Đã sang Canada, lần thứ ba, được một tháng.
Những ngày tháng 8 ở Calgary trời xanh ngắt, nắng vàng óng ả. Calgary vắng vẻ hơn tôi tưởng nhiều. Thành phố hơn một triệu dân nhưng trải rộng. Buổi sáng đầu tiên ở đây, chúng tôi ngạc nhiên tột độ khi đã hơn chín giờ sáng mà khu downtown vẫn thưa thớt người qua lại, ngân hàng chưa làm việc, và đi rạc cẳng mới tìm thấy một quán nho nhỏ của một cặp vợ chồng người Hàn Quốc mở cửa để kiếm cái lót dạ. Càng ngạc nhiên hơn nữa khi nhịp sống ở đây có vẻ rất chậm rãi. Những người làm dịch vụ khách hàng thì gõ bàn phím mổ cò, nửa tiếng mới xong một tờ giấy đơn giản. Khách đi trên tàu cũng rất thong dong, bình thản, đến khi tàu dừng hẳn mới từ từ đứng dậy ra cửa, chứ không phải khi tàu vừa giảm tốc độ đã xếp hàng chờ sẵn để cửa vừa xịch mở là nhanh chân bước ra như ở Toronto. Thành phố lớn nhưng mang bầu không khí uể oải của một thị trấn nhỏ.
Hai lần trước đến Canada tôi đều là sinh viên, khi đặt chân đến là biết ngay những mốc thời gian mình phải làm gì, cho việc gì. Cuộc sống của một sinh viên thật ra là một cuộc sống được bao bọc trong một thế giới riêng, có những định hướng rất rõ ràng, và tất nhiên là rất khác với cuộc sống của một người có gia đình. Lần này, tuy không có deadline nhập học hay thi cử gì, nhưng tôi lại phải chạy mướt mải theo một cái deadline khác, là em bé trong bụng. Sau một tháng, những đồ tối thiểu cần dùng hàng ngày đã đi xin, đi nhặt, đi mua đồ cũ giá rẻ để tạm đủ, những giấy tờ tùy thân cơ bản nhất đã cầm trong tay, mới có thời gian để ngồi ghi lại những quan sát ban đầu của tôi về xã hội này.
1. Xã hội quy củ
Trước và cả sau khi tôi đi, mẹ lúc nào cũng dặn “Sang đấy cứ nghỉ ngơi một tuần cho hồi sức, rồi làm việc gì hãy làm, cứ từ từ, không đi đâu mà vội.” Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục tốn rất nhiều thời gian và nước bọt để giải thích cho mẹ tôi hiểu là xã hội này, mọi thứ đều phải đúng quy trình, tuần tự, không ai cho đốt cháy giai đoạn, kể cả có tiền cũng không thể đẩy nhanh công đoạn nào, và vì thế, nếu mình cứ nhởn nha, thì sẽ không thể xong được việc gì cả.
Đến khi thai được 28 tuần là tôi phải được đăng kí với bác sĩ sản. Ở Việt Nam, muốn khám thì cứ tạt vào một phòng khám hay bệnh viện nào đó, trả tiền, rồi chờ đến lượt. Ở đây, bác sĩ sản là chuyên khoa, phải qua giới thiệu của bác sĩ gia đình. Để có bác sĩ gia đình, tôi phải có thẻ bảo hiểm y tế. Để được cấp bảo hiểm y tế, tôi phải chứng minh được mình sống ở tỉnh Alberta. Để chứng minh điều đó, tôi phải có hợp đồng thuê nhà.
Chúng tôi đến Calgary lúc chín giờ tối thứ ba, với cái đầu lơ mơ và cái lưng đau nhức vì suốt cả ba chuyến bay tôi không ngủ được, thì sáng thứ tư đã bắt đầu đi khắp nơi để làm giấy tờ. Đầu tiên là ra ngân hàng để gửi chỗ tiền mặt cầm theo người. Rồi làm số bảo hiểm xã hội (social insurance number, SIN), gần giống như mã số thuế cá nhân ở Việt Nam. Ngay buổi chiều hôm đó, chúng tôi đi xem ba tòa chung cư khác nhau, trong đó một tòa là hẹn trước qua email từ khi còn ở nhà, một tòa là tình cờ tạt ngang trên đường, một tòa là đã xem qua mạng nhưng đến nơi mới gọi điện đặt hẹn. Ngay sáng hôm sau, chúng tôi quay trở lại một trong ba chỗ đó để nộp đơn xin thuê. Trước khi nộp đơn xin thuê, còn phải ra ngân hàng để lấy sao kê tài khoản nhằm chứng minh tài chính. Nộp xong xuôi rồi, hai đứa vẫn tiếp tục đi xem thêm một chỗ nữa, nhưng rất may là thấy mình quyết định đúng. Đến chiều thứ bảy thì ban quản lý tòa nhà thông báo đã duyệt đơn xin thuê. Qua ngày thứ sáu, thứ bảy, chủ nhật tranh thủ đi xin đồ đạc trong nhà của những gia đình người Việt ở đây từ trước, rồi tìm những chỗ garage sales để mua những thứ lặt vặt, liên hệ với người bán modem và công ty lắp Internet, đi nhờ xe một gia đình để mua những đồ mắm muối gạo dầu. Thứ hai có một anh tốt bụng chở giúp cho đống vali từ phòng thuê trên Airbnb đến căn chung cư chúng tôi thuê được. Thứ ba, đúng một tuần sau khi đến, tôi cầm hợp đồng nhà vừa kí đi đăng kí thẻ bảo hiểm y tế và đổi bằng lái xe. Một tuần sau nữa, thẻ bảo hiểm được gửi về nhà. Tôi tức tốc tìm bác sĩ gia đình gần chỗ mình ở.
Muốn đi khám, lại phải đặt hẹn. Đến ngày hẹn (một vài ngày kể từ khi đặt), đến gặp bác sĩ, bác sĩ viết cho cái đơn để đi xét nghiệm. Lại đi về, đặt hẹn với phòng xét nghiệm. Một vài ngày sau kể từ khi đặt hẹn, đến phòng xét nghiệm lấy máu và nước tiểu. Một vài ngày sau phòng xét nghiệm gửi kết quả về cho bác sĩ. Phòng khám của bác sĩ gọi điện cho mình, lại hẹn, một vài ngày sau đến để nghe kết quả. Đến nghe, bác sĩ bảo phải làm thêm vài xét nghiệm nữa. Chu trình trên lặp lại. Đến bây giờ tôi đã sắp 28 tuần, đang đợi đến ngày được đi xét nghiệm, và vẫn chưa được chuyển sang bác sĩ sản.
Nếu tôi nghe lời gia đình ‘cứ từ từ, nghỉ ngơi đã’, mà không vắt chân lên cổ làm mọi việc, thì không biết còn chậm trễ đến thế nào.
Nhiều khi cảm giác ở Canada người ta rất dư dả thời gian, lúc nào hẹn quay lại cũng đến vài ba tuần, tính bằng tuần chứ không phải bằng ngày. Mặt trái của sự quy củ là sự cứng nhắc. Ở Việt Nam, các thủ tục thường lộn xộn, không có hướng dẫn rõ ràng, nhưng điều đó thường đồng nghĩa với việc bạn có thể ‘xoay chuyển’ tình thế theo ý muốn của mình, nếu có tiền và mối quan hệ. Ở đây thì mọi người được đối xử công bằng, dĩ nhiên nếu cực giàu thì không nói, nhưng đa số dân chúng đều phải trải qua các quy trình, thủ tục và thời gian chờ đợi như nhau.
Khi chúng tôi đến một tổ chức chỗ trợ người mới đến để xin trợ giúp, họ có dịch vụ cấp cho đồ đạc cũ (furniture referral). Tôi hỏi, thì được trả lời “Chờ sáu tháng nữa nhé.” Ôi, đến tận sáu tháng nữa thì ai cần phải đi xin đồ đạc. Đồng chí chồng đi thi tiếng Anh, thi xong được bên thi cấp cho tờ giấy để chuyển đến hai chỗ học là hai trường cao đẳng. Lóc cóc đi hỏi thì cả hai trường đều đến tận tháng 1 mới có lớp khai giảng. Trong đó một trường thì lại ở quá xa, đi một chuyến tàu rồi lại phải đi một chuyến xe buýt mất cả tiếng đồng hồ. Chúng tôi tìm được một chỗ khác ngay gần nhà, lại có lớp, nhưng đến nơi thì họ lắc đầu, không thể đăng kí bạn chồng vì họ không nằm trên tờ giấy giới thiệu. Lại phải lặn lội quay lại chỗ thi, đề nghị họ sửa, thay tên của trường cao đẳng ở xa bằng trung tâm ở gần. Bên thi trả lời, “Muốn sửa lại thì phải đặt hẹn, ba tuần nữa quay lại nhé.”
Tôi đăng kí đi học lớp tiền sản, họ yêu cầu phải đánh giá hoàn cảnh. Ba tuần kể từ khi đăng kí mới được gặp nhân viên để họ đánh giá. Tôi đi kí hợp đồng phiên dịch, họ yêu cầu phải có tờ chứng nhận của cảnh sát và Sở trẻ em (Ministry of Children’s Services). Đi xe buýt và tàu xa lắc xa lơ, đến sở cảnh sát, có bác cảnh sát già gõ máy tính chậm như sên, đợi cả buổi chiều mới xong việc đăng kí, bác hẹn hai đến ba tuần sẽ gửi kết quả. Sở trẻ em cũng có thời gian chờ đợi tương tự. Tôi đến một chỗ hỗ trợ phụ nữ có thai, trong đó có phát quần áo trẻ em cũ do người dân quyên góp, cũng phải đợi gần một tháng mới đến lượt mình.
Thẻ tín dụng của bạn chồng đăng kí mở ngay hôm sau khi sang, đến giờ đã gần một tháng, vẫn chưa thấy gửi về.
Sự quy củ còn nằm ở chỗ, ai làm việc người nấy, trong cùng một tổ chức nhưng các bộ phận khác nhau không liên quan đến nhau. Vì thế chúng tôi vừa muốn tham gia các chương trình dành cho gia đình, vừa muốn tham gia các chương trình cho người đi làm, thì lại phải hẹn với nhân viên của từng bộ phận, ngồi vài tiếng với mỗi người, khai thông tin vào một tập dày cộp giấy tờ, và chờ đợi. Thời gian trôi qua thật chậm chạp.
Vì thế, mỗi khi có những người hỏi tôi những câu hết sức đơn giản trong quá trình nộp hồ sơ Express Entry, tôi hay tự nghĩ, nếu không chịu đọc, chọn lọc và sắp xếp thông tin thì làm sao sống được ở cái xã hội trật tự đến mức cứng nhắc này? Chỗ mà mọi thứ đều phải theo quy luật, trình tự, giai đoạn, nếu không biết đọc và làm theo hướng dẫn, thì sẽ chỉ chuốc lấy sự bực mình. Cũng có rất nhiều người hỏi tôi những câu đại loại như ‘mình biết là yêu cầu phải có IELTS General, nhưng mình đã có sẵn IELTS Academic thì có được miễn không?’, hoặc ‘mình học ở Anh ở Úc thì có được miễn thi IELTS không?’, tôi cũng nghĩ đến sự khuôn mẫu của xã hội Canada, mà các bạn cứ đòi mình được ưu tiên, được làm ngoại lệ, thì làm sao sống được.
Leave a Reply