Sau 8 năm sống ở Canada, cuối cùng tôi cũng tìm được một nơi để gọi là Nhà.
Tôi vẫn nhớ như in cảm giác rỗng tuếch khi từ trên máy bay nhìn xuống sân bay Pearson của Toroto, một ngày cuối tháng 8 năm 2007. Bên dưới là một khoảng không mênh mông. Bên trong tôi là một lỗ hổng to như quả dừa non vừa trút hết nước.
Lúc đó, tôi vừa qua sinh nhật 18 tuổi được mấy ngày, chẳng hề biết những tháng ngày trước mắt mình sẽ ra sao. Ở cái khoảnh khắc đó, tôi chỉ nghĩ được vỏn vẹn mấy câu: “Giờ mình đã không ở nhà nữa”.
Những tuần, những tháng sau đó, tôi khóc bất cứ lúc nào, bất cứ đâu. Ngẩng đầu lên trời nhìn thấy cái máy bay cũng khóc. Cúi đầu xuống đất nhìn thấy bàn tay mình nứt nẻ cũng khóc. Nhìn sang trái thấy bọn sinh viên bản xứ, được bố mẹ chở đồ đến tận nơi, dúi vào tay từng gói đồ ăn mẹ nấu cho, cũng khóc. Nhìn sang phải thấy mình đã đi nhầm xe buýt, bang hoàng nhận ra giờ lại phải xuống xe, đợi nửa tiếng trong gió tuyết lạnh chảy nước mũi nước mắt, đi ngược trở lại, khi trời đã tối và bụng đã đói cồn cào, lại khóc.
Hồi đó, thấy mình như Lý Bạch. “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng…Cúi đầu nhớ cố hương”. Đêm nằm mơ thấy như có ai gọi tên mình bằng tiếng Việt. Suốt cả một thời gian dài, tôi bị ám ảnh bởi những giấc mơ đứt gãy. Trong mơ, tôi không biết mình đang ở đâu. Hoặc tôi sẽ mơ thấy mình đang ở những cửa hàng nem chua rán, bánh bao chiên nào đó, rồi khi tỉnh dậy, thì đau khổ nhận ra, xung quanh mình chẳng có gì quen thuộc.
Nên bây giờ, quyết định rằng mình sẽ cắm dùi bám rễ ở Montreal này, đối với tôi, là một quyết định trọng đại lắm.
Cả ba lần đến Canada trước, tôi đều không lựa chọn thành phố. Lần đầu tiên, ngồi tìm kiếm vu vơ trên mạng với từ khóa, “Canada scholarship for international students”, rồi tự nhiên ra trường đại học Trent, thấy là nộp đơn trong có mấy ngày (trước đó đã chuẩn bị cho công cuộc du học trong gần 3 năm). Tôi không có nhiều ý niệm về Canada, tất nhiên chẳng biết gì về cái thành phố Peterborough nhỏ xíu, 6 giờ tối là đường xá đã tối om om, không bóng người qua lại.
Lần thứ hai, tôi muốn đi học thạc sĩ, nhưng không định quay trở lại Canada. Tôi nộp đơn rất nhiều trường, rất nhiều chương trình, nhưng đều trượt. Mãi rồi mới có trường đại học Western nhận, mà lại cho học bổng, cho lương trợ giảng đủ để trang trải chi phí, nên lại cắp vali đến thành phố London ở Ontario. London thì to hơn Peterborough một tí, nên tôi cũng vui hơn.
Lần thứ ba, lúc này không còn là du học sinh nữa, nhưng tôi cũng không có nhiều lựa chọn, vì khi hồ sơ xin định cư được chấp nhận, thì tôi đã có bầu 6 tháng. Hôm trước lấy visa, hôm sau quẩy vali lên máy bay luôn. Alberta là một trong những tỉnh hiếm hoi ở Canada cho bảo hiểm y tế ngay khi đặt chân đến nơi. Calgary thì là thành phố đông dân nhất ở Alberta. Phải đông mới vui, nên Cơm Cơm được sinh ra ở đó. Nhưng ở một năm rồi, tôi lại thấy một triệu dân vẫn chưa đủ vui, nên lại chuyển.
Phải đến lần thứ tư này, khi tôi đến Canada với cả gia đình nhỏ của mình, và với lựa chọn hoàn toàn là của mình, thì tôi mới vui. Không đi học, không công việc, không người thân, không bạn bè, không cả biết tiếng Pháp, quyết định đến Montreal đối với tôi là kết quả của một quá trình nung nấu, suy nghĩ, cày nát các thông tin tôi tìm được trên mạng, và nói chuyện với những người sống ở Montreal lâu năm. Tôi không phải là người đưa ra quyết định dựa trên cảm giác.
Nhưng đến giờ thì tôi mừng vì mình đã đến đây.
Có bạn hỏi, từ khi nào Vân muốn ở Montreal thế? Lúc đầu còn kêu chán, muốn bỏ đi vì không biết tiếng Pháp cơ mà?
Trong khoảng hai tháng đầu, cứ vài ngày tôi lại trào lên ham muốn quay trở về những thành phố nói tiếng Anh, quay trở về với sự quen thuộc và dễ dàng. Nhưng dần dà, thành phố này đã thuyết phục tôi, rằng đây là một nơi có những giá trị giống như những điều mình mong muốn. Cũng như lấy chồng, quan trọng nhất là phải tìm được người chia sẻ những giá trị của mình. Đây là người mình muốn mỗi sáng tỉnh dậy đều nhìn thấy cho đến cuối đời, hay đây là nơi mình muốn mỗi góc phố đều thấy thân quen, đều cần phải có chung những niềm tin và những triết lý căn bản nhất.
Có thể tôi đã quyết định mình sẽ ở đây trong một buổi sáng, sau khi con đã đi mẫu giáo, hai vợ chồng dắt nhau đi cắt tóc. Cắt tóc thì vừa rẻ vừa đẹp, cắt xong lại dắt nhau đi ăn. Chồng gọi bánh đa cua, vợ gọi bún thang. Bát bún thang ngon không kém gì bún thang tôi thường ăn ở Cầu Gỗ. Bên ngoài mưa rào rào, trong nhà hàng văng vẳng nhạc Nguyễn Hải Phong. “Bao nhiêu năm rồi làm gì và được gì…Ngày tháng sao vội đi đôi khi không như ý”. Liếc thấy thực đơn có cháo và bánh cuốn. Nhà hàng thì chỉ cách nhà có mấy bước chân. Tôi bảo chồng: “Chắc hôm nào em ốm anh có thể đem cặp lồng ra đây mua cháo cho em. Cứ như ở Hà Nội ý nhỉ”.
Hay trong những buổi chiều mùa hè trời xanh ngắt, cả nhà tôi đi trên con phố có vô vàn những cửa hiệu nho nhỏ, mỗi cánh cửa mở ra là hàng ngàn những điều thú vị đợi chúng tôi khám phá. Vào một cửa hàng bán đồ Ý, chúng tôi mê mải ngắm nhìn những giá mì Ý có đến hàng chục chủng loại, đủ màu sắc cam, vàng, hồng, xanh, đen. Hay cửa hàng bánh ngọt Pháp, thì tôi mãi không lựa chọn được vì bánh nào cũng đẹp, cũng thơm, cũng ngon đến mê mệt. Rồi chúng tôi lại đi ra, nhiều khi chẳng mua gì, nhưng chủ quán vẫn vui vẻ vẫy tay chào khách.
Có thể tôi đã quyết định mình sẽ ở đây, khi đưa Cơm đến quán café có 10 bạn mèo, chạy loăng quăng khắp nơi, bạn thì nằm ngủ lim dim, bạn thì đứng trên ván trượt biểu diễn đi quanh quán. Cơm rất thích, chạy theo mèo cười khanh khách. Và tôi biết, mỗi góc phố đều có những điều thú vị, và thành phố này có biết bao sự mới mẻ tôi háo hức được cùng con khám phá.
Hay mỗi bước chân lại dẫn đến một công viên mới. Giữa trung tâm thành phố là một công viên rộng mênh mông như rừng. Không cần đi đâu xa, thiên nhiên ở ngay đây. Tôi có thể lạc vào giữa thảm lá vàng, hay lăn lộn trên trảng cỏ xanh mướt, hay ngồi cả ngày bên bờ hồ ngắm thiên nga, hay đi thong dong trong những con đường mòn lắt léo dẫn qua rừng, hay đầm mình trong dòng sông trong mát. Tất cả đều ở ngay trong thành phố, thậm chí, không cần có ô tô riêng, chỉ nhảy lên xe buýt là đến được.
Có một điều Montreal đặc biệt hơn tất cả những thành phố tôi từng đến ở Canada, là hầu như tất cả mọi người đều biết tôi là người Việt trước khi tôi giới thiệu. Và sau khi tôi xác nhận, họ đều hồ hởi chia sẻ. Một cậu bạn người Ấn Độ nói có bạn thân là người Việt. Một anh môi giới nhà đất nói vừa bán nhà cho một cặp vợ chồng người Việt. Một bà cụ nói hay đi làm móng ở một tiệm Việt, thân đến nỗi còn nhận con của chủ tiệm làm cháu, gọi bà là “ngoại”. Một anh chủ quán ăn Hàn Quốc thì hỏi, các bạn thích ăn bún bò Huế ở đâu nhất? Bọn tôi giải thích là mới đến Montreal được 5 tháng, còn đang trong giai đoạn khám phá, thì anh kể luôn quán này ngon nè, cứ 2 tuần tôi lại lái xe từ đầu này đến đầu kia thành phố để ăn. Vợ tôi mê bún bò Huế lắm. Tôi mừng, vì sự giao thoa văn hóa ở đây cao, vì người ta không chỉ biết đến Việt Nam qua chiến tranh, hay cùng lắm là món phở. Tôi yên tâm lắm, là con mình lớn lên ở đây sẽ không bị lạc lõng. Con tôi sẽ tự hào mình là người Montreal, người Quebec, người Canada, nhưng cũng tự hào mình là người Viêt.
Tôi yêu cái không khí trong ngân hàng, khi những nhân viên đều nói thành thạo hai thứ tiếng Anh, Pháp. Họ nói một câu tiếng Pháp với người này, rồi lại quay sang nói một câu tiếng Anh với người kia. Canada có ngôn ngữ chính thức là cả Anh và Pháp, nhưng tôi chưa từng được sống ở đâu mà tinh thần song ngữ rõ rệt và đáng yêu đến như vậy. Nếu một phần bản sắc của Canada là sự song ngữ, thì tôi tin rằng khi lớn lên ở đây, con tôi sẽ thấm đẫm bản sắc đó. Người ta hay trêu rằng, người Mỹ kém cỏi, vì họ chỉ tiếng Anh. Nếu so với những người bạn châu Âu tôi biết, ai cũng đều nói được ba, bốn ngôn ngữ, thì đúng là những người Mỹ và người Canada chỉ biết tiếng Anh sẽ thiệt thòi hơn nhiều. Montreal là một đại diện tuyệt vời của tinh thần đa ngôn ngữ rất năng động, hiện đại và toàn cầu đó.
Hay là việc tôi rất cảm kích trước sự hỗ trợ mà tỉnh Quebec dành cho trẻ nhỏ. Con tôi đi học mẫu giáo, lớp học rộng thênh thang, ngập tràn ánh nắng mặt trời, ăn đồ hữu cơ, chương trình đầy ắp các hoạt động âm nhạc, nghệ thuật. Có tháng thì giáo viên dạy nhạc đến trường cho các con khám phá nhạc cụ. Có tháng thì giáo viên dạy nhảy đến tập zumba cùng các con. Trường thì ngay trong khuôn viên của một công viên lớn, chỉ cần mở cửa sau là bọn trẻ ùa ra công viên chơi đùa. Ngày nào con cũng được vận động thể chất. Ngay bên cạnh trường là một trung tâm cộng đồng, các con được sang đó tập thể thao, tập nấu ăn, tập thoát hiểm khi có cháy. Các cô nói một câu tiếng Anh, rồi lặp lại câu đó bằng tiếng Pháp. Tất cả những sự chăm sóc tuyệt vời đó, mà tôi chỉ phải trả tiền bằng 1/5 số tiền mà một người bạn tôi phải trả cho con đi học mẫu giáo ở một tỉnh khác, và vẫn cực rẻ so với mức học phí mẫu giáo ở Hà Nội. Tất cả là nhờ sự hỗ trợ của chính phủ tỉnh Quebec.
Thành phố này có một bà thị trưởng rất hay. Bà quyết tâm lèo lái để hủy một dự án chung cư và thay vào đó dành đất làm công viên. Bà xây thêm đường dành cho người đi xe đạp. Bà cam kết làm thêm đường tàu điện để tăng cường giao thông công cộng, giảm khí thải. Và bà đặt mục tiêu đến năm 2030, Montreal sẽ trở thành một thành phố zero-waste, giảm đến 80% lượng rác thải phải chôn.
Cách đây mấy tuần, ở Montreal diễn ra cuộc tuần hành vì môi trường và biến đổi khí hậu có đến nửa triệu người tham gia. Hôm đó, chúng tôi cũng xuống đường. Tất cả tàu điện và xe buýt đều miễn phí trong ngày hôm đó. Tôi xúc động khi thấy những nhân viên đường sắt làm việc hết sức lực để điều khiển dòng người ken đặc ở sân ga để đợi lên tàu. Tôi xúc động khi thấy những nhân viên cảnh sát đứng canh gác, cấm đường, và hầu như cả khu vực trung tâm của Montreal hôm đó bị phong tỏa, không cho xe đi, để người biểu tình có thể theo bất cứ hướng nào họ thích. Tôi xúc động khi thấy máy bay trực thăng liên tục lượn qua lượn lại để bảo vệ trên đầu. Tôi xúc động khi thấy một bà mẹ bế con, có lẽ chỉ mới sinh được vài ngày, vẫn còn đỏ hỏn. Chị ấy để một bên ngực trần, vừa đi trong đoàn người, vừa hô vang, vừa cho con bú. Tôi mừng vì ở đây, biểu tình chỉ đơn giản là biểu lộ tình cảm. Biểu tình không đồng nghĩa với chống phá nhà nước. Và con tôi sau này, nếu có đi biểu tình, thì không phải đánh đổi sự an toàn của bản thân.
Tôi thấy vui vì ở thành phố này luôn có các sự kiện văn hóa, văn nghệ. Cùng một tuần, tôi có thể đi nghe nhạc châu Phi, rồi lại xem múa Ấn Độ. Tôi xem múa dân vũ ở lễ hội Ukraina, rồi lại đi xem đánh trống ở lễ hội Nhật Bản. Tôi ăn kem và nghe opera trong lễ hội Ý, rồi lại xem múa lân và biểu diễn áo dài ở lễ hội Việt. Tất cả những sự kiện đó đều miễn phí. Tất nhiên, họ được tài trợ của chính quyền, và tôi mừng vì chính quyền ở đây chọn bỏ tiền ra để ủng hộ những điều tốt đẹp như thế.
Điều quan trọng nhất với một đứa trẻ trong quá trình lớn lên là gì? Một nhà nhân học, sau khi nghiên cứu việc nuôi con ở rất nhiều nền văn hóa khác nhau, đã chia sẻ câu trả lời trong một bài Ted Talk. Không phải chế độ dinh dưỡng, không phải những đồ chơi đắt tiền. Thậm chí không phải việc ngủ, việc chơi thể thao, hay việc tiêm phòng vắc xin. Câu trả lời, là môi trường mà đứa trẻ đó lớn lên.
Tôi chọn Montreal, và tôi tin rằng gia đình nhỏ của mình sẽ hạnh phúc ở đây trong những năm tháng tới.
Leave a Reply