Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Vì mình có kinh nghiệm với chương trình Express Entry, nên mình sẽ chủ yếu viết về chương trình này.
Sau các bài chia sẻ thông tin về định cư Canada, mình nhận được khá nhiều câu hỏi. Trong quá trình hỏi, một số người kể với mình những điều các trung tâm tư vấn đã nói với họ. Dĩ nhiên mình luôn chủ trương cái gì tự làm được thì không nên mất tiền cho người khác, nhưng mình hiểu có một số người vui vẻ bỏ tiền ra để đỡ mất công mày mò tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, có một số “lời đường mật” mình nghe được rất kinh khủng, có một số thì vô lý đến mức buồn cười, nên mình tổng hợp lại để chia sẻ với những người quan tâm.
1. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Bên tư vấn đảm bảo xin được công việc là làm thu ngân, và với công việc đó đảm bảo khách sẽ nhận được thư mời của một tỉnh tại Canada.
SỰ THẬT: Các tỉnh tại Canada đều có chương trình định cư cho người nước ngoài theo diện lao động tay nghề cao, hoặc có kinh nghiệm trong một số ngành nghề mà tỉnh đang thiếu lao động. Dĩ nhiên, một công việc không đòi hỏi kĩ năng, chỉ cần đứng bấm máy như làm thu ngân không bao giờ được xếp là diện tay nghề cao.
Những nghề như thu ngân, làm ở cửa hàng ăn nhanh, rửa ô tô, cắt cỏ…thường được trả mức lương tối thiểu, hoặc chỉ nhỉnh hơn một chút. Thiếu niên 14 tuổi trở lên đã có thể làm những công việc này để kiếm tiền tiêu vặt. Không bao giờ họ thiếu người đến nỗi mời người nước ngoài đến để làm thu ngân. Muốn biết một nghề có thuộc diện tay nghề cao hay không, bạn chỉ cần gõ từ khóa vào đây http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/noc.asp
2. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Đi du học là cách an toàn và chắc chắn nhất để xin định cư, và nếu đã có bằng đại học thì tốt nhất là nên học post-graduate một năm, nếu sau đó muốn học lên Master cũng thuận lợi hơn.
SỰ THẬT: Canada hiện giờ có khá nhiều ưu ái cho du học sinh, bởi họ cho đây là nhóm người trẻ, nhiều tiềm năng, dễ thích ứng, và trong quá trình đi học đã có thời gian để hòa nhập với xã hội ở đây. Một số tỉnh như Ontario có chương trình nhập cư dành riêng cho người tốt nghiệp thạc sĩ, chỉ cần học xong thạc sĩ là có thể nộp hồ sơ định cư, không cần có công việc (tuy nhiên chương trình này đóng mở khá thất thường).
Học post-graduate chỉ có một năm, sau khi học xong chỉ xin được work permit có giá trị một năm. Trong thời gian đó chưa chắc bạn đã xin được việc, chưa kể nhà tuyển dụng nhìn thấy giấy phép đi làm chỉ có một năm thì thường không muốn tuyển. Đây là một dạng chứng chỉ, thường dành cho những người đã đi làm rồi, muốn nâng cao chuyên môn trong một lĩnh vực rất hẹp.
Nếu ý định của bạn là học Master thì học post-graduate cũng không liên quan gì lắm. Tiêu chí để xét đầu vào cho một chương trình thạc sĩ thì tùy ngành, nhưng phần lớn là điểm đại học, kinh nghiệm chuyên môn, các thành tích học thuật, hướng nghiên cứu. Mình nghĩ các bên tư vấn thường hay đưa ra lựa chọn này vì đăng kí học post-graduate rất dễ, theo kiểu cứ đóng tiền là đi học, họ sẽ dễ lấy tiền của khách, còn sau một năm đó như thế nào thì “sống chết mặc bay”.
3. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Muốn xin đi học ở Canada thì cứ làm visa du lịch sang đó trước, rồi apply từ Canada sẽ dễ hơn.
SỰ THẬT: Khi bạn ở Canada với tư cách du lịch, bạn không được đi học hay đi làm, và nếu muốn đi học thì bạn cũng phải trải qua quá trình xin visa, xin admission không khác gì xin từ Việt Nam. Nếu mục tiêu của bạn là sang trước cho đỡ bỡ ngỡ, và bạn có đủ tiền để làm thế, thì không sao. Nhưng nếu chỉ xét về việc nộp đơn xin học, thì nộp từ Việt Nam chẳng có bất lợi gì hơn nộp từ Canada cả, bạn sẽ được visa để đi học, lại đỡ tốn khối tiền.
Cũng như trên, mình nghĩ việc xin visa du lịch khá là dễ so với xin visa đi học, nên các công ty tư vấn hay khuyên khách làm như vậy cho dễ lấy tiền.
4. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Nộp hồ sơ định cư theo diện Express Entry sẽ phải có một hội đồng xét duyệt, và đại diện của công ty tư vấn phải thay mặt khách hàng phản biện trước hội đồng giống như bảo vệ luận văn tiến sĩ.
SỰ THẬT: Nếu bạn nghĩ CIC có đủ thời gian và nhân sự để lập hội đồng cho từng trường hợp xin định cư thì chắc quá nửa dân số của Canada đi làm cho CIC mất.
Nói chung khi nghe chuyện này mình có hai suy nghĩ. Một là độ sáng tạo để dọa cho khách hàng sợ của các công ty tư vấn quả thật đáng nể. Hai là có vẻ như thói quen nghe lời người quen, thay vì truy tìm nguồn gốc của thông tin (trong khi thông tin rõ ràng, minh bạch, và chỉ cần một cú nhấp chuột) vẫn rất phổ biến, kể cả những người trí thức, đi học nước ngoài, đọc tiếng Anh nhoay nhoáy.
5. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Đến vòng thứ hai của Express Entry là phải có job offer ở Canada, và để được như thế thì cần nhờ đến công ty tư vấn “chạy việc” cho.
SỰ THẬT: Cái này thì chỉ cần đọc thông tin trong các trang của CIC là sẽ thấy chẳng có yêu cầu nào như vậy. Có một ngạch của Express Entry là yêu cầu có việc làm tại Canada, nhưng nếu bạn apply theo dạng đó, thì bạn cần có job offer và giấy tờ để chứng minh ngay từ bước mở hồ sơ, không phải đợi đến vòng hai vòng ba gì cả.
Để một employer ở Canada thuê một người nước ngoài, họ phải trải qua nhiều thủ tục chứng minh là họ không tìm được người làm được việc đó tại Canada. Vậy thì trừ khi bạn là bác sĩ phẫu thuật tim, giám đốc vùng của tập đoàn đa quốc gia hay có kĩ năng gì đó cực kì đặc biệt, còn lại thì đừng tin là bỏ tiền ra là ai đó sẽ lo cho bạn một công việc chờ sẵn.
6. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Công ty tư vấn có chân trong là người làm ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán. Họ có thể phù phép để hồ sơ của bạn được chấp nhận.
SỰ THẬT: Có thể những người làm ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán sẽ hiểu rõ về quy trình làm hồ sơ và nói cho bạn cần làm những bước nào, nhưng bạn cũng có thể tìm thông tin đó trên các nhóm Facebook, hỏi những người đi trước. Tư duy “chân trong” phổ biến ở các cơ quan nhà nước của Việt Nam không áp dụng trong trường hợp này. Mình tin là, nếu một nhân viên người Việt ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán thử tìm cách gây ảnh hưởng lên kết quả của một hồ sơ, họ đã không còn giữ được vị trí của mình từ lâu rồi.
7. LỜI ĐƯỜNG MẬT: Profile không nổi bật, nhưng công ty tư vấn sẽ vạch ra lộ trình cụ thể, khách cứ thế mà theo, rồi công ty lấy tiền theo từng giai đoạn.
SỰ THẬT: Lộ trình mà một bên tư vấn vạch ra cũng không có gì hơn là những bước hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết đã có trên website của CIC. Nếu bạn đọc hết, đọc kĩ, bạn sẽ biết mình phải làm gì. Còn để đánh giá mình có khả năng hay không, bạn có thể tự tính điểm cho bản thân theo hướng dẫn ở đây, chẳng cần xin ý kiến chủ quan của ai cả. http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/grid-crs.asp
Mình xin nhắc lại là mình KHÔNG có ý định cung cấp dịch vụ tư vấn, hay hưởng lợi gì từ việc bỏ thời gian để trả lời câu hỏi hay chia sẻ thông tin như thế này. Mình chỉ thấy có rất nhiều người mù mờ (bị tư vấn theo kiểu dọa dẫm thì lại càng sợ), và nhiều khi một chút thông tin đúng hướng sẽ giúp họ vỡ vạc ra được nhiều.
Phần lớn các câu hỏi mình nhận được rơi vào ba kiểu sau:
Kiểu 1:
– Bạn ơi, cho mình hỏi chút được không?
– Em chào chị
– Vân ơi
– Mình xin ít tư vấn
Sau đó không nói gì thêm
Kiểu 2:
– Chị ơi, có chấp nhận điểm TOEFL không?
– Bạn ơi, làm đánh giá bằng ở đâu nhỉ?
– Có cần cả hai người phải đi thi IELTS không?
Tóm lại là những thông tin đã có sẵn, nếu chịu bỏ nửa tiếng ra đọc thì sẽ không cần phải hỏi
Kiểu 3:
– Em ơi, chị 40 tuổi rồi thì có khả năng đậu visa không?
– Bạn ơi, có chương trình nào cho người trên 30 không?
Trong trường hợp này mình chỉ có thể gợi ý từ khóa là các chương trình provincial nominee của tỉnh, xin mời mọi người tự đọc tiếp. Mình không phải là luật sư hay chuyên gia tư vấn định cư.
Mình rất vui lòng trả lời giúp mọi người khi có thắc mắc (trong khả năng hiểu biết của mình), nhưng chỉ khi người hỏi đã đọc kĩ và tự tìm thông tin, hoặc ít nhất là những đường link mình đã đưa ra trong những bài trước. Mình cực kì thiếu kiên nhẫn với những câu hỏi kiểu ăn sẵn, chưa chịu đọc. Nếu bạn đã muốn chuyển sang một đất nước khác sinh sống, đọc và chọn lọc thông tin là kĩ năng đầu tiên bạn cần. Nếu không làm được việc đó thì không thể tự xoay xở được khi phải đối mặt với muôn vàn cái mới trong cuộc sống mới đâu.
Cuối cùng, vẫn nhắc lại là mình KHÔNG có ý định cung cấp dịch vụ tư vấn, nên đừng ai liên hệ xin số điện thoại, xin nói chuyện trực tiếp, thậm chí xin đến nhà gặp để “em tư vấn giúp chị” nhé.
Leave a Reply