dài 75 năm, theo dõi hàng ngàn người từ lúc mới đẻ cho đến lúc già nua và chết, cũng kết luận như vậy. Yếu tố quan trọng nhất quyết định hạnh phúc của mỗi người là chất lượng của những mối quan hệ giữa họ với gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, làng xóm. https://www.ted.com/…/robert_waldinger_what_makes_a_good_li…
Bạn nghĩ rằng những người đồng nghiệp chia bè chia phái rồi nói xấu lẫn nhau sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn ư? Như một loại axit, những năng lượng tiêu cực ấy sẽ ăn mòn tính thiện trong con người bạn, kể cả khi bạn có ý thức lảng tránh. Một người vợ suốt ngày ghen tuông, kiểm soát mọi hoạt động của bạn, bởi vì cô ấy không có đời sống riêng, là nguyên nhân của sự bế tắc, và sớm muộn cũng khiến bạn cảm thấy rệu rã và không còn thiết tha với những điều tươi đẹp.
Sự bế tắc đến từ những mối quan hệ xấu là cái khó giải quyết nhất, vì nó nằm bên ngoài sự chủ động cá nhân. Nếu có thể, hãy loại bỏ những người đó ra khỏi cuộc sống của bạn.
Nói chuyện với mọi người, mình càng thêm mừng vì có thể làm việc tự do. Ít nhất nó cũng giúp mình tránh được khối phiền phức và bực bội, có khi cả chi phí chữa bệnh tâm lý, vì mình không phải ở cạnh những người tỏa ra năng lượng tiêu cực.
Leave a Reply