• Skip to main content
  • Skip to secondary menu
  • Skip to primary sidebar

Kể Chuyện

  • Về người viết
    • Về Kể Chuyện
  • Chuyện
    • Chuyện đời
    • Chuyện người
    • Chuyện tôi
  • Không phải Chuyện
    • Phân tích
    • Tản văn
    • Tiếng Anh
      • Học thuật
      • Chung chung
  • Định cư và cuộc sống Canada
  • Nuôi dạy con
  • Liên hệ
You are here: Home / Chuyện / Chuyện người / H.

H.

19/01/2020 by Chuyện Leave a Comment


Khi H đang học dở cấp 2 thì mẹ H để lại bốn đứa con gái, đi theo một bà mối người làng, lên Hà Nội tìm đường mưu sinh.

Hồi đó, H khóc hết nước mắt, xin mẹ cho đi học tiếp. Nhưng nhà đông con, không có thu nhập, mẹ H gạt nước mắt của mình và của con, dứt áo ra đi. Vài năm sau đó, H cùng hai chị lớn của mình ở nhà trồng lúa, hái chè, đi làm thuê lặt vặt quanh làng. Mẹ H kể những lần về nhà, từ sáng sớm, mấy chị em đạp xe ra điểm dừng của xe khách đón mẹ, chờ thật lâu trong cái nắng rát mặt và bụi đất mù mịt. Sau một thời gian, mẹ H đã quen cuộc sống ở Hà Nội hơn, bèn thu xếp việc làm cho cả ba chị em H. H được nhận vào làm ở một cửa hàng tạp hóa, làm việc quần quật 10-12 tiếng một ngày, hầu như không có ngày nghỉ.

Sau vài năm làm lụng chăm chỉ, H chắt bóp được chút vốn liếng. Mẹ H bắt đầu bị dân làng ì xèo, là tham tiền bắt con cái làm mà không cho chúng nó lấy chồng. Ba chị em gái nhà H đều rất xinh xắn, ngoan ngoãn, và chăm chỉ. Mẹ H nửa căng thẳng, nửa hồ hởi kể chuyện những chàng trai tiếp cận các con gái của mình, biếu quà bánh cho “mẹ vợ tương lai”.

Rồi như mọi cô gái quê ngoan hiền khác, H lấy chồng. Chồng H hơn 5 tuổi, theo như mẹ H kể thì có vẻ rất thương vợ. H bỏ công việc ở hàng tạp hóa, về quê với một khoản tiết kiệm nho nhỏ trong ngân hàng, là tiền lương dành dụm sau nhiều năm. Cũng rất nhanh chóng và đúng phận sự, H có bầu, rồi sinh con.

Và khi con H còn chưa biết nói, thì H ly hôn. Lúc đó mẹ H kể lõm bõm rằng, rất nhiều cãi vã và mâu thuẫn dai dẳng với chồng, rồi có người nhìn thấy chồng H đèo cô gái khác, rồi chồng H thực chất chỉ nhắm đến khoản tiết kiệm tuy không lớn nhưng cũng rất đáng thèm muốn trong cuộc sống thôn quê, và rằng thực ra trước ngày cưới, H đã cảm thấy rất không ổn, không muốn tiếp tục, nhưng mẹ H đã nhận trầu cau, gạt ngay tức khắc “ý tưởng điên rồ” của con gái mình.

Thời gian đầu, H đi làm công nhân may ở một nhà máy gần nhà để kiếm tiền nuôi con. Cũng lại qua lời mẹ H kể, H bị ngất vì tăng ca, làm việc quá sức. Có những lúc H làm việc cả tuần, không có ngày nghỉ, từ 7 giờ sáng đến 9-10 giờ tối. Ở quê, ngoài làm công nhân nhà máy, thì chỉ có bán hàng là công việc có trả lương. Nhưng đồng lương cũng rất bèo bọt, ngày làm việc rất dài, và cũng phải chuyển đến thị trấn cách vài chục kilomet, bắt buộc phải xa con.

Rất trớ trêu, hơn chục năm sau khi mẹ H dấn thân vào cuộc di cư đằng đẵng vẫn chưa có hồi kết, một cô gái còn rất trẻ, rất chịu khó, rất hiểu biết như H, lại lặp lại vòng quay của mẹ mình.

H để lại con nhờ ông ngoại trông cháu, rồi lại gạt nước mắt ra Hà Nội kiếm tiền. Lúc thì làm thuê cho cửa hàng bánh bao, lúc thì ngồi gập hoa giấy cho xưởng làm hoa giả. Bố H, một người đàn ông nghiện rượu kinh niên, rất nhiều năm bị dân làng chế nhạo rằng vợ con đi hầu thiên hạ, và quanh quẩn ở nhà nuôi con gái út, giờ lại tiếp tục nuôi cháu ngoại. Mẹ H kể, có những ngày trời mưa rét căm căm, ông ngoại lôi đứa cháu gái 3 tuổi đi uống rượu cùng, uống say rồi cả ông cả cháu lang thang ngoài đường, bêu đầu trong giá rét. Xót con, H đưa con gái lên Hà Nội ở cùng. Lúc đó, H đang làm thuê trong bếp trong một trường mẫu giáo tư, phải đi làm từ 5 giờ sáng. Mùa đông, lúc ngoài đường còn tối mịt, con bé mắt nhắm tịt phải ngồi sau xe đạp của mẹ, rồi theo mẹ đến chỗ làm, vừa vơ vẩn chơi vừa ngủ vạ vật ở đấy đến khi mẹ xong việc.

Mẹ của H, tức là bà ngoại của con bé, đã chăm sóc bà nội mình được gần 13 năm, sau khi bà bị đột quỵ và mất khả năng nói. Cô là người truyền cảm hứng cho mình làm nghiên cứu cho luận văn thạc sĩ về những người phụ nữ nông thôn di cư ra thành thị làm nghề giúp việc gia đình. Có những lúc, cô đón con bé về nhà mình ở vài ngày, để nó không phải đi theo mẹ từ lúc trời còn chưa sáng. Nhưng rồi, lạ nhà, và vốn không được ở với bà ngoại từ bé, nó lại đòi về quê với ông ngoại.

Những ngày này, H còn nhận thêm lau dọn nhà. Mình không giúp được gì, nên viết bài này, hi vọng rằng những ngày giáp Tết bận rộn, nếu anh chị em bạn bè nào có nhu cầu tìm người dọn nhà, thì hãy nhắn tin cho mình, mình sẽ kết nối với H. H vô cùng thật thà, không ngại vất vả, chưa bao giờ chê việc, lúc nào cũng vui vẻ, và khi mình hỏi, thì nói giá dọn nhà của H là 50,000 một giờ thôi. H không có xe máy, đi lại bằng xe đạp, vì thế sẽ dễ đến các nhà ở quận Hoàn Kiếm (chỗ H đang ở trọ) hoặc các quận gần đó.

Hoặc nếu có công việc gì lâu dài, ổn định, rất mong sức mạnh của cộng đồng sẽ giúp H. Những người lương thiện, chính trực, yêu lao động, thực sự rất xứng đáng được sự giúp đỡ của chúng ta. Giúp một người mẹ, là giúp một đứa trẻ. Giúp một người phụ nữ, là giúp cả một thế hệ tương lai.




Related Posts:

  • Đổi dễ dàng lấy bầu trời xanh
  • Tại sao phải quan tâm?
  • Quanh Hồ Gươm
  • Định cư Canada - Quan sát về xã hội (phần 11)
  • Trò chuyện với con
  • Những công viên nho nhỏ

Filed Under: Chuyện người Tagged With: di cư, giúp việc, phụ nữ, trẻ em

Reader Interactions

Leave a Reply Cancel reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Primary Sidebar

Nhận bài mới qua email

Vui lòng xác nhận lại email vừa mới đăng ký bằng cách nhấn vào đường link trong email gửi kèm.

Bài mới

  • Cô giáo của Cơm Cơm
  • Sự cô đơn theo kiểu gia đình
  • Tại sao trẻ em gái ngày càng dậy thì sớm?
  • Một ngày đặc biệt
  • “Con không ăn hành đâu!” Lý giải việc kén ăn và những giải pháp để giúp con ăn uống vui vẻ (Phần 1)
  • Nhật ký ở nhà tránh dịch của Cơm Cơm
  • Review sách – Để con bạn giỏi như Einstein

Đọc nhiều

Kết nối với Kể Chuyện trên mạng xã hội

Kể chuyện


Follow @ke_chuyen

© 2013 - 2019 Kể Chuyện | Powered by WordPress & Genesis | Log in

Facebook | Twitter | Feed RSS
//<![CDATA[ var sc_project=8888298; var sc_invisible=1; var sc_security="f2d42e23"; var scJsHost = (("https:" == document.location.protocol) ? "https://secure." : "http://www."); document.write(""); //]]>
blogger counter