Mỗi khi có ai hỏi Mẹ thích ở Canada hơn hay thích ở Việt Nam hơn, Mẹ đều nói, cuộc sống ở Việt Nam của Mẹ dễ dàng hơn.
Mà cái dễ dàng thì luôn hấp dẫn hơn, quen thuộc hơn, dịu lòng hơn, đúng không?
Ở Hà Nội, Mẹ không phải bon chen với ai, không phải nịnh hót, bợ đỡ, sợ sệt ai. Mẹ và Bố không bao giờ ra đường vào giờ cao điểm, sáng sáng nhà mình đi ăn bún bò Huế khi phố đã bớt người, rồi lại lượn ăn chè, ăn tào phớ. Hôm thì Bố mua phở về nhà, hôm thì ba chúng ta gọi taxi đi ăn.
Sống với Bà Nội, bà tìm cho rau sạch, trứng gà quê, thịt lợn không nuôi bằng cám, thích ăn bánh giò hay bánh mì que là Bà sẽ đi mua hộ. Bà Nội còn thuê người đến lau nhà, dọn dẹp. Mẹ chỉ có mỗi việc rửa bát.
Ở Hà Nội, Mẹ không cần trả tiền thuê nhà, nên mỗi tháng chỉ đi làm vài ngày là đủ tiền tiêu cho cả tháng. Mỗi lần Cơm bị ốm, là có bao nhiêu người để hỏi kinh nghiệm, bao nhiêu người sẵn sàng dùng mối quan hệ của mình để gọi cho một người quyền lực nào đó, và gọi Mẹ là “đứa em gái của tôi”, “đứa cháu gái nhà tôi”. Cả nhà mình đi đâu chơi là có những người lạ chưa từng gặp mặt cho ở nhờ, cho ăn, cho chơi, vô cùng trìu mến.
Và dĩ nhiên, Mẹ được làm một người có ích. Mẹ tổ chức những buổi nói chuyện, làm những thứ trong khả năng của mình mà được rất nhiều người hưởng ứng. Mẹ được tham gia vào những dự án hấp dẫn, những cuộc họp quan trọng, những hợp đồng ngon lành mà hoàn toàn không phải qua vòng phỏng vấn hay ứng tuyển.
Nhưng Mẹ vẫn bỏ tất cả những sự dễ dàng đó, để đổi lại bầu trời này, bờ cỏ này, bầu không khí này, những tán cây này, cho Cơm.
Cả nhà mình lại bắt đầu từ số 0 ở một thành phố mới. Đã chớm 30, lại dắt díu thêm một em bé, Mẹ thấy mệt với những cuộc di chuyển. Lại đi tìm nhà để thuê, đi tìm từng cái bát ăn cơm, từng đôi đũa, lục lọi cả trong những đống đồ người ta vứt ra đường, làm sao gom được những thứ để dùng tạm mà tốn ít tiền nhất. Có người cho một cái lò vi sóng, Bố Mẹ đi bộ rạc cẳng trong trời mưa, cặm cụi bê vác, mà cuối cùng về nhà mở ra thì cái đĩa quay đã bị mẻ, phần vỏ lại gỉ sét, ngán ngẩm vô cùng. Lại chờ xe buýt, đuổi theo tàu điện, lặc lè vác những ba lô và túi xách to. Nhưng Mẹ không còn là một cô sinh viên sống sao cũng được nữa, Mẹ còn phải lo cho Cơm, cho bữa ăn giấc ngủ của con, nên bắt đầu lại cảm thấy chật vật hơn nhiều.
Đến một thành phố nói tiếng Pháp, Mẹ cũng lắp bắp như Cơm, em bé 18 tháng tuổi chưa biết nói. Trong một buổi chiều muộn của một ngày cuốc bộ 10 cây số, khi hết lần này đến lần khác hi vọng rồi thất vọng vì căn nhà đi xem để thuê hoặc quá cũ, hoặc quá nhỏ, hoặc quá cao, hoặc quá bé, hoặc quá xa, hoặc quá đắt, và một ai đó ở đầu dây bên kia xổ ra một tràng tiếng Pháp rồi dập máy cái cộp, Mẹ đã thấy rất nản lòng, và đã rất muốn tìm về cái dễ dàng và quen thuộc.
Tạo dựng cuộc sống ở một nơi xa lạ, đối với một người thích ôm ấp cái cũ và rất chậm thích nghi như Mẹ, chưa bao giờ là một điều dễ dàng. Nhưng Mẹ rất hi vọng chúng ta sẽ có thể dừng chân ở đây, gọi thành phố 4 triệu dân này là nhà.
Hôm nay, cả nhà mình đi thăm trường mẫu giáo đầu tiên. Và Mẹ đã nghĩ đến những buổi chiều Mẹ đón Cơm ở trường về, mẹ dắt con đi trên những con phố rợp tán lá phong, chúng ta sẽ ra công viên, và con sẽ được chạy chơi cho đến khi tắt nắng.
Bởi vì bầu trời kia, bờ cỏ kia, tán cây kia và bầu không khí kia, cả sự yên tâm rằng con sẽ không bị cô giáo đánh hay bóp mồm bắt ăn ở lớp mẫu giáo, và nếu chẳng may con bị đau ốm, mà Mẹ không có tiền, thì con vẫn sẽ được cứu chữa, là những thứ mà không sự dễ dàng nào có thể đổi được.
Chúng ta rất may mắn vì đã được đất nước này tiếp nhận và đối xử như những đứa con, phải không Cơm?
Leave a Reply