Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Có nhiều cách để định cư (permanent residence – PR) ở Canada. Diện đoàn tụ gia đình (vợ chồng, cha mẹ – con cái), diện tị nạn (phải chứng minh là nếu không được Canada nhận vào thì sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng), diện học tiến sĩ (cứ học hết năm thứ 2 của chương trình tiến sĩ là được xin PR), diện đầu tư (bỏ một khoản tiền lớn vào nước này), diện doanh nhân (chứng minh là sẽ mở công ty, tạo công ăn việc làm cho người Canada), diện nghệ sĩ hay vận động viên đi sang biểu diễn, vân vân và vân vân.
Tuy nhiên, mình sẽ nói về diện lao động có kĩ năng (skilled worker), đây là nguồn dân nhập cư chủ lực của Canada, và cũng là diện phù hợp nhất với đông đảo anh chị em chúng ta.
1. Express Entry là gì?
Đây là một chương trình mà CIC (Cơ quan di trú Canada) bắt đầu triển khai từ năm 2015. Đọc tên cũng hiểu, mục đích của chương trình này là đơn giản hóa quy trình thủ tục. và làm sao để người nộp hồ sơ đặt chân đến Canada trong thời gian ngắn nhất.
http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/
Mình hay giải thích về EE cho những người không biết là nó khá giống thi đại học. Bạn được một số điểm nhất định, người ta sẽ lấy từ trên xuống cho đủ số người họ muốn. Khi nào số điểm chuẩn bằng hoặc thấp hơn số điểm của bạn, thì bạn được mời nộp hồ sơ. Mỗi tháng có 2 đến 3 đợt lấy người như vậy.
2. Quy trình của EE như thế nào?
Đầu tiên, bạn tạo hồ sơ miễn phí, khai các thông tin được yêu cầu về tuổi tác, trình độ học vấn, điểm IELTS, số năm kinh nghiệm, vợ chồng con cái. Dựa trên những thông tin bạn khai, hệ thống sẽ tính điểm cho bạn. Bạn có thể tự tính điểm cho mình tại đây http://www.cic.gc.ca/english/express-entry/grid-crs.asp
Sau khi bạn được điểm, mỗi tháng chương trình sẽ tung điểm chuẩn 2 hoặc 3 lần, điểm cao hay thấp tùy theo đợt đó muốn lấy bao nhiêu người, và những người khác điểm có cao hay không. Nếu bạn đạt hoặc hơn điểm chuẩn, bạn sẽ nhận được thư mời nộp hồ sơ.
Đến bước này, bạn chỉ cần gom các giấy tờ để chứng minh những thông tin bạn đã khai từ trước, đi khám sức khỏe, nộp tiền, rồi đợi người ta xét hồ sơ. Nếu giấy tờ không có gì sai hay đáng nghi ngờ, bạn sẽ nhận được visa để sang Canada chậm nhất là trong vòng 6 tháng.
3. Tại sao chương trình này phù hợp với bạn?
Có bốn yếu tố chính để làm nên điểm số của bạn: tuổi tác, học vấn, trình độ tiếng Anh (hoặc Pháp), và kinh nghiệm làm việc. Canada cần những người trẻ, có học, có kĩ năng, và có ngôn ngữ tốt. Một thời kì họ mở cửa cho những người Trung Quốc giàu có ồ ạt vào theo diện đầu tư, họ mua trang trại, nhưng sau đó để không vì quá giàu không cần làm ăn gì. Điều này vừa gây lãng phí đất, vừa gây ứ đọng dòng tiền. Chính vì thế, những năm gần đây, Canada chuyển hướng khuyến khích người trẻ học rộng tài cao, không cần nhiều tiền.
Nếu tính điểm theo thang hiện tại, hồ sơ của một cặp vợ chồng trẻ có thể như sau.
Vợ (đứng đơn):
Tuổi tác: 20-29 tuổi — 100 điểm
Học vấn: thạc sĩ — 126 điểm
IELTS: 7.0 — 116 điểm
ĐIểm cộng: Có bằng thạc sĩ + IELTS 7.0 — 50
3 năm kinh nghiệm + IELTS 7.0 — 50
Chồng (đi kèm):
Học vấn: đại học — 8 điểm
IELTS: 6.0 — 12 điểm
Tổng điểm là 462.
Vào link sau sẽ thấy với số điểm như trên, cặp đôi này đã vượt điểm chuẩn của 4 đợt gần đây nhất. http://www.cic.gc.ca/english/department/mi/ita.asp
Hoặc hồ sơ của một người độc thân.
Tuổi: 20-29 tuổi –110 điểm
Học vấn: thạc sĩ — 135 điểm
IELTS: 7.0 — 124 điểm
Điểm cộng: Có bằng thạc sĩ + IELTS 7.0 — 50
3 năm kinh nghiệm + IELTS 7.0 — 50
Tổng điểm là 469
Tương tự như trên, người độc thân này cũng vượt điểm chuẩn của 4 đợt gần đây nhất.
Cách tính điểm này đặt rất nhiều tầm quan trọng vào điểm IELTS, vì nếu điểm IELTS cao (7.0 trở lên) thì số điểm thưởng tăng gấp đôi (từ 25 lên 50), với cùng số năm kinh nghiệm và học vấn.
Tuổi tác cũng là yếu tố quan trọng, vì từ 30 trở đi, cứ một năm tuổi lại bị trừ đi 5 điểm. Như vậy là thấy Canada ưu ái người trẻ, đang trong độ tuổi sung sức, làm nhiều ít ốm (vì khi có PR bạn sẽ được hưởng y tế miễn phí, nên dĩ nhiên họ thích thanh niên khỏe mạnh)
Nhưng kinh nghiệm đi làm không quá quan trọng, vì số điểm tối đa dừng ở 3 năm. Có nghĩa là dù bạn đi làm 3 năm hay 10 năm thì cũng không khác gì nhau. Điều đáng lưu ý ở đây là họ không quan tâm chức vụ, mà chỉ yêu cầu kinh nghiệm của bạn là trong một công việc có kĩ năng (skilled). Bồi bàn thì không được tính, nhưng đầu bếp thì được. Nhân viên bán hàng thì không được tính, nhưng quản lý cửa hàng thì được. Họ cũng không quan tâm bạn có chức to và nhiều nhân viên dưới quyền hay không. Xem danh sách các việc được tính là có kĩ năng ở đây http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/noc.asp
Như vậy, nếu bạn có bằng thạc sĩ, 1-3 năm kinh nghiệm làm việc, IELTS được 7.0 (lưu ý là thi IELTS General chứ không phải IELTS Academic, phần đọc và viết dễ hơn academic rất nhiều), và mấp mé 30 tuổi, thì bạn chính là người lọt mắt xanh của Canada đấy.
Những bạn có bằng đại học cũng có cơ hội rất lớn nếu điểm IELTS cao và trẻ. Ngoài ra, chính sách của Canada tiếp tục đẩy mạnh việc nhập cư, vì thế dự đoán là điểm chuẩn tiếp tục giảm. Đợt tháng 2 vừa rồi là điểm thấp nhất kể từ khi chương trình này đi vào vận hành.
Có một điều mình thấy cảm kích, là những thư tự động gửi từ CIC trong quá trình mình làm hồ sơ, thường được kết thúc bằng câu “Thank you for your interest in Canada”. Mình đang xin được vào nước người ta, mà họ lại cảm ơn mình, bảo làm sao mà không xúc động.
Leave a Reply