Những ngày gần đây, có nhiều người viết trên Facebook rằng: “Mình không làm gì sai, không vi phạm luật pháp, thì không phải sợ”, hoặc “Mình không biểu tình, không chống phá nhà nước, thì mình an toàn”, hoặc “Mình làm tốt việc của mình, vậy là đủ”. Hoặc những phiên bản tương tự như thái độ dân làng trước những lời chửi của Chí Phèo: “Ai cũng nghĩ, chắc nó chừa mình ra”.
Quyền riêng tư không có nghĩa là có làm gì sai mới phải sợ. Trong phim Snowden, có đoạn Edward Snowden nói đúng ý này, rằng đừng nghĩ mình không làm gì sai thì không ai đụng đến mình, và “cứ cho chúng nó xem thoải mái”. Phim cũng như những ví dụ có thật về việc thông tin cá nhân có thể bị lợi dụng cho những mục đích của người nắm được thông tin đó ra sao.
Mình sẽ giải thích một cách đơn giản hơn. Quyền được riêng tư nên được hiểu, ở mức độ thiết thân và gần gũi nhất, là quyền được ở một mình khi đi ị. Đi ị là một hoạt động sinh lý cơ bản, ai cũng ị, dù bạn theo đảng phái, thuộc tôn giáo, hay giới tính nào. Dù bạn già hay trẻ, béo hay gầy, cao hay thấp, bạn đều phải đi ị. Đó là một sự thật không thể chối cãi. Và việc bạn đi ị cũng chẳng có gì sai, vi phạm pháp luật, hay ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc, đúng không?
Bây giờ hãy tưởng tượng, nếu bạn phải ị trong một tòa tháp cao và trong suốt, nơi người dân cả thành phố nơi bạn ở có thể nhìn thấy mỗi khi bạn hành sự, thì bạn có thấy nhột nhạt trong người không? Bạn có thể nói “mình chẳng làm gì sai nên cứ cho chúng nó xem thoải mái”? Bạn thử tưởng tượng, nếu một bộ phận quản lý nào đó, có thể lấy mẫu phân của bạn bất cứ lúc nào, phân tích xem bạn đã ăn gì ngày hôm trước, rồi công bố thông tin phân của bạn có mùi gì, màu gì, chất liệu ra sao, thì bạn có đồng ý không?
Nếu nói, không muốn bị xem trộm thì đừng dùng mạng, thì không khác gì nói “đi ị ở nhà vệ sinh công cộng thì đương nhiên phải cho người khác xem”. Không, chẳng ai chịu như thế. Dù là ở nhà riêng, hay công cộng, thì việc đi ị là một hành động rất riêng tư, và quyền riêng tư ấy cần được tôn trọng.
Bạn có cho rằng những người vô gia cư phải ị ngoài đường là hành động bần cùng, rằng họ không có lựa chọn nào khác? Mình tin là, nếu được lựa chọn, những người vô gia cư sẽ không ngần ngại mà chọn đi ị trong một nhà vệ sinh kín đáo. Còn ngày xưa, người ta rủ nhau “đi đồng” vui như trảy hội thì sao? Cái đó là một thời kì khác, khi khái niệm nhà vệ sinh chưa tồn tại, và nếu tất cả người xung quanh đều làm giống mình, thì chẳng vấn đề gì phải ngượng. Cũng như thời kì chưa mặc quần áo, tất cả đều không mặc quần áo, thì ai cũng như nhau thôi.
Nếu bây giờ, tất cả thông tin của toàn bộ người Việt Nam được công khai (giống như cả làng cùng rủ nhau đi đồng), có thể truy cập tự do, ai cũng có thể biết Thủ tướng, Chủ tịch nước và Tổng bí thư hôm nay làm gì, nói gì, trao đổi với ai, phê duyệt những văn bản nào, ăn món gì, đi những đâu, thì có lẽ việc mọi người biết thông tin của nhau cũng không có gì ghê gớm lắm. Nếu đạt đến mức độ minh bạch như thế, thì mình xin là người đầu tiên giơ tay ủng hộ.
Nhưng vấn đề là một số người thì được giữ kín, một số khác lại phải phơi bày, giống như một nhóm người thì đi ị trong nhà vệ sinh sạch sẽ, kín kẽ, sang trọng, một số khác phải ra đường để bàn dân thiên hạ trông thấy. Không chỉ trông thấy, mà còn được những người có quyền hạn phân tích, đánh giá, xem ị thế là tốt hay xấu, đúng hay sai.
Điều nguy hiểm là ở chỗ đó, khi quyền đánh giá một người là tốt hay xấu, đúng hay sai, được trao vào tay một số người. Khi một nhóm người trong một xã hội tự cho mình độc quyền với SỰ THẬT (THE TRUTH), chỉ có những điều mình cho là đúng mới là đúng, những người trái ý mình là sai, thì sẽ nhiều người gặp nguy hiểm. Điều đúng với tôi chưa chắc đúng với bạn, điều đúng hôm nay chưa chắc đúng ngày mai. Galileo Galilei bị Giáo hội Ý treo cổ vì dám nói trái với Kinh Thánh, rằng trái đất quay quanh mặt trời, chứ không phải trái đất là trung tâm của vũ trụ. Ngày nay, chúng ta dạy trẻ con những điều này như những lẽ phải đương nhiên, muôn đời vẫn thế, nhưng ông và nhiều nhà khoa học như ông đã phải trả giá bằng mạng sống của mình để sự thật khoa học này được công nhận.
Có nhiều người lại nói, Mỹ và các nước phương Tây cũng nghe trộm người dân, cũng lấy dữ liệu người dùng trên mạng. Chuẩn rồi, xem phim Snowden thì thấy, không chỉ người dân, mà chính phủ Mỹ còn nghe trộm cả các nguyên thủ quốc gia khác. Google sẽ ra ngay bài báo về việc Thủ tướng Đức đã tức giận thế nào khi biết mình bị Mỹ theo dõi. Nhưng lập luận theo cách này cũng không ổn. Người ta làm sai, không có nghĩa là mình cũng có quyền làm sai. Nếu bạn có con, và con bạn nói “Bạn kia hít heroin được, thì con cũng hít được”, hay “Bạn kia bỏ nhà đi bụi được, con cũng đi được”, thì bạn nghĩ sao? Không phải việc gì người ta làm được, cũng có nghĩa là người ta nên làm. Thấy việc xấu thì tránh, chứ sao lại lôi ra để ngụy biện cho việc xấu của mình?
Những ngày này, trên mạng tràn ngập nỗi sợ. Người ta bảo nhau “đừng có share, share là phản động đấy”. Hay “đừng có lên tiếng, như thế là chống phá đấy”. Bầu không khí này làm mình liên tưởng đến những ngày mà “mỗi người dân là một chiến sĩ”, con cái tố giác bố mẹ, hàng xóm tố giác lẫn nhau, nhà ai có con gà muốn thịt ăn thì phải lén lút, tìm cách giết mà gà không phát ra tiếng, ăn xong phải chôn lông ngoài vườn. Bà ngoại mình kể, muốn mang gà đi bán ngoài chợ (một hành vi phạm pháp, vì trong thời kì nhà nước bao cấp, người dân phải bán cho nhà nước chứ không được tự mua bán với nhau), thì phải để con gà xuống đáy làn, chèn các thứ khác lên trên, rồi ra ngoài, sẽ có người ra hiệu, hai bên hiểu ý nhau rồi đi vào một góc kín đáo để mua bán.
Ngày xưa, mình cứ tưởng nhiều người đi ra biển “vượt biên” là vì không chịu được chiến tranh. Sau này mới biết, nhiều người bám trụ suốt cả thời kì chiến tranh, nhưng đến khi hòa bình rồi lại sẵn sàng chấp nhận bỏ mạng ngoài biển để ra đi vì không chịu được cái không khí nghi kị, không biết ai đáng tin đáng ngờ, lúc nào cũng sống trong sợ hãi như thế.
Trong tiếng Anh, “terror” có nghĩa là sự sợ hãi, kinh hoàng. Terrorism có nghĩa là đàn áp, kiểm soát người khác bằng nỗi sợ. Terrorist là những kẻ gây ra nỗi sợ. Những ngày này, nỗi sợ hãi và sự hoang mang có vẻ bao trùm bầu không khí mạng ở Việt Nam.
Ảnh: Bảng thông tin về một dự án quy hoạch ở thành phố Calgary, dựng ngoài đường, mình đi qua thấy nên chụp lại. Thông tin tóm tắt về dự án, mục đích của dự án và số hiệu dự án. Thành phố có các cổng thông tin để kêu gọi người dân cho ý kiến.
Những dự án quy hoạch lớn hơn, ví dụ như xây lại một khu, hay mở thêm đường tàu điện, thành phố dán quảng cáo trên tàu, trên xe buýt, phát tờ rơi, có người tiếp thu ý kiến ở những sự kiện công cộng, chạy quảng cáo trên Facebook để mời người dân phản hồi, ở những khu có đông người Việt không nói tiếng Anh còn bỏ tiền ra thuê dịch để người dân có thể tiếp cận thông tin bình đẳng. Ở ta, đại biểu quốc hội đại diện cho một khu vực dân cư mặt mũi tên tuổi như nào, hầu như ít ai biết.
Leave a Reply