3. Bố mẹ yêu thương nhau để thống nhất về vấn đề kỉ luật
Có lần mình đi trong thang máy ở Times City, nghe trộm được một cậu nhóc chắc khoảng 4-5 tuổi lèo nhèo:
“Mẹ mua ô tô cho con đi”
“Mẹ làm gì có tiền”
“Mẹ có tiền mà, con thấy mẹ có tiền trong ví”
“Tiền đấy còn để đi chợ mua thức ăn”
“Ứ ừ, mẹ mua ô tô cho con đi (bắt đầu nức nở và giậm chân)”
Mình thì buồn cười, bà mẹ thì có vẻ sắp hết kiên nhẫn nhưng không muốn quát con ở chỗ đông người, thằng bé thì cứ kì kèo, nằn nèo. Có vẻ như đấy là một tình cảnh thường gặp ở những khu dân cư có nhiều người khá giả.
Tại sao có những đứa trẻ hay mè nheo đòi hỏi, có những đứa trẻ không như thế? Bạn có biết những người ham chơi xổ số (hay cờ bạc nói chung) là vì sao không?
Vì cảm giác hồi hộp và chính việc không đoán trước được kết quả của lần chơi tiếp theo. Có lúc trúng số, có lúc không. Biết đâu lần tới lại trúng độc đắc. Nếu lần nào cũng trúng, hoặc lần nào cũng trượt, thì trò đỏ đen lại không còn tí hấp dẫn nào nữa.
Việc mè nheo của trẻ con vận hành theo nguyên tắc tương tự, và là kết quả của sự thiếu nhất quán từ phía người lớn. Lần này đòi ăn bánh kẹo được, lần khác đòi không được, nhưng biết đâu nếu mình khóc, hoặc gào to, hoặc nịnh nọt, hoặc tươi cười, hoặc làm một điều gì đó, thì sẽ được. Nếu lần nào người lớn cũng đồng ý, thì trẻ đã không phải kì kèo. Còn nếu lần nào người lớn cũng nhất quyết từ chối, thì trẻ cũng sẽ học rất nhanh là việc nằn nèo không có tác dụng gì cả.
Khi còn bé, có bao giờ bạn thắc mắc tại sao nói hoặc làm cái này lúc thì không sao, lúc lại bị ăn mắng? Hoặc với bố thì không sao, với mẹ lại bị ăn mắng? Cảm giác lúc đó của bạn có phải là vừa bực mình, vừa bối rối, vừa băn khoăn không?
Mình vừa đọc xong cuốn Raising Cooperative Kids: Proven Practices for a Connected, Happy Family và kết luận rằng, việc thiết lập kỉ luật đòi hỏi bố mẹ phải chuẩn bị trước, nghĩ trước rất nhiều, và tuyệt đối nhất quán với nhau. Tức là nếu nói rằng, nếu con không ỉ ôi đòi mua đồ chơi lần tới chúng ta đi siêu thị, thì mẹ sẽ thưởng cho con một cái bánh nhỏ (phần thưởng để khuyến khích hành vi tích cực), hoặc nếu con tiếp tục vứt quần áo bừa bãi, thì bố sẽ giao cho con cọ bồn cầu trong một tuần (hình phạt để giảm thiểu hành vi tiêu cực), thì sẽ nhất định phải làm như thế.
Nếu con không chịu thực hiện hình phạt thì sao? Bố mẹ phải nghĩ trước là trong trường hợp con không hợp tác, thì sẽ tước một quyền lợi nào đó mà bố mẹ có toàn quyền kiểm soát (tiền tiêu vặt, đi chơi với bạn, tùy gia đình). Vì nếu không, khi đứa trẻ nói “Con không cọ bồn cầu thì sao?” mà bố mẹ tắc tịt, thì tức là con mới có quyền kiểm soát, và bố mẹ chẳng làm được gì.
Thử tưởng tượng xem, nếu mẹ nói “con không được ăn kẹo buổi tối”, nhưng bố lại bảo “thôi thỉnh thoảng cho con ăn cũng được”, thì hậu quả sẽ thế nào? Rất nhanh thôi, con sẽ hiểu là nếu muốn ăn kẹo thì sẽ không làm trước mặt mẹ, mà chỉ đến chỗ bố. Hoặc tệ hơn, con sẽ nghĩ mẹ thật nghiêm khắc khó chịu, còn bố thật dễ tính. Vì nếu việc ăn kẹo có hại thật, thì bố đã chẳng đồng ý, nên chắc chắn đấy là do mẹ khó tính thôi. Tệ hơn nữa, các trẻ lớn hơn sẽ thực hiện chiến thuật “chia để trị”, tách bố mẹ và thậm chí dùng người này để đấu lý với người kia nhằm đạt được mục đích của mình.
Thế nên, bố mẹ phải cực kì nhất quán với nhau. Để làm được như thế, bố mẹ phải nói chuyện với nhau thật nhiều về các tình huống xảy ra trong cuộc sống, khi con cư xử tốt và đặc biệt là khi không tốt, rồi thống nhất với nhau về quan điểm dạy con. Nếu mẹ luôn để ý và khen con khi con biết cám ơn, nhưng bố thì chẳng bao giờ chú ý đến hành vi nhỏ này, con cũng sẽ không hoàn toàn bị thuyết phục rằng mình cần phải cám ơn mọi người.
4. Bố mẹ yêu thương nhau để giúp con lèo lái sức ép từ bạn bè
Sức ép từ bạn bè (peer pressure) là một thứ có thật và có tác động vô cùng lớn lên một người, nhất là trẻ nhỏ và các bạn tuổi dậy thì ẩm ương. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chỉ ba tuổi, trẻ đã bắt đầu biết để ý xem bạn bè nghĩ gì về mình, và điều chỉnh hành vi theo hướng được bạn bè thích. Càng lớn, thì tương quan giữa tầm quan trọng của bố mẹ và bạn bè càng chênh lệch. Lúc bé thì lời của bố mẹ quan trọng, nhưng bắt đầu khoảng từ 12 tuổi trở đi, khi mỗi người trải qua giai đoạn muốn khẳng định sự độc lập của bản thân, thì bạn bè có sức nặng hơn nhiều.
Vì thế, thời gian mà bố mẹ có để ảnh hưởng lên con thật ra không nhiều. Rất nhanh thôi, bạn sẽ thấy con nói “bạn con nói thế này, bạn con nói thế kia”, và ngay cả khi những điều đó đối lập với quan điểm của gia đình bạn, bạn cũng sẽ phải khó khăn khi thuyết thục con mình biết sàng lọc những điều được nghe từ các cô cậu choai choai khác.
Mà đâu chỉ có bạn, nếu ngày xưa bố mẹ chỉ phải lo về những người xung quanh khu phố, trong làng, thì bố mẹ nuôi con bây giờ phải lo về thần tượng trên TV nói gì, rồi các nhân vật trong phim cư xử ra sao, chưa kể các mối quan hệ nhằng nhịt với những người xa lắc trên mạng xã hội, mà nhiều khi còn nói ngôn ngữ khác, thuộc văn hóa khác, mà bố mẹ hoàn toàn mù tịt.
Thế nên bố mẹ phải yêu thương nhau, để tạo ra một thành lũy vững chắc cho con dựa vào. Khi con bối rối vì ngoài kia có quá nhiều thông tin, giá trị, ý kiến mâu thuẫn với nhau, cái gì đúng hay sai, mình nên thi đại học theo các bạn hay đi học nấu ăn như mình thích, có anh kia đang ngỏ lời tán tỉnh, có nên đồng ý cho anh ý đưa đón để bạn bè phải lé mắt, hay thậm chí, có những lựa chọn con đưa ra khi bố mẹ không có mặt, có nên đi chơi với người này, có nên chọn học môn kia, nếu như từ bé đến lớn, bố mẹ luôn là một đội và cùng nhau củng cố những giá trị nền tảng cho con, thì con sẽ dễ dàng đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
Mình nhớ, lần đầu tiên sống xa nhà, không có gia đình hay người thân nào bên cạnh để kiểm soát hay nhắc nhở, mình vẫn cảm thấy rất bồn chồn khi ở bên ngoài quá 9 giờ tối. Khi đi học đại học năm đầu, thỉnh thoảng các anh chị người Việt khác trong trường tổ chức ăn uống, và tối xe buýt không còn chạy nữa, thì mình phải đợi có người chở mới về được. Suốt từ bé đến lớn, mỗi lần tối 9 giờ mà chưa về là cả nhà lo lắng, còn ngồi đợi cửa. Nhìn ra xung quanh, những đứa sinh viên khác được xa nhà thì như chim xổ lồng, con bé cùng phòng với mình tuần nào cũng vài ngày đi uống rượu đến gần sáng say khướt. Con bé phòng bên cạnh thì suốt ngày ở trong phòng với bạn trai, còn không đi học.
Lớn lên là quá trình học cách lựa chọn, và càng ngày, thì hệ quả của những lựa chọn đó càng lớn. Nếu con thích một cậu bạn lúc học cấp 3, và cậu ấy lén lút tán tỉnh một cô gái khác sau lưng con, có thể con sẽ buồn mất mấy tháng. Nhưng nếu con lấy một người như thế làm chồng, con có thể sẽ phải rất khó khăn để li hôn, tổn thương cả về tình cảm lẫn tiền bạc, và biết đâu, hệ quả kéo ra cả những đứa trẻ sinh ra từ cuộc hôn nhân ấy.
Nếu bố mẹ yêu thương nhau, và luôn cùng nhau đưa ra những thông điệp nhất quán, bằng cả lời nói, hành động, và cách sống của mình, thì con sẽ có nhiều cơ hội để đưa ra những lựa chọn tốt hơn.
5. Bố mẹ yêu thương nhau để dạy con sống với người khác
Khi viết bố mẹ yêu thương nhau, mình không có ý rằng lúc nào gia đình cũng phải tuyệt đối hòa thuận, vui vẻ, hay bố mẹ lúc nào cũng phải nhất nhất đồng ý với nhau. Tất nhiên sẽ có lúc bố mẹ bất đồng, bực bội, mắc lỗi, và cãi vã, nhưng nếu yêu thương nhau, bố mẹ sẽ biết cách hòa giải, trao đổi, tranh luận, và xin lỗi nhau một cách chân thành. Tất cả những điều đó sẽ thấm vào con tự nhiên như mưa thấm vào đất.
Nhiều bố mẹ cãi nhau trước mặt con, nhưng lại làm lành trong phòng đóng cửa kín. Hoàn toàn không nên. Trẻ cần được học cách hòa giải mâu thuẫn, thương lượng, ứng xử với sự khác biệt trong cách nhìn, cách mỗi bên nhún nhường nhau để đi đến một giải pháp mà cả hai cùng chấp nhận được. Bố mẹ hãy xin lỗi nhau trước mặt con. Nếu con đủ lớn, hãy cho con tham gia cùng để đưa ra quyết định khi có bất đồng, vì mỗi quyết định của bố mẹ cũng ảnh hưởng trực tiếp lên con.
Rất nhiều nhà khoa học đoạt giải thưởng, hay những người có đóng góp quan trọng cho thế giới, không phải là người thông minh kiệt xuất. Họ say mê một thứ gì đó, và theo đuổi nó trong một thời gian rất dài. Ngược lại, rất nhiều người có khả năng thiên bẩm, thông minh vượt trội, nhưng sau đó vì đi học nhảy lớp, hoặc đưa vào môi trường chỉ có học hành, nên sau này không hạnh phúc, vì khó hòa đồng với người khác. Không ai có thể sống một mình suốt cả đời.
Phần lớn chúng ta là những người có trí thông minh trung bình. Càng ngày, IQ càng bị chỉ trích là một chỉ số không thực sự đo lường được khả năng tư duy, lại ẩn chứa rất nhiều thiên kiến của những người thiết kế nó. Đấy là chưa kể, khả năng tư duy không phải là tất cả những gì một người cần để có một cuộc sống hạnh phúc. Những em bé thông minh, nhưng không biết làm theo chỉ dẫn, không thể tập trung lắng nghe, không biết chia sẻ hay đồng cảm với bạn bè, cũng sẽ không thành công ở trường học.
Trí thông minh có một phần là tự nhiên, giống như một mảnh đất mà mỗi người được cho khi sinh ra. Điều đó thì bố mẹ không thể tác động được. Nhưng trên mảnh đất đó, sẽ nhiều hoa thơm trái ngọt, hay khô cằn, hay đầy cỏ dại, thì một phần rất lớn là do trải nghiệm lớn lên của một người quyết định. Điều đó thì bố mẹ có thể đóng góp rất nhiều, bằng cách yêu thương nhau.
Leave a Reply