Ngày 12 tháng 12 năm 2007
Cô Hương viết email cho tôi
Bống ơi,
Lâu rồi cô không viết thư cho con, tuy nhiên vẫn thường xuyên được cả nhà update tình hình của con. Ngoài ra, thỉnh thoảng cô cũng vào blog của con để xem nên vẫn cũng nắm được hết mọi thông tin về con. Thỉnh thoảng con có gọi điện thoại cho bác Tiến không. Hình như bác ấy vẫn chưa về Việt Nam thì phải. Cô nghe cả nhà nói là đến 17 này con được nghỉ lễ thì sẽ lên nhà bác An ở phải không? Con thấy mùa đông bên ấy kinh khủng không? Mà con có bị ngứa vì khô da không? Hồi cô ở bên ấy, cô bị ngứa kinh khủng, bôi body lotion mà cũng không đỡ mấy. Con đã thi hết học kỳ chưa? Cô tin là con sẽ có kết quả học tập tốt.
Chú Tuệ vẫn ở Braxin, 2 tuần nữa mới về. Ở nhà các em sắp thi học kỳ 1 rồi. Chẳng mấy là Tết đến nơi rồi.
_____________________
Ngồi lục lại email của hai cô cháu trong 10 năm, nước mắt chảy ra không thể đừng được.
Hồi tôi học cấp 2, khoảng lớp 7 lớp 8, bắt đầu manh nha một chút yêu thích với môn tiếng Anh. Một hôm, ông nội tự nhiên gọi tôi ra riêng một chỗ, mở tủ lấy ra một bọc tiền, bảo là cô Hương đưa cho ông, để cho Bống đi đăng kí học tiếng Anh.
Tôi không hề xin cô tiền học. Cũng không nhớ là có nói với cô khi nào là mình muốn đi học tiếng Anh hay không. Hồi đó, bố mẹ tôi chỉ cho tiền học ở trường, học thêm bất kì cái gì khác đều là một sự xa xỉ. Tôi không biết cô để ý từ lúc nào, hay làm sao biết được tôi muốn học.
Nhưng trẻ con thì cũng không thắc mắc nhiều. Tôi vui vẻ cầm chỗ tiền ông đưa cho, đi đăng kí khóa học ở trung tâm Apollo, ở thời điểm đó là một trong những trung tâm đắt nhất, xịn nhất, có giáo viên bản xứ bài bản nhất. Những giờ học ở Apollo từ tiền cô cho là những giây phút đầu tiên tôi được nói chuyện với những người Tây thứ thiệt. Viên gạch cô đặt đó, về sau dẫn tôi đến ngày mà tôi được hạ bút chấm bài cho những sinh viên người Canada nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ.
Cô luôn như thế. Luôn âm thầm quan tâm, và giúp đỡ người khác rất thiết thực, mà chẳng mong nhận lại một lời cảm ơn hay sự đền đáp nào.
Nhà tôi rất hay được “hưởng ké” những món quà quê người ta biếu cô. Cô là cán bộ phát triển của đại sứ quán Canada, hiểu nôm na là người tham gia vào khâu quản lý, điều phối những đồng tiền tài trợ sẽ đi về đâu, dùng vào việc gì, đề xuất dự án của tỉnh này tỉnh kia có được phê duyệt hay không. Tức là một vị trí rất dễ được hối lộ. Nhưng thỉnh thoảng, tôi lại nghe cô kể chuyện các đối tác địa phương đuổi theo vứt gạo, vứt hoa quả vào xe, vì cô nhất quyết không nhận quà gì của họ.
Cả đời cô không nhuộm tóc, không uốn tóc, trung thành với một kiểu đầu tóc ngang vai mái ngang lông mày duy nhất. Ngay cả khi đã ở một chức vụ mà tôi được nghe kể rằng từ trước đến nay chỉ có người Canada, chứ chưa có người Việt nào đảm nhiệm, cô vẫn trung thành với con xe Dream cũ kĩ.
Lần đầu tiên tôi sang Canada, người đón tôi là bác Tiến, bạn của cô. Tôi không hề quen biết bác, cũng không biết bác Tiến quen với cô mình như thế nào, nhưng bác đã đối xử với tôi rất tốt. Bác đón tôi ở sân bay, đưa về tận trường cách sân bay hơn 2 tiếng lái xe, rồi một thời gian sau còn mời tôi đến nhà chơi mấy ngày cho đỡ buồn. Về sau này, tôi còn gặp gỡ vài người khác là đồng nghiệp cũ của cô, giờ sống ở Canada. Ai cũng giúp đỡ tôi hết lòng, vì họ yêu quý cô.
Năm 2010, cô được sang Canada tập huấn ngắn ngày. Tôi nhảy xe buýt ngồi 7 tiếng đến khách sạn cô ở. Sáng hôm sau, ông sếp cũ của cô mời cả hai cô cháu đi ăn sáng tại một khách sạn rất xịn. Ông đã già, hai người gặp lại nhau mừng rỡ như hai người bạn lâu ngày xa cách. Cô thì kể với tôi rằng, ông là sếp nhưng mỗi lần nhờ nhân viên việc gì ông ghi ra giấy xong thường đặt cùng một viên kẹo. Ông thì nhìn tôi, một đứa sinh viên ngơ ngác, lúc đó nói tiếng Anh vẫn còn nhiều chỗ líu lưỡi, trìu mến bảo “Cô của cháu là một người phụ nữ xuất chúng đấy. Lúc ông phỏng vấn cô cháu xong là ông đã tự nhủ ‘phải thuê cô này ngay’ rồi”.
Càng nghe và đọc những gì mọi người nói với cô hay nói về cô, tôi càng thấy “ồ, hóa ra cô mình xịn phết”. Phải sống như thế nào, thì mới được yêu quý đến như vậy. Một đồng nghiệp người Canada của cô, âu yếm gọi cô là “Nữ hoàng của Simacai”, vì cô làm việc với phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số các vùng miền núi quá nhiều và quá lâu, nên thông thạo hết đường đi lối lại, dù ngoằn ngoèo hay trắc trở đến mấy. Một ông sếp khác của cô, còn ghé nhà cụ tôi (tức bà ngoại cô) trên đường công tác, và khi biết tin cụ tôi mất, ông rất đúng chuẩn phong tục Việt Nam, gửi tiền phúng viếng. Phải sống thế nào, thì người ta mới đối với mình như vậy?
Lục lại đống email, tôi ngỡ ngàng nhận ra mình đã quên quá nhiều thứ. Những tháng ngày mới ra trường, đi xin việc, tôi gửi thư cho cô trình bày tường tận về mọi diễn biến về các cuộc phỏng vấn, về những nỗi khổ của tôi khi phải đi làm, rồi xin ý kiến cô nên chọn làm ở đâu. Dĩ nhiên, cô luôn luôn trả lời tôi, với những phân tích từ một người giàu kinh nghiệm, và luôn động viên tôi làm điều mình thích. Như đoạn này là một ví dụ:
Cần kiên nhẫn cũng như chịu vất vả hơn thời gian đầu để mình có kinh nghiệm đã con ạ. Ngày xưa cô sau khi rời chỗ Trung tâm Nấm, cô cũng xin đủ mọi nơi, kể cả đã từng thi tuyển vào Công ty Vệ Sinh Hà Nội (bây giờ đổi tên lịch sự hơn là Công ty Môi trường Đô thị) mà còn không được nhận vào làm 🙁
_____________________
Ngày 5 tháng 9 năm 2011, tôi đã viết cho cô thế này:
Bỗng nhiên đọc lại email này con muốn cảm ơn cô về tất cả sự ủng hộ từ trước đến nay, và tất nhiên cả sau này nữa.
Những điều nhỏ như email này, hay những điều lớn hơn như tiền học tiếng Anh ngày xưa cô cho, và những sự giúp đỡ lúc này lúc khác, như việc cô giới thiệu cho con dịch chỗ cô Nhung chẳng hạn.
Những quyết định quan trọng như việc đi du học, hay công việc, trong khi mọi người trong gia đình phản đối thì cô luôn đứng về phía con. Hoặc là khi con do dự không biết làm gì, chọn cái nào mới đúng, thì cô luôn khuyên con làm những điều phù hợp với tính cách của mình, và con thường không phải hối hận vì những quyết định nghe theo lời cô khuyên.
_____________________
Đọc lại, tôi mới thấy cô không chỉ là một người tôi tìm đến để xin lời khuyên, mà còn là nguồn trợ giúp, là nơi để bấu víu vững vàng. Trong gia đình, có lẽ cô là người gần nhất với những điều tôi quan tâm về mặt chuyên môn hay xã hội. Bố mẹ tôi chỉ là những người buôn bán nhỏ, hoàn toàn không biết gì về những thứ tôi làm, và cũng không có mối quan hệ nào để giúp đỡ.
Trong 10 năm, kể từ khi tôi học đại học, cô đã luôn là cây đa cây đề tỏa bóng mát cho tôi. Hồi năm thứ 2 đại học, tôi và nhóm bạn người Việt ở trường tự thuê xe đi chơi xa, cô cũng email khắp nơi hỏi thông tin chỗ ăn chỗ chơi giúp. Lúc năm 3, tôi về nghỉ hề và muốn tìm chỗ thực tập, cô hỏi giúp những chỗ quen, còn sắp xếp cho tôi gặp bác giám đốc của một tổ chức làm về phụ nữ mà cô rất thân. Thậm chí, khi mới chân ướt chân ráo bước vào công việc đầu tiên, được giao nhiệm vụ tìm một người nước ngoài để làm một show kiểu truyền hình thực tế, tôi cũng hỏi cô lục tìm trong các mối quan hệ của mình.
Sau này, làm luận văn thạc sĩ, tôi cần phỏng vấn các tổ chức phi chính phủ, cô cũng sửa bản dịch thư giới thiệu giúp. Có đứa bạn tôi lúc đó tổ chức sự kiện trong Sài Gòn, tìm người am hiểu về các vấn đề xã hội để hiệu đính bài nói chuyện của diễn giả, làm không công, cô cũng đồng ý nhận. Cô cho tôi dịch tài liệu dự án ở cơ quan cô, rồi lại phải kì cụi ngồi sửa. Cô dặn dò tôi từng chút, từ chuyện người ta gửi cho mình thì phải email lại xác nhận ngay, rồi cuối thư phải có câu cảm ơn. Tôi không biết có bao giờ cô từ chối sự thỉnh cầu giúp đỡ của ai chưa.
Có lẽ quá nửa số email giữa hai cô cháu liên quan đến chương trình Học bổng Gạo. Đầu năm 2011, cô viết cho tôi thế này:
Cô vừa đi trao học bổng ở Điện Biên về chiều qua. Chuyến đi khá vất vả vì thời gian gấp mà mình lại chọn các huyện ở xa trung tâm. Lần này giúp thêm được cho 142 cháu nữa. Cô rất mừng vì ngày càng có thêm nhiều người tham gia, con ạ. Như vậy là trong năm học này bọn cô đã giúp được cho 312 cháu với số tiền là 250 triệu đồng. Vượt hơn gấp đôi so với kế hoạch đề ra. Tháng 5 con về rồi cô cháu mình sẽ bàn việc lập trang Web cho Chương trình nhé.
_____________________
Cô là người sáng lập ra chương trình này. Trong một chuyến đi công tác đến một trường dân tộc nội trú, cô gặp những đứa trẻ mặc áo của thầy, dài đến đầu gối, ăn cơm chan nước lã và ngủ trong những mái nhà lụp xụp. Về Hà Nội, cô vận động các đồng nghiệp của mình mỗi tháng trích ra một khoản nhỏ trong tiền lương để mua gạo gửi cho các cháu. Rồi tranh thủ những chuyến công tác, cô trao số tiền đó đến tay các em học sinh. Suốt nhiều năm, hoạt động này chỉ dừng ở phạm vi những người quen biết nhau.
Góp gió thành bão, đến khoảng năm 2009 hay 2010, số người tham gia đóng góp tăng vọt. Cô luôn giữ vững nguyên tắc minh bạch, từng khoản chi ra đều ghi chép và báo cáo đầy đủ. Tất cả số tiền quyên góp được đều đến tay các cháu học sinh. Tiền đi lại để trao học bổng thì ai đi tự bỏ tiền, vận chuyển đồ lên núi thì có công ty tài trợ. Mọi người hay gọi trêu cô là “Chủ tịch”, nhưng cô chỉ tự nhận mình là “Điều phối viên”.
Tôi vẫn nhớ lần xem cô xếp áo phao để đóng vào tải chuẩn bị cho một chuyến trao học bổng, và tôi lờ mờ hình dung được số lượng công việc khổng lồ để quản lý và điều phối số tiền quyên góp được, ở thời điểm đó là năm 2013, lên đến hơn 1 tỉ cho 1 năm. Xếp áo phải chia theo độ tuổi, theo điểm trường, theo huyện, chỗ nào đi sau thì để xuống dưới, đi trước để lên trên. Rồi mua văn phòng phẩm để xếp túi quà. Chỉ riêng việc viết thư xác nhận đã nhận được tiền nhà tài trợ gửi vào tài khoản cũng tốn biết bao thời gian. Mỗi cháu học sinh khi nhận học bổng lại được chụp ảnh, vì cô kiên quyết muốn đảm bảo tính minh bạch, rồi khi về, phải ghép ảnh đó với đúng bức thư mà cháu đã viết, dịch thư ra tiếng Anh nếu nhà tài trợ là người nước ngoài, rồi gửi tất cả những thông tin đó cho nhà tài trợ.
Rồi còn báo cáo chi tiết về từng khoản thu chi, họp bàn lên kế hoạch. Rồi in ấn, liên hệ với địa phương để tổ chức trao học bổng. Rồi viết bài, đưa bài lên website. Rồi lọc danh sách học sinh đề xuất nhận học bổng dưới địa phương đưa lên. Mọi người trong nhóm đều kêu cô ôm đồm quá, sợ cô bị quá sức.
Dĩ nhiên, sau này cô có nhiều người giúp. Nhưng khối lượng công việc mà cô làm vẫn vô cùng khủng khiếp. Tất cả những việc đó cô làm vào ngày nghỉ, vào buổi tối, cuối tuần. Không hề có lương, và cô cũng không mong được ai công nhận.
Hồi đó, cô hay nói khi nào về hưu, sẽ cân nhắc việc đưa Học bổng Gạo thành một tổ chức quy củ đàng hoàng. Nhưng cô vẫn luôn nói rằng, khoản tiền mình tặng cho mỗi em thật ra chẳng thấm vào đâu, chỉ để động viên các em thôi, để các em biết rằng những nỗ lực của các em có người biết đến, và có người cổ vũ các em tiếp tục con đường học hành.
Cô là ví dụ gần gũi và tuyệt vời nhất mà tôi có về người làm công tác phát triển mà gắn chặt với cộng đồng. Bao nhiêu năm lăn lộn ở các điểm trường dân tộc nội trú, cô có vô vàn câu chuyện rớt nước mắt để kể về các em học sinh miền núi và các thầy cô. Phụ trách về mảng giới trong các dự án, cô thuộc hết tên, thậm chí cả hoàn cảnh gia đình của các cán bộ phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, mỗi lần gặp nhau í ới như chị em một nhà. Dù làm từ thiện với tư cách cá nhân hay hỗ trợ địa phương trong vai trò chuyên môn, cô đều làm việc với lòng từ tâm và sự khiêm tốn, không bao giờ với vị thế của kẻ ban ơn.
Email cuối cùng cô gửi cho tôi là ngày 16 tháng 9 năm 2018. Lúc đấy cô đã trải qua vài lần thập tử nhất sinh, đã xạ trị, truyền hóa chất, lọc máu, ghép tế bào. Cô vẫn để tâm đến mọi thứ, và hỏi “cả nhà bao giờ về Việt Nam?” Ngày 29 tháng 11 năm 2017, trên giường bệnh, cô vẫn soạn một lá thư rất dài bằng tiếng Anh kêu gọi quyên góp cho Học bổng Gạo.
Không biết gần hai chục năm qua, những viên gạch cô không mệt mỏi đặt nền móng cho hàng ngàn em nhỏ, sẽ dẫn các em đến đâu? Không biết có bao nhiêu người, sẽ đi được xa và bay được cao nhờ sự nâng đỡ của cô, đến những nơi mà ở điểm xuất phát họ không thể ngờ tới.
Giống như tôi.
Cuộc đời cô là minh chứng xuất sắc cho nguyên tắc “muốn thay đổi điều gì, thì cứ bền bỉ, làm từng chút từng chút, ngay trong chính cộng đồng của mình”.
Cô đã chạm đến biết bao nhiêu cuộc đời. Di sản của cô, sẽ còn lan tỏa rất xa và rất lâu nữa.
Ngày mai, người thân và bạn bè sẽ tạm biệt cô lần cuối. Nhưng tôi nghĩ, ngày mai cũng nên là một ngày để tôn vinh cô và những điều cô đã làm trong những tháng ngày cô có trên trái đất này.
Cô đã sống một cuộc đời rất rực rỡ.
Let us celebrate your life, my dearest Auntie.
Leave a Reply