• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Không phải Chuyện / Nuôi dạy con / Nếu muốn con thông minh thì bố mẹ hãy yêu thương nhau (Phần 1)

Nếu muốn con thông minh thì bố mẹ hãy yêu thương nhau (Phần 1)

21/01/2020 by Chuyện Leave a Comment


Một em gái mà mình quen chia sẻ rằng, có một trung tâm ở Sài Gòn bán khóa học mấy chục triệu cho các bố mẹ, đưa con đến từ lúc hai tháng tuổi, để được “can thiệp sớm”, và dạy bố mẹ cách nuôi con cho thông minh. Khóa học chỉ diễn ra trong mấy tuần, mà các phụ huynh đua nhau đóng tiền, còn xếp hàng dài chờ dằng dặc.

Xu hướng đầu tư cho con ngày càng lan rộng, và bắt đầu ngày càng sớm hơn. Đầu tiên, người ta ganh đua để vào trường đại học có đầu vào cao. Tiếp đến, người ta lo chạy chọt để con vào trường điểm cấp ba, cấp hai, rồi cấp một. Dần dà, học mẫu giáo ở đâu cũng vô cùng quan trọng, bố mẹ bắt đầu đặt gạch, đi lại với các mối quan hệ để lấy chỗ từ khi con mới đẻ. Bây giờ, công cuộc nuôi con thông minh bắt đầu từ khi còn trong bụng mẹ. Nhiều bà mẹ nhắm mắt bịt mũi cố nuốt sữa bầu, chưa kể chắt bóp chi tiêu để mua sữa đắt tiền, vì hi vọng rằng, sữa có thành phần này kia, con mình đẻ ra sẽ thông minh.

Khi con đẻ ra rồi, thì là những chuỗi ngày bố mẹ bỏ tiền theo xu hướng. Lúc đầu là ăn. Ăn gì cho não phát triển rồi. Rồi đồ chơi. Chơi cái gì cho thông minh. Nữa là các khóa học, học gì để hơn người. Rồi các hoạt động ngoại khóa, rồi du học. Bố mẹ nào cũng muốn làm điều tốt nhất cho con, ngay cả khi điều tốt nhất ấy vượt khả năng của mình.

Não là cơ quan duy nhất chưa hoàn thiện khi một em bé ra đời. Trong khi gan, phổi, thận, tim, và các bộ phận khác đã hoạt động nghiêm chỉnh, thì người ta ví não của em bé mới đẻ giống như một ngôi nhà có đầy đủ hạ tầng, nhưng chưa được ghép nối lại. Điều này có hai lí do. Một là vì não của con người rất to so với tỉ lệ cơ thể, có thể nói là to nhất trong các loài vật. Hai là do đi bằng hai chân, nên hông của người nhỏ lại. Nếu một em bé của loài người đạt đến độ phát triển tương đương với một con bê mới sinh chẳng hạn (có thể đi lại và gặm cỏ sau vài giờ), thì em bé phải ở trong bụng mẹ đến hai, ba năm. Nhưng nếu thế thì em bé sẽ quá to so với cơ thể người mẹ. Điều này lí giải vì sao em bé sơ sinh của chúng ta sinh ra rất yếu ớt, và vì sao việc sinh con của loài người khó khăn và đau đớn đến thế.

Một em bé có nhiều dây nơ ron hơn cả một sinh viên đại học. Nhưng đến gần hết năm đầu đời, số dây nơ ron đó đã rụng đi đáng kể. Hay nói cách khác, não của chúng ta theo quy tắc “không dùng thì mất”. Càng biết nhiều về tiềm năng của trẻ nhỏ, người lớn càng thấy bồn chồn. Nếu mình không cho con đi học cái này cái kia, không tận dụng “thời điểm vàng” ngay bây giờ, thì sẽ quá muộn và bỏ phí cơ hội mất.

Nhưng các đồ chơi đầy rẫy được quảng cáo là giúp tăng trí thông minh, chẳng có nghiên cứu nào chứng minh cả. Ngay cả một thông điệp đến giờ đã trở nên khá phổ biến, là cho con nghe nhạc giao hưởng thì sẽ thông minh, cũng là một cách diễn giải hấp tấp một thí nghiệm. Chuyện là, có một nhà khoa học nghịch ngợm thử lấy sóng não cho ra âm thanh, thì thấy nghe có vẻ giống nhạc giao hưởng. Sau đó, người ta cho một nhóm sinh viên đại học nghe nhạc giao hưởng trong 10 phút, thì thấy nhóm này đạt kết quả kiểm tra tốt hơn nhóm không nghe. Thế là báo chí đăng tin “nghe nhạc giao hưởng giúp thông minh hơn”. Có cặp vợ chồng kia túm lấy tuyên bố đó và tạo ra một loạt các băng đĩa và chương trình, nào là Baby Einstein, Baby Mozart, Baby Van Gogh rồi quảng cáo rầm rộ. Về sau, Walt Disney mua lại công ty này, với các chiến lược quảng cáo bậc thầy, găm sâu vào đầu người tiêu dùng ý niệm rằng cho nghe nhạc sẽ làm con thông minh. Năm 2010, có một nhóm các luật sư ở Mỹ dọa kiện vì tội quảng cáo láo, làm Walt Disney phải vội vàng xin được hoàn tiền cho những người đã mua sản phẩm này từ năm 2004. https://www.nytimes.com/2010/01/13/education/13einstein.html

Các ứng dụng trên điện thoại và máy tính bảng được quảng cáo giúp trẻ học chữ, học số, nhận biết con vật, nhớ từ, cũng chẳng có nghiên cứu nào chứng minh cả. Ngược lại, các nghiên cứu nghiêm chỉnh đều chỉ ra rằng, trẻ nhỏ học tốt nhất qua tương tác với người. Hai em bé cùng nghe ngoại ngữ, một em bé nghe từ người, một em bé nghe từ TV, thì em bé nghe từ TV chẳng đọng lại gì cả, còn em bé nghe từ người thì sau đó có thể hiện là nhớ được âm điệu của ngôn ngữ đó. Việc dùng các ứng dụng hay chương trình TV chỉ sử dụng hai giác quan là nghe và nhìn, hoàn toàn bỏ qua ngửi, sờ, và nếm. Một em bé nhìn thấy hình ảnh con chó trên màn hình và ấn vào chữ chó, bố mẹ mừng vì con đã biết từ. Nhưng trải nghiệm đó làm sao phong phú bằng việc được vuốt ve bộ lông mềm mại của con chó, cảm nhận hơi ấm, và ngửi thấy mùi nồng nồng của con vật?

Chưa kể, tác hại của việc tiếp xúc với màn hình thật là vô kể. Về thị lực thì khỏi phải nói, đôi mắt trẻ còn non yếu, tiếp xúc với ánh sáng xanh từ màn hình sẽ ảnh hưởng đến mắt, và khiến trẻ khó ngủ, nếu ngủ cũng không sâu. Nhưng điều nguy hiểm mà ít bố mẹ nhận ra, là trẻ con không hề tiếp nhận những hình ảnh và màu sắc trên màn hình giống như người lớn. Thứ nhất, mắt em bé chưa đủ nhanh để những hình ảnh chuyển động 24 hình một giây tạo thành một chuyển động nhuần nhuyễn. Thứ hai, việc tiếp xúc với màn hình THAY ĐỔI MỘT CÁCH VĨNH VIỄN cấu trúc của não bộ. Trẻ con chưa có đủ năng lực để xâu chuỗi câu chuyện, vì thế khi xem một chương trình dài 10 phút chẳng hạn, đối với người lớn thì là một câu chuyện, còn với trẻ con đó có thể là ba đến năm câu chuyện, cái này không liên quan đến cái kia, cứ vài phút lại là một cái mới. Điều này dẫn đến khả năng tập trung kém, tăng động, lo âu bồn chồn và giảm sút tự chủ hành vi khi lớn lên. Thứ ba, ngay cả khi một đứa trẻ quay lưng lại không nhìn vào màn hình TV đang bật, em bé đó vẫn phải liên tục lờ đi (block) những âm thanh phát ra từ đó để tập trung vào việc mình đang làm. Việc này người lớn làm một cách dễ dàng, nên chúng ta không đánh giá được hết ảnh hưởng lên trẻ con. Thử tưởng tượng bạn muốn nói chuyện với một người trong một căn phòng rất đông, ai cũng hét to, bạn phải hết sức nỗ lực để lờ đi những tiếng ồn kia và tập trung vào người trước mặt, làm trong một thời gian dài thì sẽ mệt mỏi thế nào.

Những hậu quả này nghiêm trọng đến nỗi, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo HOÀN TOÀN KHÔNG cho trẻ dưới 2 tuổi tiếp xúc với màn hình. Trẻ từ 2 tuổi trở lên cũng chỉ nên tiếp xúc rất hạn chế, và nên luôn có người lớn bên cạnh để kiểm soát nội dung cũng như giúp trẻ hiểu được những gì mình đang thấy. Ngày càng nhiều trẻ nhỏ dưới 6 tuổi gặp các chứng lo âu, rối loạn tâm lý, tăng động giảm chú ý, khó tập trung, thậm chí nghiện màn hình (TV, máy tính, điện thoại) đến mức phải cho đi trại cai nghiện, và ở trong đó thì vật vã khổ sở không kém gì những người nghiện chất kích thích.

Nhiều người nói rằng, con tôi thực sự thích xem TV, cho xem là ngồi chăm chú. Với các trẻ nhỏ, bạn cứ thử đưa một vật phát sáng và nhấp nháy trước mặt, trẻ cũng sẽ nín khóc ngay và nhìn chăm chú. Cái mà trẻ bị hấp dẫn là ánh sáng, màu sắc và hình ảnh chuyển động nhanh, chứ không phải nội dung của TV hay điện thoại.

Nhiều người lại nói, con tôi xem TV nên biết nhiều thứ, học được ngoại ngữ. Giống như ví dụ về chú chó, một em bé tầm 4-5 tuổi, đã từng tiếp xúc với chó thật ngoài đời, thì khi nhìn thấy chó trên màn hình, có thể liên tưởng. Nhưng với một em bé 1 tuổi chẳng hạn, chưa từng chạm vào hay ôm ấp một chú chó, việc nhìn thấy trên màn hình không giúp bé liên tưởng. Nếu có nhớ để ấn vào chữ chó khi một hình ảnh con chó xuất hiện trên màn hình, đó hoàn toàn là học vẹt, không phải là dấu hiệu của trí thông minh hay khả năng tư duy.

Dài dòng thế, mình chỉ muốn nói rằng, những gì tốt nhất cho trẻ không phải là những thứ bỏ tiền ra mua, rồi quăng cho con để bố mẹ rảnh tay làm việc khác. Nếu muốn thực sự giúp con phát triển tiềm năng, bố mẹ phải ở bên con, tương tác với con, và tạo ra một môi trường đầy yêu thương và vững chãi. Mình sẽ viết tiếp một bài nữa để giải thích vì sao muốn con thông minh thì bố mẹ phải yêu lấy nhau.

Tiện đây, những gì mình viết tất nhiên không phải là mình nghĩ ra, mà là đọc được muốn chia sẻ lại với mọi người. Mình thấy sách nuôi dạy con ở Việt Nam hiện giờ thiên về kiểu chia sẻ kinh nghiệm cá nhân, tôi đã làm thế này và con tôi giỏi giang (đi du học, nói được tiếng Anh, đạt giải này giải kia, chấm chấm), nên tôi kể cho mọi người biết. Mình thì thích đọc những quyển từ những người làm nghiên cứu, viết từ cơ sở mấy chục năm làm việc của họ. Mình mới đọc quyển “Einstein Never Used Flashcards: How Our Children Really Learn–and Why They Need to Play More and Memorize Less”, là một cuốn sách đã giành giải thưởng mà mục tiêu là tóm tắt và diễn giải các nghiên cứu về trẻ em bằng ngôn ngữ dễ hiểu đời thường. Không biết có nhà xuất bản nào ở Việt Nam đã dịch cuốn này chưa, nếu chưa thì mình rất muốn xung phong dịch để nhiều bố mẹ ở Việt Nam có thể tiếp cận với thông tin khoa học một cách đầy đủ và trung thực hơn.




Related Posts:

  • Trò chuyện với con
  • Những hoàng-tử-bé của mẹ và vợ
  • Chuyện của phố - Bánh đa cua
  • Tại sao phải biết?
  • Một cuộc họp phụ huynh ở Canada
  • Montreal - Những ngày đầu dịch bệnh

Filed Under: Nuôi dạy con Tagged With: chia sẻ nghiên cứu, con thông minh, công nghệ, nuôi con, nuôi dạy con

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter