Tuần trước, mình và chồng đến một tổ chức giúp đỡ người mới đến để đăng ký tham gia vào chương trình kết nối với người dân địa phương. Những người này tình nguyện dành thời gian để giúp đỡ những người mới đến ổn định cuộc sống, học hỏi về văn hóa và những vấn đề đời thường ở Canada. Sau một hồi nói chuyện, người điều phối của chương trình nói ngay: “Cô nghĩ có một đôi vợ chồng bác này chắc chắn sẽ rất hợp với cháu”.
Ngay sáng hôm sau, bọn mình được mời đến để gặp hai bác B và W. Hai bác có con xấp xỉ tuổi bọn mình, và đã tham gia chương trình này hai chục năm.
Sau cuộc gặp chính thức ở văn phòng, bác gái đưa bọn mình đi ăn bánh, uống trà, nói chuyện phiếm thêm một tiếng. Hôm sau, sáng thứ 7, bác trai đến chỗ bọn mình ở, rồi ngồi cạnh để bọn mình tập xe. Vừa đi, bác vừa chỉ các công trình bên đường rồi giải thích về lịch sử, phân bổ địa lý của thành phố. Bác nói cho bọn mình nên đi chợ ở đâu, đi trên đường này thì cần lưu ý gì.
Bác trai dẫn bọn mình đến căn nhà con trai bác đang xây, rồi đứng nói chuyện rất lâu về việc con gái bác làm nghề nuôi ong lấy mật, về ông thông gia (bố chồng của con gái) là giáo sư về não bộ người Hà Lan, sau vì thích nuôi ong quá mà chuyển hẳn sang nghề ong, về việc ở Calgary rất lạnh nên người ta phải nhập ong chúa từ Hawaii về, rồi dùng những bà ong chúa đấy để nhân đàn trong thời gian nắng ấm ngắn ngủi. Bác kể, vì bác sống ở nông thôn (ngoài rìa thành phố), nên con trai bác và bạn dọn cỏ trên một ngọn đồi, rồi cứ đến mùa xuân thì nam thanh nữ tú trong vùng nô nức đợi đến một ngày cố định, để đến đua xe trên đường đua do con bác tự tạo. Nghe bác kể mà mình thấy không khác hội xuân trên những bản làng miền núi ở Việt Nam là mấy.
Sáng ngày tiếp theo, chủ nhật, hai bác lại đến đón bọn mình đi mua rau củ quả tươi giá rẻ, là một sự kiện một năm chỉ có một lần để khuyến khích người dân ăn rau củ quả. Bình thường một quả dưa hấu ở siêu thị bán $9, thì hôm đó chỉ bán $3. Hai bác bảo, cứ mua thoải mái đi, nhà bác có phòng lạnh để trữ đồ ăn ở tầng hầm, có gì cho bọn mình gửi nhờ ở đó. Hai đứa hì hục mua một thùng chuối, một thùng cherry, chục quả dưa hấu, và một đống các thứ rau củ quả khác, chất lên xe tải của bác trai để chở về.
Trên đường đi, mình hỏi bác W, duyên cớ nào mà hai bác tham gia chương trình này. Bác W nói, bác không muốn Canada giống như Mỹ, có sự phân chia rất lớn giữa các sắc tộc, nên bác muốn làm điều mình có thể để những người mới đến cảm thấy như ở nhà, và mọi người đều học cách để tôn trọng lẫn nhau. Bác kể nhiều về những gia đình bác từng giúp đỡ trong hai thập kỷ qua, phần lớn họ là những người tị nạn, có những người vừa thoát khỏi chiến tranh, đến Canada với quá khứ đầy tổn thương và sợ hãi, nhiều người không hề nói được câu tiếng Anh nào.
Nhưng bác dành thời gian nhiều hơn để nói về những điều mà gia đình bác thu gặt được. Các con bác lớn lên và được tiếp xúc với những người đến từ Bosnia, từ Nhật, từ Nga, từ Iran, và học cách chia sẻ. Mỗi lần có gia đình mới đến, các con bác lại soạn quần áo và đồ chơi để tặng cho con cái của những gia đình kia. Những đứa trẻ chơi với nhau bằng ngôn ngữ riêng của chúng, không cần giao tiếp bằng tiếng nước tôi hay tiếng nước bạn. Bác nói con gái bác lớn lên làm những việc trong ngành phát triển cộng đồng, rất hòa đồng và cảm thông với mọi người, còn con trai làm xây dựng nhưng đi đâu cũng được quý vì rất nhạy cảm với cảm xúc của người khác.
Câu trả lời của bác khiến mình nghĩ về thái độ với việc làm tình nguyện. Thời gian hai bác dành cho bọn mình hoàn toàn không được ai công nhận, không có bằng ghi công, không có tổ chức nào đứng ra chụp ảnh để đăng lên Facebook. Chỉ là làm vì muốn làm, vậy thôi. Làm vì hai bác cảm thấy ‘được nhận’ khi ‘cho đi’, và thành thật thấy biết ơn cơ hội được tiếp xúc với những người đến từ những nền văn hóa khác. Mình có cô bạn làm việc với phụ nữ nông thôn nghèo ở Hòa Bình. Bạn nói rất sợ dẫn khách du lịch người Việt đến thăm các chị, vì nhiều khi họ tỏ thái độ rằng các chị chưa đủ nghèo, rằng như thế thì chưa có gì đủ khổ để họ cảm thấy thỏa mãn nhu cầu làm từ thiện, mong muốn được làm người tốt, và khát khao được xã hội công nhận tấm lòng của mình.
Mới hôm rồi, bọn mình nhờ bác trai mang đến cho chỗ chuối và dưa hấu còn gửi ở nhà hai bác, bác gái gửi theo một thùng, mở ra thấy rất dễ thương. Có hai cái bàn chải, một cái lược, một bộ chăn ga mới nguyên, một bộ dao thìa dĩa, một bộ cắt dũa móng tay, và mấy cái khăn lau. Mình thấy dễ thương nhất là hai cái bàn chải. Có lẽ bác đã quen với những người đến Canada mà không có gì trong hành lý, nghĩ chu đáo đến cả cái bàn chải.
Có nhiều điều dễ thương khác. Bác gái viết email, bảo mình đi ra ngay siêu thị để mua bỉm đi, đang giảm giá mạnh. Mở đầu email, bác viết “Này các con” (Hey kids). Khi mình kể rằng có nói với mẹ việc được gặp hai bác, bác gái cũng bảo: “Giờ thì có cả mẹ người Canada rồi!”
Mình bảo chồng: “Bọn mình may mắn gặp được nhiều người tốt, phải cố mà không coi việc đó là đương nhiên. Nếu đến một đất nước khác, chưa chắc đã được chào đón và chăm sóc như vậy.” Lần nào gặp nhau hay chào tạm biệt, hai bác cũng giang rộng vòng tay để ôm bọn mình vào lòng.
Canada lúc nào cũng tự hào là một đất nước tôn vinh sự đa dạng. Nếu mỗi người dân, trong cuộc sống hàng ngày của họ, đều sống lý tưởng của đất nước như vậy, thì đó hẳn là một quốc gia tốt.
Leave a Reply