Một trong những người bạn Canada thân thiết nhất của mình là một bà cụ.
Lần đầu tiên gặp bà, mình 18 tuổi, còn bà gần 70 tuổi. Lần gần nhất gặp bà, mình đã 30, dắt theo con gái, còn bà cũng đã vài lần suýt gần đất xa trời.
Bà là một bà già hết sức bình thường, sống một mình ở một thị trấn nhỏ xíu ở Canada, nơi sóc đông hơn người. Nhưng ở nhiều khía cạnh, bà là một con người hết sức phi thường.
Cả đời bà làm giáo viên, dạy trẻ con cấp 1. Bà không sinh con, chỉ nuôi hai người con gái của chồng từ cuộc hôn nhân trước (người vợ đầu của chồng bà mất sớm). Bà có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, hai người con gái coi bà như mẹ ruột, nhưng lấy chồng chưa được 20 năm, thì chồng bà qua đời. Phần lớn thời gian của cuộc đời, bà sống một mình.
Tình bạn vong niên giữa mình và bà hết sức đơn giản. Bà có một thú vui mà nhiều người sống cả đời ở một thị trấn thưa dân và ít sự đa dạng về văn hóa thấy vô cùng khó hiểu. Bà thích mời bọn nhóc sinh viên quốc tế đến từ mọi nơi trên thế giới đến nhà mình. Bà sẽ trải khăn thật đẹp, mang ra những bộ ấm chén bằng sứ tinh xảo. Khi còn khỏe, bà sẽ tự tay nướng những mẻ bánh quy thơm phức. Rồi bọn nhóc đến căn nhà được bày biện cực kì tao nhã và duyên dáng của bà, ríu rít như một bầy chim non, uống trà, ăn bánh. Mình, dĩ nhiên, là một trong những đứa sinh viên may mắn được gặp bà và càng may hơn, được bà mời đến nhà nhiều lần.
Có lần, bà kể với mình. Có người hỏi bà, bà nói những chuyện gì với những đứa trẻ chỉ bằng tuổi cháu chắt mình, hoàn toàn xa lạ, lắm đứa còn ấp úng chẳng nghe hiểu mà cũng chẳng nói được lõm bõm vài câu tiếng Anh. Bà bảo, thì tôi hỏi bọn nó về gia đình, bạn bè, trường lớp, rồi sở thích. Rồi tôi lại kể cho bọn nó về gia đình, bạn bè, cuộc sống của tôi. Những cuộc trò chuyện bình thường như cân đường thôi, ai chẳng thích nói về những chủ đề như vậy. Đấy, bà rất bình thường, mà cũng rất phi thường, vì điều bà thấy chẳng có gì phải xoắn, chính là nguyên lý cơ bản nhất của việc nhìn người khác vượt qua tất cả những lằn ranh về mặt xã hội. Bà không nhìn thấy sự khác biệt, về tuổi tác, về ngôn ngữ, về văn hóa hay trình độ, bà nhìn thấy những điểm chung, rằng chúng ta đều là con người.
Bà nói, có những người trẻ đến cười vang nhà, bà rất vui. Mình hay nghĩ rằng, mối quan hệ giữa mình với bà quả là một chiều. Bà thì cho, cho mình ăn, cho mình uống, cho mình một cảm giác ấm áp không bút nào tả xiết. Bà là một bà già rất có gu. Vào nhà, lúc nào cũng sạch bong, từng thiên thần trang trí nho nhỏ chẳng có tí bụi nào, và bà thường mở những bản nhạc không lời rất dễ chịu làm nền cho những cuộc trò chuyện. Hồi đấy, là một đứa sinh viên quốc tế lơ ngơ không người thân, không người quen, cũng chẳng biết làm sao để chơi thân với một đứa sinh viên bản địa, nếu không phải là bà, thì mình chẳng thể có cơ hội được bước chân vào một ngôi nhà của người dân địa phương đáng yêu và xinh đẹp như thế. Những buổi chiều ngồi uống trà trong căn phòng lát kính của bà, trong tiếng nhạc dìu dịu, và được nói bô lô ba la mà không sợ bị cười vì tiếng Anh ngọng nghịu, được kể về những nỗi uất ức bực dọc ngớ ngẩn của một đứa trẻ sống chưa hết thập kỉ thứ hai của cuộc đời, mà không hề bị cắt lời, và được cảm thấy như những băn khoăn của mình rất quan trọng, rất đáng được lắng nghe, mình đã thấy yên bình lắm.
Và mình không phải là người duy nhất bà đối xử tốt như vậy. Bà kể, có lần đi xe buýt, bà gặp một cô bé, cũng là sinh viên quốc tế mới sang, bà bảo lên xe bà chở luôn về nhà cho ăn cho uống. Có một anh người Campuchia, hầu như chẳng biết tí tiếng Anh nào, bà bảo đến nhà hàng tuần, bà kiên nhẫn sửa từng lỗi phát âm, uốn nắn từng câu nói. Anh này về sau khá hơn, xin đi học nghề hàn, rồi đi làm có thu nhập ổn định, lấy vợ sinh con, chuyển đi nơi khác sống, mà có dịp là về thăm bà. Vợ anh ấy nghe chồng kể những ngày hàn vi, tự động gọi bà là mẹ. Có một đứa sinh viên khác, muốn nộp đơn xin định cư mà trong tài khoản không có đủ tiền để chứng minh với chính phủ, bà cho vay. Bà bảo, tiền để trong ngân hàng của cháu thì cũng như trong ngân hàng của bà thôi. Còn mình, hồi học xong đại học, đến chia tay bà để về nước, bà vét hết tiền mặt có trong nhà, cả tiền chẵn đến vài xu tiền lẻ, dúi hết vào tay mình, bảo là “để đi đường có nhỡ nhàng gì”. Việc cho tiền nhau là một điều rất lạ lùng với những người Canada thân thiện nhưng xa cách. Hồi đó, mình cũng là trẻ con lon ton thôi, nhưng cũng thắc mắc rằng, mình đã làm gì mà được cuộc đời ưu ái đến vậy.
Về sau này, mức độ tốt bụng của bà còn tăng lên nữa. Không chỉ mở cửa chào đón bọn nhóc đến nhà uống trà, ăn bánh, bà còn mở cửa cho những người cơ nhỡ vào sống cùng mình, không lấy tiền. Những lần thưa thớt lác đác mình gặp bà sau này, lúc thì bà kể đang có một bác trung niên người Columbia bị chồng đánh, bà cho ở nhờ miễn phí, rồi giới thiệu bạn bè cho bác đi lau nhà. Thời gian đầu, bà còn giúp bác mua cả những dụng cụ lau dọn để mang đến nhà người ta. Dần dà, bác làm tốt, có nhiều người giới thiệu cho nhau, bác mua được một chiếc xe ô tô cũ, rồi bác dành dụm đủ để ra thuê nhà ở riêng. Lần sau, bà kể đang cho một chị sinh viên học xong mà chưa xin được việc làm ở nhờ. Rồi lần gần nhất, bà đang cho một con bé, cũng mới xấp xỉ 20, mà có bầu rồi bị người yêu ruồng rẫy, giờ vừa đi học, vừa nuôi con, ở với bà không phải trả tiền thuê nhà, bà còn chẳng bắt đóng tiền điện nước.
Bà kể với mình, bà may mắn vì có được ngôi nhà thế này, nên bà nghĩ đấy là ân phước của Chúa, thì giờ bà phải biến thành ngôi nhà của Chúa. Bà mở cửa cưu mang những người đang trong giai đoạn khó khăn, cho đến khi nào họ đủ vững vàng để không cần nhờ đến bà nữa. Bà chẳng cần ai trả ơn, chỉ vui vẻ làm điều bà nghĩ là được Chúa trao phận sự cho mình.
Lần này đến thăm bà, mình dẫn theo cả chồng, con gái và mẹ. Cả nhà mình được bà chuẩn bị cho hai căn phòng xinh xắn, đến từng cái gối dựa. Con gái mình được đẩy xe búp bê mà bà đã đẩy hồi bà còn bé. Giờ bà đã yếu đi nhiều, phổi đã bị phẫu thuật gọt bớt mấy lần vì ung thư, đi vài bước lại phải dừng lại thở, nhưng bà vẫn tự tay chuẩn bị bữa tối cho mọi người. Mình viết thư kể với bà, việc đưa mẹ mình đến gặp bà đối với mình rất quan trọng, vì bà là một phần cực kì lớn trong những năm tháng sinh viên xa nhà đầu tiên của mình ở Canada. Bà là đại diện cho những gì mình yêu quý ở Canada, cho những điều tốt đẹp nhất. Vì thế, việc mẹ mình được gặp bà đối với mình như một vòng tròn được hoàn tất, được trọn vẹn và đủ đầy.
Mình viết thư cho bà, rằng bà đã chạm đến cuộc đời mình, và cuộc đời của những người cách nữa, theo một cách vô cùng đặc biệt. Nhẹ nhàng nhưng đầy tình yêu. Bà làm những gì có thể. Đã 12 năm kể từ ngày mình gặp bà lần đầu, năm nào bà cũng gửi thiếp điện tử cho mình vào những dịp quan trọng như Lễ tạ ơn, Lễ phục sinh và Giáng sinh. Và lần gần nhất gặp nhau, bà tiết lộ cho mình một bí mật làm mình muốn sụm đầu gối. Bao nhiêu năm qua, tuần nào bà cũng cầu nguyện cho mình. Bà bảo, cháu là vào thứ 2. Bà lại cười rất hiền, như thể chuyện đấy chẳng có gì mà to tát. Ừ, bà có một danh sách chứ, những người thân trong gia đình và bạn bè mà bà cầu nguyện cho, mà cháu là thứ 2 hàng tuần.
Những người Canada như bà, có lẽ là nguồn cảm hứng vô tận cho cô Hương của mình. Chương trình Học Bổng Gạo có sự ủng hộ của hai bà cụ, năm nào cũng miệt mài đan hàng ngàn cái mũ len, rồi tìm cách gửi sang Việt Nam mấy bao tải to ự, đủ các loại kích cỡ và màu sắc, để cô đem tặng cho học sinh nghèo miền núi ở Lào Cai, Sơn La, Điện Biên. Chính những bà cụ bình thường mà phi thường như thế, đã là động lực để cô mình cống hiến đến tận những giây phút cuối cùng khi cô còn có thể điều khiển cơ thể mình, để trả lời email, để rà soát lại từng khoản đóng góp, để sắp xếp những chi tiết hậu cần mà cô còn lo.
Bà bạn vong niên của mình, cũng chỉ nghe mình kể về Học Bổng Gạo, mà lần nào gặp cũng đưa mình một cái séc để quyên góp.
Chính những người như bà, làm mình nhận ra rằng, cách để đem lại thay đổi hiệu quả nhất, là ở một chỗ, làm đi làm lại những việc nhỏ mà mình có thể, trong một thời gian rất dài.
Không phải những dự án to tát với ngân sách hàng triệu đô, không phải những chiến dịch truyền thông bóng bẩy rầm rộ, không phải những điều bay bướm đẹp đẽ người ta vẫn nói, mà chỉ là những tách trà, những cuộc trò chuyện mà mình không phải gồng lên để tỏ ra thú vị, cũng không phải lo lắng đã mình đã nói điều gì ngớ ngẩn, mới là những thứ để lại tác động lâu dài nhất.
Lần đi dự lễ nhập quốc tịch Canada của chị bạn, mình nhớ mãi lời dặn dò của ông thẩm phán chủ trì nghi lễ. “Giờ đã là công dân Canada, tôi mong các bạn sẽ làm ba điều. Tuân thủ pháp luật, đóng thuế, và làm tình nguyện trong cộng đồng của các bạn”. Đó là tất cả những gì Canada mong muốn ở công dân của mình. Không cần đao to búa lớn gì về lòng yêu nước, không cần đổ máu hay hi sinh cho ai, chỉ cần làm đúng bổn phận, và hãy đóng góp theo sức của mình, trong chính cộng đồng của mình.
Hãy cứ ở một chỗ, làm đi làm lại những điều nho nhỏ cho người khác trong khả năng của bản thân, thật bền bỉ, thật lâu, như thế chính là yêu nước.
Leave a Reply