Mình sẽ viết một loạt bài để chia sẻ những thông tin mình nghĩ là rất có ích, mà ít người biết đến, về việc xin định cư ở Canada. Những thông tin này là do mình đọc được, nghe được, và từ trải nghiệm cá nhân. Mình không có ý định tư vấn hay mời chào dịch vụ gì cả, cũng không khẳng định rằng mọi điều mình biết đều đúng. Nếu mọi người có thắc mắc thì mình sẽ trả lời trong giới hạn mình biết và có thể đưa link để tự tìm hiểu thêm.
Vì mình có kinh nghiệm với chương trình Express Entry, nên mình sẽ chủ yếu viết về chương trình này.
Khi nói chuyện về việc chuyển sang nước khác sống, ở đây cụ thể là Canada, mình thấy có khá nhiều điều mọi người hiểu sai. Cụ thể như này.
1. Những người đi được phải là đại gia, nhà giàu
Canada là một nước khuyến khích nhập cư, coi đây là một trong những chiến lược để phát triển kinh tế lâu dài. Vì thế, họ cực kì ưu ái nguồn nhân lực trẻ, có học thức, tiếng Anh (hoặc Pháp) tốt, và có kinh nghiệm làm việc.
Chỉ có một chương trình định cư mà bạn cần nhiều tiền, đấy là đi theo dạng đầu tư. Đấy là một cách để quốc gia này thu hút ngoại tệ. Bạn có tiền, bạn chứng minh được là bạn sẽ tạo ra công ăn việc làm cho người Canada, thì bạn được chào đón.
Sự thật là: Tất cả những chương trình định cư còn lại đều không đặt yếu tố tài chính lên hàng đầu. Thực tế là, phần lớn đều chỉ yêu cầu bạn chứng minh số tiền họ cho là đủ để bạn sống trên mức nghèo khổ trong vòng một năm, tức là khoảng hơn 12k cho một người và hơn 15k cho 2 người http://www.cic.gc.ca/english/immigrate/skilled/funds.asp.
2. Phải là người từng đi du học ở Canada mới có cơ hội
Đúng là nếu bạn đã từng sống ở Canada thì bạn sẽ có lợi thế hơn một chút. Cụ thể là, bạn được cộng thêm 30 điểm nếu có bằng tốt nghiệp tại Canada. Tuy nhiên, bạn có thể bù đắp 30 điểm này bằng các cách khác, hoặc với tình hình điểm số như hiện nay, bạn không cần đến 30 điểm vẫn đủ để được mời định cư.
Sự thật là: dù bạn tốt nghiệp đại học (hay thạc sĩ, tiến sĩ) ở đâu, thì bạn cũng được cộng điểm. Bạn mất thêm chút công sức và tiền bạn để làm một thủ tục gọi là “đánh giá bằng” , sau đó thì việc bạn học trong nước hay ngoài nước cũng tương tự nhau.
Nếu bạn đọc tiếng Anh tốt, và chịu khó tìm hiểu thông tin trên mạng, thì bạn còn hơn đứt nhiều người học tại Canada nhưng vẫn mù mờ.
3. Phải nhờ đến văn phòng tư vấn thì hồ sơ mới ổn
Mình chưa bao giờ sử dụng dịch vụ của các công ty tư vấn. Cả hai lần xin visa đi học đều tự tay làm từ A đến Z. Việc tự làm, tự đọc, tự nộp hồ sơ giúp mình nắm rõ những thứ cần thiết, thay vì phải phụ thuộc vào một người khác. Các thông tin về cách thức, yêu cầu của hồ sơ đều rõ ràng, dễ hiểu và đầy đủ trên trang web chính thức của Bộ di trú Canada. Bạn cứ chiếu theo yêu cầu mà làm, thì không có lý do gì cần mất tiền cho công ty tư vấn cả.
Mình sẽ kể một chuyện này để chứng minh việc không qua trung tâm có lợi như thế nào. Năm 2014, chồng mình xin visa theo diện chồng của sinh viên, vì lúc đó mình đang học thạc sĩ ở Canada. Lúc đó phía CIC đã cấp cho một mã khám sức khỏe, nhưng khi mang đến nơi khám ở Hà Nội thì họ nói không tìm thấy mã CIC đã cấp, và tự cấp lại mã mới. Chồng mình cầm mã đó đi khám, và được cấp visa bình thường.
Lần này, bọn mình lại đến chính chỗ đó để khám sức khỏe, thì họ nói chồng mình đang còn một mã trong hệ thống. Họ khẳng định rằng điều đó có nghĩa là chồng mình đang có một hồ sơ xin visa chưa được xử lý, và khi mình ra sức giải thích về việc xảy ra lần trước, thì họ không nhận nguyên nhân là từ phía họ. Mình phải về nhà in hết các thông tin, trao đổi, giấy tờ, email từ lần trước để chứng minh.
Nếu như lần trước mình sử dụng dịch vụ của một trung tâm, mà không theo dõi sát sao từng chi tiết, thì chắc chắn đã khóc ròng vì không biết lục lại thông tin từ năm 2014 ở đâu rồi.
4. Sang đó chỉ đi làm nail thôi
Có một số bạn mình biết muốn tìm cơ hội định cư ở nước ngoài, nhưng khi mình nói về việc sang Canada, thì thắc mắc đầu tiên thường là: “Sang đấy rồi đi làm nail để sống à?”.
Không ai phủ nhận việc chuyển sang một quốc gia khác và hòa nhập với cuộc sống ở nơi mới là vô cùng khó khăn. Nhất là với những người đã có một công việc ổn định và đang có một mức thu nhập thoải mái ở Việt Nam, thì dứt bỏ để làm lại từ đầu không hề dễ chút nào.
Sự thật là: chính phủ Canada có rất nhiều hỗ trợ cho người mới nhập cư, vì nghiên cứu của họ chỉ ra rằng, đầu tư một chút cho những người này thì chính họ sẽ làm ra của cải, và nền kinh tế của Canada sẽ hưởng lợi. Bạn sẽ được học tiếng Anh miễn phí, học đại học/cao đẳng bằng mức học phí của dân bản xứ (bằng 1/3 học phí cho sinh viên quốc tế). Bạn sẽ được tham dự các khóa huấn luyện kĩ năng tìm việc làm miễn phí, được dẫn dắt vào các mạng lưới của những người đi làm (professional network). Bạn sẽ được vay tiền của chính phủ với mức lãi suất ưu đãi nếu muốn đi học. Như hồi chồng mình ở một năm, mặc dù chưa phải là định cư, nhưng khi có một cuộc phỏng vấn, người hỗ trợ đã trao đổi với nhà tuyển dụng là chính phủ sẽ cấp tiền để công ty đó trả lương cho chồng mình trong vòng 6 tháng hay 1 năm đầu nếu họ nhận anh ấy vào làm.
Nếu bạn có kĩ năng, đầu óc thực tế (không mộng tưởng rằng ở Việt Nam làm trưởng phòng thì sang đó cũng làm manager), và tinh thần chịu khó, thì với sự hỗ trợ của một xã hội vô cùng chào đón người nhập cư, bạn sẽ ổn thôi.
Phần 2 mình sẽ viết cụ thể hơn về chương trình Express Entry, một chương trình định cư mà những người chưa từng sống ở Canada, có bằng đại học, vài năm kinh nghiệm và vốn tiếng Anh tạm ổn là có thể đặt chân lên đất nước này với thẻ định cư trong vòng 6 tháng.
Leave a Reply