Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Điểm Express Entry tiếp tục GIẢM, điểm chuẩn gần đây nhất là 415. Một vài người bạn của mình mới mở hồ sơ đã nhận được thư mời ngay trong tháng này. http://www.cic.gc.ca/english/department/mi/index.asp
Một băn khoăn chung của tất cả những người có manh nha nghĩ đến chuyện chuyển nơi ở, chưa nói đến bắt tay vào làm hồ sơ, là “Cứ cho là sang được, nhưng sang đấy rồi thì sống làm sao? Liệu có ai thuê mình không? Liệu mình có chết đói không? Chẳng lẽ cả đời đi bưng phở, làm móng, cào tuyết?”.
Đây là một băn khoăn hết sức chính đáng, nhất là vì phần lớn những người có thể đi theo dạng Express Entry là những người có học thức, có kĩ năng, và kinh nghiệm, một công việc và cuộc sống đã ổn định ở Việt Nam. Tự nhiên nghĩ đến việc bỏ tất cả và đến một nơi xa lạ, không quen biết ai và phải làm lại từ đầu, chắc chắn sẽ cảm thấy ít nhiều e ngại.
Thật ra mình chưa từng đi làm full-time cả Canada, vì tất cả thời gian mình từng sống ở đó đều là để đi học. Những công việc mình đã làm và được nhận lương đều là việc part-time, thời vụ. Hồi học đại học thì đi làm cho một nhà hàng Trung Quốc, thỉnh thoảng kiếm được những việc ngắn hạn trong trường như gọi điện thoại thông báo kết quả tuyển sinh cho thí sinh, dẫn tour phụ huynh và học sinh đi thăm trường, chạy lăng xăng hỗ trợ Open Day, và làm trợ lý nghiên cứu cho một giáo sư có nghiên cứu về Việt Nam. Hồi học thạc sĩ thì xịn hơn một tí, làm trợ giảng và dịch (nói và viết) theo dạng freelance cho vài tổ chức phi lợi nhuận. Thế nên mình thấy bản thân không đủ kinh nghiệm để nói về chủ đề này, nhưng vì có nhiều người hỏi quá, nên mình sẽ cung cấp những thông tin mình biết, còn lại những người quan tâm có thể tự tìm hiểu thêm.
Trước hết, mình sẽ nói về những bất lợi và ưu thế về mặt việc làm khi bạn sang Canada, mặc định là dưới dạng định cư (không phải đi học ngắn hạn).
BẤT LỢI:
1. Nền kinh tế của Canada không tăng trưởng mạnh. Lượng công việc không nhiều. Thỉnh thoảng ngày xưa ở khoa mình học mời cựu sinh viên về nói chuyện, các thạc sĩ, tiến sĩ kể chuyện mỗi tuần dành 20 giờ để xin việc, sau 6 tháng gửi đi 2000 hồ sơ, mà không được việc gì.
Đã thế, đất rộng người thưa, chi phí vận chuyển giữa các khu dân cư khiến giá cả tiêu dùng bị đội lên, cái gì cũng đắt hơn so với Mỹ. Nhiều người dân Canada thậm chí đến mùa khai giảng còn sang bên kia biên giới để mua đồ dùng học tập cho con. Kinh tế bị phụ thuộc vào tình hình biến động của Mỹ và đồng đô la Mỹ rất nhiều. Đã thế tuổi về hưu cao (65), ở một số công việc đặc thù, ví dụ như giáo sư đại học, thích làm đến bao giờ thì làm, nên những người đã ấm chỗ thì cũng ít khi nhả ra cho người mới.
2. Không những thế, gần đây lượng công việc gia công còn được chuyển sang các nước nghèo hơn, khiến một lượng lớn lao động bị dư thừa. Có lần mình nói chuyện với một bác người Việt gốc Hoa, cách đây mấy chục năm bác nuôi gia đình dễ dàng bằng lương công nhân lắp ráp phụ tùng ô tô, nhưng gần đây công ty chuyển nhà máy sang Mexio, bác bị cho nghỉ việc, giờ đứng cạo vẩy cá trong siêu thị Tàu.
Xu hướng gần đây nữa là chuyển cả các công việc hành chính, dịch vụ sang các nước có giá nhân công rẻ hơn, như Ấn Độ hay Philippines. Ví dụ như virtual assistant, hoặc những việc nhập dữ liệu, lọc hồ sơ, sắp xếp thông tin đơn giản, khá nhiều đã chảy ra bên ngoài.
3. Một điều bất lợi rất lớn, và đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra, là khi bạn xin việc, tình trạng kì thị ngầm rất phổ biến. Tên của bạn không phải là tên tiếng Anh thì khả năng bạn được gọi phỏng vấn giảm đi rất nhiều, kể cả khi trình độ học vấn và kinh nghiệm tương đương với một người có cái tên tiếng Anh khác. http://www.npr.org/…/asian-last-names-lead-to-fewer-job-int…
Chưa nói đến việc nếu resume xin việc của bạn toàn kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài, bằng cấp ở nước ngoài (lại là một nước như Việt Nam), thì hầu như khả năng bị bỏ qua là rất cao. Đây là trải nghiệm của cả những người từ châu Âu sang Canada, chứ không chỉ cả nước đang phát triển.
LỢI THẾ:
1. Lợi thế đầu tiên là sự đầu tư của chính phủ Canada để hỗ trợ những người mới đến. Họ MỜI bạn sang định cư, chứ không phải bạn XIN sang. Nên nhớ rằng có sự khác biệt giữa người tị nạn, là được định cư theo diện nhân đạo, còn các chương trình như Express Entry, là để sàng lọc người định cư theo khả năng đóng góp cho kinh tế. Theo nghiên cứu, chính phủ Canada nhận thấy khi đầu tư để hỗ trợ cho một người mới đến trong năm đầu tiên, để họ hòa nhập và có việc làm thì họ sẽ nhanh chóng đóng góp trở lại cho nền kinh tế (qua tiền thuế).
Canada là nước thiếu dân, tỉ lệ sinh tự nhiên không đủ để gánh vác dân số già, bỗng dưng không cần nuôi 18 năm mà có một người trưởng thành có học thức, có khả năng đóng góp cho nền kinh tế, đấy là lý do vì sao họ muốn bạn (hay đúng ra là khả năng lao động và tuổi trẻ của bạn).
2. Khi sang theo dạng PR, bạn được hưởng hầu hết các quyền lợi như công dân, trừ việc chưa có hộ chiếu và chưa có quyền bỏ phiếu. Một trong các quyền lợi đó là sự ưu tiên khi xét tuyển việc làm. Phần lớn các tin tuyển dụng đều có một dòng ở dưới “Chúng tôi cung cấp cơ hội công bằng cho tất cả mọi người, nhưng công dân và người định cư sẽ được ưu tiên”. Có tư cách PR là bạn đã hơn đứt lượng du học sinh mới ra trường, đi làm với work permit có thời hạn, hay các dạng người đi làm tạm thời khác.
Ôi, viết ra dài quá, mình sẽ viết các gợi ý để tìm việc sang một bài sau vậy.
Leave a Reply